Từ hiện tượng Opera Ninh Đức Hoàng Long:

Vẫn đang chờ giấc mơ đỉnh cao Bất ngờ một niềm vui

Thứ Hai, 11/04/2016, 18:23
Cậu học trò nhỏ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hôm nào đang được cử tới trời Âu du học tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc (nổi tiếng thế giới của Hungary): Ninh Đức Hoàng Long đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Thanh nhạc Cổ điển Quốc tế lần thứ IX mang tên SimandyJozsef (IX SimandyJozsef International singing competition) diễn ra từ ngày 29/3 - 4/4 tại Szeged, Hungary. 


Bất ngờ một niềm vui

Đang có vẻ im ắng trong một thời gian cũng chả biết là bao lâu nữa, bỗng đời sống Opera hưng hửng một tia sáng từ phía chân trời xa tít mù tắp. Nhưng cái sự tít mù ấy nó lại chẳng như cái đèn cù vòng quanh cho sự không lối thoát nữa mà bỗng như sưởi được tia nắng niềm tin cho cả một dòng nghệ thuật đầy tính học thuật vẫn được gọi là đỉnh cao này. 

Tia nắng ấy là cậu học trò nhỏ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hôm nào đang được cử tới trời Âu du học tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc(nổi tiếng thế giới của Hungary): Ninh Đức Hoàng Long. Không vui sao được khi Hoàng Long bất ngờ đoạt giải Nhất Cuộc thi Thanh nhạc Cổ điển Quốc tế lần thứ IX mang tên SimandyJozsef (IX SimandyJozsef International singing competition) diễn ra từ ngày 29/3 - 4/4 tại Szeged, Hungary.

Ninh Đức Hoàng Long trong một hoạt động cộng đồng.

Để là người chiến thắng, Hoàng Long đã trải qua 3 vòng thi bắt buộc, thể hiện 7 tác phẩm là những bản romance (ca khúc nghệ thuật với yêu cầu kỹ thuật cao), aria (những khúc hát trích từ các vở nhạc kịch) hàng kinh điển thế giới, trong đó bắt buộc phải có một tác phẩm của Hungary. Có gần 150 thí sinh dự thi hai bảng, Hoàng Long thuộc bảng tuổi từ 18-25. 

Có lẽ điều khó khăn nhất đối với Hoàng Long là làm sao vượt qua các đối thủ chủ nhà và các nước châu Âu như Anh, Slovakia, Ukraina, Serbia, Romania… Rất ít thí sinh đến từ châu Á nhưng đều thuộc “cường quốc” khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản. Tất cả những nước như vậy đều có nền Opera phát triển hơn Việt Nam. Vậy mà cuối cùng cái tên Việt Nam lại được xướng lên.

Cũng có đôi ý kiến chủ quan cho rằng đây chỉ là cuộc thi nho nhỏ và châu Âu hiện quá nhiều những cuộc thi như thế này. Nói nhiều cũng đúng, vì châu Âu là cái nôi của Opera, nhưng chê nhỏ thì cần phải xem lại. Cho dẫu Hungary không phải số một, hai châu lục nhưng đây cũng là quê hương của thiên tài âm nhạc Liszt và nhiều nghệ sĩ lừng danh thế giới. Nền nghệ thuật hàn lâm nói chung, Opera nói riêng cũng đã có bề dày hàng trăm năm. 

Ở cuộc thi mà Hoàng Long đã chiến thắng, được tổ chức 3 năm/lần và là một trong số ít cuộc thi âm nhạc lớn nhất tại Hungary. Toàn bộ cuộc thi được các báo, truyền hình quan tâm, Hoàng Long thậm chí còn lên trang nhất của một tờ báo in. 

Từ phải qua: Thủ tướng đương nhiệm và Bộ Trưởng Nguồn nhân lực.

Đêm trao thưởng được tổ chức long trọng tại Nhà hát quốc gia Szeged. Người chiến thắng trình diễn lại tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi với dàn nhạc giao hưởng. Nhưng quan trọng nhất, để chiến thắng trong cuộc thi, thí sinh phải vượt qua sự thẩm định của Ban giám khảo uy tín với các nghệ sĩ bậc thầy của châu Âu hiện nay gồm: Giám đốc nhà hát Opera Hungary, Giám đốc nhà hát Mupa Budapest và Nhà phê bình Opera từ tờ báo Der Neue Merker (Vienna, Áo)...

