Nghe Raheem Sterling trải lòng về quyết định gia nhập Man City:

“Tôi thèm khát những đồng bảng Anh”

Chủ Nhật, 27/03/2016, 15:22
Đã bao giờ, bạn thử nghĩ tại sao Raheem Sterling liên tục đòi hỏi mức đãi ngộ không tưởng dù mới ở tuổi đôi mươi, mang trên vai niềm hy vọng của một dân tộc chưa? Đó là bản năng của một cậu bé lớn lên trong môi trường tệ nạn, uống nước giếng thay cơm, luôn bị ảm ánh bởi cuộc sống nghèo đói.


Bóng đá tuần này kém sôi động chút ít. Các giải VĐQG tạm nghỉ, nhường chỗ cho hoạt động cấp đội tuyển. Vì vòng loại Euro 2016 đã kết thúc nên đây là khoảng thời gian hiếm hoi cho giới ngôi sao “thư giãn” trong loạt trận giao hữu.

Nhân dịp này, kênh Sky Sport đã tổ chức giao lưu với Raheem Sterling. Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa năm đến Manchester, Sterling trải lòng về quyết định rời Liverpool của mình. Tiền vệ này nói: “Trên instagram, CĐV bảo tôi là kẻ tham tiền. Họ nói đúng đấy, tôi thích tiền, tôi thèm khát những đồng bảng Anh”.

Thuyết âm mưu mà giới báo chí Anh dựng lên xem ra chẳng còn chút ý nghĩa gì. Chính Sterling thừa nhận anh yêu tiền và đến Man City vì tiền. Tất nhiên, Sterling cũng bổ sung anh cần cả danh hiệu nên mới chọn nửa xanh thành Manchester.

Raheem Sterling chụp ảnh cùng “băng đảng” tại Jamaica.

Nhưng tóm lại, vì Man City nhiều tiền nên Sterling mới chuyển đi. Trong cuộc đời, ước mơ lớn nhất của Sterling là nhiều tiền!

Khói đạn thay… cơm

Cách trung tâm London 5.000 dặm là Kingston, căn cứ “trọng điểm” của hoạt động mafia, buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội tại Jamaica. Raheem Sterling sinh ra, trải qua 6 năm tuổi thơ ấu tại “mảnh đất chết” này.

Học hết lớp 1, gia đình Sterling chuyển tới London lập nghiệp. Cậu được bố mẹ gửi gắm vào một vài trường công lập nhưng không giáo viên nào chịu nhận Sterling vì thái độ lấc cấc, bản tính nghênh ngang. Năm lên 7, Sterling buộc phải đăng ký nhập học tại trường giáo dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Vernan House. Tại đây, anh là học viên do cô Chris Beschi quản lý.

3 năm quan sát Sterling, cô Beschi nhận xét: “Đó là một cậu bé thông minh, cá tính nhưng nhiều tật xấu”. Cô Beschi kể lại năm Sterling lên 10, cô khuyên cậu “Trong 4 năm nữa, hoặc em sẽ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, hoặc em sẽ trở thành kẻ đầu đường xó chợ chuyên đâm thuê chém mướn”. Ranh giới giữa hai cuộc sống đó là rất mong manh và Sterling hiểu được điều đó. Cậu nhận thức được tương lai của mình sẽ ra sao nếu tiếp tục hành vi lỗ mãng, nuôi mái tóc đuôi sam bắt chéo theo phong cách cao bồi đấu súng tại New Mexico.

Nhưng Sterling không thể thay đổi. Cậu kể rằng 6 năm ở Jamaica là khoảng thời gian mà muốn tồn tại, bất kể đứa trẻ con nào đều phải học cách “tỉnh bơ” trước tiếng súng đạn, nhặt vỏ đạn rơi vãi bán sắt vụn lấy tiền mua nước. 90% hộ gia đình thuộc diện nghèo đói, bánh mỳ hay thực phẩm cơ bản là điều gì đó xa xỉ. Thế nên, để quên đi cái đói thì phải ra đường, coi trò chém giết là nguồn vui xả stress. “Cả tuần, tôi được ăn khoảng 3 cái bánh mỳ, còn vỏ đạn thì vô số, tầm 300 hay 400 gì đó”, Sterling tâm sự trên tờ Standard.

Tìm thấy đường thoát thân

Từ năm lên 10, Sterling bắt đầu tham gia bóng đá phong trào thường xuyên trong màu áo đội trẻ Alpha và Omega. Mỗi ngày, cậu dành ra 2 tiếng chơi bóng. Lúc đó, Sterling chỉ đơn giản nghĩ rằng đá bóng là thú vui giết thời gian chứ chẳng dám mơ mộng trở thành ngôi sao sân cỏ.

