Truyền hình thực tế có còn thực tế?

Thứ Hai, 31/08/2015, 17:06
Nở rộ, nở rộ và nở rộ hơn nữa. Các chương trình truyền hình thực tế (THTT) nhiều đến mức cứ bật tivi lên là chạm mặt. Các kênh truyền hình dù to dù nhỏ, dù địa phương hay Trung ương, dù trong nước hay quốc tế, đều phủ sóng các chương trình THTT. Nếu khán giả chán chường với bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" 2000 tập dài lê thê, khóc lóc ủ dột, thì họ cũng có cảm giác “bội thực” như vậy với THTT.
"Chiêu trò" hay là chết

Đầu tiên là chiêu trò ở giám khảo. Những người nổi tiếng đã ngồi vào chiếc ghế nóng là phải chấp nhận vào cuộc chơi ngầm, bất thành văn, cuộc chơi của chiêu trò. Nói chung phải "kỳ quái hóa" mình. Từ ăn mặc đến ứng xử, đặc biệt là nhận xét thí sinh, phát ngôn về cuộc thi. Càng khác lạ, bất ngờ, không giống ai càng tốt. Đánh vào sự tò mò, hiếu kỳ của khán giả càng nhiều thì chương trình càng được quan tâm nhiều hơn.

Ngày hôm nay, người ta thấy rằng, các yếu tố khác vốn là nòng cốt đảm bảo cho một chương trình THTT đã bị đẩy xuống thứ yếu, sau ưu tiên hàng đầu là chiêu trò. Theo đó, yếu tố thực tế, theo đúng như tính chất của THTT bị bóp méo dần đi bởi chiêu trò. Nhà sản xuất làm như vẫn để những câu chuyện thực tế diễn ra theo một cách tự nhiên, nhưng kỳ thực là họ đã có kịch bản cả rồi. Kịch bản cho từng giám khảo từ cách xuất hiện đến phát ngôn. Ai giữ vai trò gì trong vở diễn thì cứ thế mà sắm vai. Càng tạo ra sự xôn xao nơi khán giả càng tốt. Phản ứng nhiều chiều của khán giả càng hay.

Dĩ nhiên là chiêu trò của giám khảo sẽ kéo theo chiêu trò của thí sinh. Mặc dù thí sinh phần lớn là bị động. Họ phần lớn đơn giản là những người từ đời sống thường nhật bước vào một cuộc thi truyền hình, họ là những diễn viên không chuyên. Nhưng họ sẽ bị cuốn vào cuộc chơi, vào kịch bản của nhà sản xuất, của giám khảo mà họ không hề biết.

Những yếu tố ăn khách, như xuất thân, hoàn cảnh gia đình, những chuyện lạ từ đời riêng của họ luôn được nhà sản xuất nghiên cứu từ trước đó, và họ biết rằng có thể "bán" được gì từ mỗi thí sinh, để tạo ra một chương trình hấp dẫn, thu hút người xem.

Có thể lấy nhiều ví dụ lắm. Nhưng có một mẫu số chung, những thí sinh tham gia các cuộc thi truyền hình nếu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo khổ, cha mẹ mất sớm, nỗ lực vượt khó chẳng hạn, sẽ dễ được khai thác để lấy sự đồng cảm, quan tâm từ khán giả. Những câu chuyện càng cá biệt càng được khai thác sâu.

Bộ tứ giám khảo nổi tiếng của Giọng hát Việt 2015.

Những gương mặt nổi lên từ các cuộc thi như Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Người mẫu Việt Nam, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng Việt Nam… phần lớn ngoài tài năng còn kèm theo hoàn cảnh riêng đặc biệt. Những em bé sinh trưởng trong gia đình nghèo, phải phụ cha mẹ kiếm sống, những cô gái đẹp vượt qua những khó khăn của cuộc sống để đến với cuộc thi… là những mẫu nhân vật mà THTT tìm kiếm.

