Chuyển nhượng hè 2017

Tin tức giả: Môi trường cho những bóng ma trong bóng đá

Thứ Bảy, 29/07/2017, 11:14
Tin chuyển nhượng, một đặc sản của bóng đá, lại là thứ khó nắm bắt nhất trong thời điểm này. Bạn có thể biết mọi thông tin chuyển nhượng của đội bóng mình yêu thích, nhưng cũng có thể, chỉ là bạn... nghĩ là bạn biết. Sự thực và tin đồn, đôi khi chỉ nằm ở cảm giác của mỗi người.


Hãy cẩn thận với những gì bạn tin

Trong thời đại truyền thông làm chủ mọi thứ, thông tin là thứ được săn đón gắt gao. Đương nhiên, có thông tin thật thì cũng sẽ có thông tin giả. Trong bóng đá, thông tin giả thậm chí còn phổ biến hơn, và cũng chiều ý độc giả hơn.

Nghe tin đội bóng mình yêu thích chuẩn bị có một tân binh chất lượng, đặc biệt là sau 1 thất bại tồi tệ, là thứ thuốc thần cho các CĐV. Họ say mê, ngấu nghiến đọc và tự vui với bản thân. Kiểm chứng thông tin? Không phải việc của họ. Thực hiện thông tin? Lại là nghĩa vụ của đội bóng.

Vậy mới có chuyện Arsene Wenger than phiền rằng Arsenal liên hệ với hàng trăm cầu thủ mỗi mùa hè. Hay như Manchester United, ngay trước khi kỳ chuyển nhượng mở cửa, họ đã sẵn sàng mang về... 50 cầu thủ. Thực tế thì sao, mùa hè này Quỷ đỏ mới mang về Victor Lindelof và Romelu Lukaku.

Neymar bị đồn sang PSG với giá hơn 200 triệu euro.

Hãy nói qua về trường hợp của Lukaku. Đầu tháng này, một nguồn tin thân cận của Manchester United khẳng định đội bóng đồng ý trả cho Everton 75 triệu bảng cho trường hợp của tiền đạo người Bỉ. Ngay lập tức, nguồn tin từ Everton phủ nhận. Chelsea – một đội bóng khác cũng theo đuổi Lukaku, thậm chí còn tự tin sẽ sớm dứt điểm thương vụ này trong nay mai.

Đương nhiên, có thông tin là giả từ 3 nguồn này. Trường hợp cả 3 đều là giả cũng khả thi. “Sự thật” mà bạn chấp nhận phụ thuộc vào điều khiến bạn hài lòng nhất. Và ở đây, Manchester United có lượng CĐV hùng hậu nhất trong số 3 đội bóng. Số người tin Lukaku sắp cập bến Old Trafford cũng là nhiều nhất. Thật may mắn, thương vụ hoang đường này lại trở thành sự thật.

Hãy nói qua để thấy mức độ khó tin của thương vụ này. Trước khi kỳ chuyển nhượng hè năm nay mở cửa, chẳng có thông tin nào về việc Manchester United theo đuổi Lukaku. Còn với Chelsea, họ đi theo tiền đạo 24 tuổi như hình với bóng.

Những khoản tiền kỷ lục đã được đồn thổi, ngay đến số áo tại Stamford Bridge cũng được dọn sẵn cho Lukaku. Fan The Blues phấn khích trên mạng xã hội, vào hẳn trang chủ của Everton để... tri ân công dạy dỗ đứa con lưu lạc ngày nào. Cho đến trước ngày Quỷ đỏ thông báo, rất ít người dám tin bến đỗ mới của Lukaku không phải Chelsea.

Vậy mới nói, hãy cẩn thận với những gì mình tin! Sự lẫn lộn đến mức khó có thể rạch ròi thông tin giả và thông tin thật tạo môi trường thuận lợi cho “những bóng ma” trong câu chuyện dưới đây phát triển.

