VFF tìm Phó Chủ tịch Tài chính: Đừng tự làm khó mình

Thứ Tư, 08/07/2020, 10:42
Sau gần 1 năm bỏ trống ghế Phó Chủ tịch Tài chính, VFF bất ngờ thông báo tìm gấp một người lấp vào vị trí này. Tuy nhiên, 11 ngày kể từ khi thông báo đến lúc chốt danh sách dường như không đủ để giúp VFF tìm ra một phương án tối ưu trong dài hạn.

Không còn loại trừ bầu Đức

Khi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức rời khỏi vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính và vận động tài trợ, ông từng rất bức xúc với quy chế mới để chọn người ngồi vào chức danh này. Cụ thể hơn, VFF yêu cầu ứng viên phải bắt buộc có bằng cử nhân trở lên. Đây là rào cản khiến bầu Đức, một người từng thi trượt đại học ngày còn trẻ, không thể tái ứng cử làm Phó Chủ tịch Tài chính nữa.

Với quy định "Phó Chủ tịch Tài chính phải có bằng đại học", người kế nhiệm bầu Đức là ông Cấn Văn Nghĩa, một nhà quản lý thể thao có bằng Tiến sĩ. Tuy nhiên cuối cùng ông Nghĩa bất ngờ nộp đơn từ chức chỉ sau 6 tháng làm việc. Ra đi vì những bê bối liên quan đến thời gian nắm giữ cương vị Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Quốc gia, ông Nghĩa còn chịu điều tiếng vì không đem lại hợp đồng tài trợ nào đáng kể cho VFF khi đương chức.

Không giống ông Cấn Văn Nghĩa, bầu Đức, hay trước đó là người tiền nhiệm Lê Hùng Dũng có thể dễ dàng huy động khoản đóng góp lên đến hàng chục tỷ đồng/ năm nhờ bỏ tiền túi ra. Trên cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank, ông Dũng từng giúp VFF và V.League có một bản hợp đồng tài trợ lớn từ chính đơn vị ông quản lý. Từ thành công trên cương vị Phó Chủ tịch Tài chính, ông Dũng sau đó đắc cử ghế Chủ tịch VFF, trở thành doanh nhân đầu tiên đứng đầu tổ chức này.

Bầu Đức từng bị VFF loại vì "không có bằng đại học".

Bầu Đức cũng không trực tiếp mang về hợp đồng tài trợ nào cho VFF khi đương chức, nhưng ông không nhất thiết phải làm điều đó. Ở thời điểm phù hợp, ông sẵn sàng bỏ tiền túi đến Hàn Quốc tìm thầy ngoại, trả lương cho HLV Park Hang Seo và các cộng sự. Ngay cả khi không còn phận sự gì ở VFF nữa, hàng tháng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn đều đặn chuyển 700 triệu  cho VFF cho đến khi thầy Park được gia hạn hợp đồng.

Câu chuyện của ông Dũng và ông Đức cho thấy tiêu chí "có bằng đại học" không quá cần thiết với vị trí Phó Chủ tịch Tài chính VFF. Trong giai đoạn tình hình tài chính khó khăn, các giải đấu quốc tế tạm hoãn, VFF cần một nhân vật có uy tín cả trong giới kinh doanh lẫn thể thao, chứ không phải một người có học vị cao nữa. Chỉ với cách đó, VFF mới thu hút thêm tiền tài trợ về khi sức hút của các ngôi sao đội tuyển quốc gia bắt đầu hạ nhiệt.

Vì sao có tiêu chí mới?

Ngoài việc loại trừ yêu cầu ứng viên phải có bằng đại học trở lên, VFF cũng đưa ra bản danh sách những tiêu chuẩn để ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch Tài chính. Theo đó, người nắm giữ cương vị này phải từ 25 tuổi trở lên, có kinh nghiệm trong hoạt động bóng đá, thể thao chuyên nghiệp, tài chính, thương mại...

