Từ câu chuyện trả lương cho HLV Park Hang-seo:

VFF kiếm tiền thế nào, chi tiêu ra sao?

Thứ Ba, 02/07/2019, 21:53
Tiến trình đàm phán gia hạn hợp đồng giữa HLV Park Hang-seo và VFF đang gặp trở ngại, một phần bởi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung về mức tiền lương dành cho thầy Park.

Vậy từ trước đến nay VFF nhận nguồn thu từ đâu để duy trì hoạt động, và họ phải chi tiêu những khoản kinh phí nào bên cạnh tiền lương của HLV trưởng ĐTQG?

Nguồn thu tăng trưởng 2 con số

Tại kỳ Đại hội khóa VIII diễn ra cuối năm ngoái, VFF đã công bố báo cáo tài chính khóa VII (giai đoạn 2014-2018). Đáng chú ý là nguồn thu hằng năm của VFF trong 4 năm qua đã liên tục tăng trưởng mạnh, qua đó, tăng gấp đôi từ mức 46,1 tỷ đồng năm 2014 lên thành 92,8 tỷ đồng vào năm ngoái. Trung bình mỗi năm, doanh thu của VFF tăng từ 15-20%, có thời điểm tăng tới 26%.

Cũng theo báo cáo tài chính từ VFF, hiện nguồn thu hằng năm của đơn vị này phần lớn nhờ liên hệ ký kết những hợp đồng tài trợ và quảng cáo xuất phát ở 3 kênh: các đội tuyển quốc gia, các giải đấu trong nước và các giải đấu quốc tế. Chính nguồn thu từ tài trợ và quảng cáo đã giúp VFF tự chủ phần lớn kinh phí hoạt động trong những năm qua, thay vì chủ yếu dựa vào ngân sách như trước kia.

HLV Park Hang-seo.

Có ý kiến nhận định VFF kiếm tiền chủ yếu nhờ thương hiệu của các đội tuyển quốc gia, nhưng thực tế lại cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại. Trong giai đoạn 2014-2015, nguồn thu từ các đội tuyển quốc gia chiếm quá nửa tổng nguồn thu của VFF. Đến năm 2016, con số này tụt xuống còn 44%, và chỉ chiếm khoảng 38% trong 2 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy VFF không hề sống dựa vào đội tuyển.

Dự kiến trong năm 2019, VFF đặt mục tiêu có 120 tỷ đồng doanh thu, nhưng trên thực tế con số này hiện đã lên tới 148 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Một tín hiệu rất tích cực đó là VFF đã bước đầu có thêm nguồn thu từ tiền bản quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển quốc gia. Số tiền hiện tại tuy chưa lớn (hiện vào khoảng 5 tỷ đồng) nhưng hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Về phần các nhà tài trợ và đối tác của VFF, trước đây thường chỉ có những doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên với thành tích tốt của các đội tuyển thời gian qua, khối doanh nghiệp trong nước đã tích cực rót hầu bao tài trợ cho VFF. Trong năm nay, tỷ lệ tài trợ của các doanh nghiệp trong nước đã lên tới 30%, con số cao chưa từng có.

Cách hoạt động và kiếm tiền của VFF thực chất không khác với Liên đoàn bóng đá của các quốc gia khác hay UEFA, FIFA. Họ không thể bán hàng hóa dịch vụ thông thường như các lĩnh vực khác, nên chỉ có thể tìm nguồn thu thông qua những kênh như bản quyền truyền hình, tiền tài trợ từ doanh nghiệp, cũng như khai thác thương mại từ các cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia.

Ngoài ĐT nam, VFF phải chi trả tiền hoạt động của nhiều ĐT khác.

Nhưng chi cũng nhiều

Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao VFF đã sớm cán mốc doanh thu trăm tỷ trong năm nay nhưng vẫn "cò kè bớt một thêm hai" khi đàm phán hợp đồng với HLV Park Hang-seo. Lý do rất đơn giản: Ngoài khoản lương phải chi cho HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam cùng các trợ lý, VFF đang phải gánh trên vai rất nhiều những chi phí khác cho đội tuyển bóng đá nữ cũng như các đội tuyển trẻ.

Với mức lương hiện tại, thầy Park và các cộng sự đang ngốn khoảng 16% nguồn thu hằng năm của VFF, cao gấp đôi tỷ lệ của HLV Miura và Hữu Thắng trước kia (8%). Giả sử nếu chiều theo yêu cầu tăng lương lên 100.000 USD/tháng của HLV Park Hang-seo, ước tính VFF sẽ phải gánh 35-40 tỷ đồng mỗi năm cho chiến lược gia người Hàn Quốc. Con số này còn lớn hơn khoản kinh phí hằng năm của một đội bóng tại V.League, và VFF phải trực tiếp bỏ ra thay vì được bầu Đức hỗ trợ như trước.

Ngoài ra, con số 35 tỷ cũng chiếm tới 25% doanh thu năm 2019 của VFF, và có thể tiếp tục bội chi trong những năm tiếp theo. Vì thế, không phải không có lý khi VFF chần chừ trước đề nghị tăng lương "không tưởng" từ phía HLV Park Hang-seo. Bởi chiều theo yêu cầu từ ông có thể dẫn đến việc phá vỡ quỹ lương, qua đó phải cắt giảm những khoản chi khác.

Cần phải biết VFF không chỉ có trách nhiệm trả lương cho đội ngũ huấn luyện của HLV Park Hang-seo. Toàn bộ kinh phí từ các đội trẻ (U11, U13, các đội tuyển nữ...) bao gồm lương HLV trưởng, lương các trợ lý, phiên dịch viên, đội ngũ y bác sĩ... đều do VFF một tay quản lý. 

