Vấn đề của UEFA Champions League:

Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh không còn... hấp dẫn?

Chủ Nhật, 16/04/2017, 07:08
Bóng đá là môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh. Trong một vài giải đấu hấp dẫn của môn thể thao hấp dẫn nhất, thì UEFA Champions League là giải đấu danh giá nhất, với sức ảnh hưởng còn lớn hơn cả hiệu ứng của giải vô địch thế giới World Cup.


Sức hấp dẫn của Champions League là điều khỏi bàn cãi. Có những đội bóng như Tottenham chẳng hạn, sẵn sàng buông đấu trường Europa League để đảm bảo lực lượng ở Premier League cho mục tiêu nằm trong tốp 4.

Lợi ích mà Champions League lớn tới nỗi để có thể ngồi vào ghế Chủ tịch UEFA, Michel Platini đã phải lấy lòng các quốc gia thành viên thiểu số bằng cách mở rộng quy mô vòng loại và tăng thêm vé đi C1 cho những nền bóng đá nhỏ.

Champions League 1997 là năm đầu tiên UEFA cho phép những đội á quân ở giải quốc nội tham dự sân chơi cao nhất cấp CLB.

Kể từ khi đổi tên thành từ European Cup thành UEFA Champions League vào năm 1993, sân chơi cao nhất cấp CLB ở châu Âu đã thực sự trở thành nỗi thèm khát của đại đa số các CLB bóng đá chuyên nghiệp ở lục địa già. Và những khoảnh khắc huyền diệu ở Nou Camp mà Barca đã tạo ra trước PSG càng nâng tầm đẳng cấp của Champions League. Nhưng đó có phải là tất cả về Champions League?

Từ quá khứ đến hiện tại

Có tổng cộng 62 bàn thắng được ghi sau 16 trận đấu ở vòng knock-out đầu tiên mùa giải Champions League năm nay. Trung bình, lưới rung 3.8 lần/trận. Với các CĐV trung lập, những người đá phải chờ tới 29 ngày để biết được những cái tên sẽ góp mặt ở tứ kết thì sự kiên nhẫn của họ rõ ràng đã được đền đáp xứng đáng.

Đó là cuộc lội ngược dòng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử mà Barca làm được trước PSG. Lần đầu tiên, có một đội đi tiếp dù bị dẫn trước với khoảng cách 4 bàn trong trận lượt đi.

Đó là cuộc lật đổ ngoạn mục của Monaco trước Man City, của một đội bóng non trẻ và kinh phí eo hẹp trước một trong những CLB nhiều tiền của nhất hành tinh lúc này. Và đó là câu chuyện thần tiên mà Leicester viết nên, khi họ là đại diện duy nhất của nước Anh góp mặt ở vòng tứ kết.

Nhưng sự hấp dẫn của Champions League ngày nay tới từ thể thức thi đấu hiện đại. Nhờ quy mô mở rộng mà đại đa số các đại gia nằm trong nhóm hạt giống giúp đảm bảo đối thủ ở vòng bảng là những đối thủ "dễ xơi". Ngay cả khi đã vượt qua vòng bảng thì vòng 1/8 cũng nằm trong tầm kiểm soát chủ động của những CLB lớn.

Vì ngay từ cách bốc thăm phân loại hạt giống, UEFA đã đảm bảo ngôi đầu bảng sẽ rơi vào tay đội lớn và những đội nhì bảng - đối thủ tiềm năng trong vòng 1/8 - vẫn còn một khoảng cách khá chênh lệch.

Công bằng mà nói, UEFA Champions League chỉ thực sự hấp dẫn từ vòng tứ kết trở đi, khi mọi thứ tinh hoa của bóng đá nhân loại đều sẽ tập trung ở đây theo đúng tính toán của UEFA.

Phải rất lâu nữa để một phép màu như Barca tạo ra trước PSG xuất hiện ở Champions League.

Nhưng ngày xưa, thời mà giải đấu còn được biết đến dưới tên gọi European Cup, người ta không cần đợi tới 7 tháng (từ tháng 9 khởi tranh năm nay tới tháng 4 năm sau) để được sống trong bầu không khí nghẹt thở.

