Truyền thông cũng có lỗi

Thứ Hai, 16/05/2016, 14:59
Từ một chia sẻ trên trang facebook cá nhân, câu chuyện “Em bé Hà Nội” – Lan Hương hủy chuyến ra đảo Trường Sa vào phút chót đã dấy lên một làn sóng giận dữ, đòi tẩy chay và tước danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) của chị. Đám đông có thể sẽ không đi xa như thế nếu như không có sự “chắp cánh” của truyền thông.


Một lần nữa, truyền thông lại “gãi đúng chỗ ngứa” của đám đông trong câu chuyện NSND Lan Hương bị lên án vì hủy chuyến công tác ra đảo Trường Sa vào phút chót xôn xao dư luận suốt mấy ngày vừa qua. Khi chưa tìm hiểu cặn kẽ lí do đưa đến quyết định hơi đường đột của nữ nghệ sỹ, nhiều người đã không ngại ngần ''ném đá'' về phía chị. Người ta cho rằng chị “cảnh vẻ”, hủy chuyến ra đảo vì phòng nghỉ hẹp.

Có người đã thốt lên “không muốn thấy Em bé Hà Nội nữa”. Thậm chí, có một số người đã đòi tước danh hiệu NSND – một danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng bởi những đóng góp miệt mài của chị trong hoạt động nghệ thuật suốt mấy chục năm qua.

Lường trước sức khỏe không đủ sức để ra đảo Trường Sa, ảnh hưởng đến đoàn, NSND Lan Hương đã xin hủy chuyến đi của mình.

Và “ăn theo" một đám đông đầy ức chế và dễ bị kích động ấy, một số tờ báo đã “té nước theo mưa” bằng những tin bài úp mở liên quan đến việc trách nhiệm công dân của người nghệ sỹ. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù “Em bé Hà Nội” được minh oan, những người liên quan cũng đã lên tiếng, một số tờ báo, trang tin đã gỡ bài viết trên báo điện tử thì có một số trang tin vẫn đăng tải những bài viết thiếu thiện chí, ví dụ như “Ngoại trừ NSND Lan Hương, những sao Việt từng đến Trường Sa”. Chẳng hiểu một bài viết như thế đăng ra vào lúc này để làm gì, nếu không phải với mục đích câu view rẻ tiền?

NSND Lan Hương bị stress, hoang mang vì những điều tồi tệ xảy ra với chị trong mấy ngày vừa qua. Thậm chí, mặc dù lúc này, dư luận đã dịu lại, nhiều người đã lên tiếng bênh vực và bảo vệ chị thì khi nhắc lại, giọng chị vẫn chưa hết run rẩy. Điều gì đã khiến một người phụ nữ từng trải, mạnh mẽ và an nhiên sau bao cay đắng trong tình riêng và nghĩa vụ chung, tụng kinh gõ mõ ở tuổi xế chiều trở nên hoảng sợ như thế? 

Một đám đông đã mất đi sự tỉnh táo, trí khôn. Một đám đông a dua, có bao nhiêu gạch đá trong tay ném cho bằng hết về phía người đối diện mà không tự vấn xem họ là ai. Một đám đông đang dần mất đi nhân tính, bất nhẫn, sẵn sàng kết bè để nhấn chìm tất cả, trong đó có cả sự thật. Một đám đông thích nhân danh, thích phán xét, chỉ điểm.

Đám đông ấy lại được cộng hưởng từ hiệu ứng truyền thông, mạng xã hội, từ những bài báo được sản xuất ra không phải với mục đích cung cấp thông tin, sự thật cho bạn đọc mà bởi lượt view. View càng cao càng tốt. Những hệ quả sau đó là điều miễn bàn.

NSND Lan Hương.

Đây không phải lần đầu tiên, đám đông và truyền thông bắt tay nhau, đẩy một ai đó đến bờ vực hoặc nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến an ninh thông tin nghiêm trọng. Báo chí, con dao 2 lưỡi, cung cấp thông tin nhưng cũng định hướng thông tin. Định hướng sai, người tiếp nhận không thấu đáo, kết quả là chỉ có người trong cuộc hứng chịu mọi búa rìu dư luận.

PV
.
.
.