Manchester UTD - Livepool: Trận chiến của hận thù trăm năm

Thứ Ba, 06/01/2015, 16:00
Không cùng thành phố, nhưng trận đấu giữa Man Utd và Liverpool vẫn được coi là trận derby, một trận derby truyền thống số 1 nước Anh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thậm chí, nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn là một trận bóng, nó là sản phẩm văn hóa, xã hội nước Anh kéo dài suốt hơn 100 năm qua.

1.Câu lạc bộ bóng đá Liverpool là một biểu tượng văn hóa lộng lẫy, uy nghiêm của thành phố. Nó có giá trị sánh ngang với hải cảng Liverpool, nơi được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới, không kém cạnh gì "Merseybeat", cái tên âm nhạc được đặt riêng, gắn với ban nhạc huyền thoại The Beatles. Vị trí quan trọng của Liverpool khiến họ trở thành trung tâm của nước Anh cuối thế kỉ XIX, và đây cũng là nơi xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên tại Vương quốc Anh, nối với Manchester, thành phố cách đó không xa, chỉ một quãng đường có tên M62.

Sự kết nối tuyệt vời ấy khiến sự giao thương trở nên dễ dàng, thuận tiện, nhưng nó cũng là điểm bắt đầu cho một cuộc đấu tranh kéo dài hơn 100 năm trên sân cỏ.

Năm 1894, Manchester quyết định xây dựng một kế hoạch táo bạo, tạo ra một cảng tàu lớn, dài nhất thế giới lúc ấy có tên Manchester Ship Canal. Sự xuất hiện của Manchester Ship Canal đã khiến cho mối quan hệ với Liverpool gần như gãy đứt. Sự độc tôn của hải cảng Liverpool mất đi, đến mức chẳng bao lâu sau phần lớn tàu biển đều ghé cảng Manchester. Sở dĩ như vậy bởi nếu dừng ở Manchester Ship Canal, chi phí sẽ đỡ tốn hơn và được sử dụng cơ sở hạ tầng mới hơn, ưu đãi nhiều hơn. Hàng loạt nhân công Liverpool mất việc làm, các thương gia ở đây rơi vào cảnh "đói kém". Sự bất hòa diễn ra không chỉ trên mặt trận kinh tế, mà bóng đá cũng được coi là nơi để họ trút mọi ức chế.

Không thiếu những pha bóng quyết liệt.

Những biến thiên xã hội đã khiến hai thành phố trở nên đối đầu, và bóng đá là nơi dễ dàng nhất để tất cả thể hiện thái độ của mình. Những trận đấu thường xuyên căng thẳng quá mức, thậm chí đã có bạo loạn, có đổ máu, có người chết và có cả những scandal làm hoen ố lịch sử bóng đá Anh.

Tuy nhiên, lịch sử xã hội, kinh tế vẫn chưa đủ tạo ra một trận derby kinh điển, mà cần có cả những thứ gia vị khác. Và có lẽ, đây là trận đấu hiếm hoi trên thế giới hội đủ mọi yếu tố để được coi là trận bóng đáng sợ nhất, hay nhất và cũng nhiều ma lực nhất. Chẳng thế mà năm 1989, lần đầu tiên trong lịch sử có một cuộc hội họp chính thức giữa đại diện hai hội CĐV Man Utd và Liverpool để đi đến một thống nhất chung và có lẽ cũng là duy nhất: yêu cầu hai thành phố công nhận trận đấu Liverpool-Man Utd là "di sản văn hóa chung". Với họ, trận đấu này quan trọng không kém gì di sản của The Beatles, quảng trường Albert ở Manchester hay những bến cảng.

2. Giá trị truyền thống khiến trận đấu Liverpool-Man Utd biến thành cuộc tranh giành của những biểu tượng, không chỉ có ý nghĩa thành tích, mà là hình ảnh của thành phố, của quyền lực và của bản sắc văn hóa cộng đồng. Trận đấu ấy quan trọng và được đề cao đến mức, Ryan Giggs, một trong những biểu tượng của Man Utd từng nói: "Kể cả Liverpool có xuống hạng, họ vẫn là đối thủ lớn nhất của chúng tôi. Sự kình địch chỉ mất đi nếu Liverpool bị xóa sổ. Nhưng dù trong hoàn cảnh ấy, điều duy nhất còn lại vẫn là lòng hận thù!". Còn huyền thoại một thời của Man Utd là Eric Cantona khẳng định: "Có thể trận derby Manchester (Man Utd gặp Man City) là trận đấu quan trọng, nhưng trận gặp Liverpool mới thực sự là derby, thực sự là cuộc chiến, kể cả đó chỉ là trận giao hữu".

Hồi đầu thế kỉ XX, bóng đá chuyển nhượng rất hạn chế, sự kình địch giữa hai đội đơn thuần là trong nội bộ các cầu thủ sinh ra và lớn lên, trưởng thành ở hai thành phố. Nhưng sau này, kể cả những người từ nơi khác đến thi đấu cho các CLB này, họ đều phải "thấm nhuần" tư tưởng rằng: Man Utd và Liverpool là hai kẻ không đội trời chung. Wayne Rooney, một cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Everton (một CLB ở thành phố Liverpool) khi đến Man Utd cũng tuyên bố rằng anh "căm ghét" Liverpool. Cantona, một cầu thủ Pháp cũng từng chế giễu Liverpool và tỏ thái độ thù địch với CLB này. Tiền vệ Steven Gerrard, đội trưởng Liverpool cả đời cống hiến cho đội bóng thậm chí còn có thái độ thù hằn ra mặt. Trong một phóng sự về anh tại tư gia, Gerrard hồ hởi khoe cả một căn phòng chứa bộ sưu tập áo đấu đổi được với các đối thủ sau khi thôi đấu, nhưng ở đó không có chiếc áo nào của Man Utd. Gerrard không ngại ngần nói: "Ở đây không bao giờ có chỗ cho bất cứ thứ gì thuộc về Man Utd".

