Vấn đề của bóng đá đông Nam Á: AFF Cup giá bao nhiêu?

Thứ Hai, 17/12/2012, 15:45

Sẽ có người cười mỉa mai cách đặt vấn đề trên đây, bởi ai lại đi tính chuyện "giá cả" với một giải bóng đá cấp quốc gia được cho là tinh túy nhất khu vực. Nhưng nếu có mặt ở hiện trường và nội soi một  hiện trường nhàn nhạt, ỉu xìu… hẳn sẽ thấy một cách đặt vấn đề như thế không vô lý chút nào. Phải, AFF Cup giá bao nhiêu nhỉ?

Từ những chuyện nhặt nhạnh ở Bangkok

Bangkok những ngày tháng 11 mưa/nắng thất thường, vì thế cách di chuyển bằng taxi, chứ không phải xe ôm hay tuk tuk… luôn là phương án được chúng tôi ưu tiên chọn lựa. Chỉ có một phiền hà nho nhỏ: Từ tầm 4 giờ chiều cho đến 8 giờ tối, phần lớn các con phố chính ở Bangkok đều tắc đường trầm trọng, khiến những chiếc taxi phải nhích từng cm đầy khó chịu.

Song cũng nhờ sự "tắc đường khó chịu" ấy mà cánh phóng viên Việt Nam đến Bangkok tác nghiệp vòng bảng AFF Suzuki Cup năm nay có điều kiện nói chuyện với các anh tài xế thỏa thích. Mà phải công nhận, phần lớn tài xế Thái đều nói tiếng Anh rất khá, và rất duyên. Chuyện món ăn Thái, quần áo Thái, văn hóa Thái…. tất tần tật đều được họ quảng bá "ngọt ngào".

Rồi những chuyện như boxing Thái, Muay Thái (những môn thể thao cổ truyền của Thái Lan) hay futsal Thái (môn bóng đá trong nhà vốn rất thịnh hành ở Thái) đều được họ kể lưu loát, thăng hoa y như vậy. Nhưng lạ là cứ nhắc đến AFF Suzuki Cup thì phần lớn đều… tắc tịt. Nhiều anh taxi vẫn hỏi ngược chúng tôi: "AFF Cup diễn ra ở đây à?". Thậm chí có anh còn hỏi: "AFF Cup là cái gì thế?".

SVĐ Rajamangala lặng lẽ trước giờ khai cuộc AFF Cup năm nay.

Một ngày trước khi giải đấu diễn ra, quanh SVĐ QG Rajamangala thậm chí không có dù chỉ là một bandrone quảng bá cho giải. "Đột nhập" vào trong sân, tìm đỏ con mắt mới thấy ở 4 cột cờ tại 4 góc sân có gắn 4 lá cờ nho nhỏ bằng lòng bàn tay in dòng chữ "AFF Suzuki Cup 2012" rồi chấm hết.

Đến khi đội chủ nhà Thái Lan vào trận, gặp một đối thủ được dự đoán là "rất khó đánh bại" như Philippines thì cái SVĐ 80.000 chỗ ngồi bỗng trở nên "quê kiểng" với chỉ 1,2 vạn khán giả ngồi lọt thỏm ở 4 phía khán đài. Tóm lại, AFF Cup thì mặc AFF Cup. Cuộc sống ở Bangkok vẫn diễn ra như hằng ngày, như những khi không có AFF Cup, không có sự hiện diện của các ĐTQG với những ngôi sao bóng đá hàng đầu khu vực.  

Nhìn tình cảnh này, chợt nhớ tới việc người hâm mộ Việt Nam từng chen chúc rồi tranh cãi, giành giật nhau để có được một chiếc vé xem ĐT đá ở sân Mỹ Đình trong những trận cầu chính thức. Lại nhớ hồi 1998 hay 2010, khi AFF Cup được tổ chức ở Việt Nam thì từ ông xe ôm đến bà bán rau (những người mà phần lớn đều  không biết quá nhiều về bóng đá) luôn có thể nói vanh vách về các đội dự giải, các ngôi sao trong giải, rồi những ứng cử viên vô địch cho giải nữa.

Phải chăng người Thái không yêu bóng đá bằng người Việt? Ấy chết, nghĩ thế mà "phải tội". Bởi nếu người Thái không yêu bóng đá thì các CLB lẫy lừng như M.U hay Liverpool đã không dại dột mở rộng thị trường bán sản phẩm của mình tại Thái từ hàng chục năm nay.

 Nếu người Thái không yêu bóng đá thì các CLB, các ĐTQG danh tiếng trên thế giới (trong đó có cả đội 5 lần vô địch thế giới Brazil) cũng không dại dột chọn Thái làm địa điểm du đấu của mình. Và nếu người Thái không yêu bóng đá thì giải futsal thế giới mới tổ chức ở Thái đã không được quan tâm, đốt nóng đến mức nhiều anh lái taxi đã nói vanh vách cho chúng tôi về giải đấu này.

