Nghệ sĩ violin Nguyễn Thiện Minh:

“Tôi muốn xóa bỏ thành kiến hàn lâm của âm nhạc cổ điển”

Thứ Năm, 20/08/2020, 08:08
Tôi có duyên trò chuyện với nhiều nghệ sĩ cổ điển từ nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, đó là nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân, Phan Đỗ Phúc, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, Nguyễn Thiện Minh.

Họ là những người trẻ muốn dành thời gian và tâm huyết của mình để thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc cổ điển Việt Nam. Trong số ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Thiện Minh bởi anh là một tài năng trẻ, có nhiều năm tu nghiệp ở Na Uy. Minh cùng những người bạn cùng chí hướng đang nỗ lực từng ngày đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

- Trong các nhạc cụ cổ điển, violin được đánh giá là nhạc cụ khó. Vậy cơ duyên nào đưa anh đến với cây đàn violin?

+ Tôi bắt đầu học violin từ năm 7 tuổi; khi mới bắt đầu, tôi thấy cây đàn này thú vị nên theo học thôi. Nhưng càng học tôi càng khám phá ra nhiều thứ và dần dần nó ngấm vào mình thành sở thích và trở thành đam mê tự lúc nào không biết nữa. Cho tới bây giờ, sau một hành trình theo đuổi gần 20 năm, tôi vẫn hứng thú với việc tìm tòi làm sao để mình có thể thể hiện được tiếng đàn thực sự sâu lắng trong các tác phẩm mình thể hiện. Nó là một đam mê và thú vui mà không thể bỏ được.

Nghệ sĩ violin Nguyễn Thiện Minh biểu diễn tại Hà Nội.

- Năm 17 tuổi, anh nhận được học bổng và sang Na Uy học, có cơ hội làm việc ở những dàn nhạc danh tiếng thế giới, vậy vì sao anh lựa chọn trở về Việt Nam?

+ Từ những ngày đầu tiên đi du học, tôi đã luôn muốn trở về Việt Nam làm việc, tuy nhiên con đường học hành và xây dựng sự nghiệp cho tương lai có những việc mà không thể ngay lập tức quyết định. Khi làm việc ở Na Uy, tôi luôn muốn được tìm tòi, biểu diễn và thực hiện những dự án mới.

 Na Uy là một nước đã quá phát triển, nền âm nhạc của họ đang trong giai đoạn thịnh vượng, rất ít những dự án mới được lập ra. Trong khi đó âm nhạc cổ điển của Việt Nam đang phát triển, tất cả các nghệ sĩ trẻ đều chung một mong muốn tìm tòi và thực hiện những dự án âm nhạc cùng nhau. 

Đó là một trong những lý do lớn nhất để tôi quyết định về. Lý do thứ hai là từ bé tôi đã có mong muốn sau này làm thầy giáo nên không có cơ hội nào tốt hơn là đem những kiến thức mình học được ở nước ngoài về truyền lại cho những tương lai âm nhạc của nước nhà.

- Cho tới lúc này anh đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm dự định của mình?

+ Dự định thì nhiều lắm nhưng tôi rất vui khi phần lớn các kế hoạch mình muốn làm đều đã được thực hiện. Thành công có và thất bại cũng có, nhưng tất cả đều giúp mình hiểu hơn về môi trường làm việc tại Việt Nam, rút ra được nhiều kinh nghiệm để những dự án sau ngày càng hoàn thiện hơn. Cho tới bây giờ tôi vẫn rất vui với công việc hằng ngày của mình, đó là dạy học sinh, truyền cho các em tình yêu với cây đàn violin và âm nhạc cổ điển và thực hiện các dự án mình ấp ủ.

- Anh từng nói rằng, việc du học ở nước ngoài giúp anh có cái nhìn rộng hơn về âm nhạc cổ điển và anh muốn bổ khuyết những điều còn thiếu ở Việt Nam, đó là sự thiếu sáng tạo và cá tính âm nhạc. Anh có thể chia sẻ sâu về điều này?

+ Việc thiếu sáng tạo và cá tính âm nhạc ở đây bởi vì một lý do chung là nền âm nhạc cổ điển Việt Nam chưa được chú trọng và phát triển. Bởi vậy sinh viên Việt Nam rất ít bạn thực sự đào sâu, tìm tòi để tự phát triển, phần lớn vẫn còn dựa vào các thầy cô giáo của mình quá nhiều. Hoặc ở một khía cạnh khác là hiện giờ với cây đàn violin nói riêng, các bạn sinh viên có thể đi chơi nhạc ở các quán cafe, quán bar, event để làm thêm. 

Tôi ủng hộ việc đi biểu diễn như vậy nhưng nếu các bạn trẻ lạm dụng, chơi những thể loại nhạc khác cổ điển như pop chẳng hạn (xét về mặt nốt nhạc thì pop không quá cầu kì) dẫn đến việc người chơi nhạc sẽ dễ dãi trong việc tập bài và biểu diễn, mà trong âm nhạc, một khi đã dễ dãi thì thực sự rất khó có chỗ cho sự sáng tạo và cá tính riêng.

