10 năm sau ngày Iraq đăng quang châu Á

Văn hóa "tạm ứng niềm tin"

Chủ Nhật, 17/09/2017, 23:41
“Tôi không chắc là mình có thể làm được gì. Tất cả những gì tôi có là 2 tháng và những hiểu biết sơ khai về đất nước này. Nhưng có thể là tôi đã may mắn khi sử dụng đúng người, đúng thời điểm”, Jorvan Vieira chia sẻ trên chương trình đặc biệt của kênh truyền hình CNN. 10 năm trước, ông cùng Iraq đã viết nên câu chuyện thần thoại ở Asian Cup.


Trên sóng truyền hình, Vieira thú nhận tim ông đã rơi ra ngoài khi ở phút bù giờ cuối cùng tại Jarkata mùa hè 2007, bóng tìm tới đầu Zalek – tiền đạo của Arab Saudi. Nhưng bằng cách nào đó, thật kỳ diệu, trái bóng đã rơi bay vọt xà trong tình huống, có 99% nó sẽ nằm gọn trong lưới.

Ngay sau đó, trọng tài cất còi kết thúc trận đấu. Điều đó có nghĩa, Iraq là nhà vô địch châu Á. Vieira đã ùa ra sân và sống những khoảnh khắc cảm xúc nhất. Trước thềm giải đấu, Vieira chỉ đặt mục tiêu tới Đông Nam Á là để giải trí, để du lịch và giúp cầu thủ quên đi những mất mát vì chiến tranh. Rốt cuộc, Iraq đã viết từ câu chuyện cổ tích này tới câu chuyện thần tiên khác và làm bá chủ khu vực.

10 năm trước, Iraq vô địch Asian Cup.

Những ký ức tươi đẹp về giải vô địch châu Á với người Iraq sau 10 năm vẫn còn vẹn nguyên, khi dấu ấn đáng kể đầu tiên trên bình diện châu lục được xác lập đúng vào thời điểm cả đất nước Iraq đang chìm trong khủng hoảng.

Tối 29-7-2007, đường phố Baghdad tràn ngập… tiếng súng. Đó là một biểu hiện thường thấy của những cuộc bạo động vũ trang trong thành phố kể từ ngày Mỹ đưa quân vào đánh chiếm hồi năm 2003.

Nhưng ngày hôm ấy lại đón nhận một sự kiện hoàn toàn khác. Có lẽ, đó là lần đầu tiên, phản ứng của người dân khi thấy tiếng súng không phải là chạy trốn tìm hầm trú ẩn. Cả đất nước đang ăn mừng chiến tích vô địch châu Á của Iraq, sau khi đội nhà đánh bại Arab Saudi 1-0 trong trận chung kết Asian Cup 2007 tại Jakarta, Indonesia.

Hawar Mulla Mohammed, tiền vệ đã chơi trọn vẹn 6 trận ở giải đấu ấy không khỏi bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử. “Lực lượng an ninh quốc gia luôn túc trực gần nơi đội tuyển tập luyện. Mỗi khi bom nổ, có cảm giác tòa nhà chúng tôi ở lại nghiêng sang trái hoặc phải. Máy bay không kích luôn bay lởn vởn quanh trại huấn luyện của Iraq”, Mohammed chia sẻ trên CNN.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất chưa dừng lại ở đó. Mohammed đã chứng kiến 5 người anh em họ tử nạn vì những cuộc đánh bom tự sát tại Iraq. Tình hình an ninh trật tự tại Iraq thời điểm đó là như vậy. Trong năm 2007, hơn 26 vạn thường dân thiệt mạng theo thống kê của Ủy ban giám sát Iraq.

Các tuyển thủ quốc gia bóng đá Iraq giống Mohammed vốn không lạ lẫm gì với cảnh đầu rơi máu chảy. Họ thậm chí là những nạn nhân trực tiếp của một chính quyền cai trị man rợ. Phòng thay đồ trong nhiều năm liền đã luôn bị gieo rắc nỗi sợ. Uday Hussein, con trai út của Saddam Hussein đã cảnh cáo ĐTQG bóng đá nam, rằng thất bại sẽ phải trả giá bằng đòn roi, tra tấn và bỏ tù.

