Nhạc sỹ Quốc Trung:

Tin vào cá tính của nghệ sỹ trẻ trong đêm 'Gió mùa'

Thứ Sáu, 11/09/2015, 15:00
Với những đóng góp của mình, Lễ hội âm nhạc quốc tế "Gió mùa" (MMF) 2014 đã được vinh danh tại giải "Cống hiến" cho hạng mục "Chương trình của năm", được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ghi nhận là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm. Trong vai trò Tổng đạo diễn MMF năm nay, nhạc sỹ Quốc Trung đã có những chia sẻ xung quanh ngày hội âm nhạc uy tín sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11/10 này tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội).
- Chào nhạc sỹ Quốc Trung, anh có thể chia sẻ với mọi người đôi điều về MMF 2015 không?

MMF 2015 có quy mô lớn hơn MMF 2014. MMF 2014 là lần đầu tiên giới thiệu đến khán giả một mô hình và không khí của festival là như thế nào để sang 2015, chắc chắn khán giả có những kì vọng, chờ đợi cũng như đòi hỏi cần đáp ứng. Chúng tôi cố gắng xây dựng quy mô lễ hội vừa lớn, vừa chất lượng về cả nội dung và hình thức. Năm nay, MMF được tổ chức 4 ngày với nhiều nghệ sỹ quốc tế và ban nhạc quốc tế nổi tiếng hơn. Có nhiều nội dung bổ sung, đổi mới trong lễ hội như có khu vực dành cho người khuyết tật, thay đổi về hình thức phát hành vé, phần biểu diễn…

- Còn âm nhạc trong lễ hội năm nay có gì khác, thưa anh?

Tinh thần âm nhạc vẫn vậy. Chúng tôi luôn cần sự mới mẻ, phong cách âm nhạc văn minh, tiên tiến, đặc biệt có bản sắc, sáng tạo riêng của nghệ sỹ. Một vài nghệ sỹ từng tham gia MMF năm ngoái thì năm nay họ thay đổi quy mô cũng như hình thức biểu diễn để thổi một "sinh khí" mới cho khán giả.

- Nhân nhắc đến yếu tố mới lạ, "hạt nhân" từ phía Việt Nam được lựa chọn để tham gia MMF năm nay đều là những nghệ sỹ trẻ, có một vài nghệ sỹ còn khá lạ lẫm với khán giả. Liệu có quá mạo hiểm không?

Như mọi người đều biết, năm 2014 là năm MMF được tổ chức lần đầu tiên. Việc lựa chọn những cái tên được xem là "gạo cội" của âm nhạc trong nước như Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà trở thành một lựa chọn thông minh, đảm bảo sự an toàn nghệ thuật cho một kỳ liên hoan quy mô lớn như MMF.

Chúng tôi đã dùng uy tín của những nghệ sỹ nổi tiếng để thu hút sự hưởng ứng, quan tâm của mọi người. Còn năm nay, khi mà MMF đã gây được một tiếng vang nhất định thì chúng tôi muốn tôn vinh những nghệ sỹ trẻ có tài năng và khát vọng, muốn khơi gợi khát vọng nghệ thuật của họ để các bạn ấy có thể phát triển hơn nữa trên con đường của mình.

Ban Tổ chức MMF 2015 họp báo công bố những nội dung chính thức của chương trình.

Việc giới thiệu được những cái mới mẻ, đa dạng cũng như sáng tạo của nghệ sỹ là một trong những tiêu chí tồn tại của MMF. Ngoài ra, một trong những định hướng mà MMF đưa ra cũng chính là tạo thói quen thưởng thức của khán giả là đón nhận những cái mới lạ, sáng tạo của các nghệ sỹ hoặc nghệ sỹ trẻ. Tôi tin vào cá tính âm nhạc của những nghệ sỹ trẻ trong MMF 2015.

- Thưa anh, nhìn vào danh sách nghệ sĩ tham gia không thấy những cái tên đang "càn quét" các bảng xếp hạng như Sơn Tùng MTP, Đông Nhi,… trong danh sách những nghệ sỹ Việt Nam tham gia MMF 2015?