 Thế thì vì sao người Thái lại thờ ơ, vô cảm với AFF Cup đến thế nhỉ? Đơn giản chỉ vì AFF Cup sau 16 năm tồn tại dường như đã không còn giá trị, không còn sức nóng như thủa ban đầu! 

…Đến một thực tế thụt lùi đáng báo động

Kể từ năm 2004, những nhà tổ chức AFF Cup (năm đó vẫn mang tên cũ là Tiger Cup) đã nghĩ ra một thể thức thi đấu khác người với việc các trận bán kết, chung kết thay vì được tổ chức ở một địa điểm, lại diễn ra theo kiểu lượt đi/lượt về. Lý giải cho kiểu thi đấu khác người ấy, người ta bảo cần phải tăng số lượng các trận đấu trong giải để các đội bóng được cọt xát nhiều hơn, giúp bóng đá ĐNA phát triển hơn. Chẳng biết đúng là do mục đích "các đội bóng được cọ xát nhiều hơn" hay do các nhà tài trợ muốn hình ảnh của mình được xuất hiện nhiều hơn, nhưng có một điều chắc chắn rằng: Sau 16 năm, chất lượng giải đấu không những không lên, mà còn xuống.

Nếu hơn chục năm trước, hồi còn mang tên cũ "Tiger Cup", giải đấu này qui tụ cả một chùm sao trẻ trung, giàu sức sống như Bima Sakti (Indonesia), Kiataisak (Thái Lan), Fandi Amad (Singapore), hay những Hồng Sơn, Huỳnh Đức (Việt Nam)… thì đến giờ, lướt qua các đội bóng, người ta không tìm thấy hình ảnh của những ngôi sao như thế.

Các CĐV Thái đánh đàn cổ vũ đội nhà, nhưng tiếng đàn như càng khoét thêm vào sự vắng vẻ của cái sân vắng người. Ảnh: Quang Minh.

Sự thiếu vắng các ngôi sao đương đại được thể hiện điển hình với việc Singapore phải sống nhờ đôi chân của "lão già" Duric ở tuổi 42 - cái tuổi mà nhiều cầu thủ đã chuyển sang nghiệp HLV, hay Thái Lan phải dựa vào một thứ giá trị đã hết thời như Thonglao - thứ giá trị thậm chí đã không thể phát huy ở sân chơi V.League. Riêng Philippines - đội bóng cứ được nói quá lên là "một giá trị mới" hay "một thách thức mới" lại phải thở nhờ lá phổi của những "ông Tây" nhập tịch - những người mà trình độ chuyên môn cũng không khá hơn so với cầu thủ ĐNA hiện thời.

Ở một bối cảnh mà những đội bóng chiếu trên như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore cạn nguồn trong việc đào tạo cầu thủ thì những đội bóng chiếu dưới như Lào hay Myanmar có được nâng chất đôi phần. Chính cái sự "trên đi xuống, dưới đi lên" như thế mà các trận đấu đã không tạo nên những cơn mưa gôn với những tỉ số cách biệt 7,8 bàn như trước nữa, mà đã diễn ra giằng co, quyết liệt hơn.

Điển hình nhất là trận Indonesia - Lào ở bảng B (tổ chức tại Malaysia), trận đấu mà ai cũng nghĩ Indo thắng dễ nhưng rốt cuộc thì cầu thủ Indo chỉ có thể gỡ hòa 2-2 vào đúng những phút cuối cùng. Tuy nhiên có "nội soi" trận đấu này mới thấy đó chỉ là trận đấu làm "vui mắt" người xem bằng một kịch bản giằng co, chứ không phải là trận đấu mà nhân vật chính - ĐT Lào hứa hẹn một sự phát triển vượt bậc trong tương lai. Bởi thứ nhất, qui luật đào tạo, phát triển bóng đá bao giờ cũng vậy: hành trình đưa một đội bóng yếu kém lên mức khá luôn ngắn hơn rất nhiều so với hành trình giúp một đội bóng sau khi lên khá có thể vượt tầm sang mức "giỏi".

Và thứ hai, ngay cả trong một trận đấu được người ta thi nhau đánh giá là ấn tượng thì ĐT Lào vẫn thể hiện hàng loạt sai sót rất nghiệp dư, mà rõ nhất là một chiếc thẻ đỏ vô duyên, không đáng có trong bối cảnh đội mình đang ở thế hơn người, hay một pha ói bóng ngớ ngẩn, giúp đối phương gỡ hòa 2-2 của anh chàng thủ môn ở đúng những phút cuối cuộc chơi. Chất lượng chuyên môn đi xuống đã đành, AFF Cup càng lúc càng cho thấy những thế lực bóng đá ĐNA đang bất lực trầm trọng trong việc giải thoát mình khỏi cái vòng kim cô ở một khu vực vẫn được ví von là "vùng trũng".

