Vận động viên vật vã mưu sinh vì COVID-19

Thứ Sáu, 04/09/2020, 07:28
Không phải vận động viên nào cũng có thể vươn đến đỉnh cao và có thu nhập tiền tỷ mỗi năm như Quang Hải (bóng đá), Quang Liêm (cờ vua) hay Tiến Minh (cầu lông). Đa số họ phải vật lộn để sống với nghề vì lòng đam mê dù thu nhập chẳng đáng là bao. Dịch COVID-19 khiến cho nhiều vận động viên càng khó khăn.

Những tuyển thủ nghèo

Một VĐV được tập trung lên đội tuyển quốc gia hưởng mức thu nhập bao nhiêu? 10 triệu, 15 triệu, hay 20 triệu đồng/tháng? Trên thực tế, khoản thu nhập 8 triệu đồng/ tháng con số là mơ ước với đại bộ phận các VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam hiện nay. Một VĐV tại địa phương nhận lương vào khoảng 5 triệu đồng/tháng, lên tuyển quốc gia tăng lên 7-7,5 triệu. Khoản tiền đó cao hơn 50-60% so với trước kia, nhưng đằng sau vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên trong thời gian tập trung cùng đội tuyển, các VĐV lại không được hưởng lương ở địa phương nữa. Một chuyện khác trong cách tính lương tuyển thủ là họ phải tập luyện đủ 26 ngày công/tháng (đã trừ đi 4 ngày chủ nhật) để khoản thu nhập vốn đã ít ỏi kia không bị bớt xén thêm. Số tiền đó được nhân lên từ định mức 270 ngàn đồng/ngày được quy định từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh nào.

“Cái khó ló cái khôn”, một trong những cách giúp các VĐV tuyển quốc gia có thêm tiền bỏ túi là… bớt xén khẩu phần ăn. Khoản định mức 400.000 đồng/ ngày được cắt đi một nửa giúp họ nhận thêm 5-6 triệu đồng/tháng. Chẳng ai muốn phải bớt ăn uống để tập luyện, nhất là với những môn thể thao dùng sức như điền kinh, cử tạ; nhưng đó là lựa chọn duy nhất để họ tiếp tục giữ nghề.

Nhà vô địch SEA Games Thu Trang từng đi làm xe ôm.

Với những VĐV ở tuyến trẻ, thử thách dành cho họ còn khó khăn hơn rất nhiều. Các chàng trai cô gái đang ở tuổi ăn tuổi lớn tập trung lên đội tuyển quốc gia nhận lương 5,5 triệu đồng/tháng, cùng tiền ăn 290.000 đồng/ ngày. Tuy nhiên, không giống các anh chị ăn cơm tuyển nhiều năm, họ không được bớt xén ra để bỏ túi mà phải ăn uống đầy đủ. Khó khăn là thế nên không ít VĐV phải tự mình tìm thêm các khoản thu nhập bên ngoài để trang trải.

Kiếp nghèo của VĐV từng suýt làm Việt Nam mất đi một nhà vô địch châu Á. Trong thời kỳ khốn khó nhất của sự nghiệp, cô gái vàng điền kinh Bùi Thị Thu Thảo từng bỏ tuyển để trốn ra ngoài làm… thợ xây tại một số công trình quanh khu Mỹ Đình. Phải được rất nhiều người khuyên nhủ, động viên, Thảo mới trở lại thi đấu với phong độ tốt nhất. Người đàn em của cô, nhà vô địch SEA Games 30 Phạm Thị Thu Trang cũng từng làm… tài xế xe ôm trước khi vươn mình ra đấu trường quốc tế.

Shipper và thất nghiệp

Tấm HCV SEA Games 29, rồi sau đó là HCV Asian Games 2018 tại Indonesia giúp cuộc đời Thu Thảo bước sang một trang mới. Từ cảnh phải vất vưởng đi làm thuê kiếm sống sau giờ tập, cô có thể chuyên tâm tập luyện mà vẫn có tiền giúp gia đình xây nhà mới, lại còn mở quán ăn riêng. Ngẫm về quá khứ, hẳn Thu Thảo và Thu Trang sẽ cảm thấy bản thân may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp khác ở thời điểm hiện tại.

