Trước tiên hãy mang đến lòng tự hào

Thứ Ba, 25/08/2015, 07:01
Coi nhẹ văn hóa, xem thường văn hóa dường như ít nhiều đã là tâm lý, là "văn hóa" của không ít người làm văn hóa hiện nay.
Văn hóa là gương mặt tinh thần của mỗi quốc gia dân tộc. Đất nước ta có bề dày truyền thống 4.000 năm với rất nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ được kết tinh, cả vật chất và phi vật chất. Việc giới thiệu văn hóa Việt với bạn bè quốc tế là đặc biệt cần thiết, nhất là trong thời kỳ hội nhập hôm nay. Nhưng việc đưa văn hóa ra nước ngoài giới thiệu là con dao hai lưỡi.

Sẽ là rất tốt rất hữu ích nếu chúng ta lựa chọn những giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu nhất để bạn bè quốc tế nhận ra một nền văn hóa Việt hấp dẫn, muốn khám phá. Và cũng sẽ là phản cảm nếu những gì chúng ta giới thiệu chỉ là qua loa, sơ sài, thậm chí là sai lệch, vô trách nhiệm. Chẳng hạn hình ảnh đôi nam nữ ma-nơ-canh ở Nhà triển lãm Việt Nam tại Ý, khiến người yêu văn hóa Việt đỏ mặt. Chúng ta thấy đó là hình ảnh hai người châu Âu mặc trang phục na ná người Tàu.

Chiếc nón lá đội trên đầu người nữ vừa xấu vừa bé. Nhìn tổng thể chung hình ảnh người Việt với trang phục truyền thống nam áo dài khăn xếp, nữ áo dài nón lá bị lai căng theo kiểu nửa Tây nửa Tàu rất không đẹp mắt. 3 triệu đô la để đầu tư cho Nhà triển lãm, nhưng xem ra với những hình ảnh như vậy, hiệu quả của việc giới thiệu hình ảnh văn hóa Việt với bạn bè không có là bao.

Một hình ảnh được cho là không thuần Việt ở Nhà triển lãm Việt Nam tại Ý.

Làm văn hóa không phải là câu chuyện dễ, nếu mọi công việc dù nhỏ nhất, bé nhất không được trao cho những người thực sự hiểu biết về văn hóa, yêu văn hóa bằng tình yêu đặc biệt. Làm văn hóa không phải là một công việc đơn thuần, nó còn có ý nghĩa truyền lửa, truyền cảm hứng, truyền tình cảm của người Việt đến với người Việt và với bạn bè bốn phương. Chỉ tiếc là số người như vậy đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa không nhiều.

Trong mọi lĩnh vực của văn hóa hiện nay, đang có hiện tượng này, nếu có những cuộc giới thiệu văn hóa Việt ở nước ngoài chẳng hạn, thì các cá nhân được lựa chọn chưa chắc đã phải là các cá nhân tiêu biểu nhất. Đôi khi là những người tài năng có hạn nhưng quan hệ xã giao, "đi cửa sau" thì giỏi. Ngay cả trong nước, việc bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống cũng thường xuyên xảy ra những câu chuyện buồn lòng. Những di tích đền chùa miếu mạo được trùng tu với một tinh thần kém hiểu biết về văn hóa, qua quýt cho xong, lấy tân thay cổ.

Các giá trị văn hóa lâu đời không đụng vào thì bị mục nát bởi thời gian, nhưng đụng vào thì lại thành ra chắp vá, sai hỏng, không ra thời kỳ nào, vừa hài hước vừa buồn. Phong trào phát triển du lịch rầm rộ thiếu quy hoạch chặt chẽ, về mặt kinh tế có thể thắng lợi, nhưng về mặt văn hóa thì đang có nhiều bất cập. Rất nhiều di sản văn hóa quý giá đang bị các địa phương bỏ mặc cho du lịch khai thác, lấy lợi nhuận trước mắt làm mục tiêu chính.

Liên quan đến câu chuyện Nhà triển lãm Việt Nam tại Ý, trên mạng xã hội, một bạn đọc nêu ý kiến chí lý: "3 triệu đô để làm một nhà triển lãm đâu có ít. Sao trước khi xây dựng một không gian đặc trưng của văn hóa Việt như vậy không có một thiết kế tổng thể của những chuyên gia hàng đầu về văn hóa Việt, rằng chúng ta nên trưng bày, triển lãm, tổ chức giới thiệu những hoạt động gì mang tính tiêu biểu nhất cho hình ảnh văn hóa Việt.

Chuyện này khó gì đâu. Các nhà làm văn hóa Việt sao có thể phơi bày một "văn hóa" kiểu lai căng như vậy, làm xấu hình ảnh về văn hóa Việt. Người nước ngoài không chê, vì họ không hiểu sâu về văn hóa Việt Nam. Nhưng để họ tiếp xúc với những hình ảnh như vậy, là đã mang đến cho họ một cái nhìn nông cạn về văn hóa Việt".

Sự giàu có của một đất nước, ngoài tiềm năng kinh tế, là văn hóa. Văn hóa thậm chí còn đi trước, là hình ảnh đầu tiên, thiện cảm đầu tiên thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Muốn như vậy, đội ngũ những người làm văn hóa, đảm nhận trách nhiệm mang văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế phải thực sự là những người có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc mình.

Khi mang văn hóa đất nước mình ra thế giới, làm ơn hãy mang đến trước tiên lòng tự hào. Những người Việt làm văn hóa không tự hào về văn hóa dân tộc mình, làm sao có thể truyền cảm hứng cho bạn bè quốc tế. Và nếu không có lòng tự hào văn hóa dẫn lối, thì rất có thể những sai lệch, nhếch nhác, đáng tiếc sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Một hình ảnh được cho là không thuần Việt ở Nhà triển lãm Việt Nam tại Ý.

Vũ Quỳnh
.
.
.