Có một thực tế nếu một thí sinh có cuộc sống bằng phẳng quá, êm đềm quá, chẳng có chi tiết gì gây "ép phê" khán giả thì sẽ ít được quan tâm hơn. Các nhà tổ chức luôn muốn trao giải cho những người tài năng nhưng phải có hoàn cảnh cá biệt, để hai chữ "tìm kiếm" của họ có vẻ giá trị hơn. Và để khán giả khi nhắc về chương trình với nhân vật quán quân, cũng dễ có thiện cảm với chương trình hơn.

Chiêu trò trong các chương trình THTT còn muôn vàn lối. Chẳng hạn câu chuyện giới tính của một giám khảo hay một vài thí sinh được thổi phồng. Rồi xích mích giữa những thành viên của ê-kip làm chương trình, hôm nay vừa “canh đang ngọt”, mai đã “chẳng lành”. Chuyện thí sinh tố giám khảo không công bằng. Chuyện nghi vấn gian lận tin nhắn bình chọn… Dĩ nhiên không phải chiêu trò mang yếu tố tiêu cực, tổn hại nào cũng do nhà sản xuất chủ động tạo ra, nhưng nếu có, thì cũng đều tốt cả.

Với hệ thống truyền thông của mình, nhà sản xuất sẽ có cách chữa cháy tốt, và biến những bất lợi thành có lợi trong chốc lát. Và càng lùm xùm thì chương trình càng được chú ý. Lượng khán giả theo dõi nhiều lên đồng nghĩa với tiền thu về từ quảng cáo trong chương trình càng nhiều lên. Lợi nhuận chính là cái đích cuối cùng của một chương trình THTT.

Khán giả bội thực và câu chuyện thí sinh tài năng

Đỉnh điểm của chiêu trò trong THTT là hình ảnh các thí sinh nữ trong chương trình "Người bí ẩn" chung kết sẵn sàng "khoe thân" để bước vào một phần thi thử thách. Những vụ hở nội y, gây xì căng đan thì nhiều không kể hết. Mỗi cuộc thi trên truyền hình luôn cần những sự cố, và sự trùng lặp của nó khiến cho khán giả hết ngây thơ tin rằng đó chỉ là sự vô tình.

Khán giả đã nhàm chán với những tranh cãi, hở đồ, phát ngôn gây sốc, những màn khóa môi của thí sinh hay giám khảo. Bội thực là cảm giác chung khi nghĩ về THTT. Điều này cho thấy các chương trình THTT đã đến hồi bão hòa, cần có những món ăn đặc biệt khác cho khán giả.

Người mẫu Việt Nam là chương trình thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích nghề người mẫu.

Các chương trình THTT thực chất là các cuộc thi. Có cuộc thi chỉ để cho vui, tạo sự hấp dẫn cho khán giả bằng chính những tình tiết bất ngờ từ phía nhân vật tham gia, như “Bố ơi mình đi đâu thế” chẳng hạn. Còn lại phần lớn các chương trình THTT đều là các cuộc thi thố tài năng. Trong đó có những người nổi tiếng thi với nhau, như "Bước nhảy hoàn vũ" chẳng hạn. Còn lại phần nhiều các cuộc thi là để tìm kiếm các tài năng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tập trung là lĩnh vực nghệ thuật, giải trí.

Vậy thực chất những người tài năng được tìm thấy, được phát hiện, được trao giải đã trưởng thành như thế nào, tỏa sáng như thế nào, và học được những gì ở mỗi chương trình mà họ đã tham gia. Chưa có một thống kê đầy đủ nào về mức độ ảnh hưởng của các nhân vật từng giảnh giải thưởng cao nhất trong các game show THTT. Nhưng có thể nói là rất nhiều cảnh huống khác nhau. Có không ít thí sinh sau khi ẵm giải xong thì rơi tõm vào quên lãng, thỉnh thoảng có bài báo tổng kết nhắc đến chương trình thì được nhắc lại tên.