Thế rồi một ngày, Steven Gallen, trưởng bộ phận tuyển trạch của QPR tình cờ bắt gặp Sterling đang đùa giỡn với trái bóng. Gallen hỏi xung quanh gốc gác cậu bé này, tìm đến cô Beschi và quyết định chọn Sterling vào học viện QPR. Ngày hôm ấy, chính xác là 7-7-2005, Sterling gia nhập đội bóng phía Tây London.

Gia nhập Man City, Sterling mới có điều kiện thỏa mãn thú chơi xế hộp đắt tiền.

Năng lực của Sterling khỏi phải bàn cãi. Có lần đội U14 QPR đá với U14 Chelsea, Sterling một mình ghi 5 bàn, giúp QPR thắng 6-5. Thời đó, Sterling được cho tiền trang phục, tiền ăn uống và học phí nhưng không thuộc chế độ nhận lương phụ cấp nên khác với bạn bè đồng trang lứa, những người năng lực chuyên môn không bằng mình, Sterling thường phải về nhà ngay sau buổi tập thay vì đi chơi điện tử tay cầm hay ăn đồ ăn nhanh. Vậy Sterling làm gì?

Đi bộ ra nhà ga - bắt tàu điện ngầm - quay về nhà, ngày nào cũng như ngày nào, quy trình ấy diễn ra suốt 4 năm và phải mất chừng ấy thời gian, người ta mới biết Sterling sinh sống tại phố Raphaels Estate, quận Neasden. “Nhà tôi nghèo lắm, tất cả là căn gác xép hơn 10m2 trong một xưởng in bỏ hoang, sao dám cho bạn bè về được”, Sterling tiết lộ.

Lớn thêm chút, Sterling bị mẹ ép nghỉ đá bóng vì đá mãi chẳng thấy tiền đâu. Cậu thúc giục QPR và vào tháng 7-2009, Sterling ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời. 2.000 bảng/tuần, không nhiều nhưng vừa đủ với trang trải. Hai tuần sau, Sterling khoe với bạn bè rằng cậu mới tậu chiếc giày hiệu Puma giá 200 bảng. Trước đó, Sterling chỉ có 2 đôi giày thi đấu, tổng giá trị chưa tới… 30 bảng. “Đúng rồi, có hợp đồng là có tiền, có tiền là không khổ”, Sterling bắt đầu manh nha những suy nghĩ đó trong đầu.

Bước ngoặt 375.000 bảng

Một ngày đẹp trời đầu tháng 6/2010, Sterling tới công viên Cassiobury, Watford vui chơi cùng bạn bè. Tình cờ là một tuyển trạch viên của Liverpool đang tập thể dục ở đó và ông ngay lập tức gọi điện về Melwood, báo cáo: “Tôi tìm được vì sao sáng rồi”.

Liverpool tức tốc cử người tới xác minh và gõ cửa QPR. The Kop đưa ra cái giá không tưởng: 375.000 bảng đổi lấy Sterling. Thời điểm đó, giá trị chuyển nhượng của Sterling chỉ là 200.000 bảng. Sterling cho rằng nếu như anh đòi nhiều hơn, Liverpool vẫn sẽ gật đầu bởi họ đã phá lệ một lần thì sẽ có lần thứ hai. “Tôi muốn thêm 125.000 bảng nữa, kèm theo 25% phí lót tay nếu chơi tốt cho đội U18 Liverpool”, Sterling ra yêu sách. Liverpool chấp nhận và Sterling năm nào cũng như năm nào, nhận đủ 1 triệu bảng dù mới ở tuổi 19.

Sterling biểu diễn tài nghệ trong một lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn.

Nhiều tiền, Sterling bập vào thú vui… xác thịt. Từ năm 18 tuổi đến nay, Sterling có tới 5… người con dù chưa từng đăng ký kết hôn. Áp lực bậc làm cha, tiền bỉm sữa, bảo mẫu trông trẻ tăng vùn vụt, Sterling lại đòi hòi. Sau 3 năm lên đội một, Sterling được tăng lương tới 3 lần, từ 10.000 bảng lên mức 40.000 bảng - thừa thãi cho cuộc sống sinh hoạt ở Anh.

