Hành trình "Thiện Nhân và những người bạn":

Vẽ nên cổ tích giữa đời thường

Thứ Hai, 03/10/2016, 15:06
Cuối tuần qua, triển lãm tranh “Vẽ nên cổ tích” của 25 họa sỹ nhí diễn ra tại Hà Nội. Triển lãm nằm trong khuôn khổ hoạt động gây quỹ của hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” năm 2016 để phẫu thuật cho 45 em nhỏ khiếm khuyết bộ phận sinh dục vào tháng 11 tới đây.


Triển lãm “Vẽ nên cổ tích” được khơi nguồn từ những câu chuyện cổ tích và ước mơ hiện diện hằng ngày trong hơi thở của các em nhỏ. Những tác phẩm trong triển lãm được tuyển chọn từ Ngày hội vẽ tranh do NXB Kim Đồng tổ chức hồi giữa tháng 9 đồng thời ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đây là những tác phẩm của 25 họa sỹ nhí từng đoạt những giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước - thể hiện trong vòng hai tiếng. Đây là sân chơi để hai trong số rất nhiều giấc mơ của trẻ em gặp nhau và biến thành hiện thực.

Chị Trần Mai Anh, mẹ “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân cho biết, chuyện cổ tích không chỉ nằm trong những trang sách, mà hoàn toàn có thể xảy ra từ những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Tác phẩm của họa sỹ nhí An Duy lọt vào mắt xanh của diễn viên Hoàng Xuân.

Trẻ em có thể vẽ nên câu chuyện cổ tích cho mình và cho những người xung quanh. Dự án “Vẽ nên cổ tích” chính là sân chơi để các em nhỏ yêu thích và có năng khiếu hội họa thể hiện tài năng đồng thời cùng người lớn góp sức tạo nên những câu chuyện cổ tích đầy tình người.

Tại triển lãm, nhiều bức tranh của các họa sỹ nhí đã được bán gây quỹ phẫu thuật cho 45 em nhỏ có hoàn cảnh không may mắn vào tháng 11 tới. Chị Trần Mai Anh gọi những bức tranh này là những mảnh ghép có phép màu. Phép màu tạo ra bởi những họa sỹ tí hon. Và thế giới cổ tích vẫn có những nhân vật như thế.

Chị Trần Mai Anh, đồng sáng lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” Chiếc vé về tuổi thơ

- Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” tổ chức phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em Việt Nam không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục bẩm sinh hoặc do tai nạn. Tại sao đối tượng hướng đến của chương trình là các em nhỏ khiếm khuyết bộ phận sinh dục, thưa chị?

+ Như bạn đã biết, bé Thiện Nhân bị bỏ rơi trong rừng từ khi lọt lòng mẹ và bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và một chân. Tôi nhận nuôi cậu bé rồi đưa Nhân đi Mỹ, Italia để chữa bệnh.

7 bức tranh đã được bán tại triển lãm, một câu chuyện cổ tích đã hình thành.

Bình thường, phẫu thuật ở đâu cũng thế, chỉ có quan hệ người bệnh và bác sỹ thôi. Nhưng chẳng biết tại sao, bác sỹ nào khám bệnh xong cho Nhân cũng yêu cháu. Chắc tại Nhân là một đứa trẻ đặc biệt. Từ quan hệ bệnh nhân – bác sỹ ấy, dần dần thân thiết như người nhà.

Các bác sỹ sang Việt Nam thăm cháu. Rồi từ việc yêu bé Thiện Nhân, họ cũng yêu Việt Nam nhiều hơn, quan tâm tới trẻ con Việt Nam nhiều hơn. Các bác sĩ bảo sẽ tình nguyện sang đây để phẫu thuật miễn phí cho trẻ em ở đây.

Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” hình thành từ đấy. Từ một vài bác sỹ ban đầu, đến nay, chương trình nhận được sự ủng hộ của 7 bác sỹ hàng đầu về lĩnh vực này. Mọi người cứ thay phiên nhau qua đây.

Với lại, sau khi tin tức về ca phẫu thuật của bé Thiện Nhân được phát đi, nhiều gia đình nghèo trên cả nước đã tìm đến chương trình để chia sẻ câu chuyện gia đình mình. Những khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục vốn không phải là một đề tài được chia sẻ rộng rãi trong xã hội châu Á.

Chị Trần Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân.

Tuy nhiên, câu chuyện của bé Thiện Nhân đã góp phần thay đổi quan điểm này. Khi các bác sỹ ngỏ ý muốn giúp đỡ, nhiều trẻ em có cơ hội để thay đổi cuộc đời mình, Mai Anh lại càng khổ hơn bởi suốt ngày phải lo nghĩ làm sao để có tiền cho các cháu.

Không làm không được. Mình có cơ hội để được giúp đỡ, chẳng lẽ mình từ chối? Thành ra, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” bắt đầu. Hạt nhân cơ bản đầu tiên chính là GS Greig Craft, tôi và bác sỹ Roberto DeCastro.

- Chị nói rằng hiện có tới 1.000 hồ sơ đăng ký phẫu thuật tại chương trình. Làm sao mà phẫu thuật được hết? Tôi được biết, để tiến hành một ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục, chi phí rất lớn.