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực sản xuất, mà còn lan tới cả những người hoạt động trong ngành thể thao. Từ cảnh chuyên tâm tập luyện nhằm chuẩn bị cho SEA Games và Olympic, nhiều VĐV phải sống qua ngày trong cảnh ngồi chơi xơi nước, hoặc tập chay để duy trì phong độ. Những khoản tiền hỗ trợ tập huấn, tiền bồi dưỡng vì thế cũng không còn, khiến VĐV chỉ có thể duy trì cuộc sống bằng lương cơ bản.

Đó là lúc những vấn đề nan giải bắt đầu phát sinh. Giải đấu phải hoãn hủy, đội tuyển cũng ngừng tập trung, VĐV bị trả về địa phương, lương giảm từ 5-7 triệu xuống còn 4-5 triệu/ tháng. Làm thế nào để sống được giữa những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với thu nhập như thế? Vài người tính đến chuyện bỏ ra ngoài bán hàng trực tuyến, nhận làm xe ôm, thợ xây, HLV dạy võ... nhưng đành lắc đầu bó tay vì những hoạt động trên cũng phải tạm ngưng.

Nếu không có HCV SEA Games và Asian Games, Thu Thảo rất có thể quay lại làm phụ hồ kiếm sống.

Với những người có vợ/chồng là công chức hoặc nhân viên văn phòng hưởng thu nhập ổn định, họ có thể tạm thời sống dựa vào gia đình để vượt qua một năm đầy khó khăn này nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Bối cảnh xã hội, quan niệm “môn đăng hộ đối” khiến bạn đời của phần lớn VĐV là những người đồng cảnh ngộ, người lao động có thu nhập khiêm tốn. Điển hình là trường hợp của VĐV điền kinh Phạm Thị Thanh Phúc khi cô bất đắc dĩ thành trụ cột gia đình.

Dịch bệnh bùng phát, Thanh Phúc không mất nhiều thời gian để nhận tin dữ từ chồng. Công ty của anh tạm dừng hoạt động và cho cán bộ công nhân viên nghỉ 3 tháng không lương ở nhà. Mọi khoản chi trong gia đình giờ đây đổ hết lên vai Thanh Phúc, VĐV điền kinh xuất sắc kiêm bà chủ cửa hàng bán đồ ăn trên mạng. Tiếc là hoạt động kinh doanh cũng ế ẩm theo xu thế chung của xã hội khiến cô phải tạm dừng.

Làm gì để hỗ trợ vận động viên?

Trong bối cảnh các VĐV phải loay hoay với cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, công chúng mới biết họ sống khó khăn thế nào. Mọi người thường chỉ nghe tên VĐV qua những giải đấu, những tấm huy chương mà không biết về gian truân họ phải trải qua trong cuộc sống thường ngày. Thu nhập của VĐV rõ ràng không hề cao, và chỉ có đam mê mới giúp họ trụ lại với nghề. Đây có lẽ không phải phương pháp phù hợp để các VĐV tiếp tục trụ lại với vũ đài đỉnh cao.

Tại những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Singapore, VĐV thành tích cao chính là bộ mặt của địa phương và quốc gia. Họ được nhận học bổng vào những trường danh giá nhất ngay từ lứa tuổi thiếu niên, được hỗ trợ hoàn toàn chi phí ăn ở để chuyên tâm tập luyện. Những VĐV xuất sắc nhất đều đầu quân cho những trường đại học danh giá nhất, những công ty lớn nhất cũng vì lý do đó. Ở chiều ngược lại, việc này giúp họ có cơ hội tìm được việc làm tốt sau ngày giải nghệ.

