Vì sao Toshiya Miura 'lườm' V.League?

Thứ Bảy, 23/05/2015, 16:37
Đấy là một cái “lườm” bất ngờ nhưng sắc lẹm, xuất hiện vào đúng lúc không ai nghĩ đến của HLV trưởng ĐT Việt Nam và ĐT U.23 Việt Nam. Bởi V.League quả nhiên đáng “lườm”, hay bởi người đàn ông Nhật Bản chủ đích lườm để giải quyết những áp lực ngày một lớn đổ dồn lên vai mình?
Trước trận giao hữu giữa Đội tuyển Việt Nam và CHDCND Triều Tiên vào hôm Chủ nhật vừa qua, khi bị cánh báo giới hỏi về vấn nạn chấn thương hàng loạt của nhiều tuyển thủ, ông Miura bảo: "Họ chấn thương một phần do V.League".

Ô hay, cầu thủ lên tuyển, tập luyện thi đấu ở ĐT rồi lăn đùng ra chấn thương trong màu áo tuyển - tại sao lại do V.League nhỉ? Miura giải thích: "Đội ngũ bác sĩ và trị liệu ở các CLB V.League không tốt. Tôi được biết là có nhiều cầu thủ được phát hiện chấn thương rất chậm, lại có những cầu thủ bị chấn thương nặng nhưng lại được xác định là nhẹ, thế là HLV ở các CLB cứ cho các cầu thủ vào sân thi đấu. Nếu cứ như vậy, đến bao giờ họ mới có thể bình phục và trở lại với phong độ đích thực của mình?".

Thực ra thì chuyện ông Miura bực mình các bác sĩ Việt Nam đã âm ỉ từ thời kỳ ĐTQG tập luyện chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2014, và bùng phát cao độ trong quá trình ĐT U.23 QG tập luyện hướng đến vòng loại U.23 châu Á 2016 tại Malaysia. Thế mới có chuyện vị bác sĩ ở ĐT U.23 đã bị thay đổi bất thình lình, và cùng với những thay đổi đó, vai trò của vị bác sĩ trị liệu mà ông mang sang từ Nhật ngày một gia tăng.

HLV Miura khiến nhiều người bất ngờ với những phát biểu về V.League. (Ảnh trong bài của H.M).

Khi nghe nhà cầm quân người Nhật "lườm" đội ngũ bác sĩ, y tế ở V.League, chúng tôi sực nhớ lại một chuyện khá nực cười từng xảy ra trong quá trình HLV Henrique Calisto dẫn dắt ĐT U.23 QG hướng đến SEA Games năm 2009. Hồi ấy, sau khi phát hiện một tuyển thủ có vấn đề về răng miệng, ông "Tô" thậm chí đã phải lùa cả đội đi khám răng.

Và trong một lần trò chuyện với người viết, ông ngao ngán bảo: một vấn đề sức khỏe đơn giản như thế lẽ ra các cầu thủ phải được dạy dỗ và theo dõi ngay từ khi còn là một cầu thủ trẻ, vậy mà... Từ những ý kiến của ông Miura đến những câu chuyện từng có trước đây dười thời Calisto và nhiều ông thầy ngoại quốc khác, có thể tin rằng những phàn nàn của họ về vấn đề sức khoẻ, y tế ở các CLB Việt Nam là chính xác.

Nhưng không chỉ "lườm nguýt" vấn đề y tế ở V.League, ông Miura đồng thời cũng "lườm nguýt" cả phong thái chơi bóng của các đội V.League. Sau trận giao hữu giữa U.23 Việt Nam với U.23 Hàn Quốc (hoà 0-0), khi một bộ phận dư luận cho rằng các cầu thủ U.23 Việt Nam chơi quá bạo lực thì  nhà cầm quân người Nhật đã phản biện: "Theo tôi, họ đá máu lửa chứ không bạo lực. Còn nếu mọi người nghĩ đó là bạo lực thì xin hãy nhìn lại V.League".

Cái này thì hai năm rõ mười rồi. Mặc dù không ngừng được cảnh báo và cải thiện nhưng V.League những năm qua vẫn liên tục  xuất hiện những pha bóng cầu thủ đá bể đầu, gãy chân nhau, khiến Ban Kỷ luật VFF phải ra những án phạt rất nặng, như đình chỉ thi đấu từ thời điểm gây ra bạo lực tới khi giải đấu kết thúc. Nhưng nếu nhìn vào một mảng rất xấu của V.League để ngụy biện rằng các tuyển thủ của mình chỉ đá máu lửa chứ không bạo lực thì có lẽ ông Miura cũng cần xem lại.

