Truyền đơn điện thoại tin nhắn nặc danh

Thứ Năm, 07/03/2013, 16:54

Một tờ báo bỗng dưng đăng tải một tin nhắn nặc danh tố cáo các cầu thủ Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn (XM.XT.SG) chủ động thua 4 bàn trong trận siêu cúp QG với SHB.Đà Nẵng để cùng lúc "ăn" nhiều… kèo thơm. Và thế là bỗng nhiên cả làng cả nước sôi lên sùng sục.

Nhiều người lập tức nhớ lại diễn biến trận đấu, đặc biệt là 4/4 bàn thua của XM.XT.SG rồi phán: "Có nghi vấn thật!". Lãnh đạo đội XM.XT.SG thì cuống cuồng ra thông báo thưởng tiền tỉ cho ai tìm ra bằng chứng cầu thủ đội mình làm độ. Có phải chúng ta ở vào thế "con chim bị thương sợ cành cây cong", nên bất luận một biểu hiện nhạy cảm nào (dù là sự nhạy cảm mang nặng màu sắc dàn xếp) cũng khiến chúng ta… tột cùng rúng động?

Từ lời doạ dẫm "xin tí… tiết"

V.League 2007, sau trận chủ nhà Sông Lam Nghệ An thua sốc Hoà Phát.Hà Nội, từng xuất hiện hàng loạt tờ truyền đơn tại khu ở của cầu thủ SLNA, tố cáo một nhóm cầu thủ đội này đã chủ động thua để đổi lại hàng chục triệu USD. Những truyền đơn này thậm chí còn nêu tên hơn một cầu thủ được cho là đã cầm đầu nhóm cầu thủ nói trên, và đề nghị lãnh đạo đội phải xử tới nơi tới chốn để trong sạch hoá đội bóng.

Cũng thời điểm ấy, tại trụ sở VFF tại 18 Lý Văn Phức (giờ đã chuyển về đường Lê Quang Đạo) cũng xuất hiện những truyền đơn mang tính khủng bố tinh thần các quan chức VFF - những người được cho là đã "xử ép" - "xử không công bằng" một đội bóng nọ trong một vụ tranh chấp khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Trong cả hai vụ "truyền đơn nặc danh" này, cả lãnh đạo đội Sông Lam lẫn các quan chức VFF đều xác định đấy là những truyền đơn mang tính phá hoại, nên không những không bị cuốn theo truyền đơn, mà còn có nhiều động thái cứng rắn, thể hiện chính kiến của mình trước những truyền đơn vô căn cứ. Kể từ đấy, những truyền đơn nặc danh đã không còn xuất hiện trong bóng đá Việt Nam.

Nhưng "điện thoại nặc danh" thì vẫn xuất hiện, và vẫn "ám" các quan chức nền bóng đá đến tận bây giờ. Sát cánh với những người lãnh đạo bóng đá ở cả cấp quản lý lẫn cấp điều hành, người viết đã vô tình được chứng kiến hơn một cú điện thoại nặc danh như thế, và cú điện thoại đáng nói nhất có lẽ phải là cú điện thoại dành cho Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sau SEA Games 23- năm 2005.

SEA Games ấy, khi bóng đá Việt Nam tan tác với sự kiện 7 cầu thủ  ĐT U.23 QG bán độ, ông Hỷ liên tục nhận được những cú điện thoại đến từ những số máy lạ với những nội dung, thông điệp khác nhau. Có cú điện thoại đề nghị ông phải thông cảm với nhóm cầu thủ bán độ, và phải thấy rằng họ chỉ là nạn nhân của một môi trường bóng đá đầy cạm bẫy. Lại có cú điện thoại đề nghị ông phải làm mạnh tay, làm tới nơi tới chốn để dẹp bỏ những ung nhọt tồn tại lâu năm trong các ĐTQG.

