Từ án phạt nặng nhất trong lịch sử VLeague dành cho một cầu thủ đá... gãy chân đối thủ

Thứ Sáu, 07/03/2014, 14:55

Cả làng bóng Việt sôi lên với một án phạt nặng nhất trong lịch sử V.League dành cho một cầu thủ vào bóng thô bạo với đối phương. Người thì bảo phạt thế là chính xác, người thì bảo phạt thế là hùa theo dư luận. Nhưng mấu chốt vấn đề có lẽ không nằm ở chuyện "hình án" mà Ban Kỷ luật VFF là tác giả, mà lại nằm ở cái "tâm án" thuộc về năng lực nhận thức của "thủ phạm" cùng những người có trách nhiệm rèn giũa, giáo dục "thủ phạm" trong suốt một lộ trình dài.

Từ Văn Ta đến Đình Đồng

Tất cả những ai xem trận Sông Lam Nghệ An - An Giang ở vòng 7 V.League hoặc xem lại clip về pha phạm lỗi của cầu thủ Đình Đồng (Sông Lam) với cầu thủ Anh Hùng (An Giang) đều không tránh khỏi cảm giác... rợn người. Đấy là một tình huống mà Đình Đồng co chân chạy đà, lao về phía Anh Hùng rồi đưa cả gầm giày vào chân Anh Hùng, khiến cầu thủ An Giang gãy chân, và phải lên xe vào viện ngay lập tức. Thế mà sau khi Đình Đồng bị Ban Kỷ luật VFF phạt 20 triệu đồng, đình chỉ thi đấu đến hết năm 2014 và buộc phải thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Hùng thì cả Đình Đồng lẫn BHL Sông Lam đều... nhảy dựng lên. Từ HLV trưởng Sông Lam Nguyễn Hữu Thắng đến "thủ phạm" Đình Đồng đều bảo đấy là một pha bóng 50 - 50, một va chạm bình thường trong bóng đá, chứ không phải là một pha vào bóng ác ý như những gì dư luận lên tiếng. Và vì thế phía Sông Lam không phục án phạt của VFF.

Kể ra thì cũng có một cơ sở để phía Sông Lam... không phục, đó là ở vòng 5 V.League, khi cầu thủ Đinh Văn Ta của Ninh Bình cũng thực hiện một "pha bóng giết người" với Danny David của Đồng Tâm Long An, khiến Danny David nằm sân bất tỉnh, sùi bọt mép thì "hung thủ" Đinh Văn Ta lại chỉ bị phạt 15 triệu đồng và đình chỉ thi đấu vỏn vẹn 5 trận đấu. Phía Sông Lam có quyền thắc mắc: cùng một hành vi phạm lỗi nguy hiểm như nhau, vì sao  án phạt dành cho Đinh Văn Ta và Trần Đình Đồng lại khác nhau, thậm chí là khác nhau một trời một vực?

Quyền chủ tịch VFF nhắc thầy trò U.19 không được "nhiễm bệnh" V.League. H.M.

Không khó lý giải câu hỏi này khi mà vụ Đinh Văn Ta là vụ bạo lực nguy hiểm đầu tiên ở V.League năm nay, còn vụ Trần Đình Đồng đã là vụ thứ ba, và nó diễn ra vào đúng thời điểm mà cả làng đều lên án thứ bóng đá bạo lực đang có nguy cơ bùng phát. Lại có cả một diễn biến hậu trường khác khi mà vụ Đinh Văn Ta, Ban Kỷ luật VFF nghị án và xử án một cách độc lập, còn ở vụ Đình Đồng, trước khi tuyên án, ông trưởng Ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường đã nhận được cú điện thoại cấp tốc của quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng với nội dung: "Phải xử thật nặng để răn đe". Ở đây, có thể hiểu là vụ Đình Đồng giống như một "án điểm" mà VFF muốn qua đó khiến cho tất cả các cầu thủ, các đội bóng phải nhìn vào để không còn tái phạm những cái lỗi chết người.