Nguyễn Thị Oanh là VĐV hiếm hoi muốn vươn tầm thế giới.

Học bổng thể thao là khái niệm còn khá xa lạ với các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam. Chỉ có một vài tập đoàn lớn với ông chủ thực sự "máu" thể thao mới chịu bỏ tiền phát triển vì mục tiêu dài hạn. Phần lớn những doanh nghiệp khác chỉ đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, tìm kiếm danh vọng nhất thời ở những môn thể thao phổ biến như bóng đá rồi lặng lẽ biến mất, đẩy hàng chục con người vào cảnh bơ vơ.

Mô hình xã hội hóa thể thao, vì thế, nên được khuyến khích mở rộng ở khối doanh nghiệp, nay lại gần như hoàn toàn bị ngó lơ. Các VĐV cũng phải mòn mỏi sống dựa vào ngân sách nhà nước hoặc địa phương với thu nhập ít ỏi, bấp bênh. Sẽ không lạ nếu có một ngày chúng ta lại nhìn thấy một VĐV mặc áo đội tuyển làm xe ôm, hoặc nhân viên giao hàng trên phố. Bởi ngay cả VĐV đấu kiếm Vũ Thành An, người cầm cờ dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Rio, cũng đang phải vứt bỏ sĩ diện để mưu sinh theo cách ấy.

Nghèo nên chỉ nghĩ đến “ao làng”

Theo logic thông thường, một VĐV sẽ phải đặt mục tiêu vươn tầm thế giới, chinh chiến ở những mặt trận khó khăn nhất như Olympic, hoặc chí ít cũng phải là Asian Games. Tuy nhiên các VĐV Việt Nam lại thường chỉ nhắm đến huy chương ở giải vô địch quốc gia và SEA Games. Tại sao lại có sự mâu thuẫn đến vậy? Nguyên nhân sâu xa chính là vì tiền, bao gồm tiền thưởng và tiền tập luyện trước ngày thi đấu.

Tại SEA Games 30 vừa rồi, trung bình mỗi VĐV giành huy chương bỏ túi ít nhất 70-200 triệu đồng tiền thưởng từ các cấp sau khi mang vinh quang về cho nước nhà. Chừng đó tương đương khoản thu nhập họ kiếm trong 1-2 năm, vì thế tất cả đều chỉ nghĩ đến việc giành huy chương SEA Games. Nếu không thể vô địch Đông Nam Á thì chí ít cũng phải vô địch quốc gia để bỏ túi vài chục triệu đồng cho một tấm huy chương.

Với những đoàn thể thao lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Quân đội, huy chương giành về còn là bộ mặt của đoàn thể thao đó. Vì thế họ sẵn sàng cử những VĐV xuất sắc cày ải ở hàng chục nội dung nhằm đạt thứ hạng cao. Bù lại VĐV cũng sẵn sàng đồng ý tham gia vì đây là lệnh của cấp trên, lại còn giúp họ nhận thêm vài trăm triệu đồng tiền thưởng. Mải chinh chiến ở ao làng nên từ một VĐV có tiềm năng tranh huy chương ở Olympic, họ ngày một thụt lùi đi.

Mặt khác, đấu trường Asian Games hay Olympic lại là một vũ đài lớn hơn rất nhiều với khả năng giành huy chương không cao. Không có huy chương cũng đồng nghĩa không có tiền thưởng, nên VĐV thường chỉ dồn sức vào mặt trận họ có xác suất thắng cao nhất. Kế sinh nhai theo kiểu “ăn chắc mặc bền” đó khiến thể thao Việt Nam không có nhiều môn cạnh tranh ở đấu trường quốc tế, và VĐV cũng thường thi đấu dưới phong độ. Hoàng Xuân Vinh là ngoại lệ đặc biệt, khi nhà vô địch Olympic liên tục "ngã ngựa" ở đấu trường SEA Games trước những đấu thủ kém xa anh về trình độ.

Đơn Ca
.
.
.