Derby Thành Rome:

Trận đấu của lịch sử và huyền thoại!

Thứ Sáu, 09/01/2015, 15:48
Cuối tuần này, bóng đá châu Âu sẽ chứng kiến trận đấu được coi là nóng bỏng, khốc liệt nhất, mang trong mình những mối hận thù lịch sử và duyên nợ hàng đầu châu Âu: trận derby thủ đô Rome giữa AS Roma và Lazio, trận đấu được gọi bằng cái tên: Derby della Capitale. Dù không còn đứng trên đỉnh cao châu Âu, nhưng trận derby này vẫn được nhắc đến hằng năm ở Italia như một sự kiện lớn, một trận cầu mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử…
1. Trong  cuốn sách "Những trận derby máu lửa nhất thế giới" của nhà báo thể thao nổi tiếng người Anh, Andy Mitten, trận derby thủ đô Rome được xếp ở vị trí thứ 3, chỉ sau các trận derby giữa Celtic-Rangers (Scotland) và Real-Barca (Tây Ban Nha). Nhắc đến Derby della Capitale, bất kì ai cũng nhớ đến cái tên Paolo Di Canio. Danh thủ một thời này chưa bao giờ đạt đến tầm cỡ của những Maldini, Totti, Del Piero… nhưng ở anh lại có một điều mà chẳng ai có: Di Canio là nhân chứng của 5 trận derby khủng khiếp nhất thế giới: derby London (West Ham), derby Old Firm (Celtic), derby Milan (AC Milan), derby Turin (Juventus) và dĩ nhiên, Derbi della Capitale khi khoác áo Lazio, với hành động chào kiểu phát xít sau trận khiến các cổ động viên rất tức giận (sau đó, Di Canio nhận án phạt rất nặng).

Sau khi trải qua tất cả các trận derby nổi tiếng nhất thế giới ấy, Di Canio có một câu nhận xét được nhắc đến như bản chất của trận đấu đầy máu và lửa này: "Các CĐV Lazio và Roma quan tâm và thích thú với chiến thắng trong trận derby này hơn là danh hiệu, hay kết thúc ở vị trí nào trên BXH cuối mùa giải". Tại sao lại có chuyện quái gở như vậy? Đơn giản bởi Derby della Capitale là một giá trị đặc biệt, còn hơn cả một thứ di sản văn hóa phi vật thể ở Rome. Nó là truyền thống, là niềm tự hào và gần như một thứ tôn giáo bất khả xâm phạm ở từng CĐV của mỗi đội.

Những trận Derby della Capitale luôn nóng bỏng.

Cả AS Roma lẫn Lazio đều không phải là những quyền lực tuyệt đối thống trị bóng đá Italia trong một thời gian dài như Juventus, AC Milan, Inter Milan. Lazio mới có 2 chức vô địch Serie A (1974, 2000). AS Roma cũng chỉ có 3 lần đăng quang (1942, 1983, 2001). Thậm chí, trong cả chiều dài lịch sử Serie A cũng chỉ có 1 lần họ gặp nhau trong tư thế của những kẻ cạnh tranh ngai vàng (lượt về mùa 2000/2001). Nhưng bù lại, họ tạo ra một giá trị khác, với sự đối trọng ngay trong bản thân hai đội bóng dùng chung một sân vận động, hít thở chung một bầu không khí cổ kính của thành Rome. Đó là điều đặc biệt đầu tiên. Và tiếp theo, giá trị của Derby della Capitale xuất phát từ lịch sử, mang sự hận thù và kình địch gần giống với bản chất của El Clasico Tây Ban Nha giữa Real Madrid và Barcelona. Không phải vì tranh giành danh hiệu, mà bởi nó là sản phẩm của một chế độ độc tài, của một giai đoạn lịch sử khốc liệt mà Italia trải qua. Câu chuyện về sự ra đời của họ sẽ là lời giải thích cho sự hận thù mà hai đội đã dành cho nhau cả trăm năm qua, tạo nên một trận đấu đặc biệt.

