Van Gaal và những người Hà Lan: Lời giải của số phận

Thứ Hai, 04/01/2016, 14:57
Cơn sốt mang tên Louis van Gaal ngày càng tăng nhiệt. Ông bị sa thải hay không vẫn là một ẩn số, nhưng dù thế nào thì van Gaal cũng sẽ phải bước ra khỏi vũng bùn mà chính ông đã tạo ra. Vấn đề chỉ là thời điểm mà thôi. Từ một người hùng được tung hô, van Gaal đã đi qua con đường như thế nào để biến thành con số 0?
1.Một năm rưỡi trước, van Gaal được coi như người mang hình dáng của Sir Alex Ferguson. Những màn trình diễn mê hoặc và đầy thuyết phục cùng ĐT Hà Lan ở World Cup 2014 với vị trí thứ 3, đã khiến CĐV Man Utd mê mẩn. Từ những chiến thắng ở phút chót, những màn lội ngược dòng, khả năng thay người, đến cả màn kịch chiến tâm lí trên chấm luân lưu… tất cả đều quá hoàn mỹ.

Ông được chào đón như người hùng ở Man Utd. Đội bóng này làm tất cả những yêu cầu dù là nhỏ nhất của van Gaal để mong tạo ra một triều đại mới đầy khí phách, quyền lực và mang hình dáng của kẻ thống trị. Thế nhưng đến giờ, triều đại ấy đã sụp đổ trong tuyệt vọng, với hình thù quái dị, khác hẳn với những gì người ta đã nhìn thấy ở van Gaal.

Đỉnh điểm của sự chán nản là cuộc họp báo kéo dài 4 phút 58 giây của ông. Đó không phải là họp báo mà là màn luận tội của chính van Gaal với báo chí, là màn "xả stress" với những kẻ đã dồn quá nhiều áp lực lên vai ông. Nhưng hệ quả ấy là do chính van Gaal tạo ra, khi ông đã không lường hết được bản chất của một đội bóng đầy sao, đầy truyền thống, đầy tiền và dĩ nhiên là đầy khát vọng. Từ một vị HLV quyền lực, van Gaal rơi vào hoàn cảnh chẳng khác gì Mourinho tại Chelsea. Ông bị CĐV quay lưng, chửi rủa, bị chính cầu thủ phản bội, thậm chí còn công khai chứ không bí ẩn như ở Chelsea.

Van Gaal đang cô độc ở Man Utd.

Hàng loạt cầu thủ gặp thẳng van Gaal để chất vấn ông thầy về đấu pháp, lối chơi tẻ nhạt như cho người ta uống thuốc ngủ. Những người đó gồm đội trưởng Rooney, Carick, Herrera, Mata. Sự bất bình còn lên đỉnh điểm khi họ nói thẳng rằng: Có họ thì không có van Gaal hoặc ngược lại. Uy tín của van Gaal đã ở mức dưới 0. Vì thế chuyện ra đi của ông sẽ chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Trên hành trình từ người hùng thành con số 0, van Gaal đã trải qua rất nhiều sai lầm và những câu chuyện… chẳng đâu vào đâu mà chính ông cũng không lường hết được. Thứ nhất là cách sử dụng tiền. Chưa bao giờ được trao cho nhiều tiền đến thế ở bất kì đội bóng nào, van Gaal đã "ngợp" trong sự đủ đầy, rồi "chết" vì chính điều đó. Thứ hai, sự cố chấp, bảo thủ và cá tính mạnh cũng khiến ông bị tẩy chay. Ở đó, van Gaal đã phải trả giá vì cuộc cách mạng, sự thay đổi mang màu sắc Hà Lan mà ông tưởng sẽ thành công trọn vẹn. Chính những người Hà Lan đã làm sụp đổ triều đại van Gaal.

Hành trình ấy là những câu chuyện, những tham số mà có lẽ, một người chăm chỉ ghi chép như van Gaal cũng không thể viết ra nổi.

Man Utd thời van Gaal (giữa) ngày càng tẻ nhạt.

2. Sau 1 năm rưỡi, cái hình ảnh van Gaal ngồi lì một chỗ trong suốt cả trận đấu khiến bất kì ai cũng phải nóng mắt. Đến những anti-fan của Man Utd cũng khó chịu với kiểu chỉ đạo ấy. Thắng hay thua, hiểm họa hay thăng hoa, lúc căng thẳng hay nhàn nhã, van Gaal đều ngồi cắm cúi ghi chép để chuẩn bị cho… cuộc họp nhạt nhẽo, buồn tẻ ngày hôm sau. Còn diễn biến trên sân thế nào, tâm lí cầu thủ ra sao, cần truyền đạt gì, cổ vũ thế nào, ông chẳng thèm đoái hoài. Riêng điều đó thôi cũng đã khiến van Gaal trở thành HLV nhạt nhất Premier League, bảo sao Man Utd chơi bóng cũng tẻ nhạt như thế.

