Vận động viên thể thao & mối quan hệ đặc biệt với nhà tài trợ

Thứ Hai, 18/04/2016, 18:00
Rudd Gullit và Carles Puyol vừa có một chuyến đi làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam. Tất nhiên, họ không phải có mặt ở nước ta để du lịch. Hai cựu danh thủ này là những đại diện cho Tour quảng bá Champions Leauge cùng Heineken. Dù đã rời xa sân cỏ nhưng 2 huyền thoại này cùng chiếc Cúp Champions League vẫn đủ sức tạo ra một cơn sốt thực sự từ Bắc vào Nam. Và đằng sau sự kiện này có rất nhiều thứ khiến người ta phải suy ngẫm…


Từ xa cách đến vô cùng thân thiện

Gullit và Puyol không phải là những ngôi sao hiếm hoi viếng thăm Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Gần nhất, hồi mùa hè vừa qua, những CĐV Việt Nam vừa được đón cuộc đổ bộ của dàn sao đắt giá của Manchester City, khi đội bóng nhà giàu nước Anh đến nước ta đá giao hữu.

Chuyến du đấu ấy đã xảy ra một sự cố nho nhỏ mà ai cũng biết. Đấy là những cầu thủ của Manchester City bị cho là “chảnh”, lạnh lùng và thiếu thân thiện với người hâm mộ Việt Nam. Dù sau đó, chính HLV Pellegrini đã lên tiếng phủ nhận điều này và bản thân CLB hàng đầu nước Anh cũng đã có những điều chỉnh mang tính cởi mở hơn trong các cuộc tiếp xúc với các CĐV Việt Nam, nhưng rõ ràng mức độ thân thiện của các cầu thủ Manchester City thua xa Rudd Gullit hay Puyol.

Thế nhưng, nếu so sánh với chuyến đổ bộ của đội tuyển Olympic Brazil hồi năm 2008 thì có thể thấy rằng như Manchester City thì vẫn “dễ gần” chán. Khi ấy, Ronaldinho và các đồng đội chẳng có bất kì hoạt động giao lưu hay gặp gỡ người hâm mộ nào cả. Mọi bước đi của các “vũ công Samba” đều được bảo vệ rất nghiêm ngặt, chặt chẽ và rất khó để các CĐV tiếp cận.

Hình ảnh cú lên rổ của Michael Jordan đã trở thành biểu tượng cho thương hiệu giày Nike Air Jordan.

Đương nhiên, điều gì cũng có lý do của nó. Olympic Brazil hoàn toàn không quan tâm gì đến việc làm hình ảnh hay lấy lòng các CĐV Việt Nam bởi mục đích chuyến viếng thăm của họ chỉ đơn thuần vì lý do chuyên môn. Đội bóng này muốn có 1 trận giao hữu trong khu vực để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh.

Trong khi đó, Manchester City đến Việt Nam để bỏ túi khoản tiền lót tay ra sân hậu hĩnh theo sự đạo diễn của Ngân hàng SHB. Đấy là mục đích chủ yếu, còn việc kết hợp ghi dấu, phát triển hình ảnh ở thị trường Việt Nam cũng chỉ là một bước kết hợp. Vì thế, so với trường hợp của Olympic Brazil thì Manchester City vẫn tỏ ra chiều lòng người hâm mộ hơn (dù vẫn còn tương đối hờ hững).

Còn trong trường hợp của Gullit hay Puyol, họ đều trong vai trò thực hiện các hợp đồng thương mại cá nhân của bản thân. Trách nhiệm của họ với bên B là phải để lại ấn tượng tốt với cộng đồng, nhằm lan tỏa, phát triển thương hiệu của bên B. Do đó, rất dễ hiểu khi Gullit và Puyol tỏ ra cực kì dễ thương và thân thiện.

Thái độ tiếp cận này cũng tương tự như những gì mà David Beckham, Rudd van Nistelrooy, Pires, Cannavaro hay cả Del Piero – các ngôi sao cũng đến Việt Nam để thực hiện hợp đồng với nhà tài trợ đã thể hiện.

Hợp đồng cá nhân, khoản thu nhập quan trọng của các vận động viên

Như vậy, có thể thấy các cựu danh thủ đều rất tuân thủ, tôn trọng các hợp đồng này.  Thật ra, đây cũng là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”. Bởi rất có thể các hợp đồng cá nhân này mới là thứ tạo ra nguồn thu nhập chính đối với các ngôi sao đỉnh cao. Điều này đúng với cả các VĐV còn đang thi đấu, chứ không chỉ là với những người đã giải nghệ.

