Đại chiến Liverpool - Man Utd

Tìm lại hào quang xưa

Chủ Nhật, 15/10/2017, 19:33
Đây chắc chắn vẫn là trận đấu được quan tâm bậc nhất “xứ sương mù”, đúng như tên gọi “Siêu kinh điển nước Anh” mà giới mộ điệu ví von. Liverpool và Man Utd, hai đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh, gặp nhau trong trận đấu sớm nhất vòng 8 Premier League vào tối thứ bảy tuần này.

Vì sao là "kinh điển"?

Khác với những trận derby (dựa theo kết cấu địa lý, vùng miền của các đội bóng), trận “kinh điển” ở mỗi quốc gia là màn so tài giữa hai CLB mạnh nhất, hai CLB cạnh tranh trực tiếp tới ngôi vô địch. Ở Tây Ban Nha có El Clasico (Real và Barca), ở Đức có Der Klassiker (Bayern và Dortmund), ở Pháp có Le Classique (PSG và Marseille), ở Argentina có Superclasico (River Plate và Boca Juniors).

Bóng đá Anh có đôi chút khác biệt. Nhờ chiến lược quảng bá hình ảnh kèm theo khoản lợi nhuận khổng lồ, ở Anh có tới năm bảy đội cạnh tranh chức vô địch mỗi năm. Vì thế, rất khó để chọn ra đâu là trận “kinh điển” ở giải Ngoại hạng.

Trận cầu siêu kinh điển nước Anh sẽ diễn ra vào thứ bảy tuần này.

Để đảm bảo tính tổng quát, người hâm mộ đã mặc định cặp đấu giữa Man Utd và Liverpool - hai đội bóng giàu truyền thống nhất nơi đây là “siêu kinh điển” của Premier League. Trận El Clasico làng túc cầu “xứ sương mù” ra đời từ đó.

Không một đại diện nào sở hữu lực lượng CĐV hùng hậu và đông đảo như Liverpool và Man Utd. Nếu Liverpool là hiện thân sự thịnh vượng của bóng đá Anh trong hai thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, thì Man Utd là lá cờ đầu của quốc gia khai sinh ra môn thể thao vua từ thời khắc chuyển giao thế kỷ. Hai CLB đã chia sẻ tổng cộng 38 chức vô địch quốc gia, tiêu khoảng 2,4 tỷ bảng trong 10 năm trở lại đây và có văn phòng đại diện ở 5 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Bầu không khí giữa hội CĐV hai đội cũng đầy màu sắc thù địch. Năm ngoái, khi Liverpool tới làm khách trên sân Old Trafford, các CĐV “Quỷ đỏ” Manchester đã chiếm toàn bộ khu vực fanzone trước cổng sân, buộc hơn 4.000 khán giả đi từ Merseyside tới Manchester phải dạt ra các địa điểm xem bóng đá công cộng khác.

Tuy nhiên, luôn tồn tại những cử chỉ nghĩa hiệp, đúng tinh thần thể thao trước những biến cố lớn giữa hai bên. Năm 1958, sau khi thảm họa máy bay Munich cướp đi sinh mạng của 7 cầu thủ Man Utd, hơn 80 CĐV của Liverpool là những người đầu tiên có mặt ở nhà tang lễ để chia buồn với những nạn nhân xấu số. Mùa 1971/1972, vì bị cấm thi đấu tại Old Trafford 2 trận liên tiếp nên Man Utd đã chơi hai trận sân nhà đầu mùa tại Anfield dưới sự cho phép của BLĐ Liverpool và CĐV đội bóng này.

Những giá trị bị đánh mất

Cụm từ “giàu truyền thống nhất” rất dễ đánh lừa cảm giác của người xem, nhất là với những ai ít quan tâm tới bóng đá. Bởi dù là những CLB gặt hái được nhiều thành công nhưng cả Man Utd và Liverpool đã không còn giữ được sức mạnh vốn có của mình. Thậm chí, hai đội bóng này cũng chẳng mấy khi ở cùng một vị thế suốt 20 năm qua để tạo ra một trận “kinh điển” đúng nghĩa. Họ giống như hai đường thẳng song song, người kia thăng hoa thì kẻ kia trồi sụt và ngược lại.

