Juventus: Từ giải hạng Hai đến chung kết Champions League

Thứ Hai, 25/05/2015, 17:00
Trận chung kết Champions League mùa giải năm nay là cuộc gặp gỡ "hiếm hoi" giữa hai tên tuổi lớn của bóng đá châu Âu: Barcelona và Juventus. Nếu như cái tên Barca đã quá quen với những trận chung kết, thì Juventus từ một người quen nay đã trở nên lạ lẫm. Lạ bởi 12 năm trời họ không còn là sự thách thức. Lạ bởi cách đây 8 năm, họ còn đá ở Serie B, giải hạng Hai Italia!

1.Bóng đá Italia có câu: "AC Milan sinh ra để chinh phục châu Âu, còn Juventus sinh ra để thống trị trong nước". Điều đó đúng, bởi Juventus là tượng đài không thể xô đổ trong lịch sử bóng đá Italia, với số chức vô địch quốc gia lên đến con số 31. Trái lại, Juventus chỉ có 2 lần là số 1 châu Âu, ít hơn nhiều so với đại kình địch AC Milan (7 chức vô địch). Thế nhưng, trong hoàn cảnh bóng đá Italia đang dần lép vế, chịu phận nép mình sau những cái bóng quá lớn của Anh, Tây Ban Nha, Đức, thì Juventus lại là kẻ đang làm hồi sinh một tượng đài trong quá khứ, vực dậy niềm tự hào cho cả một nền bóng đá cách đây hơn 1 thập kỉ được coi là bất khả chiến bại.

Dù mới chỉ lọt vào trận chung kết, có thể họ sẽ nhận thất bại trước Barca, nhưng chỉ thế thôi là đủ cho một sự trở lại kì diệu. Kì diệu ở chỗ, mới cách đây 8 năm thôi, Juventus còn chơi ở Serie B, tức là giải hạng Hai của hệ thống các giải đấu của Italia, sau vụ án Calciopoli làm chấn động bóng đá thế giới. Vì thế, Juventus được ví như hình ảnh của một cô bé lọ lem bỗng chốc lột xác thành một công chúa nhờ sự gan dạ và cả may mắn. Khi nhìn sang sự thăng tiến chóng mặt của bóng đá Tây Ban Nha, Anh, Đức, với sự đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến tiền tài, danh vọng đổ vào biến bóng đá trở thành ngành công nghiệp sang trọng, thì bóng đá Italia chỉ có một vệt sáng Juventus. Đó cũng chính là lí do đầu tiên báo chí phương Tây nhắc đến Juventus như một hiện tượng khó tin.

Juventus đánh bại Real Madrid (giữa) để có mặt ở chung kết Champions League.

Theo thống kê mới nhất hồi tháng 6 năm ngoái của Tập đoàn thống kê tài chính Deloitte, Juventus có tổng thu nhập chỉ bằng một nửa so với Real Madrid, nhà đương kim vô địch Champions League, đối thủ họ đã đánh bại ở vòng bán kết. Juventus không có mặt trong top 10 CLB giàu có nhất thế giới, không nằm trong số những CLB có giá trị hình ảnh hay thương mại lớn nhất châu Âu. 

Tất cả những hệ quả đó đến với Juventus từ chính scandal dàn xếp tỷ số lớn nhất lịch sử bóng đá châu Âu diễn ra năm 2006. Juventus từ một đội vô địch Serie A, bỗng nhiên bị cáo buộc là một trong 5 đội bóng dính vào bê bối dàn xếp tỷ số, trong đó họ chính là đội bóng có tội "nặng" nhất. Kết cục là họ bị đánh tụt hạng, tước 2 chức vô địch quốc gia dưới thời HLV Capello (năm 2005 và 2006). Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Juventus phải đá ở hạng Hai.

