Vận động viên kiếm tiền từ quảng cáo: Sự nghiệp có bao lâu mà… hững hờ

Chủ Nhật, 21/07/2019, 14:34
Không hài lòng với phong độ gần đây của Quang Hải, bầu Hiển của CLB Hà Nội đã trực tiếp nhắc nhở cầu thủ ngôi sao của đội cần tập trung vào chuyên môn, thay vì những hợp đồng kinh tế ngoài sân cỏ. Chắc chắn đó là lời khuyên cần thiết cho một người vừa mới qua tuổi đôi mươi như Quang Hải. Nhưng nhìn ở một góc độ rộng hơn, việc các cầu thủ nổi tiếng "tận thu" trong giai đoạn hoàng kim của mình liệu có đáng trách?


Thời thương hiệu hoàng kim

Quang Hải và đồng đội đã có được rất nhiều bản hợp đồng quảng cáo sau những màn trình diễn thành công của U23 và ĐTQG Việt Nam thời gian gần đây. Lứa của Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Đình Trọng, Đức Huy, Đức Chinh… nhận được tình cảm lớn từ người hâm mộ.

Họ không chỉ đơn thuần là những cầu thủ tài năng mà còn trở thành những nhân vật của công chúng, nhất cử nhất động đều rất được chú ý. Như một lẽ tất yếu, các doanh nghiệp vốn rất nhạy bén với thị trường tìm đến họ, đưa các cầu thủ trở thành gương mặt đại diện hay ký những hợp đồng quảng cáo hấp dẫn.

Quang Hải cần tập trung phát triển sự nghiệp bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập bên ngoài.

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá Việt Nam, các cầu thủ lại xuất hiện trên truyền hình mà không phải là ở trong các trận đấu lại nhiều như thế. Vừa thấy Quang Hải uống bia đã gặp Bùi Tiến Dũng xuất hiện trong một quảng cáo cho doanh nghiệp thương mại điện tử, chắc chắn cùng với đó là khoản tiền không nhỏ đổ vào tài khoản của họ. Đó còn chưa kể đến các hình thức quảng bá khác. Trên Facebook, một post quảng cáo của Quang Hải được chào giá không dưới 200 triệu đồng.

Chỉ một con số đó đủ nói lên sức hấp dẫn từ tên tuổi các cầu thủ ở thời điểm hiện tại. Rõ ràng, với việc "kinh doanh" thương hiệu của mình, các ngôi sao của bóng đá Việt Nam đang có mức thu nhập rất cao bên cạnh lương thưởng ở CLB và trên đội tuyển. Họ có thể khoác lên mình những bộ cánh hàng hiệu, mua những chiếc xe hơi sang trọng và hưởng thụ một cuộc sống vật chất đầy đủ ngoài giờ luyện tập, thi đấu.

Không còn phải đau đầu về chuyện mưu sinh, lứa cầu thủ hiện tại cũng tránh được những thói hư tật xấu từng một thời là vấn nạn của bóng đá Việt Nam. Nhiều thế hệ tài năng từng "nhúng chàm" chỉ vì cờ bạc, cá độ để có thêm "đồng ra đồng vào". Nay, chuyện đó gần như không có ở thế hệ Quang Hải và  đồng đội. Nhờ thế mà niềm tin vào bóng đá nội trở lại một cách mạnh mẽ mà thước đo không thể chính xác hơn là tình cảm của người hâm mộ.

Dĩ nhiên, đối với một cầu thủ hay bất cứ nghề nghiệp nào, chuyện chuyên môn vẫn là quan trọng nhất. Đồng tiền có ma lực khủng khiếp, nhưng nếu trở thành nô lệ của nó, việc xao nhãng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt với các cầu thủ mới qua tuổi đôi mươi, bản lĩnh và kinh nghiệm sống còn nhiều hạn chế. Họ rất cần những lời khuyên, thậm chí răn đe để giữ mọi thứ ở trong khuôn khổ. Lời nhắc nhở của bầu Hiển là một ví dụ.

Việc cân bằng giữa chuyên môn và cuộc sống ngoài sân cỏ vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cầu thủ mà còn tác động lâu dài đến tương lai của họ sau khi đã giải nghệ. Không hiếm những tấm gương cho các cầu thủ trẻ hiện tại nhìn vào để học hỏi.

Chuyện của Tiến Minh và Công Vinh

Nguyễn Tiến Minh là một VĐV hiếm hoi của Việt Nam đạt đến đẳng cấp thế giới và anh cũng là trường hợp hiếm của thể thao Việt Nam luôn duy trì được nguồn thu nhập cao bất chấp phong độ giảm sút theo thời gian.

10 năm trở lại đây, thu nhập của Tiến Minh luôn trên dưới 1 tỷ/năm. Nguồn thu này đến từ hai nguồn chính: tiền thưởng từ những giải cầu lông anh tham dự và tiền từ các nhà tài trợ. Thời đỉnh cao phong độ, hai nguồn thu này ở mức 50/50. Tuy nhiên, khi đã lớn tuổi, nguồn thu từ giải thưởng ở các giải đấu dần dần giảm sút, thu nhập chủ yếu của Tiến Minh đến từ nhà tài trợ.

Một trong những điều giúp cho Tiến Minh trở thành thương hiệu lớn trong làng thể thao Việt Nam, ngoài chuyên môn xuất sắc còn là một lý lịch "sạch sẽ" cùng hình ảnh luôn nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ. Cuối tháng 4 vừa rồi, ở tuổi 36 và đang xếp hạng 75 thế giới, Tiến Minh gây bất ngờ lớn khi lọt vào đến bán kết giải vô địch châu Á và có được tấm Huy chương Đồng.