Trong 38 chức vô địch quốc gia của hai đội, chỉ 5 lần chứng kiến Man Utd và Liverpool đứng ở hai vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng. Nhìn sang La Liga, Real và Barca đã thay nhau nắm giữ thứ hạng ấy tới 8 lần chỉ trong một thập kỷ trở lại đây.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Man Utd và Liverpool cũng mới gặp nhau 2 lần ở trận chung kết FA Cup - giải đấu lâu đời nhất hành tinh. Tại đấu trường châu lục, Man Utd và Liverpool chưa bao giờ chạm mặt. Dường như, số mệnh của họ không dành cho nhau (trái hẳn với quy luật sinh tồn của những đối thủ không đội trời chung) vì trong giai đoạn 2004-2010, Man Utd đã gặp Chelsea và Arsenal tới 2 lần ở sân chơi Champions League.

Lần cuối cùng Liverpool đăng quang là vào mùa 1989/1990. Từ đấy cho tới mùa 2012/2013, Man Utd đã lên ngôi tới 13 lần. Mùa 2013/2014, khi Man Utd mất suất dự cúp châu Âu lần đầu tiên sau 19 năm thì Liverpool suýt chút nữa giành được ngai vàng sau 24 năm mòn mỏi.

Hai HLV Jurgen Klopp và Jose Mourinho.

Kể từ năm 2014, Liverpool và Man Utd đã trải qua những cuộc thay máu trên diện rộng. Phải tới mùa này, hai đội mới cùng giành quyền dự Champions League. Trong khi Liverpool vẫn chật vật trên con đường đi tìm bản sắc với Jurgen Klopp, thì Man Utd chỉ vừa nhìn thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên ở năm thứ hai của Jose Mourinho. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo đó sẽ là thành công lâu dài, bởi mùa giải còn chưa đi qua 1/4 chặng đường.

Mourinho đã chia sẻ trên Telegraph, với ông, trận gặp Liverpool chỉ là một trong 38 trận đấu của Man Utd ở giải Ngoại hạng. “Không có quá nhiều khác biệt với các trận đấu khác. Tôi vẫn sẽ ra sân tập và huấn luyện các cầu thủ như mọi tuần”, Mourinho cho biết.

Đi tìm ánh hào quang

Tất nhiên, những trận bóng được gọi là “kinh điển” trên cõi toàn cầu không bao giờ gói gọn trong 90 phút. Đó là cơ hội để nói lên sự đối lập của hai cực từ mọi khía cạnh của xã hội: văn hóa, âm nhạc, kinh tế… Hẳn phải có lý do ngoài lề để khán giả gọi Man Utd-Liverpool bằng cái tên “kinh điển”.

Thập niên 60 thế kỷ trước đánh dấu sự phát triển vĩ đại của âm nhạc tại Liverpool. Đây là quê hương của rất nhiều ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng như Cilla Black, Frankie Vaughn, Gerry và đỉnh cao là The Beatles - nhóm nhạc bất tử trong lòng người nghe.

Đến những năm 80, Manchester lại nổi lên như trung tâm âm nhạc khắp châu Âu. The Stone Roses, Happy Mondays, Joy Division và Oasis lần lượt xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với hàng loạt ca khúc đình đám, rất nhiều trong số đó trở nên quen thuộc với thính giả Việt Nam trong thập niên 90 như Supersonic hay Stand by Me.

Sự tương phản giữa hai thành phố còn thể hiện rất rõ ở điện ảnh. Sitcom - thể loại kịch tình huống dài tập bắt đầu nở rộ và trở thành cảm hứng mới cho các nhà làm phim từ cuối năm 1989.

