Truyền hình thực tế - Gameshow: Thay đổi hay là chết?

Thứ Tư, 04/12/2013, 13:30

Thị trường truyền hình Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Công cuộc xã hội hóa đã mang lại những "làn gió mới" trong cơ cấu các chương trình truyền hình lên sóng quốc gia lẫn địa phương. Sự đổ bộ của các chương trình truyền hình thực tế và trò chơi truyền hình làm cho đời sống giải trí của số đông được phong phú và nâng cao hơn.

Thế nhưng, cũng giống các ngành nghề và chương trình khác, truyền hình thực tế và trò chơi truyền hình đang đứng trước những thách thức về sự đổi mới để hấp dẫn. Thực tế đó đang ngày càng đúng bởi có những chương trình đang "mấp mé" của sự "nhàm chán" và kém hấp dẫn đến độ nếu có đóng cửa hoặc ngừng phát sóng cũng không khiến khán giả bận tâm nhiều.

Người nổi tiếng: Vẫn hút nhưng đã giảm nhiều

Một trong những công thức phổ biến của các đơn vị sản xuất chương trình là sử dụng các nhân vật là những nghệ sĩ đã có danh tiếng trong lĩnh vực giải trí làm thí sinh của các cuộc thi. "Chiêu" được đơn vị Cát Tiên Sa sử dụng hiệu quả nhất thông qua các chương trình như Bước nhảy hoàn vũ (mua format nước ngoài có tên Dancing with stars); Cặp đôi hoàn hảo (Format Just two of us). Cũng chính từ những sân chơi như thế này, những ngôi sao tưởng như đã hết thời bỗng hồi sinh và những ngôi sao chưa đến thời thì được "đôn" lên nhanh hơn.

Những cái tên như Ngô Thanh Vân, Thu Minh, Đoan Trang (Bước nhảy hoàn vũ); Trấn Thành, Quách Ngọc Ngoan, Thanh Thúy,  Dương Triều Vũ, Trung Cương, Khánh Ngọc (Cặp đôi hoàn hảo) sẽ phải cảm ơn BTC của các chương trình này rất nhiều vì nhớ có họ mà sự nghiệp của họ khởi sắc trở lại.

Sự quan tâm của công chúng dành cho những người nổi tiếng khi tham gia những chương trình trò chơi truyền hình là có thật.  Nhớ ở mùa đầu tiên của Cặp đôi hoàn hảo, cái tên Phạm Văn Mách đã được để ý nhiều hơn cho dù anh đã có mười mấy năm làm vận động viên với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Hoặc như Thu Minh cũng vậy, giải nhất của Bước nhảy hoàn vũ đã mang lại cho giọng nữ cao này nhiều lời mời biểu diễn hơn cũng như vị trí HLV trong Giọng hát Việt dựa trên mối thân tình đã có với BTC chương trình.

Thế nhưng, những hiệu ứng vang dội ở một hai mùa đầu tiên đã dần dần tắt lịm ở các mùa tiếp theo. Cụ thể như với Bước nhảy hoàn vũ vừa rồi, số lượng tin bài đưa tin về chương trình giảm hẳn, hiệu ứng truyền thông và đám đông cũng sa sút. Những điệu nhảy của những người nổi tiếng ngày càng đẹp, hoàn thiện hơn nhờ được tập luyện sớm hơn cũng chẳng giúp gì nhiều cho chương trình đang ngày càng tụt dốc về sự quan tâm.

Đôi nhất Cuộc thi kỳ thú năm nay.

Cặp đôi hoàn hảo cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mùa thi vừa kết thúc năm 2013 đã không có ai bật được lên như Trấn Thành của mùa đầu tiên. Những cái tên đình đám ở nhiều lĩnh vực không đủ sức để làm hồi sinh một chương trình đã chết non ngay khi vừa tròn tuổi. Sự quan tâm của khán giả và truyền thông cũng giảm hẳn so với sự "bùng phát" ở thời điểm xuất phát.