- Vậy, theo anh, điều quan trọng nhất mà anh muốn truyền tải đến học sinh khi học violin để họ không trở thành những cái máy chơi nhạc và nuôi dưỡng được đam mê của mình?

+ Đối với các học sinh, tôi luôn nhắc các em là năng khiếu chỉ chiếm 5%, thầy cô dạy là 15%, còn 80% là nỗ lực cá nhân. Vì vậy khi tập đàn ở nhà các em phải cố gắng dựa trên những gì thầy cô dạy, để có thể tập và "tự" hoàn thiện bài của mình. 

Chữ "tự" ở đây vô cùng quan trọng, vì chỉ khi các em làm như vậy trong một thời gian dài, cây đàn mới thực sự trở thành người bạn đồng hành của các em, các em sẽ hiểu cây đàn hơn, từ đó xây dựng được cho mình một phong cách riêng. Không nghệ sĩ nào chơi nhạc giống nghệ sĩ nào cả, đó là lý do các thầy cô ở nhạc viện không muốn dạy để học sinh trở thành một bản sao của mình, hay như chị nói, chơi nhạc như một cái máy.

- Thực tế việc đào tạo violin ở Việt Nam hiện nay gặp những khó khăn gì?

+ Hiện giờ khoa dây, đặc biệt là violin ở Việt Nam rất mạnh, với đội ngũ giáo viên lớp trước dày dạn kinh nghiệm, cũng như một số giáo viên trẻ mang những phong cách hiện đại hơn về giảng dạy. 

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là nhà nước, cũng như các nhà tài trợ lớn chưa thực sự để ý và đầu tư vào âm nhạc cổ điển. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì nhạc pop có kết quả ngay và gần gũi với công chúng hơn, trong khi nhạc cổ điển luôn bị gắn cái mác "hàn lâm", hay "chỉ người quý tộc mới được nghe". 

Như tôi đã nói ở trên, rất nhiều dự án mà tôi cùng các bạn đang thực hiện là để từ từ xóa bỏ thành kiến "hàn lâm" và "khó nghe" của âm nhạc cổ điển, mang âm nhạc cổ điển gần hơn với công chúng. Nếu một ngày các nhà tài trợ lớn, cũng như chính phủ thực sự đẩy mạnh và quan tâm đến âm nhạc cổ điển, thì tôi tin chắc chắn rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng sánh vai với các nước trên thế giới.

- Ngoài công việc của một giảng viên, anh rất tâm huyết với những dự định, biểu diễn và khám phá những không gian mới cho âm nhạc cổ điển để đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Anh có thể chia sẻ về hành trình đó?

+ Tôi về Việt Nam từ năm 2017, trong ba năm vừa qua tôi thực hiện rất nhiều dự án. Khởi đầu là một dự án ngắn mang tên "The Flying Clef", tạo một nhóm nhạc bao gồm một violin, một cello và đàn harp. “Flying Clef” phối lại những bài hát thịnh hành bây giờ theo phong cách cổ điển, cốt để giới thiệu nhạc cụ đến mọi người. 

Sau đó tôi tham gia những dự án lớn đến bây giờ vẫn còn tiếp tục như kết hợp cùng Master Fader, cố gắng đưa mô hình dàn nhạc giao hưởng vào âm nhạc điện tử và đương đại. Hay cùng Fly On Dust Media đưa âm nhạc dân tộc, phối lại và thể hiện bằng các nhạc cụ cổ điển. 

Tôi cũng thường xuyên diễn những dự án concert nhỏ như Baby Concert của Wonder.art, biểu diễn nhạc cổ điển cho các bé sơ sinh và bố mẹ của các bé nghe. Tôi tin từng bước, những dự án nhỏ đến lớn như vậy dần dần sẽ giúp cho thế hệ sau này của Việt Nam cảm thấy gần gũi hơn với các nhạc cụ cũng như âm nhạc cổ điển.

- Hiện nay, âm nhạc cổ điển Việt Nam có một lực lượng các bạn trẻ du học từ nước ngoài trở về như violin Nguyễn Thiện Minh, Phan Phúc cello, pianist Lưu Đức Anh… mang đến những sắc màu mới cho đời sống âm nhạc cổ điển. Dự định sắp tới của anh là gì? Anh có ước mơ chinh phục những cuộc thi nữa hay không?

+ Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ là một người ham muốn những cuộc thi cả. Nên kế hoạch hiện giờ vẫn tập trung đào tạo lớp học sinh trẻ, tiếp tục làm và hỗ trợ các dự án âm nhạc trong nước.

- Vậy âm nhạc có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của anh?

+ Đối với mỗi người, âm nhạc mang ý nghĩa khác nhau, nhưng đối với tôi, âm nhạc là một phần của cuộc sống, khi tất cả mọi thứ xung quanh mình đều có thể là âm nhạc, mình "nghe" cuộc sống hàng ngày với một góc nhìn và cảm nhận khác. Đấy là một điều rất thú vị.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

V. Hà (thực hiện)
.
.
.