“Tre mùa thu” - Giấc mơ mang âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng

Thứ Sáu, 06/12/2019, 12:23
Có lẽ, không có nhiều, nếu nói là rất hiếm những chương trình hòa nhạc cổ điển tạo thành một chuỗi và được trông chờ như “Tre mùa thu”. Hành trình 4 năm, với sự kết hợp táo bạo giữa dàn nhạc tre nứa Sức sống mới và nhạc cổ điển đã mang âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt Nam.


1. Khán giả của “Tre mùa thu”, sau 4 năm không chỉ là những người đứng tuổi. Khán giả của “Tre mùa thu” có rất nhiều em nhỏ, thậm chí có những khán giả trung thành cả 4 năm cùng “Tre mùa thu”.

Điểm nhấn của “Tre mùa thu” 2019 là sự xuất hiện của các nhạc cụ mới. Lần đầu tiên đàn Tre Lắk, còn có tên là piano tre và đàn Kơ ní xuất hiện. Đàn Kơ ní là một trong những nhạc cụ đặc sắc của thế giới, có thể thông qua bầu cộng hưởng của vòm miệng để diễn tả tiếng người và nhiều âm thanh của tự nhiên. Đây là nhạc cụ chỉ Việt Nam mới có, nó là nhạc cụ dây kéo đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trong chương trình “Tre mùa thu”.

Poster chương trình “Tre mùa thu” 2019.

Còn đàn Tre Lăk là phát minh mới của NSƯT Đồng Văn Minh, cha đẻ của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và là người chế tác toàn bộ nhạc cụ tre nứa của dàn nhạc Sức sống mới. Cây đàn cùng tiết mục “Buôn làng vào hội” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được ông chuyển soạn sẽ trình diễn lần này.

 “Tre mùa thu 4” mang lại cho khán giả cuộc đối thoại giữa piano và violon do các nghệ sĩ nước ngoài trình diễn cùng dàn nhạc tre nứa. Điều này cũng là một sự bù đắp những thiếu sót trong âm vực, âm lượng, âm sắc và kĩ thuật mà nhạc cụ dân tộc chưa đạt tới. Đây cũng là sự kết hợp mang tính giao thoa văn hóa mang tính thời đại rất có ý nghĩa, nhằm kết nối âm nhạc, văn hóa và khán giả của các vùng miền của Việt Nam với Pháp và thế giới.

Ngoài ra, còn có tác phẩm “Khúc cầu hồn” cung rê thứ, op.48, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và được biểu diễn nhiều nhất của nhà soạn nhạc người Pháp Gabriel Fauré. Tác phẩm là xúc cảm của Gabriel Fauré khi chứng kiến tang lễ tại nhà thờ Madeleine (Paris) và cũng là nỗi lòng của chính ông vào thời khắc cha mẹ tạ thế.

Ông từng chia sẻ về tác phẩm: “Người ta nói rằng tác phẩm này không thể hiện nỗi sợ trước cái chết, ai đó đã gọi nó là “lời ru tử thần”. Đó cũng là cách tôi cảm nhận về cái chết: như một sự giải thoát, một khát vọng về chốn Bồng Lai, hơn là một chặng đường đau khổ”.

Trong những series trước, Dàn nhạc tre nứa Sức sống mới từng mang đến những tiết mục miêu tả động vật như độc tấu sáo trúc “Cánh chim Pongkle” (sáng tác của Nhật Lai) hay đơn ca nữ cùng dàn nhạc tre nứa “Gà gáy le te”…

Lần này, khán giả sẽ được thưởng thức những vũ điệu và bài ca của những loài động vật của Pháp và Tây Âu qua chùm tác phẩm "Les Carnival des Animaux", đây là một Lễ hội Carnaval (Lễ hội hóa trang) sinh động của những loài động vật với ngôn ngữ âm nhạc và tiết tấu nhiều màu sắc. Chắc chắn rằng không chỉ các bé nhi đồng mà cả người lớn đều sẽ bị lôi cuốn mạnh mẽ. Tác phẩm cũng là thông điệp đến chúng ta về tình yêu đối với động vật và thiên nhiên tươi đẹp.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Linh hồn của “Tre mùa thu”.

Ông Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe nhận xét: “Đây là cách kết nối rất tốt giữa đất nước chúng tôi với đất nước Việt Nam của các bạn, cũng như tạo nên các cuộc đối thoại văn hóa nhiều nhất có thể. Điều quan trọng với chúng tôi không phải chỉ là biểu diễn âm nhạc phương Tây, mà còn là tương tác với âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.

2.Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh với dàn nhạc tre nứa Sức sống mới chính là linh hồn của “Tre mùa thu”. Sau 9 năm du học ở Trung Quốc, với chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, anh trở về mong muốn cùng các nghệ sĩ dàn dựng những chương trình thính phòng chất lượng cho khán giả. Nhưng thời điểm đó, khán giả khá thờ ơ, do thiếu hiểu biết về âm nhạc cổ điển.

Vinh đã suy nghĩ, tìm hiểu và sáng tạo để đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng, trong đó Tre mùa thu”, với sự kết hợp của hòa thanh phương Tây và dàn nhạc tre nứa Việt Nam đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Chương trình “Tre mùa thu 1” bắt đầu từ năm 2016. Lần đầu tiên có sự kết hợp Đông Tây giữa nhạc cụ dân tộc Việt Nam với âm nhạc cổ điển, đương đại của Phương Tây, phần lớn là nhạc Pháp. Sinh ra trong một gia đình truyền thống về nhạc cụ dân tộc, Vinh yêu các nhạc cụ làm từ tre nứa.