Scandal - con dao hai lưỡi

Lại vẫn là Cát Tiên Sa - đơn vị luôn đi đầu trong việc tạo các "xu hướng" câu view - cũng là đơn vị chịu khó có nhiều scandal nhất trong các chương trình do công ty này sản xuất. Hết chuyện rò rỉ kết quả (Siêu Mẫu) cho tới chuyện dàn dựng kết quả trước (Giọng hát Việt) thậm chí ngay cả chuyện "tố" và "cãi lộn" với nhau giữa thí sinh và ban giám khảo cũng có luôn (Bước nhảy hoàn vũ và Cặp đôi hoàn hảo).

Những scandal "động trời" như vậy đều chọn thời điểm rơi đúng lúc để kích hoạt trở lại "tình yêu" nơi khán giả nếu có chút biểu hiện rằng mọi thứ đang nguội lạnh đi. Ví như năm nay, chuyện Thu Minh tâm sự rằng cô đã cắt đứt với Hương Tràm cũng tạo sóng gió nho nhỏ và tiếp đến là chuyện Quốc Trung thẳng thừng chê các HLV còn lại trên sóng truyền hình trực tiếp đêm thi Giọng hát Việt cũng đã ít nhiều tạo dư luận "yên vui" trở lại với cuộc thi tìm kiếm tài năng đang bớt dần sức hút.  

Kế sau Cát Tiên Sa phải kể đến Multimedia với những scandal liên quan đến cuộc thi Người mẫu Việt Nam - Vietnam Nexttop Model. Từ chuyện BGK cũ "xỉa xói" BGK cho tới chuyện BGK cũ tố BTC chương trình không sòng phẳng, rồi chuyện "lộ" kết quả lộ liễu, tới những chiêu "lạ lùng" như thí sinh cuộc thi phiên bản Mỹ đòi kiện thí sinh Việt Nam về chuyện copy tạo dáng thí sinh, v.v… Rồi "danh tiếng" của cuộc thi cũng được "cứu vớt" một phần vì những câu chuyện thâm cung bí sử được cựu giám khảo Hà Anh "khai quật" trong cuốn tự truyện vừa phát hành cũng giúp cuộc thi được lên báo nhiều hơn. Sức nóng lại được "hâm" trở lại để làm yên lòng các nhà tài trợ. Thế nhưng cũng chính các scandal đó đang dần đánh mất lòng tin của khán giả với các chương trình để những sự cố (cho dù là có thật) xảy ra sau này cũng khó mà khiến số đông tin được đó không phải là một sự dàn dựng khác. 

Xu hướng mới - đi vào đời sống cá nhân

Hai show truyền hình thực tế gần đây đã và đang thu hút được sự quan tâm của khán giả là Cuộc đua kì thú (Amazing Race) và Người giấu mặt (Big Brother).

Khách mời bình luận.

Cuộc đua kì thú bước sang năm thứ 2 sau màn chào đầu ở năm đầu tiên không thành công. Rút kinh nghiệm ở năm đầu, năm thứ hai đơn vị sản xuất là BHD đã mời một dàn sao tham gia chương trình. Thế nhưng, thay vì tập trung vào danh tiếng của họ, đơn vị sản xuất lại tập trung vào việc miêu tả tính cách, phản ứng của họ trong hành trình đòi hỏi sự dẻo dai, sức bền thể lực cũng như tinh thần làm việc nhóm để phô bày con người thật của "người của công chúng".

Chính cách làm này đã mang những người nổi tiếng đến gần hơn với khán giả số đông bởi sự cay cú, ăn thua, yếu đuối, mạnh mẽ hay chán nản muốn bỏ cuộc của các thí sinh đều nhận được sự ủng hộ hoặc phản ứng của khán giả một cách mạnh mẽ và rõ ràng. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin cũng được BTC làm truyền thông tốt hơn, tiếp cận và cung cấp những thông tin đều đặn cho những khán giả yêu quý chương trình tốt hơn. Tất cả tạo nên một sức hút nhất định cho chương trình.

Người giấu mặt lại là một dạng chương trình khác khi các đối tượng tham gia gần như chỉ là những "thường dân áo vải" trong đời sống hằng ngày. Cuộc sống của 12 thí sinh trong một căn nhà bị giám sát chặt chẽ bởi hàng chục camera lắp khắp nơi, miêu tả cụ thể từng hành động, hành vi, thái độ của từng thí sinh khiến cho không khí chương trình giống như đang miêu tả đời sống của một hộ gia đình bình thường.

