VPF và Ban Kỷ luật của VFF: Chồng chéo, thiếu hiệu quả

Thứ Ba, 17/09/2019, 16:25
Án phạt dành cho Hà Nội và Nam Định sau sự cố bắn pháo sáng ở sân Hàng Đẫy đã được đưa ra, song trong lòng người hâm mộ bóng đá sạch vẫn còn nhiều điều lấn cấn.

Liệu rằng những biện pháp trừng phạt có phần nửa vời đó có đủ để đảm bảo an toàn cho các cổ động viên đến sân xem V.League và các giải đấu khác trong tương lai? 

Trách nhiệm trả lời câu hỏi đó thuộc về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và cả cách phối hợp làm việc của hai tổ chức này.

Không được phép cấm sân

VPF là đơn vị tổ chức V.League, nhưng họ lại không có quyền đưa ra án phạt cho các đội bóng vi phạm kỷ luật. Ông Trần Anh Tú, Giám đốc VPF cũng đã tỏ ra bức xúc khi nói về sự cố trên sân Hàng Đẫy.

Theo ông Tú, VPF đã xuống thực địa sân và họp bàn về công tác an ninh trước một tuần. Các bên liên quan phải vạch ra nhiều kế hoạch cụ thể để bảo đảm an toàn trận đấu, trong đó các vấn đề lực lượng an ninh ra sao, vé phân phối như thế nào, cổ động viên bao nhiêu người, vào cổng nào và ngồi ở đâu… Tất cả đã được lên phương án trong cuộc họp.

Bản kế hoạch đó cũng đã được gửi đến VFF, trong đó có lưu ý vấn đề pháo sáng vốn từng xuất hiện nhiều lần ở sân Hàng Đẫy. Đến ngày 11-9, khi VPF đến kiểm tra lại thì công tác chuẩn bị không đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, Ban Tổ chức sân Hàng Đẫy đã không hoàn thành trách nhiệm được giao và để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ngay sau đó, VPF đã gửi hồ sơ qua Ban Kỷ luật của VFF, kiến nghị xử lý theo đúng quy chế kỷ luật của VFF. Theo lời ông Tú, VPF không thể cấm sân nên VFF kỷ luật như thế nào, thì VPF làm theo như vậy. Nếu VFF cấm sân, VPF sẽ cấm sân, còn vẫn tổ chức thì phải đảm bảo công tác an ninh.

Ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc VPF.

Trước sự cố vừa xảy ra, CLB Hà Nội từng phải đối mặt với án kỷ luật khi để cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trong trận đấu ngày 21-4. Khi đó Ban Kỷ luật của VFF đã đề nghị treo sân Hàng Đẫy 1 trận, nhưng cuối cùng án đã được giảm xuống chỉ còn phạt tiền (mỗi CLB phạt 70 triệu).

Theo lời ông Tú, chính việc xóa án treo sân của Hà Nội đã tạo ra một tiền lệ rất xấu và việc pháo sáng xuất hiện tại Hàng Đẫy trong trận với Nam Định là hệ quả của việc Ban Kỷ luật của VFF đã không thể đưa ra một án phạt đủ nghiêm minh, có tính răn đe với các đội bóng liên quan.

Đến đây, có thể thấy rõ sự “lệch tông” giữa VFF và VPF trong công tác điều hành giải đấu. VPF trực tiếp tổ chức các trận đấu, thường xuyên kiểm tra việc chuẩn bị sân bãi và các biện pháp an ninh, song họ lại không thể trực tiếp đưa ra án phạt nếu các câu lạc bộ hay ban tổ chức sân không đáp ứng yêu cầu.

Thay vào đó, VPF phải gửi công văn đến VFF chờ đợi ban kỷ luật ra phán quyết. Sự việc tại Hàng Đẫy là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cách làm việc quan liêu máy móc này khi Ban Kỷ luật của VFF đã đánh giá thấp những nguy cơ mà VPF cảnh báo.

Tiếp tục đào sâu vấn đề, Ban Kỷ luật của VFF liệu có phải chịu trách nhiệm về sự tắc trách, không đưa ra một lời cảnh báo cụ thể nào đến sân Hàng Đẫy sau khi VPF đã thông báo cụ thể đến họ hay không? Câu trả lời thì nhiều người đã đoán ra, Ban Kỷ luật chuyên đưa ra án phạt, nhưng ai phạt họ thì… không ai biết. 

Kết quả là mọi thứ vẫn y nguyên. Một án kỷ luật được đưa ra, nhưng nó không làm hài lòng tất cả các bên liên quan, kể cả các cổ động viên luôn chờ đợi một giải đấu được điều hành chuyên nghiệp, an toàn và bài bản.

Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng ban Kỷ luật của VFF.

Khi Ban Kỷ luật… không biết bóng đá

VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, khi họ tổ chức một giải đấu cỡ như V.League thì VFF sẽ phải là nơi đứng ra đảm bảo an ninh, an toàn về mọi mặt. Nếu chỉ phạt các đội bóng mà Ban Kỷ luật của VFF không đả động gì đến VPF thì đó vẫn chưa phải là cách giải quyết triệt để vấn đề, bởi VPF là nơi đại diện cho VFF trực tiếp điều hành giải.