Ví dụ, theo thống kê mới đây của France Football về những cầu thủ bóng đá (vẫn còn thi đấu) kiếm tiền giỏi nhất năm 2015 thì Cristiano Ronaldo là người xếp thứ 2 với tổng thu nhập là 68,4 triệu euro. Trong đó, lương của anh này là 32 triệu euro, thưởng từ thành tích thi đấu là 1,4 triệu euro, và có tới 35 triệu euro đến từ khoản thu nhập ngoài lương – chủ yếu là các hợp đồng quảng cáo, đại diện hình ảnh cho các nhãn hàng. Giống như Ronaldo, Messi cũng có được 35 triệu euro từ những khoản thu nhập ngoài lương, thưởng như vậy.

Cần lưu ý, không phải ai cũng có được những bản hợp đồng hậu hĩnh, béo bở như vậy. Ngoài Messi và Ronaldo thì 8 người còn lại trong danh sách 10 cầu thủ kiếm tiền giỏi nhất thế giới năm 2015 không ai có được tiền thu từ các hợp đồng thương mại cá nhân quá 10 triệu euro. Nhiều người như Wayne Rooney, Di Maria hay Neymar chỉ lẹt đẹt 1-2 triệu euro. Tại sao lại có chuyện này?

Rất đơn giản vì giá trị cũng như số lượng các hợp đồng tài trợ chỉ phụ thuộc vào sức nóng, mức độ cuốn hút, ăn khách của nhân vật chính. Vì thế, các thương hiệu lớn chủ yếu chỉ tập trung vào các ngôi sao “hot” nhất. Và đôi khi còn xảy ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu trong cùng 1 lĩnh vực để có được một cái gật đầu của các ngôi sao. Sự hợp tác này thậm chí còn mang ý nghĩa sống còn với một thương hiệu. Điển hình như cú bắt tay thế kỷ giữa huyền thoại bóng rổ Michael Jordan và hãng sản xuất đồ thể thao Nike.

Michael Jordan – cỗ máy in tiền cho Nike

Michael Jordan là một siêu sao bóng rổ. Điều đó ai cũng biết. Nhưng quan trọng hơn huyền thoại này còn là một cỗ máy in tiền theo đúng nghĩa. Khi còn thi đấu, Jordan là nhân vật quảng cáo của 1 loạt các thương hiệu như Nike, Coca-Cola, Chevrolet, Gatorade, McDonalds, Ball Park Franks, Rayovac, Wheaties, Hanes, và MCI. Tuy nhiên, ngay cả khi đã giã từ sàn đấu thì anh vẫn là một cái tên đắt giá.

Tháng 3/2015, lần đầu tiên tạp chí Forbes ghi nhận khối tài sản của ngôi sao này đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD. Đây cũng là năm mà hãng Nike kỉ niệm 30 năm tròn ngày thương hiệu giày Air Jordan được ra mắt công chúng (năm 1985). Ban đầu vào năm 1984 những đôi giày này được Nike sản xuất riêng dành cho Michael Jordan. Sau đó 1 năm thì họ quyết định hợp tác cùng siêu sao này để bán rộng rãi những đôi giày Air Jordan.

Và khoản thu từ cú áp phe này đã đóng góp không nhỏ cho việc Michael Jordan trở thành tỷ phú USD. Chỉ tính riêng năm tài khóa 2014, huyền thoại 53 tuổi này đã nhận được 90 triệu USD từ Nike cho những đôi giày mang tên anh. Theo số liệu thu thập bởi SportScanInfo, trong năm 2014 doanh số bán giày thương hiệu Air Jordan tại Mỹ đã tăng 17% và đạt mức 2,6 tỷ USD. Tính ra, ở thời điểm đó, các thương hiệu giày Air Jordan hiện chiếm tới 61% thị phần của thị trường giày bóng rổ trị giá 4,2 tỷ USD tại Mỹ.

Tiger Woods đã có lúc phải méo mặt trả giá vì scandal tình ái.

Thị phần của Nike nếu tính tất cả các thương hiệu liên quan đến bóng rổ ngoài Air Jordan đã nhảy vọt lên mức 95,5%. Miếng bánh còn lại dành cho các đối thủ cạnh tranh là vô cùng nhỏ bé như Adidas (2,6% thị phần), Under Armour (1%) và Reebok (0,8%).

Với những kết quả ngoài sức tưởng tượng này, dòng sản phẩm của Nike mang thương hiệu Air Jordan đã được các chuyên gia đánh giá là một trong những tượng đài về hiệu quả tài chính. Thành tựu này không phải tự nhiên mà có. Đương nhiên nó xuất phát từ những nỗ lực hay chiêu trò của nhà sản xuất. Ví dụ như ngoài việc liên tục làm mới các dòng giày Air Jordan, Nike còn rất tinh quái khi luôn sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu, khiến những người hâm mộ loại giày này phải phát sốt. Nhưng bên cạnh đó không thể không nhắc đến vai trò của Michael Jordan.

