Truy thu thuế nghệ sĩ và những vấn đề quản lý thu thuế

Thứ Hai, 14/10/2019, 07:00
Hơn ba năm qua, việc truy thu thuế của giới nghệ sĩ và một số cá nhân có thu nhập “khủng” từ YouTube luôn khiến dư luận quan tâm. Bởi số tiền truy thu thuế hằng năm luôn ở mức nhiều tỷ đồng, nhất là với giới nghệ sĩ ở TP HCM có mức thu nhập cao. Tính từ năm 2016 đến tháng 7-2019, tổng số tiền Cục Thuế TP HCM truy thu riêng các nghệ sĩ đã lên đến hơn 31 tỷ đồng…


Một đạo diễn ở TP Hồ Chí Minh bị truy thu 2,4 tỷ đồng

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết bảy tháng của năm 2019, cơ quan thuế đã truy thu thuế thu nhập cá nhân 15 nghệ sĩ với tổng số tiền 15 tỷ đồng. Trong đó, người bị truy thu nhiều nhất là một đạo diễn ở TP Hồ Chí Minh phải nộp bổ sung 2,4 tỷ đồng. Năm 2016, Cục Thuế đã truy thu thuế của 20 nghệ sĩ với số tiền 5,3 tỷ đồng; năm 2017 truy thu 12 nghệ sĩ 6,6 tỷ đồng; năm 2018 truy thu 5 nghệ sĩ 4,5 tỷ đồng. Tổng số tiền truy thu thuế của giới nghệ sĩ từ năm 2016 đến tháng 7-2019 là 31,4 tỷ đồng.

Cục Thuế phát hiện nhiều cá nhân khi tổng hợp thu nhập thường ở ngưỡng thuế suất cao nhất là 30% đến 35% (tương đương mức thu nhập tính thuế lớn hơn 80 triệu đồng/tháng) theo biểu thuế lũy tiến từng phần của Luật Thuế thu nhập cá nhân, tức thu nhập càng cao thì mức thuế suất áp dụng càng lớn. Vì vậy, khi tổng hợp thu nhập quyết toán thuế, phát sinh thuế phải nộp thêm. Sau khi làm việc với cơ quan thuế, các cá nhân trên đã thực hiện kê khai bổ sung và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Giới nghệ sĩ không kê khai thuế thu nhập cá nhân đầy đủ không phải là chuyện hiếm gặp (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ông Nguyễn Nam Bình cho biết, việc kiểm tra thuế của nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn bởi họ thường không sử dụng tên thật, mà dùng nghệ danh. Ngoài ra, đặc thù văn nghệ sĩ biểu diễn rất nhiều nơi ở các tỉnh, thành và không có nơi cư trú cố định. Do đó, việc thu thập dữ liệu và tiếp cận được rất khó, mất nhiều thời gian. Chưa kể với số văn nghệ sĩ chưa được cấp mã số thuế, việc kiểm tra còn khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, Cục Thuế cũng đã có nhiều biện pháp nghiệp vụ để tiến hành thu thập dữ liệu, nhất là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, có thu nhập cao, có tần suất xuất hiện nhiều trên các chương trình gameshow, quảng cáo..., từ đó kiểm tra và truy thu số tiền thuế lớn.

Trong đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ bởi ứng dụng công nghệ để quản lý thuế tập trung, tích hợp, cho phép xử lý và lưu trữ tập trung thông tin quản lý thuế thu nhập cá nhân trên phạm vi toàn quốc. Với ứng dụng này, tất cả dữ liệu kê khai từ cơ quan chi trả thu nhập đều được hệ thống và cơ quan Thuế sẽ phát hiện những trường hợp có thu nhập ở nhiều nơi.

Hiện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục làm việc với các trường hợp tương tự có thu nhập từ Google, YouTube và Facebook để truy thu thuế. Bởi hiện giới trẻ kiếm tiền từ việc viết chương trình trò chơi, làm clip về du lịch, ẩm thực... và kiếm được số tiền lớn từ các trang Google, YouTube không phải là ít.

Sẽ có những biện pháp mới hiệu quả hơn để thu thuế

Trước đó, theo đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, qua rà soát tài khoản của 4 ngân hàng, số lượng cá nhân nhận thu nhập từ Google, Facebook, YouTube đã lên đến hàng chục ngàn người; nếu rà soát tài khoản của tất cả ngân hàng tại Việt Nam thì số lượng cá nhân có thu nhập từ các “ông lớn” công nghệ này chắc chắn là con số rất lớn.

Cụ thể, qua rà soát 4 ngân hàng này cho thấy số tiền mà Google, Facebook, YouTube trả cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã lên đến con số 1.114 tỷ đồng, trong đó 598 tổ chức nhận hơn 512 tỷ đồng, còn lại 17.130 cá nhân nhận số tiền hơn 602 tỷ đồng.

Với mức chi trả khoảng 0,3 - 0,5 USD cho chủ sở hữu các video, chương trình khi có 1.000 lượt người xem quảng cáo, YouTube đang được xem là mảnh đất kiếm tiền cho nhiều người tại Việt Nam.

Cũng cần nhấn mạnh là các cá nhân nhận thu nhập từ các “ông lớn” công nghệ được cơ quan Thuế xếp vào dạng cá nhân kinh doanh. Do đó, cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng một năm trở lên thì phải nộp thuế với mức thuế suất là 7%, trong đó 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế TNCN.

Theo quy định hiện hành, khi nhận khoản tiền từ các tổ chức, cá nhân của Việt Nam, các “ông lớn” công nghệ phải nộp thuế thầu. Các tổ chức, cá nhân trước khi chi trả tiền cho các “ông lớn” này phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế và nộp cho Nhà nước, nhưng hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân lách luật bằng cách trả bằng thẻ tín dụng và hợp thức hóa bằng chi phí khác nhằm né trách nhiệm nộp thuế.

Theo ông Nguyễn Nam Bình, từ nay đến cuối năm 2019, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với ngân hàng và các đơn vị liên quan để rà soát, phân tích thông tin và mời những cá nhân, nghệ sĩ có thu nhập cao, có thu nhập qua các trang mạng xã hội đến kê khai thuế đầy đủ.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả kiểm tra thuế thu nhập cá nhân với người có nhiều nguồn thu nhập, Cục Thuế đã giao kế hoạch kiểm tra cụ thể cho các Chi cục Thuế quận, huyện để tiến hành các đối tượng cư trú tại địa bàn.

Phú Lữ
.
.
.