À, về điều này, tôi có thể nói như sau: Thứ nhất, tùy thuộc vào cái sự lựa chọn của từng phần biểu diễn. Thứ 2, tùy thuộc vào dự án của các bạn ấy. Chúng tôi luôn chào đón những nghệ sỹ có khát vọng về nghệ thuật và muốn giới thiệu sản phẩm âm nhạc của mình tới khán giả. Tuy nhiên, những phần biểu diễn của chúng ta cũng không thể kéo dài quá. Với thời lượng trong giới hạn cho phép, chúng tôi không thể chọn hết các nghệ sỹ tham gia được.

Anh nghĩ thế nào khi có ý kiến nói rằng, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa?

Chưa có thì chúng ta sẽ phải làm cho có.

- Theo anh,lễ hội "gió mùa", ảnh hưởng như thế nào vào việc xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc có tính chuyên nghiệp và cởi mở hơn?

Thực sự đó là những kì vọng của chúng tôi. Với tinh thần của mình, MMF cũng chỉ là góp phần vào đời sống âm nhạc, chứ một kỳ lễ hội không thể thay đổi hoặc tạo ra một nền âm nhạc. Chúng tôi chỉ tạo cảm hứng hoặc tạo nên sức ép đối với nghệ sỹ để họ có thêm cảm hứng sáng tạo nhiều hơn, bùng nổ nhiều hơn. Chúng tôi chỉ là những người truyền lửa, là những người góp phần thay đổi làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn.

Nhạc sỹ Quốc Trung.

Sau MMF 2014, nhạc sỹ Quốc Trung đã tiết lộ rằng để làm nên chương trình âm nhạc này, anh đã phải bù lỗ bằng tiền tiết kiệm trong 2 năm. Năm nay, MMF được tổ chức với quy mô lớn hơn, anh dự kiến phải bù lỗ trong mấy năm? Có áp lực nào không?

Hiện tại, chúng tôi đang rất khó khăn về kinh phí tổ chức. Quy mô cũng như nội dung chương trình phải được xây dựng từ rất sớm, khi mà chúng tôi chưa có gì trong tay cả. Có một số khó khăn như chúng tôi không thể thay đổi về quy mô cũng như việc đặt lịch với nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ nổi tiếng thế giới thì cần phải có những cam kết, thậm chí  phải có những đặt cọc trước thì họ mới đồng ý tham dự. Nhưng mà, cũng không phải vì những khó khăn ấy mà bớt hoặc thay đổi quy mô.

Ngoài áp lực lớn nhất về tài chính như tôi nói vừa nói, việc xã hội hóa đòi hỏi người tổ chức phải tìm được tài chính cũng như hỗ trợ từ các nhà tài trợ. Muốn tất cả được chuyên nghiệp như vậy, chúng tôi phải có một kế hoạch sớm. Có sự đồng ý về chủ trương, giấy phép phải rất sớm thì mới có thể vào cuộc được.

Vì làm việc với nghệ sỹ quốc tế, chúng ta phải chuẩn bị tỉ mỉ. Tính chuyên nghiệp ở Việt Nam chưa được cao nên mọi kế hoạch được chuẩn bị rất gấp gáp và trong một thời gian ngắn. Trong khi trên thế giới, với những dự án âm nhạc lớn như vậy, người ta thường chuẩn bị từ 1-2 năm. Đó là những khó khăn mà chúng tôi cần phải xây dựng kế hoạch sớm hơn để có thể có được mức độ an toàn về mặt tài chính.

Một số nghệ sỹ trẻ Việt Nam sẽ có mặt trong MMF 2015.

- Còn việc xin giấy phép biểu diễn thì sao? Nghe nói năm ngoái việc này rất mất thời gian?

Cho đến nay, Sở VHTT&DL Hà Nội và Bộ VHTT&DL đều ủng hộ chúng tôi trong việc xây dựng MMF (với lộ trình 5 năm) để trở thành một lễ hội âm nhạc có uy tín trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, có nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính mà chúng ta chưa thể thay đổi được. Chẳng hạn như muốn có giấy phép thì phải có nội dung chương trình, mà muốn có nội dung thì phải có nghệ sỹ. Tất cả những ràng buộc ấy đòi hỏi một lộ trình sản xuất cũng như những khâu chuẩn bị phải bắt đầu ngay từ rất sớm. Tuy nhiên, mọi sự ủng hộ mà chúng tôi nhận được đều khá thuận lợi. Còn về những thủ tục hành chính chúng ta chưa thể thay đổi ngay được.