Bằng chứng là sau chức vô địch năm 2002, bóng đá Thái Lan quá no nê chán nản với những chiếc cúp vàng khu vực nên đặt mục tiêu vươn lên tầm châu Á. Nhưng mục tiêu chưa kịp thành hình thì người Thái lại thua lẻng xẻng ở chính "ao làng" ĐNA, và thế là AFF Cup năm nay - sau đúng 12 năm, Thái Lan lại đặt quyết tâm vô địch "ao làng" hệt như 12 năm trước.

Những "đỉnh cao" ĐNA còn lại như Malaysia Singapore, Việt Nam… thì thậm chí chưa kịp no nê những cái cúp trong "ao" lại đã nhanh chóng đánh mất nó, để rồi đến lúc này, một chiếc cúp như thế đang là một nỗ lực, một khát khao khôn cùng. Trong một buổi họp báo trước trận Việt Nam - Myanmar, đã có một phóng viên láu lỉnh đặt câu hỏi với HLV trưởng Phan Thanh Hùng của ĐTVN: "4 năm trước Việt Nam đã vô địch ĐNA, và bây giờ vẫn đặt mục tiêu vô địch ĐNA là sao?".

Hỏi như thế cũng đã là trả lời rồi đấy! Cái hàm ý trả lời về một khu vực bóng đá mà một "giấc mơ con", một "sức lực con" đã và đang đè nát những "cuộc đời con"! 

Lối ra nào cho tương lai?

Những ngày tác nghiệp ở Bangkok, bên cạnh việc "bám chặt" những diễn biến của ĐTVN, tôi thường lang thang quanh SVĐ QG Rajamangala vào các buổi chiều. Khác với SVĐ QG Mỹ Đình ở ta, khu vực quanh sân Rajamangala không được tận dụng để "cho thuê mặt bằng" kiếm tiền, mà được chính quyền sử dụng mở "chợ đêm" rồi để cho người dân vào tập thể dục, cho những em bé vào kê gôn đá bóng…

Không hiểu sao tôi có niềm thích thú vô tận với các trận đấu 4-5 người của các em bé trên những "sân bê tông" như thế, và thậm chí đã hơn một lần xỏ giày đá bóng cùng các em. Và tôi hỏi một cậu bé chỉ chừng 14, 15 tuổi: "Cháu có biết AFF Cup đang diễn ra ở trong kia không?". Nó bảo: "Có chứ, hôm qua, ĐT Thái Lan thắng 2-1". Tôi lại hỏi: "Cháu yêu bóng đá không?". Nó trả lời: "Có ạ, cháu yêu Ronaldo lắm!". Và tôi hỏi câu cuối cùng: "Cháu sẽ trở thành cầu thủ chứ?". Thằng bé nói thế này: "Bố mẹ cháu bảo không nên làm cầu thủ".

Vì vốn tiếng Anh của thằng bé có hạn, nên chúng tôi đã không thể phát triển câu chuyện. Nhưng tôi trộm nghĩ miên man rằng: Ở một nền bóng đá lâu nay chúng ta vẫn coi như tấm gương của mình - bóng đá Thái Lan mà vẫn có những bậc phụ huynh không tin tưởng vào con đường bóng đá của con em mình thì bóng đá ở cái "vùng trũng" này phải còn rất lâu nữa mới có thể vươn tầm châu lục?

Tôi nghĩ thế, và cầu mong mình đã  nghĩ sai!

Bệnh…!?

Rajagobal - người đưa ĐT U.23 Malaysia vô địch SEA Games năm 2009, rồi lại đưa ĐTQG Malaysia vô địch AFF Suzuki Cup 2010 được nhìn nhận là một công thần, một tượng đài chiến thắng của bóng đá Malaysia. Một người như thế những tưởng sẽ có một vị trí bất khả xâm phạm, ít nhất là ở thời điểm hiện nay. Thế mà chỉ ngay sau trận ra quân, Malaysia chơi không như ý (thua đội khách Singapore 0-3) là các fan hâm mộ Malay đã đòi ông này từ chức, thậm chí đã có người gọi điện, gửi thư chê trách ông thậm tệ. Nghe đâu những nhà lãnh đạo bóng đá Malaysia cũng đang tạo một áp lực ghê gớm lên chính người mà 2 năm về trước họ rất mực tung hô. Đấy có phải là biểu hiện trầm trọng của một căn bệnh thiếu kiên nhẫn - căn bệnh khiến người ta không thể cất cánh bay xa? Nếu nó quả nhiên là "bệnh", thì ai cũng thấy ở ĐNA không riêng gì bóng đá Malaysia mang "bệnh".

Phan Đăng (từ Bangkok, Thái Lan)
.
.
.