Trào lưu làm phim cổ trang: Đừng chỉ chạy theo xu hướng

Thứ Tư, 30/01/2019, 22:12
Dù không phải là xu hướng làm phim quá mới lạ nhưng chắc chắn, để phim cổ trang Việt thành công vẫn là một thách thức không nhỏ với mỗi đạo diễn.


Bộ phim hài dân gian "Trạng Quỳnh" (đạo diễn Đỗ Đức Thịnh) sẽ được khởi chiếu từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (5 - 2 - 2019). 

Cùng thời điểm này, một số dự án phim cổ trang được công bố cả ở lĩnh vực phim truyền hình lẫn phát online như "Đò xuôi vạn lý", "Bí mật Trường Sanh Cung"... cho thấy phim cổ trang vẫn có một sức hút mạnh mẽ với các nhà làm phim. 

Dù không phải là xu hướng làm phim quá mới lạ nhưng chắc chắn, để phim cổ trang Việt thành công vẫn là một thách thức không nhỏ với mỗi đạo diễn.

Sau khi khẳng định vai trò đạo diễn với một số bộ phim tâm lý hài hiện đại, đầu năm nay, NSƯT  Đức Thịnh quyết định thử sức bằng bộ phim hài cổ trang bắt nguồn từ tích truyện xưa. "Trạng Quỳnh" mang bối cảnh làng quê Việt với nội dung là những câu chuyện dí dỏm, hài hước xoay quanh những giai thoại về nhân vật này. 

Vốn được biết đến là nghệ sĩ có tính cách hài hước nên việc Đức Thịnh chọn câu chuyện về nhân vật Trạng Quỳnh để làm phim cũng là một kiểu "hợp tạng". Phim lại nhằm ra mắt vào đúng dịp Tết nên tiếng cười không thể thiếu. 

Tuy nhiên, lý giải cho việc tại sao lại chọn một câu chuyện cười dân gian chứ không phải là những câu chuyện hiện đại như những phim anh từng làm trước đây, đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ: "Tôi muốn tôn vinh những giá trị văn hóa quý giá của dân tộc. Những câu chuyện hài trong dân gian thường rất sâu sắc, chứa đựng thông điệp về cái thiện, sự công bằng. Nụ cười trong các câu chuyện dân gian không chỉ có tính chất giải trí mà còn nhiều điều ý nghĩa được gửi gắm trong đó".

Tạo hình nhân vật trong phim “Trạng Quỳnh”.

Theo đạo diễn Đức Thịnh, giai thoại về Trạng Quỳnh trong dân gian rất nhiều nhưng với bộ phim này anh xây dựng kịch bản phóng tác từ một số tích truyện chứ không theo một giai thoại cố định nào. 

Dàn diễn viên đảm nhiệm những vai chính của phim được đạo diễn chọn mặt gửi vàng. Bên cạnh những diễn viên quen thuộc, nổi tiếng như Trấn Thành, Nhã Phương, vai chính Trạng Quỳnh được giao cho một gương mặt mới đó là Trần Quốc Anh. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ với chàng trai trẻ này khi anh đóng cặp cùng với danh hài lanh lẹ và dày dạn kinh nghiệm Trấn Thành.

Trong phim, Trấn Thành vào vai Xẩm, bạn thân của Trạng Quỳnh, luôn đồng hành từ thời còn trẻ cho đến khi thi cử và làm quan. Ngoài nhân vật Trạng Quỳnh, phim còn là câu chuyện về cuộc đời nhiều biến cố của nàng tiểu thư xinh đẹp, hiền tài tên Điềm.

Được biết, Trạng Quỳnh được sản xuất với kinh phí gần 22 tỉ đồng, ghi hình trải dài từ Bắc đến Nam, đặc biệt là vùng phong cảnh núi non hùng vĩ của Ninh Bình tiếp tục được đạo diễn chọn làm bối cảnh phim. 

Cùng với câu chuyện phim hài hước, thú vị, bộ phim còn mang đến cho khán giả những khung cảnh sơn thủy hữu tình, những cảnh chỉ có trong ký ức xưa như chèo đò đi thi, trường thi...

Bên cạnh phim "Trạng Quỳnh" sắp ra mắt khán giả, xu hướng làm phim cổ trang Việt Nam còn được đánh dấu bằng dự án webdrama cổ trang "Bí mật Trường Sanh Cung" do đạo diễn Nguyễn Tài Nam và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa thực hiện. 

Nội dung phim là quá trình tranh đấu trong hậu cung của Ngô Thụy Anh, con gái một quan võ bị cách chức từng bước trở thành Nhất giai phi đứng đầu phi tần. Phim dự tính ra mắt vào tháng 1 - 2019 với định dạng webdrama với độ dài 5 tập. 

Ngoài ra, không thể không kể tới dự án phim truyền hình "Đò xuôi vạn lý" của đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc. Đây là bộ phim hành động võ thuật kể về cuộc đời đầy sóng gió của "Bạch Phi Nhạn" Thiên Tâm khi anh muốn tránh xa thị phi để tìm về nơi bình yên tự tại. Tuy nhiên, mọi tai ương rắc rỗi vẫn không buông tha cho anh. 

Phim có bối cảnh là vùng sông nước miền Tây Nam Bộ với khá nhiều cảnh đặc sắc: sông nước mênh mông, rừng xanh thẳm ngút ngàn tầm mắt... 

Vì là phim cổ trang hành động nên bộ phim không thể thiếu những pha hành động đầy mạo hiểm. Đạo diễn phim kỳ vọng bộ phim sẽ mang đến những thước phim hành động võ thuật chân thật và thuần Việt nhất. 

