V.League loạn mất rồi!

Thứ Năm, 23/02/2017, 20:40
Hình ảnh các cầu thủ Long An đồng loạt đứng im, không chịu đá để chủ nhà TP HCM thoải mái ghi bàn ở vòng 6 V.League tuần qua chắc chắn sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một trong những hình ảnh tồi tệ, bi đát nhất. Nhưng đây chỉ là một sự cố điển hình trong vô số những sự cố liên quan đến cầu thủ, trọng tài, đội bóng, khán giả... từ đầu giải tới giờ.


Cần nhắc lại, trận "chung kết ngược" giữa Long An và TP Hồ Chí Minh diễn ra bình thường cho đến phút thứ 80, trước khi trọng tài Nguyễn Trọng Thư chỉ tay vào chấm 11m.

Cho rằng trọng tài ép mình trắng trợn, các cầu thủ Long An bỏ ra ngoài sân phản ứng. Phải sau khoảng 10 phút, họ mới chịu vào sân thi đấu trở lại, nhưng hài hước là khi cầu thủ TP Hồ Chí Minh thực hiện đá quả 11m thì thủ thành Long An đã chủ động quay lưng lại.

Và sau đó, toàn đội Long An chính thức bất động để chủ nhà dễ dàng ghi thêm 2 bàn nữa, ấn định chiến thắng chung cuộc 5-2. Sau trận đấu, chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm cùng HLV Ngô Quang Sang phê phán trọng tài dữ dội.

Theo ông Nhiệm, trọng tài Thư là người có trình độ chuyên môn tốt, vì thế ông không nghĩ trọng tài Thư mắc lỗi chuyên môn trong tình huống thổi phạt 11m, mà là lỗi về tinh thần, tư tưởng.

Rồi ông Nhiệm khái quát vấn đề: "Đá ở sân nhà, chúng tôi bị trọng tài ép. Đá ở sân khách cũng bị trọng tài ép. Nếu trọng tài muốn đối phương thắng và chúng tôi thua thì chúng tôi đứng im cho đối phương thắng đấy". HLV Ngô Quang Sang thì khẳng định ông chấp nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những phản ứng của các học trò.

Thực chất, không riêng gì ông Ngô Quang Sang, toàn bộ CLB Long An với người đứng đầu là Chủ tịch Võ Thành Nhiệm phải chịu trách nhiệm trước hành vi phản ứng đáng xấu hổ này. Ai cũng biết, Long An có cái tên tiền thân là Gạch Đồng Tâm.

Cầu thủ Long An phản ứng trọng tài quyết liệt.

Long An - một trong hai đội bóng doanh nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam, và là một trong hai biểu tượng lớn của bóng đá Việt Nam thời đổi mới. Người ta cũng biết anh trai ông Võ Thành Nhiệm là ông Võ Quốc Thắng - người hiện tại đang là Chủ tịch VPF - công ty cổ phần tổ chức, điều hành các giải bóng đá cấp CLB tại Việt Nam. Có nghĩa, hơn ai hết ông Nhiệm phải ý thức rõ về việc bảo vệ hình ảnh cho CLB của mình nói riêng và cho cái giải đấu mà anh trai mình đang là người đứng mũi chịu sào nói chung. Thế mà...

Trở lại với tình huống trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi phạt 11m. Một cựu trọng tài uy tín (đề nghị giấu tên) phân tích riêng với chúng tôi: "Khi cầu thủ TP Hồ Chí Minh tổ chức tấn công, tạt bóng từ cánh phải vào trung lộ, hậu vệ Hoàng Lâm đã có va chạm, dù rất nhẹ với tiền đạo Dyachenko của TP Hồ Chí Minh, nhưng va chạm ấy cũng ảnh hưởng đến hiệu quả tấn công của TP Hồ Chí Minh. Trọng tài lại đứng rất gần tình huống, thổi 11m là chính xác".

Không riêng gì cựu trọng tài này, nhiều chuyên gia bóng đá cũng có chung quan điểm đây là tình huống mà trọng tài Nguyễn Trọng Thư không sai về luật.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ trước đó các trọng tài V.League đã sai số rất nhiều, và lạ là những cái sai ấy đều (vô tình?) giúp các đội bóng nhà giàu, có thế lực hưởng lợi.

Ở vòng 3 V.League là tình huống hai cầu thủ Hoàng Vũ Samson và Trung Kiên của CLB Hà Nội đạp thô bạo vào đùi cầu thủ Châu Ngọc Quang của Hoàng Anh Gia Lai mà không phải nhận bất cứ chiếc thẻ nào. Hài hước ở chỗ, sau đó Ban trọng tài mổ băng và khẳng định tới hai lần rằng: "Hoàng Vũ Samson chỉ liều lĩnh, chứ không bạo lực".

Nếu dư luận, báo chí không vào cuộc, phê phán dữ dội thì chắc chắn cái kết luận "chỉ liều lĩnh, chứ không bạo lực" sẽ được giữ tới cùng. Tuy nhiên, trước áp lực chưa từng thấy từ dư luận, và cả những áp lực từ Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban Kỷ luật VFF phải xử lại vụ việc, đình chỉ Hoàng Vũ Samson 2 trận.

