Ước mơ của người Iceland

Chủ Nhật, 10/07/2016, 10:37
Những cái vỗ tay theo nhịp điệu của một bản giao hưởng. Những ánh mắt hướng thẳng lên bầu trời, tay đặt lên lồng ngực đầy kiêu hãnh. Chuyến phiêu lưu của Iceland tại EURO 2016 đã kết thúc, nhưng những khoảnh khắc của các cầu thủ Iceland, cổ động viên Iceland đã đi vào sử sách.


Reykjavik, Iceland. Thủ đô, khu thị trấn lạnh nhất băng đảo, với nhiệt độ trung bình quanh năm âm 15 độ C.

Cũng nhờ đặc điểm khí hậu mà Reykjavik là nơi thu hút khách du lịch từ khắp miền thế giới, đóng góp 20% trên tổng số 2 triệu lượt người tới quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu thăm thú.

Tới đây, bạn có thể tận mắt ngắm nhìn những tảng băng trôi vốn chỉ được biết tới qua sách vở. May mắn hơn, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của ngọn núi lửa phun trào không tuân theo chu kỳ nhất định nào.

Iceland chỉ có hải sản và thiên nhiên hoang dã làm trọng điểm nền kinh tế. Nhưng hơn 20 ngày qua, các thương lái và hướng dẫn viên du lịch cũng chẳng thèm bận tâm tới việc kinh doanh.

Vì với họ, mối quan tâm duy nhất là ĐTQG Iceland đang thi đấu ở EURO 2016.

24 giờ để mơ

5h sáng 4/7 (giờ địa phương). Khi mặt trời mới lấp ló tỏa những tia nắng đầu tiên trong ngày, các quán bar ở Reykjavik đã chật kín người. Đường phố thì chẳng còn lấy chỗ trống để chen chân. Ai nấy đều đã đổ ra đường.

Nhóm nhạc rock từ Mỹ là Angel Olsen và Thee Oh Sees tổ chức trình diễn miễn phí cho người dân Iceland tại quán Hurra. Vâng, thật khó tin phải không? Sáng tinh mơ đi nghe nhạc rock, chuyện tưởng đùa nhưng có thật.

Từ giờ phút này, thế giới là của riêng mình Iceland thôi. ĐT Iceland đã vào tới tứ kết kỳ EURO đầu tiên được tham dự. Nhà nhà đổ ra đường từ sớm, hòa mình vào dòng chảy bát ngát kia và hướng về Stade de France.

Mọi người cảm thấy cần liều kích thích thật mạnh nào đó để thực sự hưng phấn trước giờ bóng lăn. Và họ chọn nhạc rock.

Ủy ban thống kê quốc gia cho biết 10% dân số Iceland đã di chuyển tới Pháp để tận mắt theo dõi những cầu thủ con cưng thi đấu. 10% khác thì tụ tập trước các màn hình lớn được chính phủ Iceland lắp đặt phục vụ nhu cầu giải trí đám đông.

79,8% chọn cách thưởng thức các trận đấu qua màn ảnh nhỏ. Số người không quan tâm bóng đá những ngày này là 0,2%. Nếu tính theo số dân, chỉ chưa đầy 660 người Iceland “thờ ơ” với cột mốc lịch sử của bóng đá nước nhà. Reykjavik không phải ngoại lệ.

Sau buổi ca nhạc, mồ hôi ai nấy vã ra như tắm. Đám đông nhanh chóng di chuyển ra quảng trường lớn. Mỗi người chọn cho mình cách khác nhau để hâm nóng trước giờ G.

Chị thì ẵm con đi chơi, anh thì đi mua mấy bao thuốc in hình gấu hút cho đỡ lạnh. Mấy bác lớn tuổi lại chọn rượu Scotland để nhâm nhi chờ bóng.

Hình ảnh này đã đi vào sử sách các kỳ EURO.

Cách đó vài phút đi bộ, ở công viên xanh cho nhóm bô lão tập thể dục hàng sáng, mấy chị em thiếu nữ mới lớn đang ngồi trang điểm trên những chiếc bạt mang đi từ nhà. Mấy cô chủ yếu tô son hình quốc kỳ.

Hưởng ứng phong trào, các anh thanh niên nuôi râu cũng đi trang điểm, làm đỏm với bộ ria sặc sỡ.