Bạo lực thường xuyên xảy ra trong các trận đấu giữa Man Utd và Liverpool.

Scandal mới đây nhất liên quan đến Man Utd và Liverpool chính là "vụ án Suarez" khi tiền đạo người Uruguay có lời lẽ xúc phạm, phân biệt chủng tộc với Patrice Evra của Man Utd (mùa giải 2011/2012). Sau những cuộc điều tra, xét xử, Suarez bị treo giò 8 trận. Và khi mãn hạn, trở lại thi đấu, Suarez đã không thèm bắt tay Evera khi Liverpool và Man Utd tái ngộ. Nhưng dù sao đó vẫn chỉ là sự kiện mang tính cá nhân. Ngay bản thân hai đội bóng cũng coi nhau là những kẻ địch thực sự. Kể từ năm 1964 đến nay, tức là đã 50 năm, không có bất cứ cầu thủ nào được chuyển nhượng trực tiếp giữa Man Utd và Liverpool. Người gần đây nhất làm được điều phi thường này là Phil Chisnall từ Man Utd đến Liverpool.

Thực tế là vài năm qua cũng có một số cầu thủ khoác áo cả hai CLB, như: Michael Owen, Paul Ince, Peter Beardsley… nhưng họ đều khoác áo một CLB khác xen giữa, ví dụ Paul Ince rời Man Utd và chơi cho Inter trước khi đến Liverpool, Owen cũng khoác áo Real trước khi đến Man Utd… Kể cả là như vậy thì những cầu thủ này cũng không được chào đón khi đến với CLB đối thủ và hầu hết họ đều thất bại.

Đây được coi là nguyên tắc số 1 ở cả Man Utd và Liverpool. Nó là quy định bất thành văn mà nếu kẻ nào xâm phạm sẽ phải nhận "hình phạt" khắc nghiệt. Trường hợp của Gabriel Heinze năm 2007, khi đang khoác áo Man Utd, có tin đồn cầu thủ này muốn về Liverpool. Gần như ngay lập tức, Ban lãnh đạo Man Utd bán anh cho… Real Madrid.

Một CĐV Man Utd chế giễu HLV Dalglish của Liverpool năm 2011.

3. Năm 1915, trận đấu cuối cùng của giải vô địch Anh, Man Utd tiếp Liverpool trong trận đấu mà họ buộc phải thắng mới có thể trụ hạng. Thời điểm đó, Liverpool đã không còn mục tiêu gì để phấn đấu, với sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với đối thủ. Thế nhưng, bất ngờ đã xảy ra khi Liverpool dễ dàng thất thủ 0-2. Điều đáng nói là trận đấu đó bị các nhà cái phanh phui có dấu hiệu dàn xếp. Rất nhanh sau đó, FA đã vào cuộc và họ có đủ bằng chứng để trừng phạt cả hai CLB này. Hàng loạt con số được đưa ra cho thấy, một lượng tiền rất lớn đã đổ vào cửa Man Utd thắng với tỷ số 2-0. Ngay các cầu thủ của hai đội bị điều tra cũng đã thừa nhận. Kết quả là 7 cầu thủ bị treo giò trọn đời (sau đó được giảm xuống do gián đoạn bởi Thế chiến).

Cùng với hàng loạt chuyện ẩu đả, đấu đá, kình địch, kèn cựa về thành tích, họ còn có cả một vụ scandal dàn xếp kết quả lớn nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Tất cả những điều đó chỉ khẳng định một điều rằng, Man Utd và Liverpool sẽ mãi là một trận derby máu lửa nhất, căng thẳng nhất và có truyền thống nhất nước Anh. Khi ấy, dù hiện tại cả hai đều đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tính chất và ý nghĩa của cuộc đấu có lịch sử cả trăm năm.

Nhng câu chuyn không th quên

Từ thập kỉ 70 của thế kỉ trước, khái niệm hooligan xuất hiện khi trào lưu phá hoại, bạo loạn của các CĐV Anh nổi lên trên khắp đất nước. Và lần đầu tiên khái niệm này xuất hiện sau trận Man Utd và Liverpool năm 1967, với những cuộc bạo loạn của CĐV sau trận đấu.

Tại trận chung kết FA Cup năm 1996, khi Man Utd giành chiến thắng và đang lên bục nhận huy chương của Hoàng gia Anh, một CĐV Liverpool đã nhổ vào mặt Eric Cantona phía Man Utd, sau đó hắn còn đấm vào mặt HLV Sir Alex Ferguson. Năm 1990, một quả trứng đã được CĐV Liverpool ném thẳng vào đầu HLV Ferguson. Từ đó, trong tất cả các trận đấu giữa Man Utd và Liverpool, các CĐV hai đội được chia ra hai phía, không được đi gần nhau, và đặc biệt họ không được xếp ngồi gần phía BHL của đội bóng đối phương. Ngay cả ở một trận đấu của đội trẻ Man Utd và Liverpool ở giải trẻ, các CĐV Man Utd cũng gây loạn tại sân Anfield. Một nhóm gồm 6 người đã chế giễu Liverpool thông qua 2 sự kiện được coi là thảm họa lớn nhất của bóng đá thế giới liên quan đến Liverpool là vụ Hillsborough và Heysel. Nhóm CĐV Man Utd này đã bị "tống cổ" ra ngoài SVĐ và bị cấm đến sân vĩnh viễn.

Lê Giang
.
.
.