Với thể thức đối đầu trực tiếp xuyên suốt giải và cách bốc thăm ngẫu nhiên, rất nhiều cặp đấu kinh điển đã sớm xuất hiện ngay từ phút khởi tranh. Mùa giải 1987-1988 là một ví dụ.

Real và thế hệ vàng của mình, bao gồm ngôi sao quốc dân Emilio Butragueno đối đầu với Napoli của cậu bé vàng Diego Maradona. Ngày ấy, phải là những đội bóng xuất sắc nhất trong các khái niệm xuất sắc mới được phép dự European Cup. Hoặc là nhà vô địch quốc gia, hoặc tham dự với tư cách đương kim vô địch giải.

Lượt đi, hai đội đá trên sân bóng không có khán giả vì án phạt Real phải nhận sau sự cố ở trận đấu gặp Bayern mùa trước. Real thắng tương đối nhẹ nhàng 2-0. Về Italia, Napoli nhanh chóng thắp lên tia hy vọng đi tiếp nhờ bàn thắng sớm của Francini ở phút thứ 9, nhưng bàn gỡ hòa của Emilio Butragueo ngay trước giờ nghỉ đã chấm dứt giấc mơ châu Âu của đội chủ sân San Paolo.

Ngay trong trận đấu đầu tiên ở châu Âu, Napoli đã phải dừng bước. Cũng không hẳn là vì khoảng cách trình độ giữa họ và Real, mà chủ yếu là bởi sự khắc nghiệt trong thể thức "mỳ ăn liền" ngày ấy, nơi không có chỗ cho một sai lầm dù là nhỏ nhất.

Silvio Berlusconi, ông chủ của Milan ngồi trên khán đài quan sát trận lượt về. Ông liên tục phàn nàn với chủ tịch FIFA rằng tại sao lại để hai đội mạnh gặp nhau quá sớm. Một lý do khác, là Berlusconi sợ đội bóng của ông sẽ rơi vào tình cảnh tương tự giống Napoli nếu tham dự cúp châu Âu.

Từ đó, một ý tưởng về "Giải siêu vô địch châu Âu" xuất hiện với mục đích đảm bảo tính công bằng cho các đội lớn. Tuy ý tưởng này không lập tức đi vào thực tiễn nhưng hiện tượng hàng loạt đội bóng mạnh rớt đài từ sớm buộc UEFA phải thừa nhận, họ sẽ xem lại hình thức tổ chức giải đấu. UEFA Champions League liền ra đời.

Sự vô tình "đáng yêu"

Thể thức hiện đại giúp UEFA tối ưu nguồn tiền và cơ hội tranh tài của các đại gia, nhưng nó lại triệt tiêu tính bất ngờ, vốn là một đặc tính tiêu biểu của bóng đá trong quá khứ.

Ngày xưa, trước mỗi kỳ khởi tranh là người hâm mộ lại đoán già đón non, không biết đội bóng của mình sẽ bốc thăm phải ai khi không hề có bất kỳ nguyên tắc nào. Thời ấy, một CLB chính là đại diện của một quốc gia, với tính địa lý và bản sắc được đề cao.

Sẽ rất khó để những câu chuyện thần tiên như Sao đỏ Belgrade 1991 lặp lại.

Rất nhiều tạp chí đã ăn theo sự "vô tình" trong cách sắp xếp cặp đấu ở European Cup, như quãng đường mà các đội bóng Anh phải di chuyển, đội nào phải di chuyển sang Đông Âu - vùng đất đầy huyền ảo trong mắt phương Tây.

Trước ngày Internet phổ cập toàn cầu và sự sụp đổ của "Bức màn sắt" (đường biên giới chia đôi châu Âu sau thế chiến thứ hai), nếu có một cặp đấu mà một trong hai đội phải đi qua đường biên giới ở Viên (thủ đô Áo) để tới địa điểm thi đấu, khán giả sẽ rất tò mò về những câu chuyện thần thoại về mảnh đất xa xăm ngoài kia. Bóng đá khi ấy sẽ không chỉ là trò tranh bóng của 22 người đàn ông. Đó còn là những kỷ niệm không bao giờ có thể quên, để những người chồng, người cha kể lại cho con cháu sau này

Những khán giả trên khán đài, nghe lời giới thiệu của điều phối viên trận đấu bất giác nhận ra những cái tên quen thuộc họ từng bắt gặp ở một kỳ World Cup, nhưng là khoác lên mình chiếc áo khác, lạ lẫm và đầy bí hiểm.

