Vì sao bóng đá Anh không phát triển?

Tính “giải trí” của một nền bóng đá

Chủ Nhật, 05/11/2017, 14:24
Anh là quốc gia khai sinh ra bóng đá. Quả bóng vàng thế giới đầu tiên cũng thuộc về một cầu thủ người Anh. Thật kỳ lạ, lần gần nhất người Anh có cầu thủ giành giải thưởng cao quý này đã cách đây 16 năm.

Trên chính lãnh thổ Anh, đất diễn cho các cầu thủ quốc nội ngày một ít đi. Trong 5 mùa giải gần nhất ở Premier League, số lượng cầu thủ Anh ở 20 CLB chưa bao giờ chiếm quá 33%. Cá nhân hay tổ chức nào chịu trách nhiệm cho thực trạng này, bởi nó tác động tiêu cực trực tiếp tới chất lượng của ĐT Anh?

"Vòi bạch tuộc" của truyền thông

Sự can thiệp của truyền thông vào đời sống bóng đá chuyên nghiệp Anh khởi xướng bởi Rupert Murdoch, ông trùm truyền thông sở hữu tờ The Sun.

Năm 1969, do điều kiện in ấn không cho phép các tờ báo đợi hết lượt trận làm bài tường thuật nên Murdoch chuyển phần nội dung trang cuối sang tin đồn chuyển nhượng, gọi nó là “Rumour Mills”.

Michael Owen là cầu thủ người Anh gần nhất giành Quả bóng vàng.

Việc của phóng viên là ngồi nhà, tưởng tượng các viễn cảnh trên sàn giao dịch và hư cấu thông tin của các vụ mua bán.

Các đội bóng, bằng cách này hay cách khác, đặc biệt quan tâm những thông tin kiểu ấy và lao vào tìm hiểu đối tượng “được cho” là đã liên hệ. Cứ thế, họ cuốn vào thị trường mua sắm lúc nào không hay.

Vô hình trung, bóng đá Anh bao năm qua vận hành theo dòng chảy của những tin tức thất thiệt, nhất là khi giải VĐQG chuyển hướng sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên thành Premier League.

Premier League và hệ thống các giải đấu ở Anh chìm đắm trong màu sắc thị phi là vì thế, nơi đây giống như gánh xiếc, trở thành con rối bị điều khiển bởi những “anh hùng bàn phím”.

Nhưng ĐTQG không nên và không thể như vậy. Tính dân tộc và phương thức hoạt động độc lập, tách biệt khỏi hệ thống kinh doanh cấp CLB. Cầu thủ chơi bóng cho chính họ, cho danh dự của tổ quốc chứ không cho những ông chủ ngoại quốc hay vì ý thích của đám săn tin.

Trường hợp này đúng với tất cả, ngoại trừ Anh. Đầu thập niên 90, FA bổ nhiệm Graham Taylor, vị chiến lược chuẩn kiểu “showbiz”. Tính nổi trội trong triết lý huấn luyện của Graham là… nghe lời nhà báo.

Thói quen này không tự dưng mà có. Cha ông, Thomas là một phóng viên thể thao của tờ báo vùng Scunthorpe. Graham từ nhỏ sớm được định hướng thành một cầu thủ, nhà quản lý tương lai.

Chuyện kể rằng, nhờ mối quan hệ sâu sắc với CLB địa phương Scunthorpe United, Thomas thường dẫn con trai vào kết thân cùng đội ngũ nhân viên ở đây, xin quyền truy cập kho dữ liệu báo cáo sau từng trận hay quan sát một ngày làm việc của cầu thủ chuyên nghiệp.

Thomas là một nhà báo có nhiệm vụ đưa tin trung thực. Vì thế, Graham luôn quan niệm “nhà báo” là một định nghĩa gì đó thật ghê gớm. Chẳng phải, nhờ cha mà Graham được đặc cách tuyển thẳng vào Grimsby FC năm 1962 hay sao?

Khi dẫn dắt Tam Sư, việc đầu tiên của Graham mỗi sáng thức dậy là đọc báo, nghiên cứu xem hôm nay, tờ Mirror nói gì, tờ Daily Mail viết thế nào rồi đưa ra quyết định.

