VMMAF và cơ hội cho võ thuật Việt Nam

Thứ Tư, 04/03/2020, 21:35
Sự ra đời của Liên đoàn MMA Việt Nam (VMMAF) được xem là bước tiến lớn trong việc phổ biến và phát triển MMA (Mix Martial Arts – võ tự do) tại Việt Nam.

Mặc dù việc chính thức công nhận MMA được xem là muộn so với các quốc gia khác, nhưng với phong trào luyện tập đang ngày càng trở nên rầm rộ, Việt Nam hứa hẹn sẽ có được những võ sĩ MMA đẳng cấp quốc tế trong tương lai gần.

Vì sao VMMAF ra đời muộn?

So với các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, MMA được thừa nhận là một môn thể thao ở Việt Nam tương đối muộn. Thái Lan, Indonesia, Philippines đều đã có xuất hiện nhiều giải đấu võ tổng hợp và thu hút đông đảo người hâm mộ vài năm qua. 

Nếu xét về lịch sử và nguồn gốc, võ tự do thậm chí đã xuất hiện ở dải đất hình chữ S từ đầu thế kỷ XX. Võ tổng hợp hội nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thập niên 1920. Qua thời gian, một số võ sư xuất sắc cũng đã chắt lọc tinh hoa của các môn phái võ thuật khác nhau để tạo nên các môn võ tổng hợp đặc trưng của Việt Nam.

MMA chính thức được công nhận ở Việt Nam sau khi Liên đoàn MMA ra đời.

MMA, về cơ bản, cũng là sự pha trộn các đòn thế của nhiều môn phái, điều được thể hiện ngay từ tên gọi của nó (Mix Martial Arts). Mục tiêu cuối cùng của các võ sĩ MMA là chiến thắng đối thủ, bất kể việc sử dụng kỹ thuật của môn phái nào. Chính vì điều đó, MMA được xem là môn võ có tính thực chiến cao nhất, một “nghệ thuật chiến đấu” được kết hợp bằng tinh hoa của những môn phái khác nhau.

Trong trận đấu MMA, các võ sĩ có thể sử dụng tất cả đòn thế của Teakwondo, Karatedo, Judo, Jujitsu, Kickboxing, Muay Thái… Sự đa dạng này rất hợp với tố chất của người Việt Nam, vốn có năng khiếu võ thuật. Võ thuật Việt Nam luôn là “mỏ vàng” trong các kỳ đại hội thể thao và có không ít võ sĩ đạt đến đẳng cấp thế giới.

Nhưng có một điều ngăn cản MMA được công nhận tại Việt Nam sớm hơn, đó là luật được tiếp tục tấn công cả khi đối thủ đã nằm sàn. Theo tư duy võ thuật cổ truyền, việc tiếp tục ra đòn khi đối thủ đã ngã xuống đi ngược lại với tinh thần thượng võ của Việt Nam. Cùng với đó, những chấn thương nặng của các võ sĩ tạo ra hình ảnh khá bạo lực về môn võ này.

Trong MMA, việc tấn công khi đối thủ bị ngã xuống sàn có thuật ngữ là “Ground and Pound”. Các võ sĩ được phép dùng mọi đòn thế tấn công đối thủ đã ngã, cho đến khi trọng tài xác nhận người yếu thế hơn không còn khả năng thi đấu hoặc chủ động đầu hàng.

Về chuyên môn y học thể thao, sự khác biệt của MMA chưa chắc đã khiến các võ sĩ gặp nguy hiểm nhiều hơn. Ví dụ như trong môn boxing, các võ sĩ có thể trở lại thi đấu sau khi bị knock-out khi đứng lên sau tiếng đếm thứ 10 của trọng tài, nhưng trong nhiều trường hợp, họ cố gắng đứng dậy bằng tinh thần chứ không phải bằng sức lực. Khi việc này lặp lại nhiều lần, những chấn thương tích tụ có thể khiến tính mạng võ sĩ gặp nguy hiểm.

Trở lại với MMA, các trận đấu thường kết thúc bằng đòn khóa khớp trong môn Nhu thuật Brazil khi một đối thủ đã nằm sàn. Luật MMA cũng cấm các võ sĩ húc đầu, ra đòn bằng chân vào đối thủ đã nằm sàn, sử dụng các đòn chỏ đặc biệt. Sự ràng buộc về luật càng lúc sẽ càng trở nên chặt chẽ hơn, bởi chỉ có như vậy, MMA mới có sức lan tỏa đúng với tính chất của một thể thao, ngay cả khi bản chất của nó là một cuộc chiến.

Năm 2013, giới võ thuật Việt Nam lần đầu tiên được chứng kiến màn biểu diễn võ MMA tại Nhà thi đấu CLB Võ thuật Quân khu 7 trong khuôn khổ giải Vô địch Võ cổ truyền và Quyền Anh Cup Lets Viet. Đây là dấu mốc quan trọng giúp thay đổi nhận thức về MMA cho những người còn định kiến với môn võ này. Dù vậy cũng phải mất tới 7 năm để Liên đoàn MMA Việt Nam chính thức được thành lập.

