VFF lãng phí Gede hay bóng đá Việt Nam không cần giám đốc kỹ thuật?

Thứ Sáu, 08/05/2020, 13:54
Sự kiện bóng đá Việt Nam nổi bật nhất trong tuần chính là việc VFF quyết định không gia hạn hợp đồng với ông Juergen Gede sau 4 năm vị chiến lược gia người Đức giữ chức giám đốc kỹ thuật (GĐKT). 4 năm không phải là dài, nhưng cũng đủ để nhìn nhận vai trò của ông Gede trong sự phát triển chung của nền bóng đá trong thời gian ấy.


Ông Gede đã làm được những gì, đã được đặt đúng vị trí chưa và ở vị trí ông đảm nhận, ông có được tạo điều kiện tối đa để phát huy chuyên môn của mình hay không là những câu hỏi còn lại sau một cuộc chia tay được dự báo trước.

Đúng thời điểm, sai người

Năm 2016, Juergen Gede được VFF bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc kỹ thuật. Đây có thể xem là một bước tiến dài về công tác chuyên môn, bởi lẽ trong tất cả các nền bóng đá, GĐKT luôn được xem là "Tổng tham mưu trưởng" hoạch định những chiến lược dài hơi, định hướng phát triển, đào tạo nguồn lực, trực tiếp tham vấn cho các HLV về các quyết định nhân sự…

Juergen Gede kết thúc 4 năm làm việc với vai trò GĐKT của VFF.

Văn bản của VFF cũng chỉ rõ nhiệm vụ của ông Gede: "Tư vấn, tham mưu cho VFF về phát triển bóng đá trẻ nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm nguồn lực bóng đá, đáp ứng trình độ phát triển của bóng đá châu lục và tiếp cận bóng đá thế giới; Định hướng và xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ; Tư vấn cho các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và U23; Hỗ trợ VFF nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các câu lạc bộ; Hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ huấn luyện viên và một số nhiệm vụ khác theo sự đồng ý của 2 bên".

Rõ ràng với những nhiệm vụ đó, vai trò của Juergen Gede là rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, trong suốt 4 năm trên cương vị GĐKT, vị chiến lược gia người Đức khá mờ nhạt. Một phần là do tính cách của ông, nhưng phần lớn hơn nằm ở những nhiệm vụ mà ông được "giao phó".

Juergen Gede không để lại nhiều dấu ấn cá nhân đặc biệt và nổi trội, bởi phần lớn thời gian nhiệm vụ của ông là tham gia hỗ trợ ban huấn luyện các đội tuyển trẻ bằng việc tham mưu, tư vấn phân tích chuyên môn, cung cấp thông số dữ liệu. Vị GĐKT người Đức được ghi nhận trong hành trình U19 Việt Nam giành quyền tham dự U20 World Cup cũng như chiến công của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018.

Điều cần khẳng định ở đây: Đó không phải là nhiệm vụ chính của một GĐKT. Vai trò của ông Gede lẽ ra phải lớn hơn thế. Bên cạnh tham mưu, tư vấn và làm những công việc như trinh sát hay phân tích, với vị trí của một kiến trúc sư trưởng, GĐKT cần có tiếng nói và chính kiến riêng, hoàn toàn độc lập, sẵn sàng đưa ra những phản biện cho các HLV.

Tuy nhiên kể từ khi HLV Park Hang-seo xuất hiện, vai trò của Gede bị lu mờ. Nhà cầm quân Hàn Quốc thích bàn luận về chiến thuật, nhân sự với những trợ lý đồng hương hơn là vị GĐKT người Đức. Dù Gede và Park Hang-seo vẫn xuất hiện trên những tấm ảnh cho thấy họ dành sự tôn trọng cho nhau, nhưng rõ ràng ông Park vẫn làm tốt công việc cùng ê kíp riêng của mình gồm 12 người Hàn Quốc và chỉ đặt những ý kiến của Gede vào dạng "tham khảo".

Khi vai trò dần dần trở nên mờ nhạt, cái áo GĐKT trở nên quá rộng với Gede. Vị chiến lược gia người Đức đơn giản là không có đất dụng võ.

VFF cũng… chưa hiểu GĐKT làm gì!

Vì sao VFF bổ nhiệm Gede mà không thể khai thác hết khả năng của ông?

Đầu tiên, đó là bởi "quy trình". Việc có một GĐKT giúp cho bóng đá Việt Nam, cụ thể là VFF có đầy đủ "ban bệ".

Ông Gede được "đặt" vào chiếc ghế GĐKT trong bối cảnh VFF cần một người ngồi vào vị trí đó hơn là một người thực sự phù hợp. Chiến lược gia người Đức không có một môi trường làm việc với những quy chuẩn chặt chẽ và khoa học như bóng đá châu Âu, nơi các GĐKT có quyền lực rất lớn. Ông hầu như không có tiếng nói trong những việc quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam, điển hình như việc bổ nhiệm HLV trưởng ĐTQG. Ông cũng không có bất cứ vai trò gì trong việc lựa chọn những cầu thủ cho các đội tuyển. Có lẽ dấu ấn lớn nhất của Gede chỉ là việc giới thiệu Phan Văn Đức cho đội U23 Việt Nam vào thời điểm mà HLV Park Hang-seo vừa mới đến và chưa nắm rõ về các cầu thủ.