Bên cạnh đó, mỗi tổ chức thành viên của VFF sẽ được giới thiệu 1 người ra ứng cử làm Phó Chủ tịch Tài chính. Danh sách ứng viên được chốt lại vào ngày 15-7 tới.

Ngoài thông báo tìm gấp Phó Chủ tịch Tài chính, VFF cũng cho biết Đại hội thường niên năm nay sẽ tổ chức sớm vào tháng 8, thay vì vào tháng 11-12 như những năm trước. Một trong những nguyên nhân khiến lịch làm việc bị đẩy lên sớm hơn so với thường lệ là bởi dịch COVID-19 đã đảo lộn mọi kế hoạch VFF đề ra trong năm 2020. Từ một đơn vị không phải lo tìm kiếm nhà tài trợ, VFF một lần nữa phải tìm cách chọn mặt gửi vàng.

Với VFF, mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ cho đến trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Một đơn vị muốn trở thành nhà tài trợ chính thức (official sponsor) cho đơn vị này phải cam kết chi ra không dưới 15 tỷ đồng/ năm, ngay cả nhà tài trợ phụ (supporting sponsor) cũng có giá không dưới 8 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ nhưng vẫn được các doanh nghiệp nhanh chóng gật đầu bởi sức hút từ các đội tuyển quốc gia trong giai đoạn 2018-2019.

Bằng chứng là trong năm 2018, VFF thu về 93 tỷ đồng tiền tài trợ, và con số đó nhảy vọt lên 240 tỷ đồng trong năm tiếp theo. Số tiền này lớn gấp rưỡi mức ước tính của các quan chức VFF trước đây, và rất nhiều bản hợp đồng trong số đó còn được ký dài hạn 2-3 năm.

VFF chỉ tìm Phó Chủ tịch tài chính khi sức hút của đội tuyển hạ nhiệt.

Trên cơ sở ấy, VFF tự tin đặt mục tiêu thu về 255 tỷ đồng trong năm 2020, cùng khoản lợi nhuận dôi ra vào khoảng 7,5 tỷ đồng. Nhưng dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch đó.

Ngày 13-5-2020, ông Nguyễn Minh Châu, Phó Tổng thư ký VFF đã đưa ra thông tin tiêu cực về tình hình tài chính của VFF. Theo ước tính, nguồn thu của VFF sẽ giảm ít nhất 6% so với dự toán trước kia, tương đương 15,3 tỷ đồng.

Lý do bởi rất nhiều nhà tài trợ xin được giảm giá tiền, hoặc hủy hợp đồng sớm bởi tình hình kinh doanh của họ gặp khó khăn. Nếu điều này trở thành sự thật, VFF sẽ lỗ gần 8 tỷ đồng. Vì thế nên họ mới cần tìm gấp một Phó Chủ tịch Tài chính mới.

Hướng đi dài hạn

Việc "mất bò mới lo làm chuồng" liên quan đến chiếc ghế Phó Chủ tịch Tài chính cho thấy VFF vẫn chưa có hướng phát triển dài hạn trong tương lai.

Họ bỏ bẵng vị trí này khi tình hình kinh doanh suôn sẻ, rồi gấp rút tìm người ứng cử trong vòng 11 ngày kể từ lúc thông báo đến khi chốt danh sách chính thức. Cách làm thiên về giải pháp ngắn hạn đó là lý do khiến rất nhiều nhân vật có tiềm lực tài chính và tâm huyết không sẵn sàng dốc sức đóng góp cho VFF.

Ở các nước có nền bóng đá phát triển, vị trí Phó Chủ tịch Tài chính thường được trao trọn niềm tin vào những nhân vật có tiềm năng trở thành Chủ tịch tương lai. Ví dụ như Liên đoàn bóng đá Anh (FA), Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Mark Bullingham từng có 3 năm làm Phó Chủ tịch Tài chính.