Ninh Đức Hoàng Long - giọng hát giàu nội lực

Bản aria Hazám Hazám(Tổ quốc tôi) đã từng có một sứ mệnh lịch sử đối với Opera Hungary khi góp phần đưa tên tuổi nghệ sĩ Simándy József trở thành huyền thoại của đất nước này. Giờ đây, Hazám Hazámcũng có ý nghĩa đối với Opera Việt Nam, khi chính khúc aria này là tác phẩm Hungary duy nhất Hoàng Long thể hiện và thành công tại cuộc thi. Nó ghi dấu lần đầu có một nghệ sĩ Việt Nam đoạt giải Nhất cuộc thi hát Opera tầm cỡ thế giới của một quốc gia châu Âu. 

Tôi đã nghe đi nghe lại Hazám Hazám do Hoàng Long thể hiện cảm giác bất ngờ thú vị ngay từ lúc đầu khi anh cất giọng vẫn còn nguyên vẹn. Một giọng nam cao đầy đặn, vang, rền có độ mượt của âm thanh và rất có sắc thái, nếu nhắm mắt lại dễ nghĩ đây là một giọng hát châu Âu. Điều này cho thấy một quá trình rèn luyện có hiệu quả của Hoàng Long trong thời gian theo học tại Hungary.

Hungary chúc mừng Ninh Đức Hoàng Long.

Nhưng không phải sau khi đoạt giải công luận Hungary mới nhắc tới chàng trai trẻ Việt Nam này. Thực tế trước đó, năm 2014, Hoàng Long đã từng là tâm điểm của truyền thông ở đất nước này khi anh xuất hiện trong một MV với áo mang màu cờ đỏ sao vàng và hát Tổ quốc tôi của Hungary được người nghe nhận xét là sởn cả gai ốc và toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay không ngớt.

MV được lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội ở đất nước này với hơn 100 nghìn lượt chia sẻ. Sau đó Hoàng Long được nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới. Hoàng Long từng là thí sinh nước ngoài duy nhất thi đỗ khoa Opera Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc năm 2013. 

Tháng 11/2015 cùng với hai sinh viên Nhật Bản, Hoàng Long được trường cử đi biểu diễn tại buổi lễ gặp gỡ sinh viên 33 nước trên thế giới đang học tập tại Hungary. Đặc biệt, tại buổi lễ, nhằm tạo bất ngờ cho ngài Thủ tướng Hungary, Hoàng Long đã được ngài Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực nước này mời trình diễn lại tiết mục anh đã tham dự.

Chàng trai gốc Ninh Bình, sinh năm 1991 này từng là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, được cử đi du học từ năm 2013 và sẽ kết thúc khóa học vào năm 2017. Tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng, Hoàng Long là một trong những Ủy viên BCH Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, đồng thời thường xuyên góp mặt trong các hoạt động nghệ thuật của cộng đồng tại các nước châu Âu. 

Ca sĩ nhạc xưa Tuấn Hiệp cho biết, trong những chuyến đi lưu diễn tại Đức có lần gặp Hoàng Long, cậu ấy hát ca khúc Việt Nam và ấn tượng trong Hiệp là “giọng hát trẻ trung, tràn đầy nội lực và rất có triển vọng”. Bẵng đi một thời gian không có tin tức, bất chợt đón nhận tin vui Tuấn Hiệp vừa bất ngờ cho nghệ thuật Opera nước nhà, vừa vui mừng cho thành quả Hoàng Long đạt được. 

Nghệ sĩ Đào Nguyên Vũ, giảng viên Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: “Mục tiêu lớn của Hoàng Long sẽ là một cuộc thi với giá trị giải thưởng lên tới 17.000 euro, nên con đường trước mắt Long phải đi vẫn còn cần đầy sự phấn đấu”. Hoàng Long thì gạt đi: “Hiện em chưa nghĩ tới chuyện thi tiếp đâu ạ. Nhất là cái giải 17 nghìn kia có ít cũng phải hai năm nữa em mới dám mơ tới” Hoàng Long cho biết thêm: “Sau cuộc thi và giải thưởng này thì trở về với thực tại là 5 bài chuyên ngành mới toanh và chương trình tốt nghiệp môn Piano đều phải gác lại vì cuộc thi”.