Người trở thành những tài năng thực sự khiến khán giả phải mến phục đếm ra khá khiêm tốn. Những nhân vật đặc biệt như Tùng Dương (Sao Mai Điểm hẹn), Uyên Linh (Việt Nam Idol) không nhiều. Những tài năng thực sự nếu có bệ phóng là một cuộc thi, họ thường biết cách chứng tỏ mình sau đó, trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng, bởi tài năng và phong cách làm việc chuyên nghiệp, lối sống chuẩn mực. Đáng buồn là không ít thí sinh bước ra từ các cuộc thi trên truyền hình thường học cách gây xì căng đan, tạo chiêu trò để nổi tiếng.

Giọng hát Việt nhí - Sân chơi tìm kiếm tài năng ca hát dành cho trẻ em.

Ví dụ ca sĩ Hương Tràm, được trao giải cao trong mùa “Giọng hát Việt 2012” sau đó lại được khán giả biết đến với hình ảnh ca sĩ ăn mặc phản cảm để gây chú ý. Thảo My giải nhất “Giọng hát Việt 2013” cũng nhạt nhòa không để lại dấu ấn gì nhiều trên thị trường âm nhạc sôi động. Yasuy - anh chàng gây hiệu ứng mạnh mùa “Việt Nam Idol 2013” cũng mất hút đâu đó trong đời sống.

Hóa ra câu chuyện về cuộc sống khó khăn phải giúp mẹ cha làm nương rẫy, chưa từng được học âm nhạc mà vẫn hát hay và có khát vọng trở thành thần tượng của Yasuy chỉ làm say lòng khán giả nhất thời, kích thích họ nhắn tin bình chọn, còn nhà sản xuất thu hút được nhiều poster quảng cáo hơn, chứ không giúp Yasuy trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp trong làng nhạc được. Vì việc trở thành một ngôi sao tỏa sáng không thể nào nhờ vào một cuộc thi, mà phải là một quá trình dài với những nỗ lực vượt qua nhiều thử thách.

Và còn không ít ví dụ nữa cho thấy, THTT chẳng phải là phép màu có thể phù phép cho một ai đó, ngoài ấn tượng từ những buổi biểu diễn trong khuôn khổ chương trình và số tiền giải thưởng ra. Trong cuộc chơi hai bên cùng có lợi, người đến chơi cuộc thi cũng không ít lần phiền lòng vì phải chịu sự "khai thác đời tư" quá mức từ nhà sản xuất. Rồi sau đêm chung kết “đường ai nấy đi”. Nhà sản xuất vội vã chuẩn bị cho mùa giải mới. Thí sinh ra về với chút hào quang có được từ những buổi được lên sóng truyền hình trực tiếp trước hàng triệu khán giả.

Dù như vậy thì với cơn bão truyền hình hiện nay, cuộc thi nối tiếp cuộc thi như hiện nay, những sự xuất hiện thời vụ của một thí sinh nào đó cũng chả thấm tháp vào đâu. Những giải nhất mới liên tục được tìm ra để trao. Và trong số rất nhiều giải nhất bước ra từ các chương trình THTT ấy, chỉ có một tỷ lệ rất ít là chứng tỏ được tài năng bản lĩnh của mình trong thị trường showbiz khốc liệt. Còn lại, có thể mất tích, hoặc biến dạng thành những ngôi sao nổi danh nhờ chiêu trò, xì căng đan đình đám.

Chỉ có khán giả là mỗi ngày thêm ngao ngán. Họ cứ phải ăn những món ăn cũ. Khán giả vừa ngồi ghế nóng chương trình THTT này, lại đã thấy ngồi chương trình THTT kia. Quanh quẩn những gương mặt giám khảo và MC cũ mèm là một bế tắc của các chương trình THTT trong sự nở rộ hiện nay. Tuy nhiên, chừng nào lượng khán giả vừa kêu than chán ngán và tay vẫn bấm remote xem các chương trình THTT vẫn còn thì nhà sản xuất vẫn tiếp tục.

Các chiêu trò vẫn cố gắng được nghĩ ra, được làm mới, được đa dạng hóa, phức tạp hóa hơn nữa. Vấn đề cuối cùng là khán giả lựa chọn xem gì để bảo vệ mình  mà thôi khỏi bị "ngộ độc" mà thôi.

Khánh Thảo
.
.
.