Trong thời gian đó, ông giúp doanh thu thương mại hàng năm của FA tăng lên hơn 100 triệu bảng. Hiện ông cũng đang đàm phán một số hợp đồng mới có giá trị lên đến 2 tỷ bảng cho FA.

Trong khi đó, VFF chỉ có duy nhất cựu Chủ tịch Lê Hùng Dũng mang nhiều nét tương đồng với Mark Bullingham. Bầu Đức có công đưa HLV Park Hang Seo đến với bóng đá Việt Nam, nhưng khi còn giữ chức Phó Chủ tịch Tài chính, ông cũng để lại không ít điều tiếng vì can thiệp sâu vào vấn đề chuyên môn của đội tuyển. Ông thẳng thừng nói không ưa HLV Toshiya Miura, và khi thành tích của đội tuyển không tốt, ông tuyên bố mình sẽ "lo tất cho tuyển" nếu VFF sa thải HLV Miura trước thời hạn.

VFF có thể tìm được một Phó Chủ tịch Tài chính trong thời gian tới, nhưng tình hình sẽ không khá hơn nếu họ coi đây là phương án bổ nhiệm một Mạnh Thường Quân dốc hầu bao đóng góp như bầu Đức trước kia. Việc chỉ dựa vào thành tích của các đội tuyển để thu hút tiền tài trợ rõ ràng không phải một giải pháp lâu dài.

Những ai đã từ chối làm Phó Chủ tịch Tài chính VFF?

Sau ngày ông Cấn Văn Nghĩa từ chức, VFF từng ngỏ lời mời ông Đoàn Nguyên Đức trở lại làm Phó Chủ tịch Tài chính. Tuy nhiên bầu Đức đã lịch sự từ chối với lý do muốn tập trung hơn vào công việc kinh doanh, và ông không còn cảm thấy bản thân muốn tiếp tục cống hiến trên cương vị đó nữa. Có vẻ bầu Đức vẫn cảm thấy không vui khi VFF đưa ra tiêu chí "ứng viên phải có bằng đại học" để loại ông vào đầu nhiệm kỳ 2018-2022 nên không sẵn sàng trở lại(?).

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam là một trong những người từ chối công việc ở VFF.

Chung quan điểm với bầu Đức, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm cũng từ chối ngồi vào vị trí này. Tình hình kinh doanh khó khăn trong những năm qua khiến bầu Thắng buộc phải từ bỏ tài trợ cho CLB Long An, và doanh nhân này cũng không muốn dành quá nhiều thời gian ngoài công việc kinh doanh. Chỉ khi nào doanh nghiệp khởi sắc trở lại, bầu Thắng mới nghĩ đến chuyện tiếp tục bắt tay vào làm bóng đá thêm lần nữa.

Trong ngày từ chối trở lại làm Phó Chủ tịch Tài chính VFF, bầu Đức tiến cử một ứng viên khác ngồi vào vị trí này. Đó là ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam. Ông Nam từng có thời gian tài trợ cho CLB Đồng Nai, rồi sau đó rút lui. Hiện tại ông là chủ sở hữu CLB FK Sarajevo, đội bóng lên ngôi vô địch giải VĐQG Bosnia & Herzegovina hồi năm ngoái. Tuy nhiên ông Nam cũng xin rút lui dù trước đó từng tranh cử làm Phó Chủ tịch VFF hồi năm 2018.

Tương tự bầu Đức và bầu Thắng, một doanh nhân khác rất có ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam nhưng cũng từ chối nhận một vị trí quản lý trong VFF là ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Lý giải về việc không làm Phó Chủ tịch Tài chính VFF, bầu Hiển nói công việc hiện tại của ông quá bận nên khó có thể làm tròn trách nhiệm khi vừa làm ông bầu bóng đá, vừa huy động tiền tài trợ cho VFF.

PV
.
.
.