Khi ấy, Manchester là đơn vị tiên phong với tác phẩm Royale Family tạo được tiếng vang lớn. Nhưng rất nhanh, chỉ hai năm sau Liverpool quyết định lấn sân bằng việc chào hàng Jimmy Tarbuck, Ken Dodd và mới nhất là John Bishop - diễn viên xuất sắc nhất của Anh trong lĩnh vực Sitcom hiện nay.

Các trận đấu giữa Liverpool và Man Utd thường diễn ra hết sức căng thẳng.

Hoàn cảnh của Man Utd và Liverpool không cho phép họ tạo ra một trận đấu kinh điển thuần túy về mặt chuyên môn. Chỉ riêng mặt nhân sự, Man Utd sẽ không có sự phục vụ của hai quân bài chủ chốt ở tuyến giữa là Fellaini và Pogba vì chấn thương. Ở chiều ngược lại, Klopp đang đau đầu giải quyết bài toán cánh trái, nơi Sadio Mane sẽ ngồi ngoài trong 6 tuần lễ tiếp theo. Thế nên, chừng nào còn được gán cho cái tên “kinh điển” thì ắt hẳn, cặp đấu này là dịp để Man Utd và Liverpool phô trương những giá trị kinh điển của hai thành phố về truyền thống, lịch sử và văn hóa.

Và dĩ nhiên, đấy là cơ hội cuối cùng để Man Utd và Liverpool cứu vãn cái tên “kinh điển” sắp đi vào dĩ vãng trước sự xâm lăng của những thế lực hùng mạnh như Man City, Chelsea và thậm chí là cả Tottenham.

Hai lối của một con đường

Jose Mourinho đến Man Utd với một sứ mệnh hoàn toàn khác. Trước đây, ở những nơi đi qua, ông thường bắt đầu công việc ở một đống đổ nát và sau đó đưa tập thể ấy vào khuôn khổ, đi đến chiến thắng. Khi Mourinho tới Porto, đó còn là một CLB vô danh tiểu tốt. Ông đến Inter khi Chủ tịch Moratti tuyệt vọng trong các ý tưởng dở dang, đến Real khi đội bóng hoàng gia chịu cái bóng quá lớn của Barca và tới Chelsea (nhiệm kỳ 2) trong bối cảnh đội bóng đang trải qua cuộc chuyển giao thế hệ.

Nhưng khi Mourinho tới Man Utd, câu chuyện đã rẽ sang hướng khác: Đó là đội bóng đã đổ hơn 320 triệu bảng vào hai mùa hè gần nhất, và dù cho họ đang vật lộn trong công cuộc tìm lại chính mình, thì cái tên Man Utd vẫn luôn là giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới. Mourinho sẽ không thể vừa đi vừa dò dẫm, tự làm mọi thứ theo ý ông muốn. Ông phải lắng nghe nhiều hơn, nói ít đi và nâng cao thành tích của đội bóng ấy.

Jurgen Klopp, trong khi đó, là những gì hoàn hảo nhất mà các nhà quản lý thể thao đường dài cần có. Ông đưa Mainz 5 từ chỗ chống xuống hạng lên tầm ngựa ô phá bĩnh, cùng Dortmund và triết lý cây nhà lá vườn vô địch Bundesliga hai lần liên tiếp. Chỉ có điều, khi chuyển công tác, Klopp tiếp tục đi theo lối mòn cũ: Làm việc ở một CLB cần tìm lại hào quang xưa.

Liverpool giống Dortmund ở nhiều điểm, nhưng nền tảng của Premier League và Bundesliga về cơ bản là khác nhau. Ở Anh, có tới 6 đội sẵn sàng cạnh tranh chức vô địch, trong khi ở Đức, đối trọng duy nhất của Dortmund là Bayern.

Nếu như Mourinho không được phép sai lầm ở một tập thể đã khẳng định vị thế, thì Klopp sẽ có nhiều thời gian và cơ hội sửa sai bởi Liverpool, không được hậu thuẫn tài chính như Man Utd.

Đơn Ca
.
.
.