Cho tới 8 tuần trước ngày khởi tranh Asian Cup 2007, Iraq vẫn không tìm được HLV vì không ai dám đặt chân tới vùng đất đáng sợ kia. Jorvan Vieira, người theo chủ nghĩa xê dịch với bản lý lịch kinh qua 14 địa điểm khác nhau trong 27 năm làm nghề, là lựa chọn bất đắc dĩ.

HLV Jorvan Vieira.

Tiền vệ Salih Sadir thừa nhận ban đầu, Iraq đã nghĩ chuyến đi tới Đông Nam Á là dịp du lịch không hơn không kém với tâm thế luôn sẵn sàng xách va li về nước sau vòng bảng, vì chỉ có 2 tháng tập luyện cùng nhau trong khốn khó trăm bề.

Chỉ duy nhất một thứ các cầu thủ Iraq luôn quan niệm trong thâm tâm: ĐT bóng đá quốc gia sẽ là ví dụ minh họa cho thứ niềm tin, sẽ có ngày Iraq là một khối thống nhất.

Iraq là quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi những khác biệt trong quan điểm tôn giáo và sắc tộc. Thành phần dự tuyển Iraq gồm cả người Sunni, Shia và Kurd – nhưng tất cả đã quyết định bỏ lại tín ngưỡng của mình ngoài cửa và cùng hướng tới một mục tiêu cao nhất, là được chơi bóng, được vinh hạnh đại diện cho tổ quốc ra thi đấu ở sân chơi châu lục.

James Montague, tác giả của cuốn sách “Bóng đá, chiến tranh và cách mạng ở Trung Đông” đã đi theo Iraq ở giải đấu năm ấy. Ông phát hiện ra, nhiều cầu thủ đang âm thầm chịu đựng vết thương lòng. Khi trái bóng đang lăn, có người mất bố mẹ anh chị, có người thì cả gia đình đang bị bắt cóc và đe dọa. Nhưng những thước phim hào hùng qua ngòi bút của Montague trong những trang sách viết về Iraq, được diễn tả lại dưới màu sắc đầy lạc quan. Montague viết: “Họ là những người bạn thân, thường trêu đùa và giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hằng ngày”.

HLV Vieira đã có nhiều năm sinh sống và làm việc ở khu vực Tây Á và vùng Vịnh. Ông ít khi biểu hiện cảm xúc ra ngoài nhưng luôn bám sát đời sống của cầu thủ.

Tránh những rắc rối không đáng có, Vieira đã đề nghị các học trò không cầu nguyện trước, giữa và sau mỗi trận. Tập quán tín ngưỡng ấy sẽ để dành vào buổi tối.

“Ông ấy rất gần gũi với chúng tôi. Vieira không chỉ quan tâm tới chiến thuật, tới chuyên môn mà còn chú trọng tới phát triển và nuôi dưỡng mối quan hệ trong tập thể. Vieira đã thành công trong việc khiến cầu thủ cảm thấy được tin tưởng, được yêu thương và họ chiến đấu hết mình như một cách đền đáp lại tình yêu nhận được”, Sadir bộc bạch. Tạm ứng niềm tin là chìa khóa giúp Vieira và Iraq tìm thấy giao điểm. Họ đặt trọn niềm tin vào người đối diện và chờ đợi điều tốt nhất sẽ xảy đến.

Nhiều ý kiến cho rằng, Iraq có thể đánh bại hàng loạt đại gia trong khu vực để lên ngôi là nhờ họ có nhiều thời gian ngủ. Tất nhiên, đấy chỉ là một giả thuyết hết sức cảm tính, với lý lẽ rằng những ngày ở Đông Nam Á là khoảng thời gian các cầu thủ Iraq không bị nỗi sợ khủng bố bao trùm.

Bóng đá Iraq vẫn có những bước tiến vững chắc dù có nhiều khó khăn.

