Vận động viên Mỹ phải đóng “thuế chiến thắng”

Thứ Tư, 31/08/2016, 12:23
Sau niềm vui chiến thắng tại đấu trường thể thao danh giá nhất hành tinh là Olympic mùa hè Rio 2016, những nhà vô địch người Mỹ phải đối mặt với việc bị đánh thuế từ chính những chiếc Huy chương Vàng Olympic mà họ đoạt được.

Để vinh danh các nhà vô địch, với mỗi tấm Huy chương Vàng đoạt được, vận động viên sẽ  nhận thưởng 25.000 USD từ Ủy ban Olympic Mỹ (USOC). Khoản thưởng thành tích đoạt Huy chương Bạc là 15.000 USD và Huy chương Đồng ở mức 10.000 USD.

Tuy nhiên, các vận động viên Mỹ không thể hưởng trọn số tiền thưởng,  mà phải chịu thuế thu nhập với các khoản thưởng và ngay cả với chiếc huy chương mà họ phải thi đấu cật lực mới đoạt được. Theo luật, tất cả công dân Mỹ dù kiếm được tiền ở đâu đều phải chịu thuế, và các vận động viên ví von đây là “thuế chiến thắng”. 

Tỷ lệ tính thuế tùy theo khoản thưởng và giá trị thực tế của huy chương. Như vậy, tay bơi lừng danh Michael phải nộp “thuế chiến thắng nhiều”, do anh đoạt 5 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc tại Olympic Rio 2016.

Tay bơi Mỹ Michael Phelps phải đóng “thuế chiến thắng” nhiều vì đoạt nhiều huy chương vàng.

Theo số liệu do tạp chí Forbes công bố, nếu so với những kỳ Olympic trước đây, các huy chương năm nay có trọng lượng lớn hơn. Cụ thể huy chương vàng và bạc chế tác từ 500g bạc, còn huy chương đồng dùng khoảng 500g đồng. Giá trị thực tế của một chiếc huy chương vàng tại Olympic Rio 2016 vào khoảng 564 USD, huy chương bạc là 305 USD, còn huy chương đồng có giá trị không đáng kể.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer là một trong những người tích cực chống lại dự luật này, tuy nhiên những kiến nghị thay đổi vẫn chưa đem lại kết quả. Ông nhấn mạnh: “Những người hùng Olympic và Paralympic của chúng ta cần thời gian và tâm trí để phá vỡ những kỷ lục thế giới chứ không thể để họ vướng bận về việc tiền bạc ngay khi chiến thắng và có được huy chương”.

Vị thượng nghị sĩ cho rằng việc đào tạo nên một vận động viên không hề rẻ, hầu hết các nước đều đứng ra tài trợ cho tài năng thể thao của họ. Trong khi đó, Mỹ không có chính sách hỗ trợ vận động viên, đa số thường tự lo chi phí qua việc hợp tác với các doanh nghiệp hay huấn luyện. 

Đã thế, những nhà vô địch từ nền kinh tế lớn nhất thế giới còn phải gánh thêm khoản thuế khi đem về vinh quang cho đất nước. Yêu cầu thay đổi quy định này đã được gửi tới Thượng viện Mỹ và thông qua trong tháng trước. Nhưng khi qua “ải” Hạ viện, nó vẫn chưa có được sự đồng thuận.

Tuy nhiên, trang CNN Money nêu ý kiến của giáo sư Steven Gill thuộc Đại học San Diego rằng ngay cả khi dự luật thay đổi được thông qua, tình hình vẫn không cải thiện nhiều cho các vận động viên Mỹ. Cụ thể lúc đó USOC sẽ tìm mọi cách giảm khoản tiền thưởng để bù lại số thuế không phải đóng.

“Giảm thuế chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, một giải pháp mang tính cấp bách ngắn hạn. Vấn đề cốt lõi là tiền thưởng mà vận động viên Mỹ nhận được chả thấm vào đâu so với những quốc gia khác. Do đó cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn để họ có thể toàn tâm toàn ý thi đấu và cống hiến”, Giáo sư Gill nói.

Vị giáo sư cũng cho biết nhiều người bảo rằng không chỉ thể thao mà cả ở những giải thưởng toàn cầu khác, những người đoạt giải đều phải đóng thuế thu nhập. Nhưng ông cho rằng so sánh này là khập khiễng, ví dụ những nhà khoa học đoạt giải Nobel nhận đến cả triệu USD tiền thưởng, trong khi đó vận động viên đoạt huy chương vàng chỉ tầm 600 USD lại bị soi xét quá mức. 

Minh Long
.
.
.