Đã có người đặt câu hỏi: nếu ông quyền chủ tịch VFF điện thoại nhắc nhở ông trưởng Ban Kỷ luật ngay sau vụ Đinh Văn Ta, rồi sau đó Ban Kỷ luật lấy ngay vụ Đinh Văn Ta làm "án điểm" (chứ không phải đợi tới vụ Đình Đồng) thì liệu sau đó có xảy ra vụ Đình Đồng hay không? Thật khó để trả lời một câu hỏi mang tính giả tưởng này, nhưng chúng tôi tin rằng nếu Đinh Văn Ta cũng bị phạt 20 triệu đồng (chứ không phải 15 triệu đồng), cũng bị treo đến hết năm 2014 (chứ không chỉ bị treo 5 trận), và cũng phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa bệnh cho "nạn nhân" Danny David (cho dù phía Đồng Tâm Long An không đòi hỏi) thì có thể những cầu thủ có thói quen đá láo, đá bậy ở V.League đã phải nhìn vào đó mà... chùn chân. 

Tất nhiên những gì đã xảy ra thì không thể làm lại, nhưng người ta cũng cần phải nhìn lại tất cả để có thể nhập cuộc, xử lý vấn đề một cách hợp lý hơn trong những trường hợp tương tự về sau.

Từ hình án đến tâm án

Khi thầy trò Sông Lam cùng nhau lên tiếng thanh minh, bảo vệ "thủ phạm" Đình Đồng thì những người theo dõi V.League nhiều năm nay không vì thế mà bất ngờ. Cách đây 2 năm, sau một pha va chạm ghê người giữa trung vệ Nguyễn Huy Hoàng của Sông Lam với ngoại binh Samson (giờ đã nhập tịch với cái tên nội Hoàng Vũ Samson) của HN.T&T thì BHL Sông Lam cũng lên tiếng bênh Huy Hoàng chằm chặp. Cần phải nhắc lại là sau pha tranh chấp này Huy Hoàng đã phải lên cáng vào viện tức thời, nhưng đấy là pha bóng mà chính Huy Hoàng đã vào bóng nguy hiểm với đối phương - pha bóng mà nói theo "ngôn ngữ đá phủi" thì "nếu Samson không trả đòn, Samson chết trước".

Nhìn lại pha vào bóng của Huy Hoàng hôm ấy với Đình Đồng hôm nay và với cả những pha vào bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng hồi ông còn thi đấu dễ thấy là nó đều có những nét mạnh mẽ, nguy hiểm na ná nhau. Và nếu phải chỉ thêm một pha vào bóng mạnh mẽ, nguy hiểm na ná như thế nữa của một cầu thủ điển hình cho "tuổi trẻ Sông Lam" thì đấy là pha vào bóng của trung vệ Văn Khánh khi anh này khoác áo ĐT U.19 Việt Nam đấu với U.19 Tottenham tại giải U.19 quốc tế Cúp Nutifood diễn ra hồi tháng 1 năm nay. Đấy là một pha bóng mà Văn Khánh cũng vào bóng rất thô bạo, khiến U.19 Việt Nam phải nhận Penalty còn tiền đạo Tottenham phải rời sân với cái chân cà nhắc.

Những pha bạo lực, tranh cãi như thế này diễn ra tràn lan ở sân chơi V.League. H.M.

Nhưng khác với "môi trường Sông Lam", ở "môi trường U.19", Văn Khánh không những không được bênh vực mà còn bị phê phán kịch liệt. Từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức - cha đẻ của lứa U.19 hiện nay đến HLV trưởng người Pháp Guillaume đều cho biết họ thấy xấu hổ với pha vào bóng của Văn Khánh. Và cũng vì pha vào bóng này mà Văn Khánh đã bị loại khỏi thành phần U.19 Việt Nam đi châu Âu tập huấn dài ngày.

Những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt từ những người có trách nhiệm với ĐT U.19 chắc chắn sẽ giúp cho Văn Khánh học được những bài học để đời. Trả lời phỏng vấn báo chí, Khánh nói rằng, anh rất tiếc vì bỏ lỡ một cơ hội tu nghiệp quý báu tại môi trường bóng đá chuyên nghiệp châu Âu, và Khánh sẽ cố gắng sửa mình một cách tích cực để có thể trở lại ĐT trong thời gian sớm nhất. Rõ ràng là dù không có bản án cụ thể nào từ BTC giải U.19 quốc tế cúp Nutifood hay từ Ban Kỷ luật VFF, nghĩa là không có một "hình án" chính thức nào dành cho một cầu thủ trẻ đá gãy chân đối thủ, nhưng việc bị cả một đội bóng tẩy chay đã khiến Văn Khánh phải đối diện với cái "tâm án" lớn lao. Và từ "tâm án" ấy, nhiều người tin là ý thức nghề nghiệp của Văn Khánh sẽ rẽ sang chiều hướng khác.