Anh chia sẻ: Những nhạc cụ tre nứa của chúng ta vừa có sự mạnh mẽ vừa mềm mại. Với người làm nghệ thuật, tôi nghĩ phải có tất cả các yếu tố, vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại, vừa nam tính vừa nữ tính mới biểu đạt được tất cả tâm tình của con người.

Đồng Quang Vinh cùng dàn nhạc đang biểu diễn.

Với cá nhân tôi, “Tre mùa thu” rất có ý nghĩa. Các nhạc cụ của gia đình tôi dùng trong dàn nhạc Sức Sống Mới đều làm bằng tre. Đây cũng là cơ hội để quảng bá âm nhạc Việt Nam. Khán giả sẽ hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, nó không chỉ chơi nhạc Việt Nam mà còn có thể chơi những tác phẩm kinh điển của thế giới.

Và sau 4 năm, giấc mơ đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng của anh đã dần thành hình hài. “Tre mùa thu của dàn nhạc Sức sống mới đã có những fan ruột. Những đêm diễn ở Trung tâm văn hóa Pháp đều chật kín khán giả, trong đó, có một lượng không nhỏ là những khán giả nhỏ tuổi.

Đó là những tín hiệu vui trên con đường gian nan đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Thay vì ngồi đó và than trách thì phải bắt tay vào làm. Đã có những hoài nghi, rằng Vinh sẽ phá nát những chuẩn mực của cổ điển bởi hai thế giới âm thanh hoàn toàn khác biệt. Nhưng Vinh làm việc trên cơ sở nghiên cứu và trải nghiệm của chính mình.

Anh nói: “Tôi học chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhưng tôi lại lớn lên trong cái nôi của nhạc cụ truyền thống. Tôi hiểu âm nhạc Phương Tây, hiểu một bản sonate hay conceto như thế nào, đồng thời tôi cũng không thiếu hiểu biết về cây đàn bầu, đàn nhị luyến láy ra sao. Tôi tự hỏi, tại sao mình không kết nối các nhạc cụ đó. Tôi có chút tự hào vì mình là một trong số ít nghệ sĩ chơi cả hai dòng nhạc cụ”.

Anh cho rằng, âm nhạc cổ điển không đến từ Việt Nam và chúng ta không bao giờ vượt quá cái bóng của châu Âu về nhạc cổ điển. Vì thế, Đồng Quang Vinh đi vào cái lõi của âm nhạc truyền thống. Đó là thế mạnh của chúng ta, nó sẽ hấp dẫn người nghe vì gần gụi, dễ cảm. Vinh quan niệm: “Hãy trách mình. Đừng trách khán giả.

Tuy nhiên, ở Việt Nam mức lương trả cho nghệ sĩ cổ điển quá thấp nên họ phải đi kiếm tiền bằng nhiều công việc khác. Hãy luôn tự hỏi mình có đủ yêu. Nếu có đủ tình yêu thì bắt tay vào làm thôi, gây dựng và lan tỏa tình yêu đó cho khán giả. Ngoài ra, nghệ sĩ thời nay cũng phải năng động, biết quảng bá hình ảnh của mình để các chương trình có sức lan tỏa mạnh hơn”.

“Tre mùa thu” là một trong không nhiều chương trình cổ điển thành công tại Việt Nam. Tôi nghĩ, yếu tố quan trọng là cách làm và niềm đam mê hồn nhiên, không vụ lợi của ê kíp đã lan tỏa đến công chúng. Thời gian qua, đời sống âm nhạc cổ điển đã có những khởi sắc khi xuất hiện nhiều hơn những chương trình biểu diễn.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã có lịch diễn định kỳ hằng năm tại Nhà hát Lớn. Ngoài ra, còn có sự nhập cuộc của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, rồi các concert nhỏ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nghệ sĩ Piano trẻ Lưu Đức Anh chia sẻ trước khi concert riêng của anh được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau hành trình 2 năm anh cùng các nghệ sĩ khởi nghiệp cho một dự án âm nhạc Maestoso - đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng.

“Thời tôi còn học ở Việt Nam, cơ hội biểu diễn cho các nghệ sĩ piano trên các sân khấu lớn rất ít. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Chúng ta có nhiều chương trình hơn. Đã có những tín hiệu khả quan và khán giả, nhất là các bạn trẻ quan tâm đến nhạc cổ điển nhiều hơn. Quan trọng là chúng ta có những chương trình để cho khán giả lựa chọn hay không. Tôi hy vọng sẽ trở thành cầu nối, bàn đạp để các nghệ sĩ của Việt Nam có cơ hội được biểu diễn, thể hiện trình độ, cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ các nghệ sĩ trẻ tích cực học tập rèn luyện để nâng tầm nền âm nhạc cổ điển nước nhà”.

Sức sống mới hiện là dàn nhạc duy nhất tại Việt Nam sử dụng các nhạc cụ dân tộc hoàn toàn làm từ tre nứa của Việt Nam để diễn tấu các tác phẩm Việt Nam và nước ngoài dưới hình thức giao hưởng hoá. Tiếp nối thành công các đêm nhạc “Tre mùa thu” trước, năm nay dàn nhạc tre nứa Sức sống mới, dàn hợp xướng Hanoi Voices, dàn hợp xướng thiếu nhi Erato, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sẽ trở lại sân khấu LEspace. Công chúng sẽ được thưởng thức các tác phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc Pháp: Gabriel Fauré, Charles-Camille Saint-Sans và các sáng tác tiêu biểu của Việt Nam. Một đêm nhạc không thể bỏ lỡ cho cả gia đình!
Lan Tường
.
.
.