Phim có sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng ở phía Nam như Dương Cẩm Lynh, Lâm Minh Thắng, Phúc An, Lâm Hải Sơn, Ngân Quỳnh... 

Trong khi các phim truyền hình về đề tài gia đình, hôn nhân nhiện đại đang làm mưa làm gió trên các sóng truyền hình thì bộ phim cổ trang thực sự là món ăn tinh thần mới lạ với các khán giả.

Phim “Mỹ nhân kế” bị khán giả phản ứng vì trang phục của nhân vật quá hở hang.

Xu hướng làm phim cổ trang còn được nối dài bằng sê ri phim "Nam phi liên hoàn kế" của diễn viên Nam Thư, "Kỳ án cung Diên Thọ" lại được thực hiện dưới dạng chương trình truyền hình thực tế. Diễn viên Thu Trang lấn sân mảng phim này với "Bổn cung lâm giá", diễn viên Huỳnh Lập thì trình làng "Hoàng hậu họ Huỳnh"... hầu hết những sản phẩm này được phát hành theo diện online.

Có thể nói, xu hướng làm phim cổ trang bắt nguồn từ làn sóng bom tấn cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm mưa làm gió các nước trong khu vực thời gian vừa qua. Việc các đạo diễn Việt lao vào làm phim cổ trang như một cách tận dụng trào lưu này trong lòng khán giả. 

Trước đây, phim cổ trang của điện ảnh Việt Nam đã từng được khán giả biết tới với những bộ phim như "Phạm Công - Cúc Hoa", "Lá ngọc cành vàng", "Đêm hội Long Trì", "Lục Vân Tiên", "Khát vọng thăng Long", "Long thành cầm giả ca"... 

Những phim này hầu hết đều do các hãng phim nhà nước sản xuất. Sau này có sự góp mặt của "Thạch Sanh", "Mỹ nhân kế", "Thiên mệnh anh hùng", "Tấm Cám- chuyện chưa kể"... do các nhà sản xuất tư nhân thực hiện. 

Một số phim được làm bởi đạo diễn Việt kiều. So với các thể loại khác, làm phim cổ trang là chấp nhận mức đầu tư lớn từ trang phục, bối cảnh, đạo cụ. Chỉ riêng phần phục trang của "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã phải mời tới 4 nhà thiết kế cùng góp sức thực hiện. Số tiền đầu tư cũng từ đó mà tăng lên. 

Tuy nhiên, mỗi dự án phim cổ trang khi ra mắt thường xuyên chịu sự so sánh, bình luận khá khắt khe của dư luận xung quanh tính thuần Việt hay nguyên tác lịch sử.

Dù được thực hiện bởi một đạo diễn Việt kiều nổi tiếng nhưng “Thiên mệnh anh hùng” vẫn có những hạn sạn.

Một điều đáng nói là mặc dù các đạo diễn Việt tâm huyết với đề tài cổ trang, chấp nhận lao vào gian khó nhưng không phải phim nào cũng khiến khán giả hài lòng. Kịch bản ở phim cổ trang Việt luôn là vấn đề đáng bàn. 

Thông thường, phim hay dựa trên câu chuyện lịch sử, hoặc một nhân vật lịch sử và có những tình huống, câu chuyện được hư cấu thêm. Tuy nhiên, phim cổ trang Việt vẫn hay mắc phải những lỗi như là kịch bản chứa nhiều tình tiết phi lý, diễn biến xung đột cũng chắp vá, thiếu lô gic.

Trang phục cũng luôn là điểm yếu của phim cổ trang Việt. Một số bộ phim như "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long", "Thiên mệnh anh hùng", "Mỹ nhân kế"... trang phục trong phim dù tốn kém nhưng màu sắc, kiểu dáng không phù hợp với thời điểm lịch sử, thậm chí còn bị kêu là hở hang thái quá. 

Gần đây nhất, vừa tung tạo hình trên fanpage, "Bí mật Trường Sanh Cung" đã vấp phải nhiều bình luận trái chiều từ khán giả. Các ý kiến đều cho rằng, là một phim cổ trang Việt Nam nhưng tạo hình các nhân vật không thể hiện rõ dấu ấn lịch sử của bất cứ triều đại nào mà còn dễ khiến người xem liên tưởng đến các phim cổ trang của Trung Quốc. Ngoài ra, kiểu tóc, trâm cài... của các nhân vật cũng bị khán giả am hiểu lịch sử cho rằng không phù hợp.

Chúng ta có 4.000 năm lịch sử với nhiều câu chuyện, nhân vật thú vị. Đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để điện ảnh khai thác. Không ít đạo diễn tỏ ra khá hào hứng với thể loại này. 

Không thể phủ nhận, dám làm phim lịch sử cổ trang là sự dũng cảm của các đạo diễn, chứa đựng trong đó tình yêu với lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, hãy làm phim cổ trang bằng tình yêu với lịch sử và sự chỉn chu, cẩn thận nhất có thể. Bởi nếu làm phim ẩu, cốt chạy theo xu hướng thì không những thất bại mà còn mang đến những câu chuyện lịch sử sai lệch. 

Khi chúng ta chưa có thế mạnh và kinh nghiệm ở dòng phim này thì điều quan trọng là phải làm cho đúng. Với thời đại công nghệ như hiện nay thì cách kể là điều quyết định sự thành công của phim cổ trang. Làm thế nào để câu chuyện lịch sử đó hấp dẫn người xem trong điều kiện hạn chế phải "liệu cơm gắp mắm", phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của các nhà làm phim. 

PV
.
.
.