Với người dân vùng Reykjavik nói riêng và Iceland nói chung, ai cũng hướng về Stade de France, nơi ĐTQG của họ gặp chủ nhà Pháp ở tứ kết 4.

Khao khát "được công nhận"

Nhật Bản nằm giữa biển, tài nguyên thiên nhiên chẳng có gì. Nhưng nếu so với Iceland, Nhật Bản còn may mắn chán. Vì xứ sở này có hoa anh đào, có những nhà máy luyện thép hàng đầu thế giới, những sàn chứng khoán lớn nhất châu Á.

Iceland hiện lên không giống một quốc gia cho lắm. Thế mới có chuyện, người ta hay gọi nơi đây bằng hai chữ “băng đảo”. Thác nước và… núi lửa là hai di sản thiên nhiên đáng giá nhất.

Các hoạt động kinh tế cũng không mấy khởi sắc. Giới kinh tế từ lâu đã nhận định đầu tư vào Iceland là nước đi tồi tệ nhất của một nhà kinh doanh. Những điểm như Reykjavik thì coi như “vứt đi”, bị coi là nơi tận cùng của trái đất trong mắt các nhà tài phiệt có ý định “rải tiền”.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) thậm chí từng miêu tả Reykjavik là khu câu cá cho tầng lớp “cổ cồn xanh”, tức nông dân. “Đánh bắt cá là xương sống của Iceland, dù trời có sập thì dân Iceland vẫn sẽ đi câu cá”, trích một đoạn trong bài báo WSJ đăng tải cách đây 4 năm.

Iceland chỉ chính thức giành quyền độc lập vào năm 1944. Mãi tới năm 1980, quốc gia này mới mở cửa nền kinh tế. Và vì thế, dân Iceland bị “khinh thường”, hay đúng hơn là “không được coi trọng lắm” cũng là điều dễ hiểu.

Chiến tích của ĐT Iceland tại EURO 2016, bởi vậy, càng trở nên quan trọng hơn với dân chúng quốc gia này. Hình ảnh thầy trò Lagerback lầm lũi bước qua từng khe cửa hẹp tiến tới đài vũ môn, rồi lại quật ngã vương quốc khai sinh ra trò bóng đá để vào vòng 8 đội mạnh nhất đại diện cho tham vọng của người Iceland.

Trên tất cả, họ cần được phần còn lại của hành tinh này thừa nhận, như cái cách giới túc cầu ngả mũ thán phục trước dân Iceland.

Ở Stade de France, Iceland nhanh chóng lộ ra những yếu điểm của một đội bóng lần đầu trải nghiệm hương vị đỉnh cao. Nhưng chẳng sao, vì dù bị dẫn trước tới 4 bàn sau hiệp 1, các chiến binh Iceland vẫn vùng lên, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Cuối cùng, họ cũng kịp ghi 2 bàn, từ những miếng tấn công biên.

Trên khán đài, gần 3 vạn CĐV Iceland trong trang phục áo xanh, gồm cả ngài Tổng thống Gudni Johannesson nở nụ cười mãn nguyện. Thua, nhưng là thua trong thế ngẩng cao đầu, là thua trong thế được mọi người thừa nhận như tấm gương về ý chí, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên.

Màn cổ động theo phong cách vỗ tay Viking lại vang lên. Dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Aron Gunnarsson, mọi người trên khán đài đồng loạt thực hiện nghi lễ khiến người xem, dù là khó tính nhất, cũng không khỏi giật mình và xúc động.

Càng đáng quý hơn, khi 1/3 trong số những CĐV góp mặt trên khán đài đêm 4/7 đã vay mượn, chạy vạy khắp nơi để đủ tiền sang Pháp theo dõi trận tứ kết.

Sara Bjork Gunnarsdottir, tuyển thủ đội tuyển bóng đá nữ Iceland vừa trở về được 2 ngày sau mùa giải căng thẳng ở Thụy Điển. Cô chưa hoàn toàn hết “jetlag” – trạng thái mệt mỏi sau chuyến bay làm đảo lộn nhịp sinh học.

Sara bấm bụng gắng bật dậy soạn cho xong đống quần áo trong vali. Bất chợt, em trai cô chạy tới và nói: “Chị Sara, lên đường thôi”.

