Triển lãm "Phía sau cánh cửa": Nói ra, đừng sợ

Thứ Sáu, 30/11/2018, 12:44
“Mấu chốt của vấn đề bạo lực gia đình là sự im lặng, và chúng tôi quyết định tấn công sự im lặng ấy”- Đó chính là thông điệp của triển lãm “Phía sau cánh cửa” đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 24-11 đến 31-12.


Nỗi đau sau cánh cửa

Tôi ấn tượng với một chiếc giường phủ ga trắng không có chân. Xung quanh giường chỉ được treo lên bằng sợi dây có những bức ảnh và câu chuyện của người bị bạo hành, kể cả bạo hành tình dục. Ở một sắp đặt khác có tên “Mặt nạ của hạnh phúc”, những mẩu gương vỡ được ghép thành một tấm gương lành. 

Đằng sau cánh cửa là khoảng trống bạo lực gia đình.

Dù cố ghép nhưng nó vĩnh viễn không bao giờ lành lặn. Và những nạn nhân của bạo lực gia đình có thể soi vào đó để thấy nỗi đau của bạo lực đang được che đậy sau những vỏ bọc hào nhoáng.

Hay một bữa cơm trống trơn và lạnh lẽo. Mâm cơm cho thấy sự không chia sẻ của gia đình. Người vợ phải làm hết mọi việc nhà, có thể còn phải lo cả tài chính. Người đàn ông không có sự chia sẻ nên mâm cơm cũng lạnh lẽo. 

Đó là câu chuyện của người phụ nữ suốt đời sống nơm nớp trong nỗi sợ chồng đánh, chị H đến từ Bắc Ninh. Điểm nhấn của triển lãm là một sắp đặt gồm những mặt nạ soi chiếu vào tấm gương đã vỡ và những mặt nạ được giấu dưới tấm bạt trắng. Tất cả chỉ như những người giấu mặt. Họ sợ mất mặt, sợ tổn thương và cố che đậy nỗi đau của mình.

Phần lớn những người phụ nữ bị bạo hành chọn im lặng và chịu đựng. Nhất là những trí thức, họ không muốn câu chuyện của mình bị đưa ra đàm tiếu. Họ im lặng, đôi khi vì cả sự sĩ diện. Đó là chị T, một tiến sĩ, giảng viên đại học. Một gia đình bề ngoài khá hoàn hảo, mẫu mực. 

Bạo lực gia đình.

Nhưng không ai ngờ, nhiều năm qua, nữ tiến sĩ ấy bị người chồng học cao biết rộng đánh đập, thậm chí cả bạo lực tình dục. Còn chị cứ luẩn quẩn trong vòng hào quang của gia đình hạnh phúc mà không thể thoát ra. 

“Những lần đánh tôi, chồng tôi thường khóa trái cửa phòng lại. Anh không chấp nhận tôi làm trái ý bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhặt nhất vì anh ấy cho rằng, như thế là tôi khinh bỉ chồng. Và bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bị đánh” - chị T chia sẻ.

Chị T. không phải là trường hợp trí thức duy nhất bị bạo lực gia đình tại triển lãm này. Ở đây, người xem còn thấy những câu chuyện bạo lực gia đình của các phóng viên, biên tập viên, nhân viên ngân hàng.

Chị M.T.D. sinh năm 1988, tại Hưng Yên - là biên tập viên truyền hình. Chị chia sẻ: “Tôi cố sống vì đó là lựa chọn của mình. Khi quyết định lấy mối tình đầu, gia đình tôi khuyên can, vậy nên khi bị chồng đánh đập, tôi không thể tâm sự với ai, ngay cả cha mẹ mình. 

Tôi giấu kín cho đến khi mâu thuẫn vợ chồng lên đỉnh điểm, tôi gọi điện cho mẹ và chị nói rằng tôi quyết định bỏ chồng và cầu cứu: “Mẹ sang đây cứu con, con không thể ở đây được nữa”, thì mẹ tôi mới biết”. Lý do chị D đưa ra là chị luôn cố chịu đựng vì con cái, vì danh dự.

Còn chị P.T.T. sinh năm 1981 tại Vĩnh Phúc - là nhân viên ngân hàng bị chồng đánh đập tàn bạo đến mức phải chạy trốn tới Ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam lánh nạn. Chị kể, hôn nhân của vợ chồng chị không được bố mẹ chồng đồng ý, nên bao năm chị vẫn không được coi là người trong nhà, gia đình bàn bạc việc gì không bao giờ bàn với chị. 

“Thường thì anh khóa cửa rồi đánh tôi trong nhà, sức tôi không chống được bạo lực từ anh ấy vì đàn ông họ khỏe. Tôi chỉ chịu đựng thôi. Có lần anh ấy dùng dao phay cứa vào cổ tôi, tôi sợ quá gọi Công an đến giải quyết. Đến khi đi làm, tôi nói dối cơ quan là đi đường bị trấn lột. Tôi không muốn cơ quan tôi cũng như cơ quan chồng viết việc tôi thường xuyên bị chồng đánh vì chẳng vui vẻ gì khi nói ra những chuyện đó”. 

Gần đây, hàng xóm đã phải đưa chị đi cấp cứu khi bị chồng đánh thậm tệ. Ở viện được vài ngày, chị phải trốn vào Ngôi nhà bình yên lánh nạn.