Những ví dụ sát sườn

EURO 1992, khi biết tin Đan Mạch mở cửa sân tập, Graham cử vài cây bút thân cận tới đó theo dõi và thu thập dữ liệu. Ông chắc mẩm Đan Mạch sẽ đá tấn công. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại.

Premier League ngập tràn cầu thủ ngoại.

Trận mở màn EURO năm đó, Đan Mạch chủ trương phòng ngự từ xa và áp sát quyết liệt. Tuyển Anh… việt vị, chấp nhận kết quả hòa 0-0 trước đối thủ bị đánh giá yếu nhất giải. 

Dấu mốc đó kéo theo hàng loạt kết cục tồi tệ khác, mà đỉnh điểm là vị trí bét bảng A EURO 1992, kế tiếp là cú sốc mất vé đi World Cup 1994. Nói đúng hơn, thì cách quản trị hời hợt ưa dựa dẫm của Graham là căn nguyên của mọi vấn đề.

Ngày 24-11-1993, Graham nộp đơn từ chức.

Từ đó tới EURO 1996, giải đấu mà người Anh là chủ nhà còn 928 ngày. Bản kế hoạch thi đấu cho đội tuyển trong 2,5 năm sắp tới mà FA phác thảo chỉ duy nhất gồm 2 đối thủ: Đan Mạch và Đức.

Bởi trước mắt giới quan chức Anh là một nhiệm vụ cấp thiết hơn rất nhiều: Tìm người thế chỗ Graham. Họ nhanh chóng lập ra tiểu ban duyệt ghế nóng dù đã có hội đồng HLV quốc gia.

Bốn thành viên chủ chốt là Bert Millichip, Graham Kelly, Noel White và Ian Stott. Nhưng như thế là chưa đủ thỏa mãn FA. Họ cần ý kiến từ một chuyên gia bóng đá trong lĩnh vực… báo chí như thói quen khó bỏ.

Ký ức đáng buồn thời Graham dường như không còn trong bộ nhớ của FA. 13 ngày sau, cựu danh thủ Jimmy Armfield, bình luận viên trên kênh radio của tờ Express được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt.

Armfield đi dọc nước Anh, vận dụng tối đa kỹ năng tác nghiệp học được từ sách vở vào cuộc khảo sát với hàng ngàn đối tượng hỏi: CĐV, nhà báo, cầu thủ, HLV.

Ông ta quả quyết: “Là Kevin Keegan, tôi không đổi ý đâu”.

Dù vậy, hãy nhớ rằng FA là một liên đoàn bóng đá kỳ dị. Xu hướng của tổ chức này là chọn những HLV có tính cách bảo thủ. Brian Clough vào các năm 1977 và 1982 tưởng rằng sẽ chèo lái con thuyền Tam Sư thì phút chót, FA đổi ý, chuyển tầm ngắm  sang Ron Greenwood và Bobby Robson.

Keegan thì ngược lại. Sau khi giải nghệ, ông định cư tại Tây Ban Nha rồi một ngày đẹp trời, bỗng quay lại Anh trong vai trò HLV của Newcastle mặc cho những lời can ngăn của gia đình. Một HLV phóng khoáng, ưa mạo hiểm chưa bao giờ là “gu” của FA. “Tìm người khác đi”, thông điệp gửi tới Armfield.

Như một thói quen, Armfield tìm đến Harry Harris, Phó trưởng ban thể thao tờ Mirror. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người, Armfield chú ý tới cái tên Terry Venables.

Hồi tháng 5 cùng năm, HLV này phải hầu tòa do những cáo buộc liên quan tới gian lận trong vụ chuyển nhượng Teddy Sheringham từ Nottingham Forest sang Tottenham, bị phanh phui bởi Harris.

Suốt phiên tòa, Venables ra sức chối tội. Ông ta thậm chí còn dọa kiện ngược Harris dám đặt điều. Harris gọi Venables là “thằng cha trơ trẽn”, nhưng Armfield lại nghĩ ông “vừa bắt được vàng”.

Không nhiều cầu thủ Anh như Harry Kane có suất đá chính tại giải ngoại hạng Anh.