Nhưng đó chưa phải cái tội lớn nhất. Chưa bao giờ được giao cho nhiều tiền đến thế, van Gaal tiêu xài như một thiếu gia mới nổi. Triều đại của van Gaal đã tiêu tốn của Man Utd hết 261,7 triệu bảng, mang về 13 ngôi sao toàn siêu hạng cả: Di Maria, Schweinsteiger, Falcao, Blind, Rojo, Depay, L.Shaw, Herrera… nhưng chốt lại họ không ủng hộ ông, thậm chí có người chỉ trích lại chính ông. Lí do: họ không phục. Mà khi cầu thủ không phục HLV chắc chắn ông ta phải có vấn đề. Và lịch sử từ xưa đến nay, tất cả những xung đột thầy trò, người thiệt thòi và bị lôi ra "xét xử" luôn là HLV.

Van Gaal luôn đối đầu báo chí trong các cuộc họp báo.

Kỉ nguyên van Gaal, Man Utd bỏ 261,7 triệu bảng tăng cường lực lượng, nhiều gần bằng so với 27 năm quyền lực của Sir Alex, họ kiếm được tổng cộng 99 điểm, trung bình cứ 2,6 triệu bảng mua được 1 điểm. Con số này còn tệ hơn cả triều đại David Moyes. Khi ấy, Moyes cũng là HLV không quen mua sắm. Thời ở Everton, ông làm gì có tiền mà tăng cường lực lượng cả trăm triệu bảng chứ! Mỗi mùa, Moyes tiêu nhiều nhất ở Everton cũng chỉ khoảng 40 triệu bảng.

Về Man Utd, cũng có nhiều tiền nhưng Moyes cũng "biết điều", hiểu mình ở đâu nên chẳng mua bán gì rầm rộ. Ông chỉ bỏ ra có 64,6 triệu bảng mang về 2 nhân vật: Fellaini và Juan Mata. Thời Moyes, Man Utd bị coi là tệ lắm rồi, chỉ có 57 điểm, trung bình mỗi điểm Moyes tiêu hết 1,1 triệu bảng. Điều đó có nghĩa, van Gaal đốt của Man Utd gấp đôi so với Moyes, HLV bị coi là kém nhất Man Utd từ xưa đến nay.

Chưa hết, Man Utd của van Gaal nhiều sao thế, đắt giá thế nhưng cách chơi thì buồn ngủ khủng khiếp. Mỗi trận chỉ ghi cỡ trung bình 1 bàn thì làm sao mà ai chịu nổi??? Đó là nguồn cơn đầu tiên cho thảm kịch của van Gaal, bởi chính ông đã vẽ ra cách chơi thảm hại đến thế.

Tiếp theo, van Gaal là một người Hà Lan, nhưng sự nghiệp của ông lại bị ám ảnh bởi chính những người Hà Lan. Cuộc cách mạng "da cam" mà ông tiến hành ở Man Utd hỏng bét. Bán van Persie, học trò của ông ở ĐTQG có thể đúng, nhưng bán cả Chicharito lại là sai. Tiền đạo này đang là chân sút số 1 Bundesliga trong màu áo Leverkusen.

Trong khi đó, van Gaal mang về Depay, Blind lại là thất bại lớn. Những người Hà Lan đang giết chết tham vọng Hà Lan hóa của van Gaal tại Man Utd. Và trận cân não mới đây nhất của van Gaal cũng là cuộc chiến với một người Hà Lan khác: Guus Hiddink, người chẳng ưa gì van Gaal. Họ là 2 con người ở hai triết lí bóng đá khác nhau hoàn toàn.

Nếu van Gaal cứng nhắc với triết lí "Iron Tulip" (hoa tuylip thép) thì Hiddink được gọi là "Velvet Rose" (hoa hồng nhung). Họ từng nhiều lần công khai chỉ trích nhau, phản biện nhau gay gắt về phong cách, và xung đột nhau mỗi khi ai ddos đưa ra quan điểm. Vì thế, Hiddink và van Gaal chẳng bao giờ đội trời chung.