Cùng với việc xuống hạng, Juventus còn mất toàn bộ ban lãnh đạo vì dính líu trực tiếp. Chủ tịch Moggi hầu tòa và gần như họ phải xây dựng lại toàn bộ "lực lượng lãnh đạo". Sự trì trệ bủa vây. Hiệu ứng dây chuyền tồi tệ của nó là hàng loạt cầu thủ trụ cột ra đi, bỏ lại Juventus gồng mình trong cơn bão tố. Trong tay họ gần như không còn gì. Những L.Thuram, Zlatan Ibrahimovic, Fabio Cannavaro… đồng loạt tẩu thoát. Chỉ còn lại vài cầu thủ lớn tuổi, gắn bó lâu năm với Juventus nhưng đã đi sang bên kia thời kì đỉnh cao như Buffon, Pavel Nedved, Del Piero. Bên cạnh đó, họ phải sử dụng những cầu thủ trẻ từ tuyến dưới đôn lên như GIovinco, Marchisio…

Bóng đá Italia có truyền thống luôn tạo ra sức bật khủng khiếp sau mỗi biến cố. Họ vô địch World Cup 1982 cũng sau một scandal dàn xếp tỷ số gây chấn động. Họ lại vô địch World Cup 2006 sau chính vụ Calciopoli. Và Juventus cũng vậy. Họ đứng lên từ đống tro tàn, trở lại Serie A chỉ sau đúng 1 mùa giải, với chức vô địch bất chấp bị trừ tới 9 điểm.

HLV A.Conte, kiến trúc sư cho thành công của Juventus.

2.Chỉ 1 năm ở hạng Hai, Juventus thiệt hại khoảng 500 triệu euro. Con số đó khiến Juventus kiệt quệ. Cũng không chỉ Juventus, toàn bộ Serie A "xuống cấp" trầm trọng. Các sân vận động cũ kỹ, xuống cấp sau nhiều năm không sửa chữa kể từ World Cup 1990 tổ chức tại Italia, khán giả quay lưng với bóng đá, khán đài vắng tanh, các CLB nghèo đi, các ngôi sao rời nước Italia… Quang cảnh ảm đạm bao trùm. Bóng đá Itlia mất đi quyền lực. Đúng vào lúc đó, Juventus đi bước đi đầy mạo hiểm, giống như một canh bạc. Ngay sau khi trở lại Serie A, họ chuyển đến thi đấu ở sân Stadio Olimpico, sân xây dựng để tổ chức sự kiện Olimpic mùa đông năm 2006. Đến tháng 11/2008, tức là một năm sau khi lên hạng, Juventus công bố kế hoạch xây sân mới cho riêng mình với khoản đầu tư khoảng 120 triệu euro. Điều đáng chú ý, Juventus là CLB đầu tiên tại Italia bỏ tiền xây sân riêng cho mình, và sân của Juventus cũng là sân duy nhất không có đường chạy. Sân mới khánh thành trước mùa giải 2011/2012. Nó mở ra hướng đi mới, đưa Juventus lên một đẳng cấp mới, với nguồn tiền dồi dào hơn.

Ngay cả khi đó, Juventus vẫn bị coi là đội bóng nghèo rớt mồng tơi. Đến mức CĐV tại Italia còn truyền tai nhau câu chuyện rằng, có một nhân vật chóp bu, có số má trong làng bóng đá Italia còn nói rằng, những người Juventus, kể cả HLV Antonio Conte, người đưa Juventus trở lại đỉnh cao, cũng không đủ tiền đi ăn nhà hàng có giá 100 euro, bởi trong ví của họ chỉ có nhiều nhất là 10 euro.

Trong hoàn cảnh ấy, Juventus làm thế nào để tồn tại? Họ vay tiền xây sân đấu, mua cầu thủ dè xẻn. Trong 4 mùa hè vừa qua, Juventus chi 250 triệu euro để tăng cường lực lượng, con số chỉ bằng 1 mùa chi tiêu của Man Utd. Juventus chỉ 1 lần mua cầu thủ ở giá cao hơn 17 triệu euro và không chi quá 22 triệu euro cho một hợp đồng. Bản hợp đồng 22 triệu euro chính là Alvaro Morata (từ Real Madrid), cũng chính là người ghi 2 trong 3 bàn loại Real Madrid ở bán kết Champions League vừa qua. Còn lại, những ngôi sao của họ đều được mang về với giá rẻ như Arturo Vidal, Stephan Lichtsteiner, Kwadwo Asamoah, Paul Pogba, Carlos Tevez và đặc biệt là bản hợp đồng tự do của Andrea Pirlo. Và giờ họ đều là những người mang về thành công cho Juventus.