Diễn biến phiên tòa chứng tỏ Venables khá cứng đầu, đúng tiêu chí FA mong đợi. Hơn nữa, ông là tín đồ trung thành của 4-4-2 cổ điển với kinh nghiệm ứng dụng sơ đồ thuần Anh thành công ở… Barca. FA biết tin bấm bụng ưng lắm. Tất nhiên, họ vẫn dò la phản ứng của những ứng viên khác trước khi đi tới thống nhất cuối cùng. Song Newcastle đã nhanh tay “ẵm” mất Keegan, còn Wilkinson và Gerry Francis đều công khai từ chối lời thỉnh cầu của FA.

David Davies, tân giám đốc truyền thông của FA sốt ruột. Davies hiểu rõ sức ép từ báo giới nếu tuyển Anh bước vào trận giao hữu gặp Đan Mạch (tháng 3/1994) mà không có chỉ huy trong cabin.

Vì một lý do muôn-năm-mới: Davies là cây bình luận của BBC hơn 6 năm trời trước khi về FA. Ngày 25-11-1993, FA bố trí phỏng vấn Venables tại khách sạn Royal Lancaster.

2/4 thành viên tiểu ban thẩm định là White và Stott bấm nút “từ chối”. Nhưng Venables chỉ yêu cầu mức lương khiêm tốn 160.000 bảng/tháng, kèm theo điều khoản FA phải giúp tránh khỏi cáo trạng nộp phạt 1 triệu bảng cho Bộ Thương mại.

Venables chỉ cần thế, bởi một khi phán quyết của tòa hết hiệu lực, công ty môi giới Edennote, đơn vị liên quan tới vụ mua bán Sheringham do ông làm chủ sẽ thoát vòng lao lý.

Ngày 28, hai bên chốt hợp đồng.Venables giữ chức quản lý chuyên môn (coach) chứ không được toàn quyền xử lý các vấn đề nội bộ (manager). Giao kèo cũng chấm dứt ngay khi EURO 1996 khép lại.

Thiếu sức bật vì... quá cạnh tranh

Tính trong phạm vi 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, Anh chính là quốc gia có tỷ lệ ngoại binh thi đấu cao nhất. Italia xếp sau với 55,1%, sau đó là Đức (50,5%), Tây Ban Nha (39,4%) và Pháp (36,3%). Trong 6 câu lạc bộ sử dụng nhiều ngoại binh nhất ở Premier League mùa giải này, có tới 5 đội bóng hàng đầu: Chelsea (90,4%), Arsenal (84,1%), Manchester City (78,4%), Manchester United (77,6%) và Liverpool (73,5%).

Một trong những lý do cơ bản dẫn tới làn sóng đổ bộ của lính đánh thuê vào lãnh thổ nước Anh là thuế thu nhập. Từ năm 2008, Chính phủ Anh giảm thuế thu nhập cho các cầu thủ chơi ở Premier League từ 43% xuống 24%. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha là 40%, ở Italia là 37%, ở Pháp là 50% và tăng lên 75% cho những ngôi sao có thu nhập từ 1 triệu euro/năm trở lên.

Độ phủ sóng lớn của dàn cầu thủ ngoại một mặt giúp Premier League đa dạng và nhiều màu sắc, dẫn tới tính cạnh tranh dễ thấy. Nhưng mặt khác, nó làm hạn chế tầm ảnh hưởng của các cầu thủ nội. Khi phải thường xuyên ganh đua và không thể tìm ra một sức bật đủ lớn trước tốc độ đầu tư khủng khiếp của giới chủ ngoại, cơ hội để các sản phẩm cây nhà lá vườn tỏa sáng gần như không có.

Nói đơn giản thế này, từ mùa 2009/10, chưa đội nào bảo vệ thành công danh hiệu EPL. Trong khi đó, ở La Liga 13 năm qua, Barca và Real vô địch tới 12 lần. Tại những giải đấu quyền lực được tập trung, những ngôi sao như Ronaldo, Messi, Neymar thường xuyên có điều kiện xuất hiện trên ống kính máy quay và dễ gây thiện cảm với truyền thông. Cộng thêm những đặc tính kỳ quái của các tổ chức điều hành bóng đá, ngày mà một cầu thủ Anh khác giành Quả bóng vàng xem chừng còn khá lâu.

Đơn Ca
.
.
.