Nhưng VPF có hơn 30% cổ phần từ VFF. Đó rất có thể là lý do khiến VPF không phải chịu một án phạt cụ thể nào. Những nhùng nhằng, rắc rối giữa VPF và VFF đang khiến cho bóng đá Việt Nam nói chung và V.League nói riêng thực sự gặp vấn đề trong khâu tổ chức. 

Trở lại vụ việc Hàng Đẫy, VPF đã gửi công văn hỏa tốc đến VFF đề nghị hỗ trợ trước trận, nhưng cuối cùng không có một biện pháp cụ thể nào được đưa ra và pháo sáng vẫn xuất hiện trước mắt của rất nhiều quan chức VFF lẫn VPF. Vậy lỗi ở đây là do ai?

Ban Kỷ luật của VFF thì đã lắm điều tiếng từ thời cựu Trưởng ban Nguyễn Hải Hường, người thường đưa ra những quyết định cảm tính. Kế nhiệm ông Hường là ông Vũ Xuân Thành, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao &Du lịch (đã nghỉ hưu từ năm 2017). Hồ sơ của ông Thành vốn… không liên quan gì đến bóng đá. 

Trong 43 năm công tác, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ như chuyên viên cao cấp, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Bộ Văn hóa - Thông tin (năm 2003); Chuyên viên cao cấp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao (năm 2006) và Chuyên viên cao cấp, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (từ năm 2006 đến khi nghỉ hưu).

Khói pháo sáng mù mịt trên sân Hàng Đẫy.

Khi ông Thành được bổ nhiệm cuối tháng 12/2018, trước câu hỏi: “Cơ sở nào để Ban Chấp hành VFF chọn ông Vũ Xuân Thành giữ chức Trưởng ban Kỷ luật?”, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh trả lời: “Ông Vũ Xuân Thành được Thường trực VFF giới thiệu và bản thân ông Thành cũng nhận lời. 

Với kinh nghiệm nhiều năm làm Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL chắc chắn có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Ngoài ông Thành, trong Ban Kỷ luật còn nhiều thành viên có am hiểu chuyên môn bóng đá, am hiểu luật để giúp xử lý vụ việc kỷ luật theo quy định, phù hợp với thực tiễn phát triển của bóng đá Việt Nam”. 

Nhưng những gì đã diễn ra tại V.League lần này cho thấy ông Trưởng ban Kỷ luật mới có lẽ vẫn… chưa quen việc. Ban Kỷ luật của VFF từng phạt Hà Nội treo sân sau khi pháo sáng xuất hiện tại sân Hàng Đẫy trong trận đấu vòng 6 V.League với Hải Phòng, nhưng rồi lại xóa án khi có sự can thiệp của một ban khác là Ban Giải quyết khiếu nại. Rồi ngay sau đó, pháo sáng xuất hiện trong trận Viettel – Sông Lam Nghệ An thì mức phạt chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng cho 2 đội (kịch khung cho án phạt này là 70 triệu).

Những hình phạt đưa ra theo kiểu bất nhất như thế này chắc chắn không thể mang tính chất răn đe cho các đội bóng. Khi vi phạm không được xử lý một cách triệt để, việc nó lại tái diễn là điều có thể được dự đoán trước. Nhưng liệu có thay đổi nào đó để môi trường bóng đá tốt hơn, trong sạch hơn, chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn được hay không?

Đến giờ, đó vẫn là câu hỏi chưa có trả lời.

Ban Kỷ luật của VFF sai luật?

Theo điểm 6b trong điều 90 Quy định về kỷ luật của VFF ghi rõ: Các quyết định của Ban Kỷ luật có thể bị khiếu nại với Ban Giải quyết khiếu nại VFF trừ trường hợp biện pháp kỷ luật là cảnh cáo, khiển trách, đình chỉ ít hơn 4 trận đấu hoặc tới 30 ngày, phạt tiền đến 10.000.000 đồng và quyết định kỷ luật do vi phạm nghĩa vụ trả tiền. 

Như vậy với án phạt đình chỉ có 1 trận mà Hà Nội phải nhận khi để pháo sáng xuất hiện trên khán đài Hàng Đẫy trong trận gặp Hải Phòng, thì Ban Giải quyết khiếu nại không được can thiệp. Tuy nhiên vì lý do nào đó, Hà Nội vẫn được xóa án và chỉ bị phạt tiền. Ban Giải quyết khiếu nại do ông Chu Hồng Thanh làm Trưởng ban đã khiến mọi người sững sờ khi thay đổi quyết định. Ban này cho rằng, đáng lẽ Hải Phòng mới bị treo sân chứ không phải Hà Nội bởi pháo sáng là xuất phát từ cổ động viên đất Cảng nên đã xóa án cho đội bóng Thủ đô.

Sự “nuông chiều” đó là một phần nguyên nhân dẫn đến việc pháo sáng lại xuất hiện ở Hàng Đẫy. Sau khi Ban Giải quyết khiếu nại của VFF xóa án treo sân Hàng Đẫy, Ban Tổ chức sân đấu này cũng đã có cuộc làm việc với Ban Điều hành V.League 1 2019 để hứa rút kinh nghiệm, lên phương án bảo vệ, kiểm tra gắt gao nhằm hạn chế tối đa những sự cố liên quan đến công tác an ninh, an toàn trong tương lai. Nhưng đúng là “kinh nghiệm là một sợi dây không biết rút bao giờ mới hết”.

Đơn Ca
.
.
.