Nếu như đội tuyển nam có thể cáng đáng một phần chi phí này nhờ các Mạnh Thường Quân tài trợ, thì ở các đội trẻ và đội nữ, VFF phải hoàn toàn chi trả. Việc này một phần cũng nhằm đảm bảo bình đẳng thu nhập.

HLV Park Hang-seo có thu nhập rất lớn từ quảng cáo.

Hướng giải bài toán tiền lương của thầy Park

Để lấy ví dụ, một cầu thủ nữ trên đội tuyển được bồi dưỡng ăn trưa 400.000 đồng/ngày như HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ 2 năm trước. Ngoài việc tìm kiếm nguồn thu từ tiền quảng cáo và tài trợ, VFF cũng phải khá căn cơ trong việc cân đối chi tiêu và phân bổ ngân sách cho các đội tuyển. 

Vì thế, việc phải dùng tới 25% nguồn thu hằng năm chỉ để trả lương cho HLV đội tuyển nam, về lý mà nói, lại khá phi thực tế khi đem lên bàn cân so sánh với các đội tuyển khác.

Trong quá khứ, VFF từng đàm phán để các nhà tài trợ nhận trả lương cho HLV ngoại như Letard, hay mới đây là Toshiya Miura. Ngay cả HLV Park Hang-seo cũng được một doanh nhân là bầu Đức (trên danh nghĩa Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF) chi trả. 

Trong trường hợp không thể cáng đáng nổi yêu cầu tăng lương từ thầy Park, việc VFF tìm một doanh nghiệp hỗ trợ họ trả lương là điều hoàn toàn khả thi. Chỉ cần VFF bật đèn xanh, chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp muốn được trả lương cho thầy Park để đổi lại được quảng bá hình ảnh.

Một lựa chọn khác cũng được VFF cân nhắc là yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao hỗ trợ thêm kinh phí. Hiện tại phía Tổng cục đã bật đèn xanh, nhưng họ cũng chỉ có thể hỗ trợ tối đa 10.000 USD/tháng (khoảng 10% mức lương HLV Park Hang-seo yêu cầu). 

Vì thế, tìm một doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng thầy Park là lựa chọn khả thi hơn với VFF lúc này. Ngoài việc thuê thầy ngoại để đảm bảo thành tích của hiện tại, họ còn phải chịu trách nhiệm định hướng phát triển những cầu thủ trẻ cho mục tiêu dài hạn.

Ngoài ra, chiều theo mức lương của HLV Park Hang-seo có thể là một tiền lệ xấu với VFF khi ngồi vào bàn đàm phán sau này. Ví dụ tiêu biểu đến từ Liên đoàn bóng đá Thái Lan: 

Họ từng trả lương triệu đô cho thầy ngoại nhưng phải sa thải vì thành tích thi đấu bết bát, để rồi hiện tại phải tiếp tục đàm phán ở thế yếu khi mời HLV Akira Nishino làm HLV trưởng với mức tiền lương trên trời (khoảng 3,6 triệu USD/năm) trong khi hoàn toàn không được đảm bảo thành tích những năm tới. 

Tiền lương không phải nguồn thu chính của HLV Park Hang-seo

Trước khi AFF Cup 2018 khởi tranh, thông tin về tiền cát xê quảng cáo của HLV Park Hang-seo đã được hé lộ ít nhiều. Theo đó, các doanh nghiệp muốn được thầy Park quảng bá có thể ký hợp đồng theo 2 gói: gói 6 tháng và gói 12 tháng. Cụ thể hơn, trong trường hợp ký gói 6 tháng, doanh nghiệp sẽ phải trả cho HLV Park Hang-seo 300 triệu won (tương đương 270.000 USD).

Nếu ký hợp đồng 1 năm, doanh nghiệp sẽ có lợi hơn khi "chỉ" phải chi 500 triệu won (tương đương 450.000 USD). Hiện có không ít nhãn hàng đã ký hợp đồng tài trợ với thầy Park theo 2 gói này, và con số chắc chắn đã tăng lên rất nhiều sau khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ấn tượng tại AFF Cup và Asian Cup. Con số 270.000 USD cho bản hợp đồng quảng cáo 6 tháng đã cao hơn hẳn mức lương cũ trong 1 năm của HLV Park Hang-seo với đội tuyển Việt Nam.

Qua đó, có thể thấy hiện tại tiền lương không phải nguồn thu chính của HLV Park Hang-seo. Ông có một khoản thu nhập rất lớn khác từ các hợp đồng tài trợ, cũng như tiền thưởng với mỗi chiến công giành được cùng đội tuyển Việt Nam. Con số này thậm chí còn lớn hơn rất nhiều lần khi ông còn là HLV tại Hàn Quốc (trước khi đến Việt Nam làm việc, HLV Park Hang-seo chỉ đang dẫn dắt một đội bóng hạng 3).

Với các doanh nghiệp thuê HLV Park Hang-seo quảng cáo, họ hoàn toàn hài lòng khi có thầy Park quảng bá thương hiệu. Trên thực tế, những nhãn hàng gắn liền tên tuổi mình với HLV Park Hang-seo đều có kết quả tăng trưởng ấn tượng trong 1 năm qua. 

Hiệu ứng từ đội tuyển Việt Nam đã hỗ trợ họ rất nhiều trong công việc kinh doanh, thậm chí có những mặt hàng tưởng chừng phải ngừng sản xuất nay lại bán chạy như tôm tươi nhờ thầy Park. Vì thế, họ sẽ rất sẵn lòng nếu có thể giúp VFF trả lương cho HLV Park Hang-seo trong nhiệm kỳ sắp tới, bởi gương mặt của vị HLV trưởng ĐT Việt Nam là sự đảm bảo cho thành công.

Đơn Ca
.
.
.