Dàn lãnh đạo VPF trực tiếp có mặt trên sân Thống Nhất lúc đó đã nghĩ gì?

Đến vòng 5 V.League, lại diễn ra vụ trọng tài bỏ qua lỗi vào bóng, phạm lỗi nguy hiểm của cầu thủ Quảng Nam với thủ thành Nguyên Mạnh của Sông Lam Nghệ An trong vòng 5m50, gián tiếp giúp Quảng Nam có được một bàn thắng dễ dàng.

Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Thanh phân tích: "Đây là một tình huống sơ đẳng, người xem bóng đá bình thường cũng thấy, vậy mà trọng tài vẫn sai. Sau trận đấu, trọng tài có gọi điện xin lỗi chúng tôi, và chúng tôi cũng đã chấp nhận, nhưng nói thật, nếu các trọng tài cứ sai kiểu này thì V.League loạn mất".

Đến thời điểm này, không khó nhận ra những đội bóng nghèo kiểu như Sông Lam Nghệ An, Long An... luôn thi đấu trong trạng thái mất niềm tin vào trọng tài, và vì thế cứ đứng trước những tình huống tranh cãi là họ lại sẵn sàng... nhảy dựng lên. Mất niềm tin - xét cho cùng đấy mới là điều nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất lúc này.

Nhưng V.League loạn không chỉ bởi vấn nạn trọng tài, mà còn bởi những sự cố đáng xấu xí của cả những "Thượng đế sân cỏ" nữa. Đơn cử như chuyện dàn cổ động viên Hải Phòng đồng thanh chửi bới trọng tài, và tiếng chửi bới tục tĩu ấy đã được "bê" nguyên lên sóng truyền hình trực tiếp.

 Một anh bạn làm bên ngành du lịch khi chứng kiến điều này đã chia sẻ với chúng tôi: "Những người nước ngoài biết tiếng Việt mà xem trận đấu này thì xấu hổ lắm. Rồi con cái chúng ta nữa, chắc các bậc phụ huynh nào mà trót xem trận đấu này thì cũng phải chuyển kênh ngay để con em mình không bị nghe những điều xấu xa trên truyền hình".

Ở đây phải sòng phẳng nhắc lại rằng, các cổ động viên Hải Phòng phản ứng sau khi trọng tài thổi phạt đội mình 11m, giúp CLB Hà Nội có bàn gỡ 1-1 ở những phút cuối cùng. Đây là tình huống 11m mà ngay cả giới chuyên môn cũng có những đánh giá khác nhau, người bảo "đúng", người bảo "không đúng". Nhưng như đã nói, có lẽ một khi niềm tin vào các trọng tài đã mất thì trong những tình huống gây tranh cãi như thế này, người ta rất dễ dồn mọi bức xúc lên các trọng tài.

Nào là chuyện trọng tài, chuyện các cổ động viên, chuyện phản ứng của cầu thủ, đội bóng - rốt cuộc vì đâu mà V.League lại trở nên bấn loạn như lúc này? Xin đơn cử lại vụ Hoàng Vũ Samson từ chỗ "trắng án" đến chỗ bị treo 2 trận, ai cũng thấy những người khẳng định Samson "trắng an" đã sai, và phải nói rõ, đó là những người trong Ban trọng tài, Ban tổ chức giải.

Nói như dân thạo việc thì những người này đã tạo thành một vòng tròn khép kín, và phút cuối, nếu không có sự vào cuộc của Tổng cục Thể dục Thể thao, thậm chí là cả phía trên Tổng cục nữa thì cái vòng tròn khép kín chưa chắc chắn sẽ không bị "xé" ra, để rồi công lý được bảo vệ ít nhiều.

Vậy thì xét cho cùng cái vòng tròn khép kín ấy đang phục vụ quyền lợi của ai? Chỗ này thì chính ông bầu, Phó chủ tịch tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức đã trả lời một cách cay đắng rằng: "Lợi ích nhóm hết rồi! Lợi ích đan xen, chồng chéo nhau hết rồi. Bây giờ thì chỉ còn nước xoá sạch cái lợi ích nhóm ấy đi, làm lại, xây lại từ đầu mà thôi...".

Đến nước này e rằng mọi cố gắng thay đổi chỉ giống như những sự vá víu tồi trên một cơ thể đã rách từ trong ra ngoài. Có lẽ, chỉ còn cách xoá đi làm lại đúng như bầu Đức nói ?

Sân Thống Nhất thành vở hài kịch

Trận đấu trên sân Thống Nhất kết thúc với màn bi hài kịch và nó khiến hàng ngàn khán giả có mặt trực tiếp cũng như những người xem trận đấu qua mạng phải sốc. Không thể tin nổi, ở V.League và bóng đá chuyên nghiệp lại có một tình huống bi hài như trò hề như thế... V.League tiếp tục loạn và lần này đến lượt đội bóng của bầu Thắng ngày nào phản ứng trọng tài. Nó diễn ra ở trận đấu ông Thắng cũng có mặt trên sân Thống Nhất, với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF - đơn vị quản lý, điều hành các giải chuyên nghiệp.

Thêm một sự cố bi hài nữa xuất hiện trên sân cỏ Việt Nam và làm xấu mặt thêm bóng đá nội.

Giang Anh - Lao Động

Diệp Xưa
.
.
.