Trở lại với cái án rất thời sự mà Ban Kỷ luật VFF dành cho Trần Đình Đồng, dù nặng hay nhẹ, dù phục hay bất phục thì xét cho cùng với cá nhân cầu thủ này nó cũng chỉ là một "hình án" mà thôi. Điều người ta chờ đợi là những người ở bên cạnh Đình Đồng phải giúp cầu thủ có thói quen "vào bóng ác liệt" này đối diện với một "tâm án" đủ liều.

Giả như Đình Đồng không mắc án khi đang khoác áo Sông Lam đá V.League, mà là khi khoác áo ĐT U.19 đá một giải bóng đá nào đó của U.19 (cứ giả dụ thế) thì chắc chắn là cái cách mà Đình Đồng lẫn những người bên cạnh Đình Đồng ứng xử  sẽ khác bây giờ nhiều lắm! 

Vì sao bạo lực... leo thang?

Mới qua 7 vòng V.League mà sân cỏ đã nhức nhối chuyện các cầu thủ... phá huỷ đời đá bóng của nhau. Hai cầu thủ gãy chân, một cầu thủ nằm sân bất tỉnh, sùi bọt mép, một ông HLV khao khát được "xin thua" để giữ chân quân mình trước những pha bỏ bóng đá người của đối phương - chừng ấy những chi tiết chưa phản ánh hết cái nóng và cái bẩn ở V.League hiện nay. Bẩn tới độ mà ngay cả những cậu bé khiêng cáng vốn là những cầu thủ năng khiếu cũng ứng xử bằng cách vứt phịch một cầu thủ đội khách đang chấn thương xuống đường piste với một thái độ rất thiếu tình người thì quả là không còn gì để nói.

Phải chăng bóng đá, ở một góc độ nào đó chính là tấm gương phản ánh xã hội? Và nếu đúng như thế thì ở một xã hội mà bạo lực ngày càng lên cao, ở cái nơi mà bảo mẫu sẵn sàng tát học sinh, thầy giáo sẵn sàng tát học trò, nữ sinh cũng sẵn sàng bỏ guốc "tát" nhau - tát vô tội vạ - tát không thương tiếc thì ở trên sân cỏ chuyện cầu thủ "tát" cầu thủ cũng là chuyện bình thường?

Không biết là những nhà quản lý bóng đá ở cả cấp độ CLB, cấp độ ĐTQG lẫn cấp độ một nền bóng đá có thấy xấu hổ không khi một nhà đài sau khi tổng hợp lại những "pha bóng giết người" ở V.League đã phải khuyến cáo các bậc phụ huynh không được đưa trẻ em dưới 18 tuổi đến sân vận động?

Ngọc Anh

Lời nhắc của người đứng đầu nền bóng đá

Ông quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (người có tới 99,9% sẽ trở thành chủ tịch VFF sau Đại hội nhiệm kỳ 7 được tổ chức trong tháng này) chia sẻ rằng, ngay sau khi đi công tác nước ngoài về, nghe nói về pha bóng bạo lực của Trần Đình Đồng, ông đã điện thoại cho Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường đề nghị phải "xử thật nặng".

Sau đó thì ông Dũng đã có cuộc gặp gỡ các cầu thủ U.19 Việt Nam trong ngày các "niềm hy vọng" bay sang châu Âu tập huấn dài ngày, và trong cuộc gặp gỡ này thì ông đã nhắc nhở các cầu thủ không được học kiểu... đá bậy, đá láo đang diễn ra tràn lan ở V.League. Ông Dũng thậm chí còn dặn ngay cả khi đối phương đá láo thì các cầu thủ cũng phải cắn răng thi đấu tiếp, thay vì thực hiện hành vi trả đũa.

Những lời nhắc của người đứng đầu nền bóng đá với người đứng đầu Ban Kỷ luật và với các "niềm hy vọng" U.19 rõ ràng là rất cần thiết, kịp thời. Và chúng ta cần những lời nhắc như thế từ chính những người đang từng ngày, từng giờ ở bên cầu thủ.

Tuấn Thành

Phan Đăng
.
.
.