- Anh có gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục những nghệ sỹ nổi tiếng của thế giới tham gia trên sân khấu của "Gió mùa"?

Trước hết, ngoài đáp ứng về kinh phí, kĩ thuật, chúng ta cần những năng lực và những uy tín nhất định để họ nhận lời đến và tham gia biểu diễn. Thứ nữa, đời sống âm nhạc của Việt Nam khá tách biệt, để kết nối, để tìm gặp những nghệ sỹ phù hợp về mọi mặt cho MMF rất vất vả. Đó là chưa kể, chúng tôi phải trả lời họ một loạt các câu hỏi. Không chỉ về tài chính, kĩ thuật mà BTC phải chuẩn bị tất cả những yêu cầu của họ một cách rất tỉ mỉ. Tỉ mỉ đến độ từ chai nước, khăn tắm… đến âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, thời gian biểu diễn. Việc họ đưa ra những yêu cầu dày khoảng vài chục đến trăm trang bắt buộc mình phải đáp ứng là chuyện hết sức bình thường. Tôi nghĩ họ hoàn toàn có cái quyền đó.

Ca sỹ Joss Stone, nữ hoàng RnB/ Soul của Anh hào hứng tham gia MMF 2015.

- Nhiều người tò mò về cát xê của những nghệ sỹ tham gia biểu diễn trên sân khấu MMF 2015 lắm đấy. Anh có thể nói một chút về điều này

Bạn thừa biết rằng không thể nào so sánh đời sống của chúng ta với những nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… Tuy nhiên, giá cát xê của nghệ sỹ tham gia vào tất cả các festival trên thị trường quốc tế đều thấp hơn nhiều so với việc lưu diễn. Đó là một thế mạnh mà chúng tôi có thể mời được các nghệ sỹ nổi tiếng của thế giới. Còn đối với nghệ sỹ Việt Nam, các bạn đều mong muốn được tham gia, thỏa mãn sự sáng tạo của họ; đồng thời cũng là cách để họ giới thiệu sản phẩm và phong cách âm nhạc của mình đến khán giả. MMF là một kênh như vậy và họ không quá đặt nặng vấn đề thù lao.

- Những nghệ sỹ quốc tế có yêu cầu gì khắt khe không, thưa anh?

Họ luôn có những câu hỏi đại loại như lễ hội âm nhạc của các bạn có bao nhiêu người tham gia, khán giả đông không, thậm chí họ hỏi giá vé bao nhiêu. Có một số nghệ sỹ thắc mắc vì sao giá vé lại rẻ như vậy. Bởi ở các nước có nền âm nhạc phát triển, ngoài đòi hỏi về mức sống, họ đều có những giá trị tôn trọng về sáng tạo nghệ thuật. Họ có thể không chia lợi nhuận trong giá vé nhưng họ không cho phép mình bán giá vé quá rẻ. Vì điều đó ảnh hưởng tới uy tín cũng như giá trị nghệ thuật của họ. Cho dù bạn có đáp ứng được cát xê đúng như yêu cầu của họ thì họ vẫn sẽ có những yêu cầu như vậy. Nó không quá phức tạp nhưng chúng tôi cũng phải giải thích những điều kiện của Việt Nam, đây là mô hình mới mẻ và cần sự chia sẻ của các nghệ sỹ.

- Anh có phải lấy uy tín của mình ra bảo lãnh?

Thực ra, tôi cũng chưa phải là người có uy tín đối với thị trường hay đời sống âm nhạc quốc tế. MMF mới chỉ được biết đến ở khu vực  hoặc một số nghệ sỹ chia sẻ chứ chưa phải là lễ hội có tiếng vang ở khu vực và thế giới. Đó là mục tiêu của chúng tôi thôi. Để thuyết phục họ chỉ còn một cách duy nhất, đó là làm việc với họ thật chuyên nghiệp.

- Điều anh chờ đợi nhất ở MMF 2015 là gì?

Tôi chờ đợi một kỳ lễ hội mang lại sự thoải mái, không khí và cảm hứng cho đời sống.

- Xin cảm ơn anh!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.