+ Thực ra, có nhiều ca không quá nặng, các bác sỹ phẫu thuật để giúp các con từ ngồi thành đứng. Với những người lành lặn như chúng ta, việc đi lại, vệ sinh ra sao rất dễ nhưng trẻ em khiếm khuyết bộ phận sinh dục thì không. Đôi khi, chỉ vì bất tiện trong việc đi vệ sinh mà các bé không dám đi học, không dám vào toa-let.

Trong lúc đó, có một số bố mẹ nghĩ mình đã đẻ ra đứa con quái thai, u ám lắm. Thành ra rất tội cho các em. Rồi có những ca phẫu thuật nặng lắm, có những ca trên bờ vực sống chết, phải phẫu thuật để cứu mạng.

Từ khi khởi động đến nay, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã phẫu thuật được 200 ca, khám tư vấn hơn 600 lượt. 100% người nộp hồ sơ vào chương trình đều được khám, tư vấn miễn phí. Chúng tôi không bao giờ từ chối bất cứ hồ sơ nào cả.

Một trong những mảnh ghép có phép màu.

Năm nay là năm thứ 6 của “Thiện Nhân và những người bạn”. Chúng tôi sẽ cố gắng tiến hành phẫu thuật cho 45 cháu. Cũng muốn giúp được nhiều bé hơn và mặc dù các bác sỹ phẫu thuật miễn phí nhưng chi phí xung quanh cũng tốn kém quá. 

- Tháng 11 này, chương trình phải có 1,5 tỷ đồng thì mộng ước vẽ nên cổ tích cho các bé mới thành hiện thực. Bây giờ đã là tháng 10 rồi. Nghĩa là “deadline” đang gần kề trước mặt, chị kiếm đâu ra 1,5 tỷ đồng bây giờ? 

+ Phát động từ tháng 7, hiện tại chúng tôi đã có 500 triệu đồng rồi. Chúng tôi đã phải đi bằng nhiều con đường khác nhau để có tiền hỗ trợ các cháu. Chúng tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng. Có người dễ thương lắm, mỗi tháng trích lương ra 50.000 – 100.000 đồng.

Cứ đến ngày đó, số tiền này lại vào tài khoản của chương trình. Có người ủng hộ bằng những hình thức khác. Dù bằng hình thức nào, mọi sự giúp đỡ cũng là đáng quý, đáng trân trọng. Chúng tôi cảm ơn vì điều đó.

Nếu làm một chương trình gây quỹ bình thường thì không khó. Chúng tôi muốn tiến hành nhiều sân chơi để gây quỹ. Ví dụ như “Vẽ nên cổ tích” là một ví dụ. Tôi  thích tạo ra một cái gì đấy, ai tham gia cũng thấy vui. Như hôm nay, ai đến dự triển lãm tranh “Vẽ nên cổ tích” cũng đều cười nhiều.

Tôi thấy rằng, mọi người cũng không nghĩ rằng đây là một chương trình từ thiện đâu. Mọi người đến với nó, thấy giản dị, yêu thương, chân thành, vui và ủng hộ. Vui vì được chia sẻ.

Ngoài chương trình mỹ thuật này, còn có dự án “Vé đi tuổi thơ”… Mọi người ủng hộ chương trình thì có thể mua vé. Mỗi tấm vé đó đều được xung vào quỹ. Mình muốn không ai phải xin ai, không ai phải cho ai một điều gì cả.

Bạn bỏ tiền mua 1 tấm vé (ví dụ như vé IONAH Show chẳng hạn), bạn được xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật đích thực.

Giá vé của bên “Thiện Nhân và những người bạn” thấp hơn giá bán tại địa điểm biểu diễn. Tôi muốn mọi người thấy rằng, nếu như nó chỉ là một tấm vé đi qua cửa, sau khi xé xong thì nó không còn giá trị.

Nhưng ở đây khi bước qua cửa, xé đi một tấm vé cũng là mở ra một cánh cửa cho những trẻ em khác. Mình gọi “vé đi tuổi thơ” là vì vậy. Mục đích cũng chỉ là để cho những đứa bé khác trở về cuộc sống bình thường như bạn bè đồng trang lứa của mình.

- Vóc chị nhỏ bé như vậy, chị lấy đâu ra sự bền bỉ đặc biệt?

+ Con tôi, bé Thiện Nhân là động lực. Những người bạn, những người đồng hành với tôi là những người tiếp lửa. Vất vả làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn người khác. Đầu óc đỡ nhàm chán. Mà nghĩ cũng kì lạ. Tôi cứ “đâm đầu” vào ai thì họ lại ở cạnh tôi.

Nếu tôi mạnh mẽ, họ cổ động. Khi tôi trở nên yếu đuối và mệt, họ sẽ làm tất cả mọi việc hộ tôi. Những người như thế không bao giờ bỏ rơi tôi mà chỉ có nhiều lên thôi. Để biết rằng, xã hội cũng còn nhiều lòng tốt, sự tử tế.

- Cảm ơn chị!

Đậu Dung
.
.
.