Phim mới ra rạp, doanh thu tỷ đồng:

Tỷ đồng là tỷ đồng nào?

Thứ Hai, 21/03/2016, 14:00
Theo truyền thông đưa tin, có một số bộ phim Việt trong thời gian gần đây đã mang về doanh thu khủng chỉ sau vài ngày ra rạp. Thậm chí, người ta dùng cụm từ “hiện tượng phòng vé” để nói về những bộ phim kiểu này. Thế nhưng, phía sau những con số tỷ đồng biết nói được tung ra tràn lan trên các mặt báo ấy, chất lượng phim có tỷ lệ thuận với những con số được công bố hay không thì còn tùy. 


Phim mới ra rạp, doanh thu tỷ đồng

Trong tháng 3 này, bộ phim điện ảnh đầu tiên “Taxi, em tên gì?” của vợ chồng NSƯT Đức Thịnh và diễn viên Thanh Thúy đang làm mưa làm gió tại các cụm rạp trên toàn quốc, chiếm lĩnh các khung giờ vàng, lôi kéo đông đảo khán giả đến rạp.

Theo ghi nhận của nhà phát hành và nhiều báo đã đưa tin, chỉ sau 5 ngày công chiếu, bộ phim với sự góp mặt của hai cái tên đang hot của showbiz - là “cây hài” Trường Giang và “cô nàng scandal” Angela Phương Trinh - đã đưa về doanh thu 21 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, bộ phim này vẫn chưa hết hot. Những thông tin bên lề bộ phim cũng như những diễn viên chính được khán giả quan tâm và cập nhật liên tục.

Phim “Taxi, em tên gì?”.

Trước đó, “Gái già lắm chiêu”, bộ phim điện ảnh đầu tay của hai đạo diễn trẻ Nam Cito vào Bảo Nhân cũng thu về một con số ấn tượng là 11 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu. Đến nay, cùng với “Taxi, em tên gì”, “Gái già lắm chiêu” được nhiều người xem là một trong hai bộ phim “xông đất” thành công đầu năm mới.

Và nói về phim tỷ đồng, chúng ta không thể không nhắc đến 2 hiện tượng phòng vé vào cuối năm 2015 là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ và “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Nếu bộ phim được chuyển thể từ truyện dài của  nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mang về doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử điện ảnh Việt Nam với 78 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu (sau “Để mai tính 2” và “Quả tim máu”) thì bộ phim làm lại tác phẩm Hàn Quốc “Ngoại già tuổi đôi mươi” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phát hành sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” một thời gian ngắn và cán mốc 100 tỷ đồng doanh thu, vượt cả bộ phim trên.

So với cái thời đạt được 18 tỷ đồng, 20 tỷ đồng của gần 10 năm trước, doanh thu phim Việt trong vài năm trở lại đây đang trên đà chạm tới những con số mà trước đây chỉ có thể mơ ước. Ngay cả dòng phim tài liệu vốn kén khán giả ra rạp thì thời gian vừa qua, công chúng cả nước cũng sốt xình xịch trước 2 bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của nhà làm phim độc lập Nguyễn Thị Thắm và phim “Lửa thiện nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang.

Những con số thuận – nghịch

Khi xuất khẩu phim Việt vẫn còn là một giấc mơ… về nơi xa lắm thì việc một số bộ phim Việt bán được vé tại chính thị trường nội địa đó là điều đáng mừng. Điều đó là một biểu hiện cho thấy đời sống của người dân đang ngày càng khá hơn, khán giả của chúng ta đang ngày càng văn minh hơn khi bỏ tiền ra để tiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật hoặc phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh của mình.

Tuy nhiên, doanh thu tỷ đồng có tỷ lệ thuận với “chất lượng tỷ đồng” hay không, “tỷ đồng thực” hay “tỷ đồng ảo”; và phía sau những con số ma mị và hấp dẫn ấy là sản phẩm của chiêu trò truyền thông để kéo khán giả ra rạp, hay là những con số “tự thân” – đó vẫn là một điều đáng bàn.

Poster phim “Gái già lắm chiêu”.

Đơn cử, bộ phim “Taxi, em tên gì?” đang “thống lĩnh” tại nhiều cụm rạp trên toàn quốc, được báo đài khen “nức nở” và là bộ phim đáng tiền để đi xem – thì sau khi xem xong, có nhiều khán giả tỏ ra hụt hẫng. Thậm chí, có khán giả nói thẳng, xem xong tiếc tiền; chưa kể, khi thông tin bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao và truyền đi trên các mặt báo thì xuất hiện một số bình luận trái chiều đến nỗi cha đẻ của “Taxi, em tên gì” là NSƯT Đức Thịnh – diễn viên đi ra từ sân khấu kịch phải lên báo trần tình về những đánh giá thiếu tích cực về mình.

“Với Taxi, em tên gì?, là câu chuyện rất gần gũi mà ai cũng có thể hiểu và cảm được. Đặc biệt, tôi nghĩ nó dễ thương. Mỗi nhân vật dễ thương theo một kiểu khác nhau”, vị đạo diễn cho biết.  Thì hẳn rồi, bộ phim là một sản phẩm dễ thương – không ai bàn cãi.

Phim có cốt truyện nhẹ nhàng, mang màu sắc lãng mạn, thăng hoa trong bối cảnh lý tưởng dễ làm say lòng người là núi rừng Đà Lạt. Hai diễn viên chính của bộ phim – Angela Phương Trinh và Trường Giang - là hai cái tên bán được vé. Trong đó, đáng kể nhất là “nữ hoàng thị phi” Angela Phương Trinh, cái tên được chờ đợi kể từ bộ phim “Mùi ngò gai” cách đây gần 13 năm.

