Bóng đá Việt Nam nhìn từ các kỳ SEA Games: Vàng ơi...!

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:15
Thất bại ở bán kết SEA Games 28 vừa qua một lần nữa nhấn vào nỗi đau muôn thuở của bóng đá Việt Nam. Nỗi đau của một nền bóng đá hơn nửa thế kỷ khao khát chiếc huy chương vàng, và đã có lúc tưởng như chắc chắn sở hữu nó, thế mà cuối cùng vẫn chỉ là ảo vọng. Vấn đề là từ cả một biển trời ảo vọng tích tụ qua nhiều kỳ SEA Games, người ta không tìm được một cơ sở, một niềm tin đủ mạnh cho tương lai phía trước.

SEA Games năm 2003 trên sân nhà, U.23 Việt Nam quyết tâm lật đổ người Thái, và sau trận khai mạc hoà trên chân người Thái thì ai cũng nghĩ quyết tâm thành hiện thực.

Gặp lại Thái ở chung kết, U.23 Việt Nam đã bị dẫn trước nhưng đã có bàn gỡ hoà tuyệt đẹp của Phạm Văn Quyến ở những phút cuối cùng - bàn thắng làm cháy lên hy vọng vô địch và đẩy người Thái vào trạng thái run rẩy giữa một biển lửa Mỹ Đình. Thế mà cuối cùng Thái vẫn ăn - ăn bằng một bàn thắng vàng, khiến cả một thế hệ cầu thủ tài năng Việt Nam thi nhau rơi nước mắt.

SEA Games năm 2009 trên đất Lào, U.23 Việt Nam thậm chí còn gần chiếc HCV hơn nữa. Vì lần này đối thủ không còn là đại kình địch Thái Lan mà chỉ là một Malaysia non nớt, một Malaysia đã từng bị chúng ta đánh bại dễ dàng ở vòng đấu bảng. Sân vận động quốc gia Lào tràn ngập màu đỏ Việt Nam, và tất cả sống trong cảm giác chỉ chờ tiếng còi tan cuộc vang lên là mở champagne ăn mừng.

Nỗi đau Quế Ngọc Hải sau trận bán kết SEA Games 28. Ảnh: H.M

Thế nhưng cú đá phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp và tình huống để bóng lọt lưới khó tin của thủ thành Bùi Tấn Trường lại đập tan tất cả. Một thế hệ cầu thủ mới của chúng ta lại khóc - khóc bi kịch thảm sầu hơn cả SEA Games 2003. Và như thế từ 2003 đến 2009, bóng đá Việt Nam hết sợ Thái Lan lại đến sợ Malaysia.

Bây giờ thì bóng đá Việt Nam sợ ai? Trước thềm SEA Games 28 vừa rồi, ai cũng bảo câu trả lời là Thái Lan, vì ai cũng tin chỉ có Thái là nhỉnh hơn ta một bậc. Nhưng cuối cùng chúng ta không "chết" bởi Thái mà lại chết bởi U.23 Myanmar ở vòng bán kết.

Đấy là trận bán kết mà những ý tưởng chiến thuật của HLV Toshiya Miura bị giới chuyên môn mổ xẻ rất kỹ, đấy cũng là trận bán kết mà hàng tiền đạo đội tuyển, đặc biệt là Mạc Hồng Quân đã bỏ lỡ cơ hội rất nhiều.

Nhìn cảnh Mạc Hồng Quân ôm mặt khóc - những giọt nước mắt giống y chang Phạm Thành Lương, Phạm Văn Quyến ở những kỳ SEA Games trước đó, nhiều người lại cám cảnh: Bao giờ giấc mơ vàng thành hiện thực? Nói cách khác, phải làm gì để có thể gặt vàng?

Thì đấy, ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chẳng bảo: "Dưới sự huấn luyện của HLV Miura trước sau gì chúng ta cũng có vàng" rồi đó sao. Nói cách khác: bảo chứng cho chiếc HCV, theo quan điểm của người đứng đầu VFF nằm trọn cả vào Miura. Ô hay, Miura là thánh chăng?

HLV Miura và các cộng sự đã làm tất cả những gì có thể, nhưng... Ảnh: H.M

Hay Miura là phù thuỷ có khả năng hô biến? Nói cho công bằng thì Miura với những phương pháp huấn luyện hiện đại và bài bản của mình cũng đã "hô biến" thành công tình trạng thể lực của cầu thủ Việt Nam, thế nên từ những cầu thủ chỉ có thể chạy bon chạy khoẻ trong khoảng 60 - 70 phút, dưới thời Miura đã có thể chạy tốt trong suốt 90 phút bóng lăn.

