Vấn nạn doping tại Olympic PyeongChang

Thứ Bảy, 24/02/2018, 09:04
Diễn ra từ 9-2 và Olympic PyeongChang đang chuẩn bị bế mạc (25-2-2018) kỳ Thế vận hội mùa Đông lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á ngoài Nhật Bản, với nhiều điều kỳ thú và một lần nữa vấn nạn doping lại được đề cập.

Theo hãng RT của Nga, ngày 20-2, Ủy ban Olympic Nga (ROC) xác nhận mẫu thử của vận động viên bi đá trên băng Alexander Krushelnitsky (vừa giành huy chương đồng nội dung đôi nam nữ bi đá trên băng) đã cho kết quả dương tính với chất meldonium, một chất bị cấm trong thi đấu thể thao tại Olympic Pyeongchang.

Trước đó, ông Konstantin Vybornov, Người phát ngôn của đoàn thể thao Nga tham dự Olympic Pyeongchang cho biết, họ đã nhận được thông báo chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về khả năng một vận động viên Nga vi phạm các quy định cấm sử dụng chất kích thích (doping).

Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) thông báo, đã mở cuộc điều tra về vụ việc này sau khi cho biết, vận động viên hockey trên băng người Slovenia Ziga Jeglic, đã buộc phải rời khỏi Olympic PyeongChang sau khi có kết quả dương tính với chất fenoterol bị cấm.

Biểu tượng của Thế vận hội mùa Đông tại PyeongChang.

Trước đó, CAS cho biết, vận động viên trượt băng tốc độ cự ly ngắn người Nhật Bản Kei Saito đã cho kết quả dương tính với chất cấm acetalozamide, khi kiểm tra doping và đó là trường hợp đầu tiên bị phát hiện sử dụng chất cấm tại Olympic PyeongChang.

Với kết quả kể trên, Kei Saito buộc phải rời Olympic PyeongChang và sẽ bị cấm thi đấu tại mọi đấu trường cho tới khi có kết quả điều tra chính thức. Ủy ban Olympic Nhật Bản đã tổ chức họp báo về trường hợp của Kei Saito và bản thân vận động viên này cũng bị sốc với kết quả xét nghiệm, đồng thời khẳng định mình không sử dụng chất cấm, nhưng chấp nhận phán quyết tạm thời của CAS.

Theo Trưởng đoàn thể thao Nhật Bản Yasuo Saito, cuộc kiểm tra doping gần nhất với Kei Saito được thực hiện ngày 29-1 và kết quả khi đó là âm tính.

Theo thông báo của Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA), họ đã tiến hành 17.000 xét nghiệm kể từ tháng 4-2017 và 2.500 mẫu nước tiểu & mẫu máu sẽ được xét nghiệm trong 17 ngày thi đấu của Olympic PyeongChang.

Chủ tịch WADA Craig Reedie hy vọng điều này sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng và trung thực theo đúng tinh thần Olympic. Ông Craig Reedie còn cho biết thêm, WADA thiếu tới 50% ngân sách hoạt động - ngân sách hàng năm của cơ quan này là 30 triệu USD, với một nửa đến từ nguồn hỗ trợ của các chính phủ trên thế giới, cùng một phần đóng góp từ IOC.

"Chúng tôi đón tổng cộng 2.943 vận động viên đến từ 92 quốc gia tham dự Olympic PyeongChang. Và đây là con số kỷ lục trong lịch sử một kỳ Thế Vận hội mùa Đông", lãnh đạo ban tổ chức Olympic PyeongChang thông báo.

Được biết, Mỹ tham dự với đoàn thể thao đông nhất trong lịch sử Olympic mùa Đông. Mục tiêu của đoàn thể thao Mỹ tại PyeongChang là giành tấm huy chương vàng thứ 100 và tấm huy chương thứ 300 của Olympic mùa Đông. Olympic PyeongChang cũng là Thế vận hội đầu tiên sử dụng mạng di động 5G - được phủ sóng tại tất cả các điểm thi đấu, giúp mọi người trải nghiệm thực tế ảo và chụp ảnh ba chiều một cách dễ dàng.

Nói tới Olympic PyeongChang không thể bỏ qua công tác bảo vệ an ninh của nước chủ nhà Hàn Quốc. Hãng Yonhap vừa dẫn tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đang cung cấp phương tiện bay không người lái (UAV), cũng như những sự hỗ trợ khác để giúp đảm bảo an ninh tại Olympic PyeongChang.

Các phương tiện bay không người lái của USFK được huy động cho hoạt động giám sát xung quanh tất cả sân vận động để ngăn chặn mọi khả năng về tấn công khủng bố, cũng như tai nạn trong kỳ Olympic và Paralympic (Thế vận hội cho người khuyết tật, sẽ diễn ra từ 9 đến 18-3).

Theo thông báo của Ban tổ chức Olympic PyeongChang, họ đã triển khai các hệ thống giám sát công nghệ cao dày đặc để đảm bảo an ninh tại các khu vực thi đấu - từ phòng ngừa nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, sự cố bất ngờ, cho tới sự xâm nhập của những người không có phận sự. Được biết, khoảng 800 camera an ninh đã được lắp đặt xung quanh các sân vận động để ngăn chặn người lạ xâm nhập hoặc đi lạc vào khu vực cấm.

Theo chuyên gia an ninh Hàn Quốc, họ đã triển khai hệ thống giám sát tối tân cho phép bao quát góc theo dõi 360 độ và chịu trách nhiệm quản lý hệ thống giám sát này là 48 nhân viên thuộc Sư đoàn 36 quân đội Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng đã tăng cường kiểm tra an ninh ở sân bay - hành lý của hành khách được kiểm tra kỹ bằng máy quét tia X nhằm phát hiện các vật nguy hiểm cũng như ngăn ngừa nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát và an ninh còn tổ chức diễn tập nhiều lần với sự tham gia của hàng nghìn người. Được biết, khoảng 5.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được huy động để đảm bảo an ninh cho Olympic Pyeongchang.

Phạm Huy Anh
.
.
.