Hơn 1 vạn khán giả đã ra đường đón các tuyển thủ Iceland về nước sau chiến tích lịch sử tại EURO 2016.

“Đi đâu cơ, em nói lại chị nghe?”, Sara tròn xoe mắt. Thì ra, bố mẹ và em trai Sara đã đặt sẵn vé tới Pháp xem tứ kết. Trong lúc đợi Sara về nước, họ đã “cắm” chiếc BMW mà Sara vừa sắm hồi năm kia cho gia đình để đổi lấy 10.000 euro.

Sara tính chạy ra ngân hàng rút tiền chuộc xe, rồi cho gia đình tiền chủ động sang Pháp, đỡ cảnh nợ nần cầm cố. Cô tới một ngân hàng quốc tế gần nhà, yêu cầu rút tiền từ tài khoản.

Đến đây, Sara mới té ngửa. ngân hàng thông báo cô không thể lấy ngay tiền mặt, vì suốt 3 ngày nay, gần 1 vạn người đã tới vay nóng, chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu ngắn ngày tới đất nước hình lục lăng. “Dân nước tôi là thế đấy. Nhìn vào EURO 2016, nhìn vào ĐTQG Iceland, họ bỗng thấy cuộc đời tươi đẹp hơn. Ai cũng sẵn sàng thế chấp tài sản, chỉ để một lần được hòa vào bầu không khí thiêng liêng trên các khán đài”, Sara nói trên tạp chí GQ.

Sau cùng, người Iceland chỉ mơ về ngày được thế giới thừa nhận như một dân tộc cấp tiến và hội nhập. Hệt cái cách 23 tuyển thủ Iceland và thành phần BHL ĐTQG làm được tại EURO 2016.

Ra đi để... trở về

Trận Iceland thắng Anh 2-1, Linda Petursdottir ngồi trong quầy rượu ở khách sạn 101. Cô là Hoa hậu thế giới 1988, vẫn được xem như ngôi sao lớn nhất làng giải trí Iceland. Petursdottir chăm chú theo dõi màn hình TV.

Hết trận, Petursdottir nhận tin nhắn từ Jeremy Clarkson, nhân vật đình đám trên các chương trình truyền hình ở Anh: “Chúc mừng Iceland, các bạn xứng đáng với chiến thắng”.

Petursdottir không kiếm sống bằng nghề chài lưới. Cô sở hữu biệt thự ở California, có nhiều quan hệ với giới thượng lưu. Nhưng Petursdottir là con gái của thợ đánh cá chuyên nghiệp. Anh trai cô giờ vẫn đều đặn ra khơi săn bắt.

Nàng “veddette” quả thật chẳng hứng thú gì với bóng đá, cho tới mùa hè 2016. Cô từng đến Milan theo dõi derby Milano theo lời mời của bạn. Hết hiệp 1, Petursdottir bỏ về đi shopping vì chán.

Nói trên tờ ESPN, Petursdottir thú nhận lần trở về Iceland này có thể khiến cô đưa ra quyết định quay về định cư sau 20 năm sinh sống ở những đô thị phồn vinh phía Tây Âu và châu Mỹ.

Phải đến bây giờ, trải nghiệm bầu không khí náo nhiệt và đầy ắp niềm tự hào về quê hương qua hành trình của ĐT Iceland tại EURO 2016, trong Petursdottir mới trỗi lên niềm khao khát về nước.

Cô nhớ mùi biển, nhớ cả câu chuyện cha cô đã bỏ nghề đánh cá, đi học quản trị và trở thành tỷ phú ở Italia rồi lại quay về Iceland, thi giấy phép thuyền trưởng. Ở tuổi 73, ông Peturs vẫn điều hành chiếc tàu săn cá voi hiện đại bậc nhất khu vực.

“Tôi đang trở về bản ngã”, Petursdottir nói. Mọi hành trình sẽ chỉ thực sự viên mãn nếu điểm kết thúc của chuyến phiêu lưu nhà nhà. Đúng với tinh thần câu ngạn ngữ nổi tiếng của người Anh: “Home sweet home”, tựa Việt “Không đâu bằng nhà”.

Đơn Ca
.
.
.