Nguyễn Trần Duy Nhất trên võ đài One Championship.

Cơ hội cho võ sĩ Việt Nam

Xu thế chung trên thế giới hiện nay là rất nhiều các võ sĩ của các môn phái khác chuyển sang thi đấu MMA, nơi tên tuổi và thu nhập của họ có thể tăng lên một cách chóng mặt.

Việc chuyển sang MMA dĩ nhiên không phải là điều ai cũng làm được. Với tính chất một môn võ thuật tổng hợp, các võ sĩ phải am hiểu và thành thạo kỹ thuật ở nhiều môn phái. Ví dụ một VĐV Teakwondo muốn chuyển sang MMA sẽ phải học thêm cách ra đòn của Muay Thái hay những đòn đè, khóa khớp của Judo hay Jujitsu. 

Trên thực tế, dân võ khi đã đạt đến trình độ cao ở một môn phái sẽ không gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang luyện tập một môn khác. Võ sĩ MMA hàng đầu Việt Nam Nguyễn Trần Duy Nhất cũng đã chuyển sang võ tự do với nền tảng là môn Muay Thái.

Việc Liên đoàn MMA ra đời cũng giúp các võ sĩ có được sự “danh chính ngôn thuận” khi tham dự các giải đấu. Chris Lê Tiến Nguyễn, hay còn được biết đến với tên gọi là Chris Nguyễn là một trong những võ sĩ gốc Việt góp mặt tại sự kiện ONE Championship đầu tiên ở Việt Nam, cho biết: "Việc Liên đoàn MMA được thành lập là một điều tuyệt vời. Hồi mà tôi mới luyện tập, MMA và Muay Thái không phổ biến như bây giờ nhưng 10 năm qua các môn thể thao này đã phát triển rất mạnh".

Những cộng đồng MMA khắp Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt, nhất là ở những thành phố lớn. Dragon MMA Fitness tại Hà Nội và Sài Gòn Sport Club ở TP. HCM thường xuyên có số lượng người tập đông đảo lên tới gần 5.000 người. 

Cả nước có khoảng hơn 30 CLB thường xuyên hoạt động tập luyện và thi đấu MMA. Với sự thành lập của Liên đoàn MMA Việt Nam, các võ sĩ nghiệp dư có thể đặt mục tiêu trở thành những võ sĩ nhà nghề trong tương lai, và việc Việt Nam có thêm những niềm tự hào như Nguyễn Trần Duy Nhất là điều nằm trong tầm tay. 

Môn thể thao hái ra tiền

Thống kê năm 2018 có 187 võ sĩ MMA ở Giải Vô địch đối kháng đỉnh cao (Ultimate Fighting Championships - UFC) kiếm được mức thu nhập hơn 100.000 USD trong năm 2018, 37% võ sĩ MMA ở UFC kiếm được ít hơn 45.000 USD. 

Thu nhập trung bình cho một tay đấm MMA ở UFC là 68.500 USD vào năm 2018. Một võ sĩ tại UFC kiếm được bao nhiêu tiền tùy thuộc vào số các trận đấu UFC mà họ đã có trước đó, mức độ nổi tiếng của họ và mức độ thường xuyên tham chiến hằng năm.

Hiện nay, các trận đấu MMA lớn nhất được tổ chức được biết đến thông qua Giải Vô địch đối kháng đỉnh cao (Ultimate Fighting Championships - UFC). Ngoài ra còn có một số tổ chức khác như Bellator Fighting Championships (Mỹ), Cage of Warrior (Anh), One Championships (Singapore), Rizin (Nhật Bản) chuyên tổ chức các trận thi đấu MMA chuyên nghiệp. One Championships lần đầu được tổ chức tại Việt Nam ở nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM tháng 9-2019.

UFC có trận đấu đầu tiên vào cuối năm 1993. Đến năm 2001, giải đấu này được bán lại cho hai anh em Lorenzo và Frank Fertitta với mức giá 2 triệu đôla. Doanh thu và giá trị của UFC liên tục tăng qua từng năm. 

Năm 2015, UFC ghi nhận doanh thu 600 triệu đôla, gấp 12 lần doanh thu của năm 2005. Các trận đấu của UFC được theo dõi tại 1,2 tỷ hộ gia đình, 800 triệu lượt người xem ở 158 nước với hơn 28 ngôn ngữ khác nhau. 

Báo cáo thường niên của Tập đoàn tài chính Moody cho biết doanh thu của giải UFC đã tăng hơn 700 triệu USD kể từ năm 2017, và sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Tiền bản quyền truyền hình mà UFC ký với ESPN đã có giá trị lên tới 150 triệu USD/năm vào năm 2018. 

Năm 2016, anh em nhà Fertitta chính thức bán lại UFC với mức giá 4 tỷ USD và được tờ The New York Times đánh giá là thương vụ có giá trị lớn nhất trong lịch sử thể thao chuyên nghiệp quốc tế. Chủ mới của UFC là Công ty WME, tập hợp một số nhà đầu tư chủ chốt như KKR, Silver Lake Partners và quỹ MSD Capital của tỷ phú Michael Dell.

Đơn Ca
.
.
.