Miura cũng là một trong những ông thầy hiếm hoi đã tạo nên một nền nếp sinh hoạt kỷ luật và mạnh mẽ. Nhưng Miura xét cho cùng cũng chỉ là một con người với những giới hạn, sai số rất con người, chứ không phải một thánh nhân hoàn hảo. Thế nên nếu chỉ trông chờ vào Miura, nói cho chính xác là nhắm mắt trông chờ vào Miura thì chắc chắn giấc mơ vàng vẫn mãi mãi lửng lơ.

Bản chất vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta phải có kế hoạch phát triển chiến lược các đội tuyển quốc gia nói riêng và cả một nền bóng đá nói chung. Ở góc độ các ĐTQG, không khó thấy rằng mỗi thời HLV đội tuyển lại chơi theo một phong cách khác, lúc thì phong cách Brazil với thầy "điên" Tavares, lúc thì phong cách Anh với Colin Murphy, lúc lại phong cách Đức với Falko Goetz và một thầy Nhật chịu ảnh hưởng bởi bóng đá Đức như Toshiya Miura.

Mà với chính Miura, điều nực cười nằm ở chỗ, trước khi ký hợp đồng với ông, nhiều đại diện VFF cứ khăng khăng cái mệnh đề: "Phải mời thầy Nhật, vì văn hoá Nhật gần gũi với văn hoá Việt Nam", nhưng hoá ra cuối cùng cái văn hoá mà Miura mang đến lại có màu sắc Đức (vì ông có thời gian dài tu nghiệp ở Đức) nhiều hơn hẳn màu sắc Nhật. Tất cả cho thấy chúng ta chẳng có tính định hướng chiến lược về lối chơi nào cả.

Chúng ta cũng chẳng cần biết rốt cuộc thì với thực trạng thể hình, thể lực cùng những ưu - nhược điểm chuyên môn của cầu thủ Việt Nam thì lối chơi nào, phong cách nào là thực sự phù hợp nhất. Mọi chuyện đơn giản chỉ là mỗi đời chủ tịch VFF lại thích một kiểu thầy, và khi đã mời thầy thì mọi việc chuyên môn từ A đến Z cứ thế "khoán trắng" cho thầy.

Còn nói về việc phát triển chiến lược một nền bóng đá thì ôi thôi, bóng đá Việt Nam nhìn đâu cũng hổng. Hổng từ mảng đào tạo trẻ khi đến lúc này, cả nước cũng mới chỉ có một học viện bóng đá chuyên nghiệp duy nhất của ông bầu Đoàn Nguyên Đức ở Pleiku. Hổng từ kết cấu các CLB khi về danh nghĩa, mỗi CLB đều đã là một công ty nhưng thực tế chẳng CLB nào có thể hoạt động thu - chi có lãi theo đúng mô hình công ty. Và nguy hiểm nhất là cái hổng trong cấu trúc nền bóng đá, khi số lượng các CLB tại V.League, giải hạng Nhất, hạng Nhì luôn biến động qua mỗi năm, thay vì được duy trì một cách ổn định, lâu dài.

Với một nền bóng đá như thế thì hai tiếng "vàng ơi" có lẽ còn phải vang lên dài dài. À, hay là thay vì chỉ gọi "vàng ơi" một cách khắc khoải và đau đớn như thế, hãy gọi dõng dạc theo kiểu: vàng ơi, mở cửa ra. Vàng ơi, bay lên cổ ta nào...

Biết đâu đấy, trong một ngày đẹp trời nào đấy, bóng đá chợt thành cổ tích?

 Hy vọng mong manh

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng nhiều lần bảo, một trong những lý do khiến ông quyết tâm bắt tay với Arsenal để mở một Học viện bóng đá chuyên nghiệp tại Pleiku là vì giấc mơ vàng SEA Games. Ông tin rằng với những cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản của học viện sẽ có ngày giấc mơ này trở thành hiện thực. Mà đấy chẳng phải là một ngày quá đỗi xa xôi, nó nhiều khả năng sẽ là SEA Games 29 tại Malaysia 2 năm tới.

Thực tế 2 năm tới, lứa cầu thủ U.19+ của ông Đức như Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Tuấn Anh... đều đã trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm "chiến trường". Vấn đề là với quan điểm ưa lực sĩ hơn nghệ sĩ của ông Miura - người đã được đảm bảo vị trí cho đến hết SEA Games 29 thì những cầu thủ này có được trọng dụng và sử dụng hay không? Đấy là còn chưa nói, trong khi bóng đá Việt Nam cứ quanh quẩn mãi với chuyện về U.19 thì U.23 Thái Lan nói riêng và bóng đá Thái Lan nói chung đang dễ dàng thống trị trở lại làng túc cầu Đông Nam Á. Và phải làm gì để vượt Thái chắc chắn là một câu hỏi khó hơn cả việc leo đỉnh Phanxipăng.

Thế nên càng mơ vàng, có vẻ người ta càng ảo vọng?

Phan Đăng
.
.
.