Tổ quốc & những bản hùng ca

Thứ Hai, 14/09/2015, 10:00
Trong nền âm nhạc cách mạng sớm hình thành ngay từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nổi lên những ca khúc viết về lòng tự hào dân tộc và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ. Tất cả đều dồn vào một chủ đề giải phóng đất nước và ngợi ca Tổ quốc. Từ đây một đội ngũ nhạc sĩ trẻ xuất hiện khá dồi dào. Họ sáng tác với tất cả tâm huyết đóng góp cho công cuộc cách mạng thành công.

Lịch sử 4.000 năm của dân tộc ta được hội tụ và đầy hào sảng trong 70 năm qua, khởi nguồn từ thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, do Đảng ta lãnh đạo. Đất nước thống nhất, người dân được sống trong độc lập, tự do. Cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, trải qua hai giai đoạn chống thực dân Pháp và giặc Mỹ xâm lược, là bản hùng ca vĩ đại vang dội khắp bốn biển năm châu, biểu hiện sức mạnh và là niềm tự hào to lớn của dân tộc ta. Từ đây, một nền âm nhạc cách mạng đã trưởng thành, luôn song hành với mọi biến động lịch sử của đất nước.

Bắt đầu từ “Tiến quân ca”...

Trong nền âm nhạc cách mạng sớm hình thành ngay từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nổi lên những ca khúc viết về lòng tự hào dân tộc và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ. Tất cả đều dồn vào một chủ đề giải phóng đất nước và ngợi ca Tổ quốc. Từ đây một đội ngũ nhạc sĩ trẻ xuất hiện khá dồi dào. Họ sáng tác với tất cả tâm huyết đóng góp cho công cuộc cách mạng thành công. 

Khởi đầu có thể kể đến bài “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu, thì một loạt bài hát sau đó của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi đều thể hiện những giai điệu hùng ca với ý tưởng, chiến đấu giành độc lập tự do. 

Trong thời gian 9 năm kháng chiến, hầu hết các chiến sĩ không ai không thuộc các bài hát hay như: “Lên đàng”, “Diệt phát xít”, “Xếp bút nghiên”, “Du kích ca”, “Bạch Đằng Giang”... và đặc biệt là “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Chính với nhịp hành khúc đến tráng lệ ấy, đầy sức chiến đấu từ lời ca và giai điệu có tính khích lệ động viên tinh thần chiến đấu trong mỗi chiến sĩ khi ra mặt trận, với lý tưởng “chung lòng cứu quốc”. 

“Tiến quân ca” là kết quả được nhạc sĩ trải nghiệm và nâng cao ý tưởng và cảm xúc hào hùng, sau khi ông đã sáng tác những ca khúc trước đó, như “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”. Cứu lấy nước nhà là lý tưởng của Đảng đã thấm nhuần vào trong trái tim của chiến sĩ. Bản hùng ca ấy có sức mạnh tiềm ẩn làm rung động tính cách anh hùng trong mỗi con người. 

Tốp ca nam hát bài “Tổ quốc gọi tên mình” Bìa sách thơ “Tổ quốc gọi tên mình”.

“Tiến quân ca” được ra đời vào năm 1944, do chính tay nhạc sĩ Văn Cao viết lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của Báo Độc Lập. Từ đó ca khúc đi theo năm tháng và trở thành bản quốc ca, một mốc son chói lọi trong những sáng tác về đất nước. Đồng thời bài hát gắn liền với chiến thắng và vinh quang của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ta cho tới ngày hôm nay.

Sau này, khi đất nước hòa bình, thì việc gìn giữ biên cương Tổ quốc và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng và là sự sống còn của đất nước. Một số nhạc sĩ tiếp nối sau đó đã ý thức được việc khẳng định chủ quyền và ca ngợi Tổ quốc là chủ đề quan trọng và thể hiện tính công dân cao cả của người nghệ sĩ. 