2. Societa Sportiva Lazio được ra đời năm 1900, lấy tên từ một khu vực ngoại ô Rome. Người sáng lập ra câu lạc bộ là Luigi Bigarelli, một sĩ quan trong quân đội Italia. Khi mới thành lập, đội bóng thi đấu ở những vùng ngoại ô giàu có như  Parioli. Cuộc sống của Lazio cứ lặng lẽ diễn ra trong tư thế của quyền lực duy nhất thành Rome, Khi chế độ độc tài Benito Mussolini xuất hiện, Lazio hưởng lợi khi nhà độc tài này trở thành một CĐV của Lazio và thường xuyên đưa gia đình, các con đến tham dự các trận đấu của đội.

Và kết quả là Lazio hưởng lợi với kế hoạch xây dựng đế chế tại thủ đô Rome, trong đó có dự án xây dựng SVĐ mới. Một trong những kế hoạch phát triển của chế độ độc tài có mục tiêu bóng đá. Đó cũng là lí do tại sao Italia giành bằng được quyền đăng cai tổ chức World Cup năm 1934. Và để chuẩn bị cho giải đấu này, Italia công bố đề án xây dựng sân vận động mới vào năm 1931. Lazio được chuyển đến thi đấu tại sân vận động mới này (khi đó có tên là PNF, mang tên đảng phát xít). Vai trò con cưng của Lazio là độc tôn cho đến năm 1927, khi một sự kiện xuất hiện ở Rome…

Totti và hành động khiêu khích nổi tiếng năm 1999.

Để phát triển một nền thể thao thống trị châu Âu, chế độ ở Italia muốn xây dựng một đế chế bóng đá tại thủ đô Rome, hòng tạo ra một đội bóng biểu tượng của thủ đô, một gã khổng lồ thực thụ để tranh giành quyền lực với hai đế chế đang lũng đoạn ở Milan và Turin. Một quyết định được đưa ra năm 1927: sáp nhập tất cả các câu lạc bộ ở Rome thành đội bóng có tên: Associazione Sportiva Roma. Khi ấy Lazio cũng nằm trong áp lực sáp nhập.

Tuy nhiên, Lazio cương quyết "chống lệnh", đứng độc lập, và lúc ấy AS Roma vẫn ra đời với sự hợp nhất của 4 đội bóng nhỏ: Alba, Fortitudo, Pro Roma và Roman. Người tạo ra AS Roma là Italo Foschi, một nhà yêu nước  địa phương, khi đó cũng là Tổng thư ký của đảng Phát xít. Lazio tiếp tục tồn tại, và chính điều đó đã gây ra mối rạn nứt giữa hai đội bóng đều tự cho mình quyền hạn của kẻ thống trị. Lazio muốn đòi lại những gì thuộc về mình, còn AS Roma muốn thể hiện sức mạnh mà lịch sử đã trao vào tay họ. Và một yếu tố làm nên sự kèn cựa là câu chuyện về lãnh thổ.

Nếu Lazio chơi bóng ở SVĐ biểu trưng của đảng phát xít ở phía Bắc thành phố thì Roma thi đấu ở Campo Testaccio, một quận nhỏ của người lao động ở ngoại ô phía Nam Rome. Lazio ngay từ ngày ra đời đã khoác trên mình màu áo xanh da trời, biểu trưng của Thần thoại Hy Lạp, với linh vật là con đại bàng quyền năng, con vật linh thiêng của sao Mộc. Còn AS Roma thì sử dụng màu vàng của thành phố Vatican và màu đỏ của đế chế Rome truyền thống. Biểu tượng của họ là con sói, con vật tượng trưng của sao Hỏa, gắn liền với truyền thuyết về người sáng lập thành phố. Trong huyền thoại ra đời của thành Rome, con sói đã cứu cặp Romulus và Remus, nuôi sống họ và tạo dựng lên thành Rome.

Ngay ở câu chuyện về biểu tượng cũng đã cho thấy sự khác biệt. Nếu AS Roma ăn sâu vào lịch sử và huyền thoại của chính mình thì Lazio bị coi là "kẻ ngoại đạo". Ngay sau khi ra đời, Roma đã nổi lên như đội bóng số một ở Rome, với chỉ 26 trận thua trong vòng 11 năm từ 1929 đến 1940. Họ làm lu mờ Lazio, thậm chí còn cung cấp nhiều cầu thủ cho ĐT Italia trong đội hình vô địch World Cup 1934.