Và nếu nhìn lại những biến cố trong cuộc đời Sterling, không khó để đi tìm lời đáp cho thắc mắc: Vì sao 100.000 bảng không đủ để Liverpool giữ chân Sterling? Đơn giản, bởi Sterling luôn muốn nhiều tiền!

Khi thị trường chuyển nhượng hè 2015 mở cửa, Sterling gia nhập Man City. Chi tiết hợp đồng không được công bố cụ thể, nhưng nghe đâu Sterling kiếm về 180.000 bảng/tuần, hưởng thêm 5% của số tiền ấy cho mỗi bàn thắng ghi được.

Cuộc sống của Sterling giờ đây thật viên mãn. Anh ghi 11 bàn sau 41 trận, vô địch Capital One Cup, vào vòng 8 đội mạnh nhất Champions League và là hạt nhân chủ chốt trong mọi chiến dịch của ĐT Anh, đã lâu lắm rồi, bóng đá Anh mới trình làng một celeb thực thụ: Đá bóng hay, kiếm tiền giỏi.

Cuối buổi phỏng vấn, phóng viên Geoff Shreeves có hỏi: “Sterling, cậu mong chờ điều gì ở Pep Guardiola khi ông ấy đến Etihad nắm quyền?”. “Kiểu gì tôi cũng đá được, miễn sao CLB cứ trả lương tôi đúng hạn thôi”, Sterling nhanh nhẩu.

Trong thế giới bóng đá, hiếm ai dám nói thẳng, nói thật về mục đích theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng Sterling là trường hợp ngoại lệ. “Sterling không bao giờ nói dối. Vì thế, dù cậu ấy quyết dứt áo ra đi, bỏ mặc một tập thể đang cần cú hích, tôi vẫn thông cảm và tha thứ”, HLV Brendan Rodgers chia sẻ.

"Mẹ tôi là Jose Mourinho"

Là một cầu thủ chuyên nghiệp, Sterling tự đặt ra mục tiêu duy trì phong độ cao để duy trì mức lương khổng lồ như hiện tại. Anh nói rằng vì yêu tiền nên phải làm mọi cách chơi thật hay, thật tốt và nhận lại món quà từ các ông chủ Ả-rập.

Sterling nhấn mạnh anh chưa hài lòng về phong độ hiện tại. “Chỉ là tôi không tồi, chứ chưa xuất sắc như bản thân kỳ vọng”. Sau các trận đấu, Sterling thường nhận được tin nhắn từ bạn bè, người thân. Đa phần là những lời động viên, nhưng Sterling ấn tượng nhất là những quan tâm, tư vấn từ mẹ đẻ, bà Nadine.

“Đáng ra con phải đứng trong vòng cấm nhiều hơn. Chọn vị trí đó thì mới dễ ghi bàn, dốt ạ”, một tin nhắn của bà Nadine được Sterling chia sẻ.

Sterling gọi mẹ mình là Jose Mourinho. “Bà ấy tự nhận là người đặc biệt đấy chứ, mà kể cũng đúng thật. Ngày tôi 17, khi mới làm quen với thế giới này, bà ý chưa biết nhiều về bóng đá, chỉ hiểu sơ về luật thôi. Nhưng giờ thì thành thạo chẳng kém HLV đâu”, Sterling kể tiếp.

Bỏ quá khứ ở lại

Cho đến khi là nhân vật của công chúng, Sterling vẫn thường xuyên dính vào những rắc rối do bản tính đầu gấu. Năm 2012, Sterling bị buộc tội hành hung một phụ nữ ở hạt Toxteth. Hơn 8 tháng sau, anh bị bắt gặp xô ngã bạn gái khỏi chiếc Range Rover sau một hồi cãi vã. Đến tháng 4 năm ngoái, Sterling xuất hiện ở một đoạn video trong tình trạng “phê đến nóc nhà”. Theo các chuyên gia y tế, Sterling đã sử dụng loại bóng cười gây kích thích. Hay thậm chí cả mùa hè 2015, Sterling đắm chìm trong những buổi hút shisha và tập tành hút thuốc lá điện tử dù anh thề là không nghiện thuốc.

Tuy nhiên, những ngày tháng ở Manchester đã làm thay đổi con người đầy thị phi đấy. Tại đây, anh nhận lương vượt xa mức mong đợi và chẳng dại gì, Sterling lại sống bê thả để mất đi quyền lợi sát sườn đó. Trên tờ Independent, Sterling tiết lộ dự định làm đám cưới với cô bạn gái Paige Milan vào cuối năm nay.

Đơn Ca
.
.
.