Hàng loạt bài hát hay ra đời như “Tổ quốc trên mười năm đã lớn” của Hồng Đăng; hay “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du; hoặc “Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ” của Nguyễn Văn Thương; Thêm nữa như “Đất nước tôi” của Trần Chung; hay “Việt Nam quê hương tôi” của Đỗ Nhuận, và “Giai điệu Tổ quốc” của Trần Tiến... 

Cùng với đó còn có giao hưởng hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc là tác phẩm âm nhạc hoành tráng và chan chứa cảm xúc và lắng đọng trong tâm hồn người nghe. Bên cạnh cùng đề tài này, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng có giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc”, với dàn hợp xướng thiếu nhi phụ hát tạo nên nét tươi vui và rạo rực sức sống. 

Nhưng có lẽ điểm nhấn trong hàng loạt ca khúc về Tổ quốc sau thời bình, thì giao hưởng hợp xướng của Hồ Bắc có dấu ấn sâu sắc với những lời ca về ý thức biên giới và đất nước khá đậm nét. Đây là tác phẩm được nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác vào năm 1960, khi ông đã trở về Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam làm việc. Hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” được viết nhân kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Quốc khánh (2-9-1960). 

Có lần ông tâm sự: “Tôi thấm thía công ơn nhân dân, công ơn Đảng. Không có gì sung sướng hơn được ngợi ca, cổ vũ, biểu dương những thành tựu kỳ diệu của nhân dân, của Đảng”. 

Giai điệu bản hùng ca này luôn vang lên và người dân khắp nơi đều nhớ đến những lời hát: “Ngàn bài hát, ngàn lời ca ngợi đất nước ta. Biển rộng sông dài, bàn tay chúng ta dựng xây. Tình quê hương tha thiết, dừa xanh bên bóng cau. Đất nước ta ngàn năm lịch sử, dài lâu”. Giọng hát đầy nội lực của ca sĩ Trần Khánh, và sau đó là Hữu Nội lĩnh xướng ngày đó đã gieo vào lòng người những cảm xúc hào hùng và rạo rực tình yêu đất nước. 

Cùng với hợp xướng này, nhạc sĩ Hồ Bắc còn có những ca khúc hào sảng và bay bổng khác về đề tài đất nước như “Tổ quốc yêu thương” và “Dáng đứng Việt Nam”. Đó là mạch sáng tác hết sức dồi dào cảm xúc của nhạc sĩ Hồ Bắc mà hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” là một đỉnh cao trong nền âm nhạc cách mạng.

Đến “Nơi đảo xa” và nghe “Tổ quốc gọi tên mình”

 Nói đến bờ cõi nước Việt Nam là bao gồm cả biển Đông từ hàng ngàn năm qua, trong nhiều tác phẩm âm nhạc hay ca khúc các tác giả đều gắn bó với non sông gấm vóc và biển cả. Đề tài về biển đảo quê hương đã sớm được các nhạc sĩ có ý thức trong sáng tác, thêm một lần khẳng định chủ quyền của nước ta. 

Nếu điểm qua từ những năm đầu của thập kỷ 60 cho tới nay nhiều bài hát về biển đảo của các nhạc sĩ đã được phổ cập nhiều trên làn sóng phát thanh và truyền hình như: “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước; “Việt Nam quê hương tôi” và “Côn đảo” của Đỗ Nhuận; “Nha Trang mùa thu lại về” của Văn Ký; “Chiều trên bến cảng” của Nguyễn Đức Toàn; “Hải quân Việt Nam hành khúc” của Văn Cao; cùng với đó còn có “Bạch Long Vỹ đảo quê hương” của Huy Du; hoặc “Lướt sóng ra khơi” của nhạc sĩ Thế Dương; “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho... 

Nhưng có lẽ dậy sóng cho đến tận ngày nay, đúng vào thời điểm những sự kiện về biển đảo của nước ta trở nên quyết liệt, thì ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song (sáng tác năm 1979) được thể hiện có tính vang dội và gây xúc động mạnh mẽ, với những lời ca tha thiết và có tính khẳng định chủ quyền từ trong tiềm thức của dân tộc ta bao đời nay: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới là đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua...”. Trực cảm và mạnh mẽ trong tâm hồn mỗi chiến sĩ khi nghe lại bài hát có tính biểu tượng cao. 