Trong hành trình trở lại đỉnh cao của Juventus không thể không nhắc tới Antonio Conte, một trong những huyền thoại của chính Juventus. Nhưng khi đến dẫn dắt CLB này năm 2011, Conte gần như là một HLV vô danh ở những CLB vô danh. Ông được chọn bởi mức thù lao nhận thấp và có tình yêu với CLB. Ở đây, Conte đã làm việc gần như 24/24 giờ, tham gia mọi hoạt động của CLB để vực đội bóng dậy chỉ với lòng nhiệt huyết và uy tín của một người đầy năng lượng, với phương pháp tập luyện hà khắc đến mức hành xác. 

Ngay mùa giải đầu tiên, Conte đã đưa Juventus tới chức vô địch Italiavà ở ngôi vị đó 2 năm sau nữa. Hình ảnh của Conte ở Juventus lớn đến mức, khi Liên đoàn Bóng đá Italia bổ nhiệm ông vào vị trí HLV trưởng ĐTQG hồi năm ngoái, hàng loạt thư nặc danh và lời đe dọa tính mạng đã được gửi đến gia đình ông. Cảnh sát, Liên đoàn Bóng đá Italia đã phải cử người đến bảo vệ gia đình Conte trong một thời gian dài. Chính vì thế mà dù người đưa Juventus gặp Barca ở trận cuối mùa giải là Massimiliano Allegri, nhưng người ta vẫn nhớ về Conte như người đặt nền móng cho Juventus hôm nay.

Juventus sẽ vực dậy cả nền bóng đá Italia?

3.Mọi thành công đều không đến một cách ngẫu nhiên. Có thể Juventus đã gặp nhiều may mắn trên hành trình đến với trận chung kết Champions League, nhưng may mắn đó lại là kết quả của một quá trình chịu đựng, gồng mình vượt qua bão tố của một tập thể dường như đã bị san phẳng sau bê bối dàn xếp tỷ số cách đây 8 năm. Sự có mặt của Juventus ở Berlin (nơi diễn ra trận chung kết Chapions League), không chỉ là sự khẳng định cho bản thân Juventus, mà nó còn đánh dấu cho sự hồi sinh của bóng đá Italia sau một thời gian thụt lùi, đến mức có thời điểm trượt dài tưởng như không thể cứu vãn. Điểm sáng Juventus có thể sẽ là động lực, bàn đạp và nguồn động viên tạo ra nội lực cho sự phát triển của phần còn lại của Serie A với những tên tuổi lớn đang bị hủy hoại như AC Milan, Inter Milan, AS Roma… hay ngay cả những đội bóng nhỏ, trong đó có cả Parma, đội bóng lớn nhưng đang chịu cảnh xuống hạng với bi kịch phá sản ở mùa giải năm nay.

Juventus "trục vớt" Serie A?

Ba năm qua, trên bảng xếp hạng của UEFA, bóng đá Italia đã tụt xuống thứ 4, mất suất thứ 3 (có 4 CLB dự Champions League) vào tay Bundesliga. Không chỉ có vậy, bóng đá Italia gần như mất tích trong cuộc đua ở cúp châu Âu. Từ năm 1983 đến năm 2010, có tới 17 lượt CLB Italia có mặt ở trận chung kết Champions League (hay cúp C1 trước đây), nhưng kể từ sau năm 2010 đến nay, Juventus mới là CLB đầu tiên.

Mùa giải năm nay, Juventus (và cả Barca) đều có hi vọng đoạt cú ăn ba danh hiệu (vô địch quốc gia, Champions League và cúp quốc gia). Tại Serie A, Juventus đã chính thức vô địch, và đó là danh hiệu thứ 4 liên tiếp của họ. Quan trọng hơn, với danh hiệu này, cộng với một suất ở chung kết Champions League, Deloitte đã công bố bảng xếp hạng những CLB giàu có và có doanh thu, giá trị hình ảnh cao nhất châu Âu, và ở đó Juventus đã lần đầu tiên trở lại top 10 sau gần 1 thập kỉ.

Các nhà chuyên môn Italia đều cho rằng, với sự vùng dậy thần kì ở mùa giải năm nay, Juventus không chỉ hi vọng trở thành lá cờ đầu của Italia tại cúp châu Âu thay thế AC Milan, mà họ còn có hi vọng làm hồi sinh cả một nền bóng đá đang "xập xệ".

Lê Giang
.
.
.