Juergen Gede cũng không được tạo điều kiện trong việc hoạch định chiến lược phát triển bóng đá trẻ khi chính VFF cũng chưa thể xác định những bộ tiêu chí chuẩn chỉ, đồng độ để đặt ra mục tiêu nhất quán cho cả một nền bóng đá. Hoàng Anh Gia Lai đào tạo một kiểu, Hà Nội FC đào tạo một kiểu, PVF lại một kiểu khác… và tất nhiên ông Gede không có thẩm quyền để can thiệp vào chuyện nội bộ những đội bóng này. Khi mà hiệu quả của việc đào tạo trẻ vẫn chỉ được nhìn nhận đơn thuần bằng thành tích ở các giải đấu, câu chuyện của bóng đá Việt Nam thật ra vẫn gần với "chiến thuật" hơn là "chiến lược".

Như vậy, hầu hết những nhiệm vụ mà VFF giao cho Juergen Gede khi ông được bổ nhiệm vào năm 2016 đều không được hoàn thành một cách trọn vẹn. Ông Gede giống như một vị chuyên gia tư vấn làm theo thời vụ ở từng giải đấu hơn là một kiến trúc sư trưởng giữ vai trò định hướng bản sắc cho cả một nền bóng đá.

GĐKT Gede và HLV Park Hang-seo không có nhiều dịp làm việc trực tiếp với nhau.

Lời khen của HLV Vũ Hồng Việt dành cho Gede là một minh chứng cho nhận xét ấy: "Ông Gede giỏi nhất là đọc "vị" đối thủ".  Nếu chỉ cần một người trinh sát đối thủ, thu thập số liệu, tư vấn chiến thuật thì một vị GĐKT ăn lương đến gần 100.000 USD/năm là quá lãng phí.

Và để "tận dụng" vị GĐKT này, VFF lại giao cho ông những việc rất… khó hiểu. Năm ngoái, Juergen Gede được cử làm trợ giảng cho giảng viên AFC Richard Sinapan trong khóa đào tạo HLV bằng C tại Phú Yên, một công việc rõ ràng không phù hợp cho vị trí GĐKT của cả một nền bóng đá.

Tất cả những yếu tố đó dẫn đến một cuộc chia tay không thể tránh khỏi. Và VFF cũng cần rút kinh nghiệm trong việc lựa người vào vị trí GĐKT. Trong những tiêu chí chọn ứng viên mới, VFF đặt ra yêu cầu cơ bản là tìm người có kinh nghiệm trong phát triển bóng đá trẻ vừa có trình độ giảng viên HLV bóng đá của FIFA hoặc AFC. Vì vậy, nhiều khả năng người VFF lựa chọn có thể là một HLV hoặc giám đốc kỹ thuật ở khu vực châu Á.

Có thể hiểu rằng VFF ưu tiên một GĐKT có thể kết hợp tốt với ê kíp của HLV Park Hang-seo. "VFF sẽ dành sự ưu tiên lớn hơn đối với công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Do vậy, vị trí GĐKT không chỉ là định hướng, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ mà còn phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng HLV bóng đá trẻ", tổng thư ký Lê Hoài Anh chia sẻ.

Juergen Gede có thể về Hà Nội FC

Ông Gede có thể sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam để làm việc trong màu áo một đội bóng tại V.League. Hà Nội FC vừa sa thải ông Daniel Enriquez chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn đảm nhiệm vị trí GĐKT và đang bỏ trống vị trí này. Với 4 năm làm việc tại Việt Nam, ông Gede có những lợi thế lớn để ngồi vào chiếc ghế GĐKT của nhà đương kim vô địch V.League. Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ CLB Hà Nội Dương Nghiệp Khôi - người từng có nhiều lần hợp tác cùng ông Gede khi làm nhiệm vụ ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam - chính là người đã "tiến cử" đồng nghiệp cũ cho bầu Hiển.

HLV Chu Đình Nghiêm cũng thừa nhận Hà Nội FC và chuyên gia Jurgen Gede hoàn toàn có thể làm việc với nhau trong thời gian tới. Hiện tại đội bóng Thủ đô mới chỉ có ý định mời ông đảm nhiệm công việc cố vấn tại các tuyến đào tạo trẻ, còn đội 1 thì vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. "Bất kỳ đội bóng chuyên nghiệp nào cũng cần giám đốc kỹ thuật. Người đó có thể định hướng không chỉ cho đội một mà cả hệ thống chung. Tất cả đội bóng mạnh trên thế giới đều cần vị trí này. Điều này tốt cho CLB", HLV Chu Đình Nghiêm chia sẻ.

Ở vị trí mà ông Gede bỏ lại, "Phù thủy trắng" Philippe Troussier đang là ứng cử viên sáng giá nhất. Thực tế từ sau SEA Games 2019, người ta thấy ông Jurgen Gede đã dần lui vào hậu trường trong khi ông Philippe Troussier xuất hiện khắp nơi để đánh giá các cầu thủ trẻ. Ông cũng có mặt trên khán đài các trận đấu tại V.League như HLV Park Hang-seo để nắm tình hình các CLB. Về mặt tài chính, VFF có thể không mất tiền khi bổ nhiệm Troussier bởi nơi đang trả lương cho Troussier là PVF nhiều khả năng cũng sẽ trả lương cho ông nếu ông kiêm nghiệm thêm vị trí GĐKT của VFF.

Đơn Ca
.
.
.