“Đúng là ở đây, chúng tôi không phải lo lắng mấy. Mọi thứ đều tốt đẹp, còn con người vô cùng thân thiện. Nhưng bí quyết của chiến thắng không bao giờ là giấc ngủ. Tôi cũng không làm gì nhiều, chủ yếu là dậy sớm đi kiểm tra từng phòng đếm quân số. Rồi tôi vào phòng từng người trò chuyện hỏi han, cùng họ thưởng thức ly trà ấm buổi sớm”, Vieira phân trần.

Vieira có kể lại một câu chuyện đau lòng trước ngày khởi tranh. Iraq đã rời đến Jordan trong tuần cuối cùng để cải thiện điều kiện tập luyện. Một nhân viên vật lý trị liệu xin phép quay về Iraq trong ít ngày vì vợ anh ta sắp lâm bồn. Lo xong chuyện nhà cửa, anh này tức tốc quay lại cho kịp hội quân cùng tuyển. Trên đường ra sân bay, nhân viên y tế này tử nạn vì một vụ đánh bom ôtô.

“Tôi không biết nên khóc hay nên giải thích với cầu thủ thế nào. Tôi chỉ muốn họ hiểu, là tôi vẫn luôn ở cạnh và dõi theo mọi người”, Vieira kết thúc buổi nói chuyện trên CNN.

Trong mưa bom, nghe thấy tiếng pháo hoa

Vào thời điểm Iraq vô địch Asian Cup 2007, cách đó vài ngày xảy ra vụ đánh bom tự sát ở Baghdad. Đó là chuyện hết sức… bình thường.

Arwa Damon là nhân chứng sống của những thảm kịch này. 10 năm trước, cô vẫn chỉ là một cộng tác viên khu vực của CNN tại khu vực người Shia ở Iraq. Bây giờ, cô đã là một phóng viên quốc tế cao cấp, được cấp thẻ xanh định cư ở Mỹ và có cuộc sống tốt hơn.

Nhưng ngay cả khi đã sống một cuộc đời đủ đầy vật chất, có một căn hộ thừa mứa tiện nghi và của cải ở trung tâm New York, Damon vẫn không bao giờ quên được giây phút người dân Iraq ùa ra đường như thể chiến tranh vừa qua đi tròn một thập kỷ trước. “Ngày hạnh phúc nhất đời tôi”, Damon thổ lộ.

Có những lính gác ném súng và chạy ra đường ăn mừng. Có những phụ nữ mà mấy tháng rồi không thấy ra khỏi nhà hòa mình vào đám đông ăn mừng. Bỗng dưng, người ta lại nghe tiếng… pháo hoa – mặt hàng vốn đã bị cấm và hạn chế lưu hành. Đốt pháo hoa nghĩa là những tín hiệu tích cực được phát đi.

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực ở Iraq đang ở mức báo động. Sự nổi lên của phiến quân IS đẩy các thành phố lớn như Mosul vào cảnh hỗn loạn. Trong năm 2015, hơn 14 vạn người đã bỏ mạng vì những xung đột giáo phái.

Theo tổ chức nhân quyền Iraq, số vụ bạo lực trong năm 2016 là 4.000, cao gấp 7 lần thời kỳ chiến tranh. Nhưng lượng khán giả đã tăng lên… 5 lần, từ 1 vạn lên 5 vạn mỗi dịp cuối tuần.

Mức lương cho cầu thủ chuyên nghiệp tại giải VĐQG Iraq, bạn có tin được không, khoảng 3.000 USD/tháng. Chính phủ tài trợ thường xuyên, và nhiều nhãn hàng lớn như Coca Cola cũng công khai ủng hộ giúp phát triển bóng đá Iraq.

Với Damon, Asian Cup 2017 là lần cuối cùng, cô cảm nhận được Iraq là một khối thống nhất. Nhưng đã 7 năm qua, Damon không trở lại quê nhà. Có những điều đã thay đổi, như bóng đá chẳng hạn. Bóng đá vẫn là một phần giúp gắn kết quốc gia này.

Đơn ca
.
.
.