Ông Hỷ nhớ lại: "Có người sau khi chuyển tải thông điệp đến tôi thậm chí còn doạ dẫm sẽ xin tôi tí tiết. Khi ấy tôi trả lời rằng mình đã tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam, nên sau năm 1975 mà vẫn sống thì cuộc đời cũng lãi lắm rồi. Thế nên cái chết với tôi lúc này có đáng sợ gì đâu". Theo nhận định của ông Hỷ thì chủ nhân của những cú điện thoại nặc danh, mang nặng màu sắc khủng bố như thế có thể đến từ một fan hâm mộ quá khích nào đó, nhưng cũng có thể đến từ chính những người ở sát sườn mình, và muốn phá hoại công việc của mình.

Đến việc tố cáo "thua đúng… kèo"

Khoảng 2,3 năm trở lại đây thì bóng đá Việt Nam không còn xuất hiện những cú điện thoại nặc danh hay những truyền đơn nặc danh, nhưng lại rộ lên những… tin nhắn nặc danh. V.League 2012, rồi BTV Cup 2012, lãnh đạo đội XM.XT.SG đã nhiều lần nhận được những tin nhắn tố cáo cầu thủ của mình bán độ, và theo chủ tịch đội bóng thời điểm ấy, ông Nguyễn Đức Thuỵ thì: "Tôi vô cảm với những tin nhắn như thế, bởi tôi biết mình có gì, và đội bóng của mình có những gì".

Trở lại với những tin nhắn nặc danh tố cáo cầu thủ MM.XT.SG sẽ thua trên 3 bàn trong trận siêu cúp QG với SHB.Đà Nẵng mới đây, theo thông tin chúng tôi được biết, ông Thuỵ đã được một nhà báo cho xem tin nhắn này vào buổi sáng ngày diễn ra trận đấu, và ông đã trả lời rất rõ ràng: "Tin nhắn vớ vẩn như vậy, hằng ngày tôi nhận được cả trăm cuộc. Tôi không quan tâm và cũng không tin tưởng vào những tin nhắn như thế".

Cầu thủ XM.XT.SG là trung tâm điểm của rất nhiều sự lạ trong bóng đá Việt Nam.

Sau khi trận đấu kết thúc, khi mà đội bóng của ông đã thua trên 3 bàn đúng như những gì tin nhắn tố cáo thì ông Thuỵ và CLB XM.XT.SG dường như cũng không vì thế mà dao động. Bằng chứng là đội bóng này đã sớm ra thông cáo báo chí khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban tư vấn đạo đức (TVĐĐ) của VPF và cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc, thậm chí sẵn sàng treo thưởng cả tỷ đồng cho những ai tìm ra bằng chứng "bán độ" như tin nhắn nêu lên.

Riêng HLV trưởng XM.XT.SG Lư Đình Tuấn thì nói thẳng thừng: "Trận siêu cúp này, chúng tôi yếu hơn hẳn đối phương, nên thua 0-4 là điều hết sức bình thường. Tôi không bênh vực cầu thủ, nhưng tôi tin là chúng tôi thua hoàn toàn vì lý do chuyên môn, chứ không phải những lý do nào khác". 

Có một thực tế rằng, trong khoảng 2 năm gần đây, những "tin nhắn nặc danh" xuất hiện không chỉ ở XM.XT.SG, nhưng nó xuất hiện ở đội bóng này nhiều nhất. Ai cũng biết, đây là một đội bóng từng được lãnh đạo bởi một ông bầu nổi tiếng là "đồng bóng", cũng đồng thời là đội bóng mà ngay từ kết cấu đến tên gọi cũng thường xuyên có những thay đổi hết sức phức tạp. Thế nên những tin nhắn nặc danh nhắm vào đội bóng này có thể xuất hiện từ chính nội bộ đội bóng, hoặc cũng có thể xuất hiện từ một đối tượng quá khích, thích tạo sự kiện - tạo scandal nào đó bên ngoài đội bóng, để qua đấy đạt được một mục đích cá nhân của riêng mình.