Tiến Minh chính là một hình mẫu cho các VĐV trẻ học tập. Những giọt mồ hôi trên sân tập và ý chí thi đấu kiên cường được tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam duy trì trong suốt sự nghiệp. Ngay cả sau khi giải nghệ, Tiến Minh vẫn có thể sống ổn nhờ danh tiếng của mình.

Một hình mẫu khác, trực quan hơn với thế hệ của Quang Hải, chính là Lê Công Vinh. Tiền đạo tài năng này từ khi còn thi đấu đã nổi tiếng đắt show quảng cáo. Anh là gương mặt đại diện của hãng xe Audi và nhiều nhãn hàng như dầu gội đầu, nước giải khát chưa kể đến những hợp đồng quảng cáo mà Công Vinh cùng thực hiện với bà xã Thủy Tiên. Trong một lần trả lời phỏng vấn, cựu trung phong người Nghệ An tiết lộ số tiền mà anh thu về từ quảng cáo lên đến hàng tỷ đồng.

Công Vinh là một gương mặt được ưa chuộng vì luôn duy trì được sự ổn định trong suốt sự nghiệp. Mặc dù có đời sống cá nhân tương đối ồn ào, Công Vinh luôn có được sự tập trung cao nhất vào công việc chính là đá bóng. Nhờ thế, anh có được một nguồn tích lũy đủ lớn để có được cuộc sống dư dả sau khi kết thúc sự nghiệp.

Lê Công Vinh, cầu thủ thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Sử dụng đồng tiền kiếm được một cách khôn ngoan cũng là một bài học lớn mà các cầu thủ trẻ có thể học được từ tiền đạo Anh Đức. Hơn chục năm khoác áo đội bóng giàu có Bình Dương, Anh Đức có được mức đãi ngộ rất tốt, bao gồm cả những khoản "lót tay" khi ký hợp đồng mới ước tính hàng chục tỷ đồng.

Anh Đức còn là ông chủ của chuỗi cửa hàng sản xuất và phân phối sản phẩm TDTT có tiếng ở Bình Dương và các tỉnh miền Đông Nam bộ, chuỗi các khách sạn mini, spa tại Bình Dương, và là chủ của một nhà hàng tại quê nhà. Những nguồn thu nhập ngoài bóng đá của Anh Đức lên đến cả tỷ đồng/tháng và đủ để giúp anh yên tâm khi giải nghệ.

Với các cầu thủ trẻ, họ cần nhận thức rằng đời cầu thủ, hay rộng hơn là đời VĐV đỉnh cao rất ngắn. Việc tận dụng giai đoạn hoàng kim để "thâm canh" trên thương hiệu của mình không có gì sai. Nhưng họ cũng cần một tầm nhìn dài hạn, bởi việc kéo dài thời gian trên đỉnh cao của mình càng lâu bao nhiêu thì tích lũy được càng nhiều bấy nhiêu. Mà muốn có một sự nghiệp dài thì phải thật sự chuyên nghiệp - chuyên nghiệp từ việc luyện tập, thi đấu đến giữ gìn hình ảnh, sự chuẩn mực trong lối sống.

Và nếu nhìn rộng ra nước ngoài thì chắc chắn không ai hơn được David Beckham trong việc giữ gìn hình ảnh. Cựu tiền vệ ĐT Anh giờ vẫn kiếm được cỡ 35.000 bảng (1 tỷ VNĐ)/ ngày. Việc kinh doanh của Becks hiện tại chủ yếu là "khai thác tên tuổi và bản quyền sử dụng hình ảnh David Beckham".

Một cầu thủ Việt Nam có thể đạt đến tầm thương hiệu toàn cầu như David Beckham hay Cristiano Ronaldo là tương lai xa vời, nhưng họ hoàn toàn có thể biến thương hiệu cá nhân của mình trở thành hàng đầu trong nước hay trong khu vực. Vấn đề là để làm được điều đó, cần nhấn mạnh một lần nữa, không có gì làm thương hiệu tốt hơn màn trình diễn trên sân cỏ.

Bài học Văn Quyến

Khoảng 2003 - 2004, không ai khác ngoài Văn Quyến là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ của Sông Lam Nghệ An khi đó kiếm rất nhiều tiền từ quảng cáo. Chỉ riêng bản hợp đồng với một hãng điện tử đã đem về cho Quyến 13.000 USD - con số cực lớn ở thời điểm đó. Lần lượt các hãng xe máy, nước giải khát, nước tăng lực... đến với Quyến. Ước tính, Quyến phải kiếm được hàng tỷ đồng. Nhưng rồi vầng hào quang xung quanh Văn Quyến cũng sớm tắt. Năm 2004, Quyến bắt đầu sa sút phong độ, nhiều lần vi phạm kỷ luật. Các nhãn hàng dần dần cắt hợp đồng. Năm 2005, vụ án bán độ ở Bacolod xảy ra và cái tên Văn Quyến mãi trở thành nỗi tiếc nuối lớn nhất của các CĐV.

Các cầu thủ trẻ khi sớm đạt được thành công thường rất dễ rơi vào tình trạng tự mãn với bản thân. Công Phượng cũng là một ví dụ. Tiền đạo xuất thân từ lò đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai sau khi tỏa sáng ở đội U19 năm 2014 cũng trở thành một cái tên "nổi như cồn". Anh góp mặt vào rất nhiều chiến dịch quảng cáo và từng có thời điểm sa sút phong độ thảm hại. May cho Phượng là anh còn có thời gian để vực lại bản thân.

Đơn Ca
.
.
.