Tuy nhiên, không như kì vọng của nhiều người, sau khi xem xong, bộ phim của “đạo diễn tân binh” Đức Thịnh dường như vẫn là một bộ phim gây nhiều tiếc nuối. Cha đẻ bộ phim cho rằng đây là một câu chuyên giản dị chứ không phải là một câu chuyện đơn giản như có người bình luận.

Song, bỏ qua câu chuyện giản dị mà anh đưa ra, thì “Taxi, em tên gì?”, còn lại gì? Angela Phương Trinh trở lại không như kì vọng của nhiều người nhưng diễn xuất tạm ổn. Còn Trường Giang, “cây hài” miền Nam được đạo diễn Đức Thịnh khen “điện ảnh hơn”, diễn “có chiều sâu hơn” thì khi xem xong, khán giả không có cảm giác đó.

Poster phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. 

Diễn xuất của Trường Giang có vài chỗ hơi thô, thiếu chiều sâu và kém duyên. Đoạn cần nhân vật lột tả được chiều sâu nội tâm thì anh diễn chưa tới, nhất là cảnh kết phim. Nhiều khán giả không hiểu vì sao chỉ với vài câu nói của cô nàng lái taxi Bình Chi, mà nhân vật Thượng Phong do anh đảm nhận có thể đơn giản, chóng vánh quay ngoắt tình cảm, cảm xúc của mình 180 độ như thế? Người xem không thấy được quá trình đấu tranh nội tâm của anh.

Với diễn biến tâm lý như thế, thay vì cho khán giả thấy một gương mặt Trường Giang điện ảnh thì anh lại chỉ dừng lại ở gương mặt hài kịch – vốn là thế mạnh của mình. Cách xử lí tình huống của bộ phim có một số vấn đề. Có người không ngần ngại dùng những từ như “sến”, “nông”, “lên gân” để nói về bộ phim điện ảnh đầu tay của NSƯT Đức Thịnh. Thậm chí, có vài người còn nghi ngờ về con số hàng chục tỷ đồng mà bộ phim thu được sau khi ra rạp mấy ngày. 

Tương tự như “Taxi, em tên gì?”, “Gái già lắm chiêu” soán ngôi phòng vé những ngày đầu năm mới. Bộ phim kể về một cô nàng vừa bước vào tuổi 30, tài năng xinh đẹp và là giám đốc sáng tạo của một tạp chí nổi tiếng (Diễm My đóng) bỗng một ngày phát hiện mình có nguy cơ vô sinh.

Theo đề nghị của bác sỹ sản khoa (Việt Hương đóng), bằng mọi cách cô phải mang bầu trong vòng 2 tháng hoặc mất khả năng làm mẹ. Anh hàng xóm đẹp trai, khỏe mạnh, được bác sỹ nói rằng có “giống tốt” (Bình Minh đóng) nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của cô. Tình huống dở góc dở cười đưa hai người trải qua khá nhiều việc.

Trong một lần cãi nhau, cô nàng 30 tuổi ra khỏi nhà và vô tình bị tai nạn, cả người không sao, chỉ cắt đúng 2 buồng trứng. Bộ phim gượng gạo, nhạt nhẽo, lên gân lên cốt, thiếu thẩm mỹ, thiếu cả logic. Thậm chí, việc bị tai nạn cả người không sao, lại cắt đúng 2 buồng trứng mà bộ phim đưa ra đúng là một tình huống siêu hài.

Phim nhạt không phải ít diễn viên, ít đất diễn mà vì diễn viên chính diễn chán, kể cả người có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như Bình Minh cũng làm không ít người thất vọng. Trong khi đó, diễn viên phụ (hai người bạn của nhân vật nữ chính) thì diễn lố, cảm giác như nếu 2 nhân vật này không gào thét suốt phim thì khán giả không biết có gì để xem hay không nữa. Diễn viên hài Việt Hương diễn khá tròn vai. Tuy nhiên, sự tròn vai của Việt Hương không cứu được những mặt chưa tròn của bộ phim “Gái già lắm chiêu”.

Khán giả Việt lâu nay vẫn đi xem phim theo tâm lý đám đông. Càng đông người đi xem thì càng háo hức mua cho được tấm vé để vào rạp. Vì thế, chất lượng phim ra sao, đôi khi với họ không phải là một vấn đề quá quan trọng. Và ở cái ngưỡng “vui vui”, “dễ thương”, “nhảm nhảm” đó, nhiều bộ phim Việt ra rạp và mang lại doanh thu khủng, đôi khi vượt qua sự mong chờ của ê-kip sản xuất.

Để rồi, lợi dụng hiệu ứng đám đông đó, ai mà biết được, phía sau những số liệu khiến người ta kì vọng về tương lai của điện ảnh Việt ấy, là con số thật hay chỉ là chiêu trò để đánh bóng, để kéo khán giả đến rạp thì có lẽ, chỉ ê-kip sản xuất và nhà phát hành mới biết được.   

Nói như thế không có nghĩa những bộ phim có doanh thu tiền tỷ và hiện tượng phòng vé trong thời gian qua là những bộ phim mang giá trị ảo. Vẫn có những bộ phim hay, chất lượng, làm khán giả không rời mắt khỏi màn hình, thậm chí cả khóc – cười cùng nhân vật như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”…

Vậy nên, nói cho cùng, doanh thu được “mã hóa” đèm đẹp trên các phương tiện truyền thông ấy, cũng chỉ là một kênh để tham khảo mà thôi. Khi truyền thông trở thành cây gậy thần để tiếp thị, quảng bá như một người nào đó đã nói, chỉ khi đến rạp xem rồi thì khán giả mới biết tỷ đồng ấy là tỷ đồng nào.  

Đậu Dung
.
.
.