3.Năm 2014, khi van Gaal về Man Utd, người kế nhiệm ông ở ĐT Hà Lan chính là Guus Hiddink. Nhưng chỉ sau 1 năm, Hiddink cũng phải ra đi với thành tích cực kì tệ hại, không thể đưa Hà Lan tham dự EURO 2016. Hiddink đã kế nhiệm một đội bóng theo trường phái khác hoàn toàn với mình, và đó là một trong những lí do khiến ông thất bại.

Cách đây đúng 15 năm, van Gaal từng đến Ajax là giám đốc thể thao, tức là chức còn to hơn cả HLV (khi ấy là Ronald Koeman). Nhưng rồi giữa họ nảy sinh mâu thuẫn và người ra đi lại là nhân vật có chức to hơn. Đó cũng là lần duy nhất van Gaal từ chức. Bi kịch lớn nhất sự nghiệp của van Gaal cũng lại là với ĐT Hà Lan năm 2001, khi ông không thể đưa đội có mặt ở World Cup 2002. Ngay trong ĐTQG hiện nay, gần nửa đội hình đều không ưa van Gaal, trong đó có Robben, van Persie, Schneider…

Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng này, Hiddink cần sự khẳng định ở Chelsea, còn van Gaal đang vùng vẫy những nỗ lực cuối cùng để tạm thời giữ yên vị trí. Nhưng cuộc chiến này, có vẻ áp lực và thế yếu đang thuộc về van Gaal, khi ông đang bị bủa vây bởi sự chống đối từ mọi phía. Có thể trận hòa 0-0 với Chelsea của Hiddink khiến van Gaal có cớ để "chây ì" không chịu từ chức như dự kiến, nhưng nó chỉ khiến ông thêm tẻ nhạt mà thôi. Tháng 1, van Gaal sẽ sẽ lại gặp người Hà Lan khác, một người cũng từng khiến ông phải từ chức ở Ajax, Ronald Koeman, học trò cũ những cũng chẳng ưa gì ông. Không sớm thì muộn. Bởi lời giải cho số phận của van Gaal luôn là những người Hà Lan!

Những HLV Chelseavà Man Utd

Rất nhiều khả năng van Gaal sẽ không thể tại vị lâu ở Man Utd, và người được coi là nhiều khả năng thay thế ông là Jose Mourinho, người cũng vừa bị Chelsea sa thải. Nếu điều này xảy ra, Mourinho sẽ là HLV thứ 3 dẫn dắt cả hai CLB Chelsea và Man Utd. Hai HLV trước đó cũng đều chuyển từ Chelsea sang Man Utd (chứ không có chiều ngược lại). Và số phận của 2 HLV chuyển từ Chelsea sang dẫn dắt Man Utd này đều không mấy hay ho.

Người đầu tiên dẫn dắt cả 2 CLB Chelsea và Man Utd là HLV nổi tiếng Tommy Docherty. Ở Chelsea (từ 1961 đến 1967), Docherty chỉ có đúng 1 cái League Cup. Có vẻ như khi đến Man Utd vào cuối năm 1972 (ngày 22/12/1972) số phận ông thay đổi với 1 cúp FA và 1 chức vô địch quốc gia. Thế nhưng, câu chuyện chẳng ngọt như mọi người tưởng. Năm 1977, Docherty bị sa thải "đột xuất" vì bị phát hiện có dính líu tình cảm ngoài luồng với vợ của một bác sĩ tâm lí người Mỹ của đội là Laurie Brown.

Người thứ hai là Dave Sexton, chính là HLV được bổ nhiệm thay thế Docherty. Ông có 7 năm ở Chelsea (1967 đến 1974) với 1 cúp FA Cup và 1 cúp C2. Năm 1977, Sexton đến làm HLV của Man Utd, nhưng sau 4 năm ở đây (1977 đến 1981), Sexton bị sa thải khi chỉ có được mỗi 1 danh hiệu Charity Shield (Siêu cúp Anh).

Ấn tượng của ông ở Man Utd chăng có gì, chỉ là một scandal khó hiểu. Sexton loại bỏ Joe Jordan, người ghi hơn 50 bàn trong 3 mùa ở Man Utd để bỏ ra số tiền kỉ lục vào năm 1980 là 1,4 triệu bảng để mua tiền đạo Garry Birtles. Thế rồi tiền đạo mà Sexton nói là hay nhất thế giới này không ghi được bàn thắng nào sau 25 trận cho Man Utd.

Lê Giang
.
.
.