Trao đổi với báo chí, một thành viên của Ban TVĐĐ VPF - đơn vị đang phối hợp với C45 Bộ Công an để tìm hiểu, điều tra vụ việc cho biết: "Sau một quá trình tổng hợp, phân tích, chúng tôi thấy rằng những tin nhắn nặc danh dạng này có lúc trúng 100%, có lúc chỉ trúng một phần nào đó, lại có lúc sai hoàn toàn. Vậy nên cũng không loại trừ khả năng tin nhắn nặc danh lần này chỉ trúng một cách ngẫu nhiên, và sự ngẫu nhiên ấy đã dẫn dắt dư luận, dẫn dắt báo chí đi quá đà". Tuy nhiên, nhân vật này cũng đồng thời khẳng định, với trách nhiệm thúc đẩy tinh thần fair play trong bóng đá Việt Nam, Ban TVĐĐ vẫn sẽ phối hợp với các bộ phận liên quan để tìm hiểu, điều tra vụ việc đến cùng.

Kiểu gì cũng lợi

Theo đánh giá của dư luận thì nếu cuộc điều tra lần này chứng minh được một bộ phận cầu thủ XM.XT.SG bán độ như tố cáo thì đấy sẽ là một cột mốc mới mang tính lịch sử trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực của bóng đá Việt Nam. Ngược lại, nếu cuộc điều tra cho thấy tin nhắn nặc danh nói trên chỉ là một cú dàn dựng - sắp đặt để phá hoại đội bóng, để "chơi khó" Ban TVĐĐ của VPF - một ban mới ra đời và được đặt rất nhiều kỳ vọng hoặc để đạt một mục đích cá nhân nào đó… thì nó cũng góp phần giúp cho những tin nhắn nặc danh từ nay về sau không còn đất sống. Có nghĩa, cuộc điều tra kết thúc theo hướng nào thì bóng đá Việt Nam cũng đều có lợi.

Bóng đá Việt Nam - tự thân nó đã loạn lắm rồi, không thể để nó loạn hơn và nhiễu hơn bằng những truyền đơn nặc danh, những cú điện thoại nặc danh hay những tin nhắn nặc danh nếu sự nặc danh ấy mang nặng động cơ, màu sắc cá nhân!

Những cú điện thoại chết người

Nói tới những cú "điện thoại chết người", dân làng bóng lúc này vẫn chưa quên cú điện thoại của Nguyễn Thành Trung (công tác tại TT Thể thao QK 9) cho Võ Nhân Tân (ĐT.LA) trước trận ĐT.LA - Tây Ninh tại vòng 17 giải hạng Nhất năm ngoái. Cú điện thoại mà qua đó, Trung đề nghị Võ Nhân Tân không đá hết sức để "nhận phần thưởng" 50 triệu đồng, nhưng đã bị từ chối thẳng thừng.

Sau đó Trung còn gọi điện cho một đồng đội khác của Nhật Tân để đề nghị tương tự nhưng không ngờ rằng vụ việc đã được Võ Nhân Tân cùng đội trưởng Phan Văn Giàu tố lên BHL ĐT.LA, và sau đó là VFF.  Mặc dù hành vi của Trung được xác định là chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự nhưng BTC giải hạng Nhất vẫn đề nghị VFF phải xử đến nơi đến chốn theo qui chế bóng đá chuyên nghiệp. Kết quả là ngày 29/08/2012 Ban Kỷ luật VFF đã ra quyết định đình chỉ thi đấu 5 năm với Nguyễn Thành Trung.

So với tin nhắn tố cáo cầu thủ XM.XT làm độ trong trận siêu cúp QG thua trắng 0-4 trước SHB.Đà Nẵng thì rõ ràng cú điện thoại của Nguyễn Thành Trung cho Võ Nhật Tân mang tính "người thật việc thật" nhiều hơn, và qua đó, quá trình điều tra - xử án cũng diễn ra thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Phan Đăng
.
.
.