Từ scandal bóng đá bãi biển: “Bóng ma” tiêu cực khó có thể bị tiêu diệt?

Thứ Năm, 01/08/2019, 15:59
Vụ việc “xin-cho điểm” ở giải Vô địch Quốc gia bóng đá bãi biển Vietfootball 2019 thêm một lần nữa đánh vào niềm tin của cổ động viên vào nền bóng đá nội vốn đã có quá nhiều scandal trong quá khứ.


Dù đã trải qua không ít lần “thanh lọc” với những đại án lớn làm rung chuyển cả nền thể thao nước nhà, thậm chí gây sự chú ý lớn với truyền thông thế giới, nhưng liệu “bóng ma” tiêu cực đã thật sự hoàn toàn biến mất?

Từ hiện tại nhìn về quá khứ

Chỉ ít ngày sau khi Khánh Hòa đăng quang tại Cup Vietfootball 2019, một đoạn băng ghi âm đã rò rỉ. Nội dung của nó là việc HLV đội Khánh Hòa Lê Văn Tú đề nghị người đồng cấp của mình tại Đà Nẵng là ông Mai Văn Đức dàn xếp tỉ số trận đấu giữa hai đội. Khánh Hòa muốn có điểm để lọt vào trận chung kết tranh nhất nhì và nếu Đà Nẵng chịu “nhường”, họ sẽ được “trả” bằng chức vô địch lẫn các giải thưởng cá nhân.

Mọi thứ có lẽ đã chìm trong bóng tối như những thương vụ của mafia nếu như Khánh Hòa không “lật kèo” và chiến thắng Đà Nẵng trong trận chung kết sau loạt đá luân lưu. Phản ứng của ông Mai Văn Đức và các cầu thủ đội á quân (bỏ về trước lễ trao giải) có lẽ là đủ để người ta hiểu rằng có một điều gì đó “lấn cấn” sau chức vô địch của Khánh Hòa.

Đến khi đoạn băng ghi âm được công bố, những câu hỏi trước đó mới được trả lời bằng một sự thật rằng, tại sân chơi tầm cỡ quốc gia, việc dàn xếp tỷ số vẫn diễn ra một cách trắng trợn. VFF đã vào cuộc để điều tra làm rõ vụ việc, nhưng câu hỏi về sự trong sáng, công bằng của một nền bóng đá đã có quá nhiều câu chuyện tương tự trong quá khứ lại được đặt ra.

Cách đây ít lâu, trên một chương trình truyền hình, ông Dương Nghiệp Khôi, một người làm bóng đá kỳ cựu từng nhiều năm làm trưởng giải V.League từng đưa ra một con số gây sốc: 80% các trận đấu tại giải V.League (trước đó là giải Hạng Nhất quốc gia) từ năm 1990-2004 có dấu hiệu dàn xếp tỷ số. Từng giữ chức Phó tổng thư ký VFF, ông Khôi hẳn nắm rất rõ những nội tình về các giải đấu trong hệ thống bóng đá Việt Nam.

Scandal bóng đá bãi biển gây hoang mang dư luận.

Với con số 80%, rõ ràng những sự việc được lôi ra ánh sáng là quá ít. Trong ký ức của những người yêu bóng đá nội, hẳn không ai có thể quên nhóm cầu thủ đội Hải quan bán độ tại giải Vô địch Quốc gia năm 1997 hay vụ các cầu thủ Cảng Sài Gòn với nhiều tên tuổi lẫy lừng như Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Phụng hay Nguyễn Phúc Nguyên Chương đã nhận 300 triệu từ Sông Lam Nghệ An để cản đường Nam Định đăng quang vòng cuối cùng mùa 2000 - 2001 là những vụ việc đã bị xử lý, song dường như tính răn đe của nó vẫn chưa đủ.

Riêng trong năm 2014, có đến 2 vụ scandal gây chấn động dư luận. Ở trận đấu diễn ra ngày 18-3-2014 tại Malaysia trong khuôn khổ AFC Cup, V.Ninh Bình bị Kelantan dẫn trước 1-2 trong hiệp 1, tuy nhiên sang hiệp 2, V.Ninh Bình lội ngược dòng để thắng chung cuộc 3-2. Nhận thấy những dấu hiệu đáng ngờ, sau khi từ Malaysia về, toàn đội đã bị cơ quan chức năng điều tra. 9 cầu thủ bị phát hiện “làm độ” và số tiền bị cơ quan Công an thu giữ là 800 triệu đồng.

Đến tháng 7-2014, 6 cầu thủ của Đồng Nai cũng bị bắt do dàn xếp tỷ số trận đấu tại V.League giữa Đồng Nai và Than Quảng Ninh để nhận số tiền 400 triệu đồng. Trong số những người bị bắt có cả Nguyễn Thành Long Giang, hậu vệ tuyển thủ quốc gia.

Những vụ việc đáng tiếc và đau lòng đã khiến bóng đá Việt Nam trong nhiều năm mất đi niềm tin ở người hâm mộ. Phải mất rất nhiều thời gian cũng như công sức, bộ mặt chung của nền bóng đá mới khởi sắc trở lại, nhưng câu hỏi về tính minh bạch, công bằng của các giải đấu trong hệ thống VFF thì chưa bao giờ lỗi thời.

Không có, hay là tinh vi hơn?

Xét một cách toàn diện, bóng đá Việt Nam trong vài năm qua đã có những thay đổi tích cực. Lứa cầu thủ mới được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Họ có một nền tảng văn hóa tốt hơn hẳn các đàn anh, cùng với đó là một mức thu nhập ổn định để không phải nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền vốn là nguyên nhân của rất nhiều tiêu cực trong quá khứ.

Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Đúng là cầu thủ hiện tại đã có nhận thức chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên các giải đấu có trong sáng 100% hay không lại không phải được quyết định chỉ bởi những người thi đấu trên sân cỏ. HLV Vũ Đình Tân của Khánh Hòa từng khiến dư luận xôn xao với phát ngôn: “Ở V.League, chỉ có Khánh Hòa là không đi xin điểm đội nào”. Nếu những lời ông Tân nói là đúng thì mầm mống tiêu cực của bóng đá Việt vẫn đang tồn tại chứ chưa thể bị triệt tận gốc.

Chỉ có điều chuyện “dàn xếp” bây giờ không còn diễn ra một cách trắng trợn như trước. Nó trở nên tinh vi hơn và vì thế, khó bị phát hiện hơn. Đâu đó vẫn có dư luận về việc một ông chủ tại V.League sở hữu nhiều đội bóng khác nhau và dù có thanh minh đến mấy, chuyện một trong số những CLB đó được hưởng “quyền ưu tiên” từ những người anh em của mình là hoàn toàn có thể xảy ra.

CLB Hà Nội có hưởng lợi từ “những người anh em”?

Hồi đầu mùa giải, bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố CLB TP HCM khó có thể vô địch khi “đơn thương độc mã” trước một loạt đội bóng trong tay bầu Hiển như CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và FC Sài Gòn.

Mùa trước, bầu Hiển còn gây ra tranh cãi khi hứa thưởng cho Xổ số kiến thiết Cần Thơ đến 3 tỷ đồng nếu đội bóng này trụ hạng. Nên nhớ rằng 3 tỷ đồng cũng là tiền thưởng VPF dành cho đội vô địch là CLB Hà Nội. Không ai biết vì sao bầu Hiển “bạo chi” đến thế cho một đội bóng vốn chẳng liên quan gì đến cá nhân ông.

Những câu chuyện “ân tình” như thế chẳng phải xa lạ gì trong nền bóng đá Việt Nam. Khoan bàn đến chuyện tiêu cực, chỉ cần suy luận theo cách đơn giản nhất là “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” thì sau những khoản tiền thưởng ấy, liệu đội bóng nhận tiền có vì “ơn nghĩa” mà “cả nể” trong những tình huống cụ thể hay không?

Đâu đó trong nền bóng đá Việt Nam, những quyền lực “khó nói ra” vẫn còn tồn tại. Nó vẫn bao phủ lên tất cả một cảm giác hồ nghi, không minh bạch. Khán giả Việt sau nhiều năm mất niềm tin vào thứ bóng đá sạch sẽ, đàng hoàng, trong sáng thì nay đã bắt đầu trở lại các sân cỏ cổ vũ sau hiệu ứng từ U23 và đội tuyển quốc gia, nhưng trong lòng họ vẫn còn le lói những hoài nghi về các giải đấu nội. Những đốm lửa hoài nghi ấy sẵn sàng bùng cháy lên bất cứ lúc nào, thiêu đốt toàn bộ niềm tin vừa được gây dựng trở lại.

Một lần bất tín, vạn lần bất tin – những người làm bóng đá Việt Nam cần hiểu rõ điều đó. Khi đã đánh mất niềm tin, không gì có thể hồi phục được. 

Anh em một nhà

Trong giai đoạn lượt đi của mùa giải này, Quảng Nam FC đã thi đấu chật vật và tụt xuống khu vực nguy hiểm trên bảng xếp hạng. Vào giai đoạn khó khăn nhất, CLB Hà Nội đã chi viện cho “người anh em” của mình từ vị trí HLV đến các cầu thủ. Tân HLV Vũ Hồng Việt, trước đó dẫn dắt U19 Hà Nội, đã đem đến một sinh khí mới cho Quảng Nam khi giúp đội bóng này có 5 chiến thắng trong 7 trận đầu tiên.

Trong số các cầu thủ được CLB Hà Nội “tiếp ứng” cho Quảng Nam có cả chân sút Hoàng Vũ Samson. Đây là một vụ chuyển nhượng gây tranh cãi khi Hoàng Vũ Samson đã ghi tới 6 bàn cho CLB Hà Nội ở giai đoạn lượt đi. Sang Quảng Nam, Hoàng Vũ Samson đóng góp thêm 2 bàn thắng nữa và đang đứng thứ 2 trong danh sách những chân sút tốt nhất của V.League.

Tính đến thời điểm này, CLB Hà Nội đã giành được 10 điểm/12 điểm tối đa khi gặp các đội bóng Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam (các CLB có liên quan đến bầu Hiển). Trong khi đó CLB TP HCM chỉ có được 5/12 điểm khi gặp các đối thủ tương tự.

Trong giai đoạn còn lại của mùa giải, CLB Hà Nội còn các trận đấu gặp Đà Nẵng trên sân khách và Quảng Nam trên sân nhà (vòng đấu cuối cùng) còn CLB TP HCM còn các trận đấu với Quảng Nam trên sân khách và FC Sài Gòn ở vòng đấu áp chót.

Với điểm số của hai đội đầu bảng chỉ hơn kém nhau 1 điểm, bất cứ bước ngoặt nào xảy ra cũng có thể thay đổi cục diện của V.League 2019. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu lời “tiên đoán” của bầu Đức liệu có chính xác hay không?

Đơn Ca
.
.
.