Những phản ứng đời thường đó cũng khiến khán giả thích thú hoặc tức giận, những bàn tán cũng từ đó mà ra để những dự đoán cũng bắt đầu được nhắc đến trong các trạng thái chia sẻ trên facebook hoặc các mạng xã hội khác. Thậm chí là cả những vấn đề được coi là nhạy cảm như giới tính cũng được chương trình khai thác với sự đồng ý của cơ quan kiểm duyệt. Chính những điều đó khiến cho Người giấu mặt dù mới chỉ bắt đầu được hơn 1 tuần trong hành trình hơn 8 tuần bắt đầu lôi cuốn khán giả.

Lí do để hai chương trình trên đây hấp dẫn khán giả là bởi họ tập trung miêu tả những đối tượng tham gia như một cá thể bình thường trong đời sống, điều mà bất cứ ai cũng bắt gặp. Góc tiếp cận tốt khi đặt ngang bằng với khán giả chứ không phải tập trung miêu tả những thứ mà khán giả không bao giờ có được như đời sống ngôi sao, sự lấp lánh của những ánh hào quang đã mang chương trình đến gần với khán giả hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có rủi ro.

Sự thật - nói ra có nên sợ?

Chính bởi xu hướng miêu tả trực tiếp đời sống cá nhân, những khúc mắc, phản ứng đó khiến cho những thí sinh tham gia chương trinh vô tình biến thành một "vật thí nghiệm" được "nuôi nhốt" trong một môi trường thử thách và dành quyền phán xét đúng sai cho khán giả. Khoái cảm và niềm vui thích cũng như tức giận của khán giả được truyền cảm hứng bởi những nỗi đau hay hạnh phúc của những thí sinh tham gia chương trình với một phần thưởng rất lớn dành cho những người dũng cảm phơi bày đời họ trước 90 triệu khán giả là ngôi nhà 2 tỷ. Tất nhiên, cho dù là đi sâu vào khai thác thực tế một cách cụ thể, tỉ mỉ như vậy nhưng đặt trong bối cảnh một nền văn hóa như Việt Nam thì sự quyết liệt với việc miêu tả cận cảnh cũng được làm giảm nhẹ đi nhiều.

Để kết bài xin đưa ra một ví dụ điển hình về sự khắc nghiệt của những chương trình truyền hình thực tế hoặc trò chơi truyền hình là The Jeremy Kyle Talk Show - một chương trình truyền hình rất nổi tiếng ở Manchester, Vương Quốc Anh. Điều đặc biệt hấp dẫn của chương trình là tìm ra sự thật bằng hàng loạt phương pháp nghiệp vụ, thậm chí là cả test thử DNA, máy phát hiện nói dối để tìm ra kết quả là sự thực từ những khách mời tham gia chương trình. MC của chương trình sẽ đưa ra chủ đề của mỗi số và mời những vị khách tương xứng với chủ đề đó trả lời, đại loại như: Bạn có tin rằng chồng bạn đã ngủ với em gái bạn? v.v…

Và kết quả là những lần cãi vã giữa các khách mời với nhau trên sân khấu, là sự bất hòa khi trở về và thậm chí là chia tay giữa các cặp vợ chồng. Chính bởi sự khắc nghiệt của chương trình, đánh vào tâm lí luôn muốn tìm đến sự thật nhưng lại không chấp nhận sự thật của đám đông nên chương trình The Jeremy Kyle Talk Show đã từng được đề cử ở Giải thưởng truyền hình quốc gia Anh trước khi vấp phải sự phản ứng quyết liệt của khán giả, của các nhà cầm quyền cũng như công chúng trong nước về sự khắc nghiệt của chương trình mang lại. Đây có lẽ cũng là chương  trình truyền hình duy nhất trên thế giới luôn có 2 vệ sĩ cao to lực lưỡng đứng trên sân khấu để đề phòng sự manh động của khách mời trong những cơn giận dữ.

Truyền hình là để giải trí và khi sự giải trí của con người ngày càng được đẩy lên mức tận cùng của những cảm xúc thì cũng là lúc những nhà sản xuất nên cân nhắc để hài hòa mọi chuyện lại. Đừng để những chương trình truyền hình là một sự đáng tiếc đối với không riêng gì người chơi

Du Miên
.
.
.