V.League, một góc nhìn "cong": Văn hoá lách!

Thứ Năm, 04/09/2014, 13:30

Nhìn lại một mùa giải đã qua, bỗng thấy văn hoá lách và công nghệ lách đã hiển hiện ở quá nhiều người, nhiều giới, nhiều bộ phận.

Đầu tiên, nó hiển hiện ở chính đội ĐKVĐ Bình Dương với một con người giàu cá tính: ông Lê Thụy Hải. Ai cũng biết AFC quy định các HLV phải có bằng cấp mới được "tham chiến". Ông Lê Thụy Hải không có bằng cấp nhưng vẫn tham chiến, vẫn hò hét chỉ đạo các cầu thủ mà không hề... phạm luật. Bởi ông và CLB của ông đã "lách" bằng cách không đăng ký chức danh "HLV Lê Thụy Hải", mà lại đăng ký "GĐKT Lê Thụy Hải".

Vẫn biết, ông Hải không có bằng cấp nhưng vẫn giỏi hơn vô số người bằng cấp (và thực tế là sau khi gúp Bình Dương lên ngôi, đã đã so sánh một cách xa xôi, hình ảnh về tài năng của mình với tài năng của HLV Van Gaal lẫy lừng bên trời Âu), tuy nhiên phải thấy: luật là luật, và nếu thực sự lấy luật lệ làm hệ qui chiếu thì một HLV "lách" thành GĐKT cần phải được nhắc nhở một cách nghiêm túc. Bằng không, chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ sẽ đến một ngày thực sự bội thực các ông "GĐKT" trá hình, và thiếu trầm trọng những HLV có bằng cấp - có đầy đủ "hành lang pháp lý" để hành nghề một cách chuẩn mực.

Tiếp nữa là việc VPF ra quy định mỗi CLB phải đảm bảo ít nhất 35 tỷ đồng/mùa giải mới được tham gia. Cái quy định thực sự cần thiết giúp cho các đội bóng nói riêng và cả một giải đấu nói chung được đảm bảo tốt nền tảng tài chính để "đi đến nơi về đến chốn". Thế nhưng các CLB đã "lách" bằng lý luận: "Nhà tài trợ đâu chuyển tiền cho chúng tôi một lần, mà chuyển từng phần, nên chúng tôi cũng không thể chứng minh một lần ngay được". Và thế là VPF cũng cho qua, để rồi từ đó mới sinh ra chuyện bóng vừa lăn mà vừa có nhiều cầu thủ lo CLB "quỵt tiền", còn chính BTC giải lại lo các CLB giữa chừng bỏ cuộc. Ai cũng biết là ở V.League 2013, cả làng phập phồng lo sợ Kiên Giang không đủ tiền mua vé máy bay ra Ninh Bình đá "chung kết ngược". Đến năm nay thì người ta lại phập phồng lo sợ An Giang cũng vì lý do "không đủ tiền" mà lấy cớ rút lui.

Vòng cuối V.League, HN.T&T nhận giải nhì trong cái sân nguội lạnh.

Lẽ ra luật là luật. Chỉ có những đội ngay từ đầu chứng minh được con số 35 tỷ kia là được thi đấu (ít nhất cũng có 6 đội Bình Dương, Đà Nẵng, HN.T&T, Sông Lam, Thanh Hoá, Hoàng Anh), và khi ấy V.League sẽ là một giải đấu tuy ít đội nhưng thật sự chất lượng, bền vững. Đằng này...

Vẫn liên quan đến chủ đề "lách", cho đến bây giờ, khi sự ảnh hưởng của ông Đỗ Quang Hiển ở cả Đà Nẵng lẫn HN.T&T đã được nhiều tờ báo công khai phản ánh, nhưng ông Hiển lại "lách" bằng việc rút hết các chức danh của mình ở hai công ty mẹ của hai đội bóng này thì VPF, VFF cũng tuyệt nhiên không đả động gì. Công bằng mà nói thì ở mùa giải năm nay, hai đội bóng được cho là có sự ảnh hưởng của bầu Hiển đã chơi rất đẹp, khi "ông anh" Đà Nẵng đã không nhường điểm cho "đứa em" HN.T&T, qua đó giúp em tích điểm chạy đua ngôi vô địch với Bình Dương như những gì người ta lo lắng. Nhưng nên nhớ là sau 8,9 lần chơi đẹp, chỉ cần 1 lần không đẹp thôi là luật lệ, kỷ cương đã bị "xỏ mũi" và tình yêu bóng đá của người hâm mộ đã bị chà đạp. Mà thực tế là nó đã từng bị chà đạp ở vòng đấu cuối cùng mùa giải 2012, khi HN.T&T đá tử thủ trên sân Thống Nhất trước Sài Gòn Xuân Thành, qua đó giúp "ông anh" Đà Nẵng lên ngôi ở đất cố đô.

Thế nên trong câu chuyện này, bản chất của vấn đề vẫn là việc phải loại bỏ tận gốc mô hình "một ông chủ, hai, ba đội bóng" thay vì để cho mô hình ấy tồn tại bằng "nghệ thuật lách", để rồi cứ trước các trận đấu nhạy cảm thì VPF, VFF lại phải run run hy vọng những người đã "lách" sẽ chơi đẹp với mình. 