Một góc sắp đặt về bạo lực gia đình.

Còn những người phụ nữ lao động, họ cũng luôn cố gắng giấu giếm chuyện bị bạo hành. “Tôi cố chịu đựng, biết đâu chồng sẽ thay đổi. 14 năm chung sống, cơ thể tôi đầy thương tích sau những trận đánh mỗi khi anh ấy say rượu. 

Đã 4 lần tôi viết đơn ly hôn nhưng rồi lại tha thứ khi chồng xin thề, hứa sẽ thay đổi làm lại từ đầu. Biết chồng không yêu mình nhưng tôi vẫn hy vọng dùng tình thương để cảm hóa dần những con người đó nên cố chịu đựng”, chị T.T.H, sinh năm 1984, bán hành khô chia sẻ. 

Còn chị M.T.H Đông Anh - Hà Nội, không muốn ai biết vì xấu hổ: “Nhiều khi tôi nghĩ sống để bụng, chết mang theo xuống mồ nỗi nhục bị chồng bạo lực vì đó là chuyện riêng của hai vợ chồng. Tôi xấu hổ, không muốn mọi người biết. Không dưới 4 lần tôi ôm con ra đi dù không biết đi đâu, về đâu. Nhìn xuống sông mà không dám nhảy”.

Rất nhiều câu chuyện được chia sẻ trong triển lãm “Phía sau cánh cửa”. Những người phụ nữ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có chung một nỗi đau đớn, bị chồng bạo hành.  Phần lớn tất cả họ đều giữ im lặng, chọn giải pháp chịu đựng.

Nói ra, đừng sợ

Bà Hoàng Như Hoa, một thành viên nhóm thực hiện triển lãm, cho biết trong suốt quá trình nghiên cứu làm dự án, điều khó nhất là thuyết phục nhân vật “lộ sáng”. Họ có thể tâm sự nhưng nhất định không lộ danh tính, cũng không muốn phơi bày câu chuyện của mình vì sợ cuộc sống bị ảnh hưởng.

“Bạo lực gia đình không phải đề tài mới. Bản thân chúng tôi cũng đã làm trưng bày về những ngôi nhà bình yên để lánh bạo lực rồi. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mấu chốt của vấn đề bạo lực gia đình vẫn là sự im lặng và chúng tôi quyết định tấn công sự im lặng ấy”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.

Chính vì thế, hình ảnh những chiếc mặt nạ và tấm gương vỡ được trải qua nhiều góc của triển lãm. Nó như động viên những người đang chịu bạo lực nhìn ra vấn đề của mình và dũng cảm nói ra. Bởi nếu không, theo chuyên gia về giới Lê Thị Phương Thúy: “Bạo lực gia đình vẫn diễn ra âm thầm trong đời sống xã hội. Cộng đồng dường như đã và đang chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử của gia đình. 

Một góc triển lãm.

Qua thực tế tiếp xúc với những câu chuyện của “Người tạm trú”, chúng tôi thấy bạo lực gia đình để lại những hậu quả nặng nề tới con trẻ do chúng luôn phải chứng kiến và sống trong môi trường bạo lực.

Trẻ gái lớn lên dễ chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử bình thường; trẻ trai cho rằng bạo lực là phương thức giao tiếp hiệu quả. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình là một việc làm cần thiết”.

Vì thế, triển lãm “Phía sau cánh cửa” muốn nhắn gửi thông điệp đến những người phụ nữ bị bạo hành, hãy nói ra đừng sợ. Sự chịu đựng sẽ mang lại những hậu quả nặng nề cho gia đình, con cái và cho chính những người phụ nữ.

Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm sắp đặt “Phía sau cánh cửa” phản ánh thực trạng xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, đồng thời tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Triển lãm gồm 2 chủ đề: “Những điều mắt thấy” và “Phía sau cánh cửa”. Trong đó, chủ đề “Những điều mắt thấy” là những hình ảnh giới thiệu khái quát tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay, xu hướng gia tăng bạo lực gia đình, những nạn nhân chủ yếu là nữ, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng...

Chủ đề “Phía sau cánh cửa” giới thiệu các câu chuyện của một số nạn nhân đã phải rời bỏ tổ ấm của mình để đến với Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam. Các câu chuyện với nhiều khía cạnh khác nhau sẽ được tập hợp thành những nhóm vấn đề, phản ánh chân thực, sinh động thực trạng, nguyên nhân về bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay...

Triển lãm sử dụng phương pháp trưng bày sắp đặt, tạo ra 5 modul gợi mở về những không gian khác nhau trong mỗi gia đình, để khách tham quan tự cảm nhận bằng cảm giác, cũng như kinh nghiệm của mình trong cuộc sống với các chủ đề “Lời ru buồn”, “Mặt nạ của hạnh phúc”, “Gánh nặng không cùng san sẻ”, “Những trái tim lạc lối”, “Bỏ thì thương vương thì tội”…

Để thực hiện triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam. Theo thống kê của hơn 60 trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, nạn nhân bị bạo lực ở lứa tuổi 8X, 9X chiếm 61%; trong đó người đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Thạc sĩ chiếm 85%. Hình thức bạo lực: Bạo lực thể chất chiếm 98%, bạo lực tinh thần chiếm 100%, bạo lực tình dục chiếm 31%.

Việt Hà
.
.
.