Trong thế chiến thứ 2, AS Roma miễn cưỡng rời sân vận động nhỏ bé của họ để tới sử dụng chung sân vận động với Lazio. Đến năm 1953, cả hai cùng phải chuyển về Olimpico, sân vận động xây dựng phục vụ cho Olympic 1960. Dù cùng đứng chung sân nhưng về vai trò chính trị, Roma được cho là những người ủng hộ phe cánh tả, còn Lazio theo phe cánh hữu. Bầu không khí căng thẳng nhất vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi các nhóm ultra xuất hiện, bắt nguồn từ các dự án chính trị của Roma cải tạo những khu ổ chuột, chật chội phía Nam thành phố, ví dụ như ở Quarticciolo… Những trận Derby della Capitale diễn ra dù chẳng vì mục tiêu vô địch thì vẫn nóng bỏng, kình địch như thường. Hình ảnh về trận đấu này mãi về sau chỉ có thể được diễn tả bằng hàng trăm cuộc bạo loạn, hàng ngàn người bị thương và rất nhiều người đã tử vong.

3. Ý nghĩa của Derby della Capitale nằm ở chính sự ám ảnh về cuộc phân tranh quyền lực thống trị ở Rome. Hàng loạt cuộc đấu tranh giữa các nhóm cổ động viên hai đội bắt đầu từ ý nghĩa đó. Điều này cũng chính là bản chất của trận derby rực lửa thành Rome, và nó khiến trận derby này không giống bất cứ trận derby nào trên khắp thế giới. Hàng loạt câu chuyện chứa đầy máu lửa đã diễn ra và kéo dài suốt gần một thế kỷ qua.

Bạo loạn thường xuyên xảy ra ở trận derby Rome.

Ở đó không cần phải có danh hiệu, chẳng cần phải là chức tước, mà đơn giản chỉ là mối thù giữa hai kẻ hàng xóm từng bị lịch sử đặt vào vị trí của những đối thủ truyền kiếp. Sự ám ảnh của quá khứ dường như chẳng bao giờ khép lại. Dù lúc này quá khứ của chế độ cũ đã không còn tồn tại, nhưng thẩm thấu trong suy nghĩ của tất cả các cổ động viên, đội bóng của họ luôn phải là quyền lực số 1 ở Rome. Họ vẫn coi nhau là những "kẻ ngoại đạo", những người hàng xóm không thân thiện. Hay đơn giản, Derby della Capitale đã là một giá trị truyền thống, một huyền thoại lịch sử mang giá trị vĩnh cửu của thành phố.

Totti, nhân chng ca s kình đch

Francesco Totti được coi là đội trưởng huyền thoại của AS Roma, người đã tham dự nhiều trận Derby della Capitale nhất với tổng cộng 38 trận trong sự nghiệp (34 trận tại Serie A và 4 trận tại Coppa Italia, nếu tính cả các trận giao hữu, con số này tăng lên thành 40 trận). Tuy xuất hiện khá thường xuyên trong các trận derby thành Rome, nhưng cho đến thời điểm này, Totti mới có được 9 bàn thắng vào lưới Lazio, kém 2 bàn so với cầu thủ dẫn đầu về số pha lập công trong các trận derby Rome: Dino da Costa.

Tuy ghi không nhiều bàn thắng, nhưng Totti lại khiến người hâm mộ Rome phải nhớ về anh trong những lần ăn mừng bàn thắng. Năm 1999, sau khi sút tung lưới Lazio, Totti vén áo khoe dòng chữ được in trong chiếc áo lót: "Vi ho purgato ancora!!!" (Tạm dịch là "Tôi lại trừng phạt các người một lần nữa!!!"). Chữ "lại" trong câu nói này như muốn nhắc các CĐV Lazio nhớ về trận đấu vào ngày 29/11/1998, khi Totti ghi một bàn thắng và kiến tạo cho Delvecchio giúp Roma cầm hoà Lazio 3-3 sau khi thua trước 1-3. Sau này, một số cầu thủ AS Roma khác cũng làm lại điều này khi ghi bàn vào lưới Lazio.

Lê Giang
.
.
.