Sản phẩm của trí tưởng tượng

Declan Varley – một nhà báo người CH Ireland và là biên tập viên của The Galway Advertiser, đã nảy ra một ý tưởng táo bạo. Dưới văn phòng của Varley là bức tượng của Padraic O Conaire – người được coi là tiểu thuyết gia viễn tưởng đầu tiên viết bằng tiếng Ireland. Và đó có thể là nguồn cảm hứng để Varley tạo ra một nhân vật giả tưởng của chính mình.

Là một fan trung thành và cũng là một nhà báo, Varley đã nghiên cứu những tin chuyển nhượng về Arsenal hàng năm trời. Ông nhận ra dù tỉ mỉ đến từng ngóc ngách, mọi thứ được cho là “thật” nhất cuối cùng đều xây bằng cát. Arsenal đã từng đón Messi, Neymar, Cavani... trên mặt báo. Chẳng có gì đi trúng đích.

Quá chán nản, Varley quyết định làm một “thí nghiệm xã hội”. Mục đích của Varley là để kiểm chứng xem “một bóng ma” có thể đi được bao xa trong thế giới bóng đá hỗn loạn như ngày nay. Vậy là mùa hè 2008, Varley tạo ra một cầu thủ.

Đó là một tài năng 16 tuổi đầy hứa hẹn đến từ Moldova – một quốc gia đủ xa để câu chuyện giả tưởng của ông không sớm bị bại lộ. “Dù con lừa là vô dụng, nhưng chúng ta vẫn sẽ bán với giá cao nhất”, trích câu nói của tiểu thuyết gia O Conaire. Varley đặt tên nhân vật của mình là Masal Bugduv.

Varley xây dựng tính cách của Bugduv dựa trên Wayne Rooney. Đây là một chàng trai khỏe mạnh và dễ dàng hòa nhập với mọi đội bóng. Tuy nhiên, Varley không biến Bugduv thành một siêu nhân mà thay vào đó, sử dụng các tính chất của Rooney như chìa khóa. Ở đội bóng giả tưởng thuộc Moldova, Bugduv sẽ chơi trong vai trò hỗ trợ thay vì ghi bàn.

Varley lần đầu giới thiệu Bugduv đến thế giới thông qua các bảng tin khác nhau. Mỗi bài viết đều dựa trên phong cách của The Associated Press với những câu chuyện trực diện và đơn giản. Varley tạo ra một tờ báo Moldova giả tưởng với cái tên lấy từ tiếng Ireland.

Fake news - tin vịt - đang là một vấn nạn của giới làm nghề.

Khi sẵn sàng để Bugduv giành suất lên ĐTQG Moldova trong chiến thắng trước Luxembourg, Varley viết một câu chuyện liên hệ nhân vật của mình với Arsenal và đăng lên mạng. Thông tin nhanh chóng phát tán. Lúc đầu những bài viết về Bugduv đều đến từ tài khoản của Varley. Nhưng sau đó, cái tên Bugduv được nhắc đến ở nhiều chỗ khác một cách không báo trước.

“Người ta sẽ tin những gì muốn tin”, Varley khẳng định bóng đá là môi trường hoàn hảo để thông tin giả phát tán. Cuối cùng, câu chuyện giả tưởng của ông cũng bị lật tẩy. Nhưng thí nghiệm của Varley thì thành công mỹ mãn khi biến Bugduv lọt vào... Top 50 tài năng trẻ của châu Âu (đứng thứ 30).

Những điều kiện hoàn hảo

Một ngày đầu tháng này, tòa soạn của một trang web về bóng đá tự do mang tên  Football365 (thành lập năm 1977), nhận được những cuộc viếng thăm độc nhất. Đấy là lúc Confed Cup đã kết thúc, Premier League còn lâu mới diễn ra trong khi giải đấu đáng chú ý nhất chỉ là U21 châu Âu. Rất nhiều người đã đến chỉ để có được thông tin cập nhật về tin đồn chuyển nhượng.