Nottingham Forrest đi vào lịch sử nhờ thể thức giải đấu cũ kỹ kia. Họ bước vào mùa giải 1978-1979 với vốn kinh nghiệm tích lũy ở châu Âu bằng... 0. Ngay ở vòng đầu tiên, thầy trò Brian Clough đã phải đụng độ... Liverpool.

Nhưng họ không chỉ vượt qua The Kop, mà còn nhiều hơn thế. Vô địch European Cup trong lần đầu dự giải, và tiếp tục bảo vệ thành công vương miện. Trong lịch sử, Nottingham chính là CLB duy nhất vô địch Cúp châu Âu nhiều hơn giải quốc nội.

Yếu tố bất ngờ đã luôn tồn tại và song hành cùng European Cup. Những khoảnh khắc bùng nổ sẽ trực chờ và sẵn sàng phát tác. Bóng đá hấp dẫn vì tính khoảnh khắc, điều mà bối cảnh hiện tại không cho phép.

Chúng ta phải đợi cả thập kỷ để chứng kiến một hiện tượng ngược dòng của Barca, nhưng cha ông ta năm nào cũng có thể tận mắt nhìn thấy một cuộc lật đổ kỳ diệu ở Cúp C1 châu Âu: Sao đỏ Belgrade và thứ bóng đá cực đoan tẻ nhạt 1991, Ajax và trường phái tổng lực 1994, Marseille và vụ bán độ thế kỷ 1993.

Lịch sử "thể thức" thi đấu đã thay đổi thế nào qua thời gian?

Mùa 1992/93, Champions League loại bỏ thể thức đối đầu trực tiếp từ vòng một và thay vào đó bằng thể thức đá vòng tròn theo bảng. Tới năm 1997, UEFA đưa ra một quyết định lịch sử, cho phép các đội á quân ở các giải VĐQG trong hệ thống được phép tham dự Champions League. Tức là, tiêu chí lựa chọn của UEFA đã đi ngược lại với tên gọi của giải đấu "Giải dành cho các nhà vô địch".

Tới năm 1999, trước gói tiền bản quyền truyền hình màu mỡ, UEFA lại điều chỉnh điều lệ, cho phép những nền bóng đá hàng đầu cử 4 đội tranh tài. Vào năm 2005, nước Anh thậm chí đã có 5 đại diện dự giải khi Everton đứng thứ 4 ở Premier League trong khi Liverpool là ĐKVĐ.

Sự kiện này gây ra những tranh cãi không hồi kết. Nhà vô địch của xứ Wales phải bắt đầu chiến dịch Champions League từ vòng sơ loại thứ nhất vào ngày 28/6 (coi như hy sinh kỳ nghỉ hè cho cầu thủ) còn Tottenham chỉ cần đứng thứ 3 là có vé vào thẳng vòng bảng Champions League.

Những người theo chủ nghĩa hoài cổ càng có lý do để chỉ trích UEFA, vì chỉ có 3/8 ở tứ kết Champions League mùa này là những nhà vô địch quốc gia (Barca, Juve và Leicester).

Cùng lúc đó, Arsenal đã tham dự 11 mùa liên tiếp chỉ bằng việc kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4 mà không cần phải vô địch. Vậy "vô địch quốc gia" hóa ra là thừa thãi và vô nghĩa ư - cựu danh thủ Gary Lineker đặt câu hỏi.

Trong một báo cáo của công ty Nielsen chuyên làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, tỷ lệ khán giả theo dõi Champions League chỉ tăng đột biến vào cuối tháng 2, khi kỳ nghỉ đông kết thúc. "Nói theo tiêu chí thị trường, thì vòng bảng Champions League tổ chức cho... có à", HLV Marcelo Lippi kết luận.

Đơn Ca
.
.
.