Tuy đã giải nghệ từ hơn 10 năm trước, nhưng anh vẫn tạo ra sự chú ý đặc biệt đối với công chúng. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Repucom, Jordan vẫn được xếp cao hơn so với bất kỳ cựu vận động viên nào khác khi nói đến nhận thức của người tiêu dùng về các ngôi sao thể thao. Ngoài ra, Jorrdan còn đứng thứ tư trong số tất cả những người nổi tiếng tại Mỹ và thứ 12 trên toàn cầu (trong năm 2015). Chỉ có một vận động viên thể thao khác được xếp hạng trong top 20 trên toàn cầu là David Beckham. Jorrdan được 98% người Mỹ biết đến và tỷ lệ này ngang bằng với cả tỷ lệ của Tổng thống Mỹ - Barack Obama. Điều này lý giải vì sao doanh số thương hiệu giày Air Jordan có giá trị gấp gần 10 lần so với doanh số của những đôi giày có chữ ký của các ngôi sao NBA hàng đầu đương đại, như LeBron James chẳng hạn.

Có thể nói, Michael Jordan là một tượng đài của làng thể thao cả về mặt thành tích cũng như thương mại. Trước Jordan mới chỉ có duy nhất 1 VĐV thể thao khác trở thành tỷ phú. Đấy là tay golf Tiger Woods. Golf là một môn thể thao mang tính quý tộc, nên tiền thu được từ các giải thưởng cũng như hợp đồng quảng cáo đều lớn hơn các môn thể thao khác. Nhờ thế Tiger Woods đã trở thành VĐV thể thao đầu tiên trở thành tỷ phú USD. Nhưng các chuyên gia cho rằng sau khi Tiger Woods giải nghệ, khả năng kiếm tiền của anh chắc chắn sẽ thua kém Michael Jordan. Lí do là Tiger Woods không phải là một hình ảnh sạch.

Tiền đi kèm trách nhiệm

Năm 2009, Tiger Woods bị phanh phui scandal ngoại tình. Điều này lập tức khiến anh này gặp rắc rối lớn với các nhà tài trợ. Theo tờ The Sun chỉ trong vòng 6 tháng sau khi vụ scandal bị vỡ lở, ước tính Tiger Woods đã thiệt hại khoảng 91 triệu USD. Và hậu quả của nó vẫn đang kéo dài cho đến tận bây giờ, khi mà sức hút hình ảnh của Tiger Woods vẫn không thể trở lại như thời hoàng kim.

Đây là điều thường xảy ra trong môi trường thể thao quốc tế. Khi các hợp đồng quảng cáo triệu USD luôn đi kèm các điều khoản nghiêm ngặt, yêu cầu các VĐV phải duy trì được cả thành tích thi đấu lẫn hình ảnh cá nhân. Thế nên, bất kì tác động xấu nào kể cả chỉ vấn đề đời tư cũng có thể khiến các ngôi sao trả giá đắt.

Mới đây nhất, Sharapova là người thấm hơn ai hết việc không giữ gìn được thương hiệu cá nhân. Hồi tháng 3 vừa qua, với việc bị phát hiện dương tính với doping, tay vợt xinh đẹp người Nga lập tức đã bị hàng loạt thương hiệu lớn như Nike, đồng hồ Tag Heuer… ngừng hợp tác, khiến cô này thiệt hại không dưới 70 triệu USD.

Ở khía cạnh nào đó, mối quan hệ cộng sinh giữa VĐV và nhà tài trợ này chiếm một vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp của VĐV. Bởi nó chính là động lực để họ bắt buộc phải nỗ lực duy trì những kết quả tốt trên sân đấu, cũng như giữ gìn hình ảnh lung linh của bản thân, nếu không muốn phải trả một cái giá đắt theo đúng nghĩa đen!

Lương trong sự nghiệp của Michael Jordan chỉ là số lẻ trong khối tài sản của anh

Năm 2016, Michael Jordan vẫn giữ vững vị trí trong BXH tỷ phú của Forbes. Với tổng tài sản ước tính 1,14 tỷ đôla, Michael Jordan đứng thứ 1.577 trong danh sách này, hơn nhiều bậc so với vị trí năm 2015 là 1.741. Nếu tính riêng ở Mỹ, cựu ngôi sao NBA là người giàu thứ 486. Người ta tính toán rằng lương trong cả sự nghiệp của anh là 90 triệu đôla. Nhưng Jordan kiếm được 1,2 tỷ đôla (trước thuế) nhờ những mối hợp tác làm ăn từ khi rời North Carolina vào năm 1984. “Sự hậu thuẫn lớn nhất mà anh nhận được là từ Nike, nhãn hàng tạo ra lợi nhuận hai tỷ đôla mỗi năm nhờ thương hiệu Jordan”, Tạp chí Forbes đánh giá.

Tất Đức
.
.
.