Thật vậy, những người này, phần lớn là fan chân chính của bóng đá, cần tin đồn chứ không phải “sự thực”. Nguồn tin? Không thực sự quan trọng. Trong bóng đá, điều quan trọng là người ta có muốn câu chuyện trên trở thành sự thật hay không? Người ta sẽ tin vào sự kiện và nhân vật mà họ muốn tin.

Tin đồn chuyển nhượng bây giờ đã trở thành “đặc sản” trong bóng đá hiện đại.

Đến lúc đó, tin giả sẽ thành... thật. Nó sẽ lan truyền đúng với bản chất của thông tin. Phần đông người ta không chờ tới lúc sự kiện trên diễn ra thật để vui mừng thì đã truyền bá nó với đức tin của riêng mình. Sự đánh đồng này nguy hiểm hay không, ít nhất là trong thể thao và bóng đá, vẫn cần thời gian để trả lời.

Nhưng với những người muốn trở thành độc giả thông thái, có một lời khuyên dành cho bạn. Hãy tự cắt cơn khát tin của chính mình. Trong thời đại ngày nay, việc đó cũng khó như nhắm mắt suốt cả 1 ngày. Tuy nhiên, tập sống thanh đạm với tin tức có thể biến bạn thành một người luôn có cái đầu tỉnh táo và không bị thu hút bởi thứ mà có người nghĩ rằng bạn sẽ thích đọc.

Về phần mình, tin tức giả cũng sẽ chẳng vì thế mà tuyệt chủng. Nó có một cơ chế, một môi trường hoàn hảo để phát triển mỗi ngày. Nó thậm chí là tia sáng cuối đường hầm của một bộ phận người hâm mộ đang sống trong đau khổ. Nói thế nào nhỉ, giống như người ta luôn thức dậy vào một ngày mới và hỏi: “Này, có tin gì cho tôi không?”. Và phần còn lại trong ngày sẽ vô cùng ý nghĩa nếu ta được thỏa mãn.

Con đường "đưa tin giả"

Indy Kaila – người sáng lập của Indy Kaila – một thương hiệu truyền thông chuyên đưa tin chuyển nhượng, đã bắt đầu viết những tin đồn mua bán lên Twitter từ năm 2012. Mọi chuyện bắt đầu theo cách khó tin và cuối cùng phát triển theo cách hoang đường nhất có thể.

Kaila nói: “Tôi có một vài người bạn làm truyền thông. Họ thường xuyên nói với tôi về tin chuyển nhượng, đôi khi tôi phải trả tiền để có được. Tôi để ý rằng khi tôi bắt đầu đăng tin lên twitter, tôi có nhiều người theo dõi hơn”.

5 năm sau ngày khởi nghiệp đó, tài khoản Twitter chính của Indy Kaila có hơn 250.000 người theo dõi. Còn trên Facebook, con số này là 5.000. Giờ đây, Kaila phải thuê người điều hành các trang mạng xã hội của mình. Nhưng anh ta là ai thậm chí vẫn còn rất mơ hồ. Kaila lúng túng khi bị hỏi đến từ đâu, làm gì để kiếm sống hay đơn giản nhất là tên đầy đủ là gì?

Bất chấp điều đó, Indy Kaila giờ đạt thỏa thuận với một số nhà tài trợ mặc dù anh ta vẫn luôn không thừa nhận đây nguồn thu chính của mình. Thậm chí, Kaila còn có một suất chắc chắn trên bản tin phát thanh địa phương tại Leicester.

Kaila trở thành một nguồn tin dựa trên tiêu chuẩn của chính mình: “Tôi luôn luôn đặt từ “Nóng” cho các tin lượm lặt được ở đâu đó. Còn khi tôi viết là “Độc quyền” thì đó là thông tin riêng của tôi. Tôi luôn làm rõ điều này với những người theo dõi mình”.

Và phần lớn nguồn tin “độc quyền” của Kaila đều được nói là từ “những thành viên cấp thấp trong đội bóng”. Đương nhiên, không thể kiểm chứng được và cũng không ai thừa thời gian đi kiểm chứng.

Đơn Ca
.
.
.