Có người bảo, VPF, VFF không thể sờ được vào những vụ "lách" cao tay, nhạy cảm vì chính VPF, VFF cũng "lách". Một đội bóng tuyên bố giải thể, không được chơi ở V.League như Ninh Bình mà vẫn được động viên để chơi ở AFC Cup thì đáng gọi là "lách" của "lách" quá rồi. Cái "lách" mà với nó có thể bóng đá Việt Nam không bị AFC tuýt còi, nhưng nó lại đồng thời cho thấy với V.League, những gì thuộc về luật lệ, kỷ cương đã bị chính những người cầm trịch xem thường.

Trước và sau khi trưởng giải Tanaka Koji đến Việt Nam, mọi thứ vẫn không thay đổi.

Một ông trưởng giải được quảng bá là "người Nhật tài cao", là người đã "vi  hành" khắp các sân này sân nọ nhưng kỳ thực V.League trước và sau khi có ông vẫn... vũ như cẩn, và kỳ thực những người đứng sau ông mới cầm cương giải đấu cũng đáng gọi là "siêu lách"! Mà "siêu lách" kiểu này thì vừa khổ cho người được dựng lên làm bình phong, vừa khiến cho hầu bao VPF sụt giảm nghiêm trọng (đã có người tính rằng một năm, mức lương VPF trả cho ông Trưởng giải người Nhật Tanaka Koji vào khoảng trên dưới 2 tỷ đồng).

Thế đấy, tiếng là "giải đấu chuyên nghiệp", mà là giải đấu chuyên nghiệp ở tuổi thứ 14, chứ không còn là tuổi lên 1, lên 3, thế mà nhìn vào đâu, cũng thấy... văn hoá lách.

Chẳng nhẽ lại bảo, từ bây giờ đừng gọi là "V.League" nữa, mà hãy gọi là "V - Lách" cho nó hợp thời trang!?

Niềm tin đi xuống

Vòng đấu cuối cùng trên sân Gò Đậu (Bình Dương) - vòng đấu mà chủ nhà Bình Dương nhận cúp vô địch, khán giả đến sân vắng vẻ đến phát sốc. Những phóng viên có mặt trên sân Gò Đậu cho hay ngoại trừ khán đài A với phận lớn là những khách VIP và những CĐV "ruột thịt" của Bình Dương và một nhóm nhỏ khán giả ở khán đài B thì phần còn lại của sân Gò Đậu trống lên lạnh người.

Hình ảnh thầy trò Bình Dương giương cao cúp vô địch trong một cái sân thưa vắng khán giả là hình ảnh điển hình cho tình trạng "đói kém" khán giả ở mùa giải năm nay. Thực tế thì chẳng riêng gì sân Gò Đậu, mà ngay cả sân Lạch Tray (Hải Phòng) - một sân đấu nhiều năm qua nổi tiếng là "chảo lửa" nhưng bây giờ cũng không còn "lửa" nữa. Hàng loạt các sân bóng khác cũng đã diễn ra tình trạng sụt giảm khán giả đến trầm trọng.

Rõ ràng là niềm tin của người hâm mộ vào chính đội bóng của mình nói riêng và cả một giải đấu nói chung đã bị sụt giảm trầm trọng. Nó khác và khác rất nhiều so với hình ảnh những khán giả đội nắng ngồi chật kín SVĐ Bộ Công An để xem giải bóng đá phong trào Hà Nội mở rộng vào mỗi chiều cuối tuần hiện nay.

Những lãnh đạo cấp cao VFF, VPF có chạnh lòng không khi chứng kiến cảnh khán giả V.League đi xuống còn khán giả bóng đá phong trào lại ngùn ngụt đi lên?

Tuấn Thành

Bàn thắng đi lên

Đã có nhiều thống kê cho hay số lượng bàn thắng ở V.League năm nay tăng cao đột biến. Và đã có một lãnh đạo cấp cáo VPF "vin" vào sự đột biến ấy để khẳng định chất lượng giải đấu đã được cải thiện đáng kể. Kỳ thực thì mùa giải năm nay đã diễn ra trận Quảng Ninh - Đồng Nai với cả thảy 8 bàn thắng được ghi, nhưng sau đó thì cơ quan điều tra đã khẳng định đấy là một trận đấu được dàn dựng. Và vẫn theo thông tin từ cơ quan điều tra thì nó không phải là trận đấu "bội thực bàn thắng" duy nhất ở mùa giải năm được các cầu thủ dàn dựng. Nói như Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục C45 thì nếu trước đây vấn đề mua bán độ diễn ra giữa các đội bóng với nhau thì hiện nay nó lại diễn ra với các cầu thủ và các đối tượng "làm kèo". Mà cái "kèo" được đưa ra nhiều nhất chính là "nổ tài" - một thuật ngữ của dân độ, ám chỉ việc số lượng bàn thắng được ghi trong một trận đấu nhiều hơn so với số lượng bàn thắng dự kiến của nhà cái.

Thế nên sau rất nhiều trận đấu "bội thực bàn thắng" ở mùa giải năm nay, rất nhiều chuyên gia bóng đá, và cả những người hâm mộ bóng đá tinh tường đều đặt ra câu hỏi: Đấy có phải là biểu hiện của trạng thái "nổ" tài?

Rõ ràng là trong một bối cảnh hết sức nhạy cảm như hiện nay - cái bối cảnh mà ít nhất đã có 2 nhóm cầu thủ của Ninh Bình, Đồng Nai xộ khám vì chuyện "làm kèo" và chuyện "thắng đúng như kèo" thì không thể vin vào cái mệnh đề "số lượng bàn thắng gia tăng" để khẳng định chất lượng giải đấu đi lên được.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.