“Nơi đảo xa” đầu tiên được ca sĩ Tiến Thành hát trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Về sau còn có các ca sĩ khác hát rất hay như Trọng Tấn, Anh Bằng và Tùng Dương.

Từ những khẳng định về chủ quyền và lãnh thổ nước ta trong bản hiến pháp, cũng như tuyên bố của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh thổ và, tuyên bố của Hải quân Việt Nam khẳng định bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhiều ca khúc đã ra đời cùng với “Nơi đảo xa”, còn có “Lãnh hải thiêng liêng” của Doãn Nho; “Thư ra đảo”của Văn Dung; “Gần lắm Trường Sa ơi” (Huỳnh Phước Long); “Trường Sa mãi trong ta” (Phan Huỳnh Điểu); “Hát về biển đảo Việt Nam” (Hồ Hữu Thới)... 

Và đặc biệt gần đây có những chương trình ca nhạc về chủ quyền và biển đảo quê hương khá sôi nổi thể hiện được tính chiến đấu và lòng tự hào dân tộc bất tử với chủ đề “Tổ quốc nhìn từ biển”, đó là chương trình ca nhạc “Khát vọng trẻ” với hai mươi ca khúc về biển đảo. Còn đó là chương trình “Tổ quốc trong những bài ca”, thể hiện tình yêu Tổ quốc và nâng cao tính chiến đấu bảo vệ gìn giữ non sông với sự đóng góp sôi nổi của những ca sĩ trẻ như Anh Thơ, Trọng Tấn, Nam Khánh, Hoàng Bách, Khánh Linh, Tạ Quang Thắng...

Và, đáng chú ý sự xuất hiện bài hát “ Tổ quốc gọi tên mình”, do Nguyễn Đình Thanh Tâm trình diễn, đã tạo nên hiện tượng đặc biệt đối với người yêu âm nhạc, mấy năm gần đây. Đây là ca khúc do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Thị Quế Mai vào cuối năm 2011. 

Ngay từ khi mới ra đời, ca khúc này đã được công chúng yêu thích và được các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn về chủ đề đất nước. Đồng thời ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” đã đoạt giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011. 

Đặc biệt là ca khúc đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng biểu diễn như NSND Quang Thọ, NSƯT Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, kể cả một số ca sĩ trẻ cũng coi được hát “Tổ quốc gọi tên mình” như một niềm tự hào và đóng góp tinh thần sâu sắc, từ trái tim vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, với những lời ca: “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa giội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả. Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây. Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ...”

Vĩ thanh

Thật khó kể hết được những sáng tạo của các thế hệ nhạc sĩ đã dành tâm huyết cho đề tài đất nước. Mỗi thời kỳ cách mạng phát triển và đầy biến động các nhạc sĩ đều thể hiện tính công dân sâu sắc qua những giai điệu linh thiêng và thể hiện lòng tự hào dân tộc. Nhất là mỗi khi đất nước gặp khó khăn nguy biến, các nhạc sĩ đã trở thành chiến sĩ, họ vừa cầm súng vừa cầm đàn. 

Âm nhạc đã trở thành vũ khí tinh thần, nồng nhiệt và giàu sức chiến đấu: “Sóng quặn đỏ máu những người đã mất. Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc. Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam. Chín mươi triệu người lấy thân mình che chở Tổ quốc linh thiêng...” (Tổ quốc gọi tên mình). Những bài hát của họ luôn luôn đồng hành với cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước và chủ quyền lãnh thổ. Ca ngợi Tổ quốc và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ta. Họ đã viết lên những khúc tráng ca, hào hùng về đất nước và con người Việt Nam. Đó là sứ mệnh thiêng liêng của người chiến sĩ, nhạc sĩ.

Mai Đỗ
.
.
.