Giấc mơ Operalia

Có lẽ, trong cuộc trò chuyện với tôi, thầy trò Đào Nguyên Vũ - Hoàng Long bóng gió về Operalia, một cuộc thi quốc tế thường niên dành cho các giọng hát opera trẻ do giọng tenor lừng danh thế giới Placido Domingo tổ chức. Kể từ lần đầu, năm 1993, Operalia đã góp phần phát hiện những giọng ca đến nay đã nổi tiếng trên sân khấu opera thế giới như Joseph Calleja, José Cura, Joyce DiDonato, Inva Mula, Erwin Schrott, Nina Stemme… 

Điểm đặc biệt khiến Operalia trở thành mục tiêu của những giọng ca trẻ tài năng toàn thế giới có lẽ bởi yếu tố giám khảo. 10 thành viên giám khảo đều là giám đốc của 10 nhà hát hàng đầu. Ngoài ra, rất nhiều khách mời tới theo dõi cuộc thi là các đạo diễn và giám đốc nhà hát opera danh tiếng. Cho nên, đây cũng là cách để nghệ sĩ trẻ thể hiện mình và tìm kiếm cơ hội tham gia các vở diễn với các nhà hát. 

Vì thế đương nhiên nó nằm trong hoài bão của những giọng ca trẻ như Hoàng Long. Anh cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay em vẫn rất tự ti về khả năng của mình, em muốn một cái gì đó để khẳng định bản thân, tự tin hơn nghĩ tới những sân chơi lớn hơn”. Khi nhắc tới Operalia như không giấu nổi ước mong, Hoàng Long thừa nhận: “Được giải concour này chính là động lực để em tham gia những cuộc thi lớn hơn và có thể mơ mộng tới Operalia. Dù chỉ là mơ mộng” - Hoàng Long nhấn mạnh và tự đặt câu hỏi: “Tại sao Thái Lan họ có thể đứng trong Top của Operalia mà Việt Nam thì không? Đó là câu hỏi em luôn băn khoăn”

Nhưng cái khó của Việt Nam là chưa có tiền lệ. Trong khi ngay cả Opera ghi dấu ấn Việt trong các cuộc thi từ bé xíu cho tới tầm vóc quốc gia bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cho tới nay mới chỉ biết tới một vài gương mặt. Trong quá khứ, chỉ cần một giọng hát vượt qua vòng loại đã là một sự kiện đối với nước nhà. 

Những tên tuổi Việt đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế có thể kể tới như lứa của những năm 80-90 thế kỷ 20 có nữ nghệ sĩ giọng soprano Xuân Thanh đoạt nhiều giải thưởng quy mô vừa và nhỏ ở châu Âu. Sau này, năm 2002 có nữ nghệ sĩ giọng nữ cao Bích Thủy đoạt giải Nhất Cuộc thi hát Opera Quốc tế tại Thái Lan, cũng Bích Thủy năm 2008 đoạt giải Nhất trong một cuộc thi tương tự tại Trung Quốc. 

Ngoài ra, một số nghệ sĩ Opera như NSND Quang Thọ, NSƯT Quốc Hưng… từng đoạt các cúp vàng, cúp bạc Liên hoan âm nhạc mùa xuân Bình Nhưỡng. Gần đây, có thêm giải Nhì Cuộc thi hát cổ điển quốc tế - Concours Mùa thu Rachmanninov lần thứ 14 tại Moskva, Nga, 2013 của Đỗ Thị Phương Mai, người từng giành giải Nhất Cuộc thi Hát thính phòng - Nhạc kịch toàn quốc lần thứ IV - 2009, hiện đang du học tại Học viện Gneshin của Nga.

Tất cả mới chỉ có vậy, cho nên sau giải thưởng được cho là hiện tượng và cũng là lớn nhất từ trước tới nay của Opera Việt Nam trên thế giới, chúng ta đã có quyền nghĩ tới những cuộc thi đỉnh cao, Operalia nằm trong số đó. Ít nhất trong tương lai gần có thể có 3 gương mặt trẻ dám thử sức, không kể Hoàng Long và Phương Mai, guơng mặt còn lại là Bảo Yến hiện đang du học tại Nga, người mới đoạt giải Nhất Sao Mai 2015 dòng thính phòng. 

Vẫn biết, Operalia là cuộc thi chưa cân sức với các giọng Việt Nam nhưng để bước vào “ngôi nhà chung” opera thế giới chẳng có con đường nào khác ngoài sự tự cố gắng vươn lên, trong khi để thực hiện được điều này, đương nhiên trách nhiệm phải thuộc về giới trẻ. Và đúng như Bảo Yến cùng Hoàng Long từng chia sẻ rằng: “dù khó nhưng tuổi trẻ có quyền được ước mơ”. Hãy cứ để những người trẻ hết mình thực hiện ước mơ còn nhiệm vụ của chúng ta là cổ vũ, khích lệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ thực hiện ước mơ ấy.

Nguyễn Quang Long
.
.
.