Và nếu những pha bóng trong một trận đấu mang tính giao hữu như trận đấu với U.23 Hàn Quốc là chưa đáng để xem lại thì ông cần xem lại tình huống Công Phượng giật cùi chỏ vào mặt một cầu thủ U.23 Malaysia hay Đức Lương vung chân đá thẳng vào người một cầu thủ U.23 Nhật Bản trong các trận đấu của ĐT U.23 Việt Nam tại vòng loại U.23 châu Á 2016 trên đất Malaysia cách đây chưa lâu. Cả hai tình huống đánh người thô thiển này đều không bị trọng tài phát hiện, nếu không chúng ta đã phải "ăn" thẻ đỏ.

Các cầu thủ U.23 phải tập riêng vì chấn thương.

Câu hỏi cần đặt ra là: tại sao bỗng nhiên ông Miura lại nói nhiều đến một V.League vừa bạo lực vừa rất yếu và rất thiếu ở khâu bác sĩ, trị liệu như lúc này? Tại ông ý thức được trách nhiệm của mình trong việc cải tạo chất lượng và hình ảnh của V.League chăng? Có thể, nhưng nếu chỉ vì thế thì có lẽ ông phải nói những điều trên từ rất lâu rồi. Không ai không biết thời gian qua ông Miura đang phải chịu những sức ép nặng nề về việc rất nhiều cầu thủ bỗng lăn đùng ra chấn thương.

Dù chưa xuất hiện cả một cơn mưa chấn thương nặng hạt như trong quá trình ĐT U.23 chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á cách đây 1 tháng nhưng những chấn thương của Tuấn Anh, Hoàng Lâm, Thanh Hiền, Phi Sơn... đã khiến lãnh đạo các CLB sở hữu bắt đầu lên tiếng.

Nếu trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á người ta đặt dấu hỏi về việc: "Có phải những bài tập thể lực quá nặng của Miura đã khiến cầu thủ vỡ sức?" thì bây giờ nó lại diễn ra ở khía cạnh: "Có phải việc ông Miura ép các cầu thủ phải cháy mình ngay cả trong các buổi tập lẫn các trận đấu giao hữu đã dẫn đến những hậu quả lợi bất cập hại?".

Ai cũng biết, sau trận giao hữu với U.23 Hàn Quốc, Ngô Hoàng Thịnh - một trong những cầu thủ đặc biệt quan trọng ở hàng tiền vệ ĐT U.23 đã bị gãy xương sườn sau một pha tranh chấp quyết liệt thái quá, và với chấn thương này, Hoàng Thịnh đã phải chia tay giấc mơ SEA Games. Rõ ràng, ông Miura đang phải chịu những sức ép nhất định và ngày một lớn trong quá trình hành nghề tại Việt Nam.

Nó lớn hơn nhiều so với quá trình ĐT Olympic âm thầm tập luyện cho Asiad 17 hay ĐTQG âm thầm tập luyện cho AFF Suzuki Cup 2014, vì ở thời điểm ấy người ta "hút" cả vào ĐT U.19 quốc gia của thầy Pháp Guillaume Graechen. Thời điểm ấy, ông Miura thậm chí đã phải kêu gọi báo chí, người hâm mộ để ý, quan tâm đến đội bóng của mình.

Có phải chính những sức ép như vậy mà ông Miura đã đẩy nhiều vấn đề của ĐT về phía V.League, dù đấy là những vấn đề mà ai cũng thấy là nó đúng và trúng một cách hiển nhiên? Có phải chính những sức ép như vậy mà ông Miura đã “lườm nguýt” V.League, và chính thức, công khai tạo ra một độ vênh lớn về quan điểm giữa mình với những lãnh đạo, HLV V.League?

Kể từ khi sang Việt Nam làm việc, với phong cách nền nã của người Nhật và tính kỷ luật của người Đức (ông Miura có thời gian dài tu nghiệp ở Đức), vị HLV trưởng ĐTVN luôn hiện lên thật chỉn chu, cẩn trọng trong từng phát ngôn, từng hành động. Thế nên cái “lườm” V.League mà ông liên tục thể hiện vừa qua có lẽ cũng là sản phẩm của một quá trình suy nghĩ chỉn chu, chứ không phải là những phản ứng tức thời...

Thực ra, tất cả các HLV ngoại từng sang dẫn dắt ĐT Việt Nam ai cũng ít nhiều đổ lỗi cho V.League, thậm chí đổ lỗi cho những vấn đề muôn thuở của nền bóng đá này như điểm yếu về thể hình của các cầu thủ. Nhưng chúng ta hiểu rằng đổ lỗi cho cái giải đấu lắm chuyện và quả đúng là rất đáng để đổ lỗi ấy thì quá dễ. Cái khó là từ cái nền ấy phải làm sao tạo nên một ĐTQG với một sức sống, một hình hài, một niềm tin mới.

Cái khó này, cựu thầy Calisto đã từng làm được, khi giúp ĐT Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Cái khó này, chính Toshiya Miura cũng bước đầu làm được ở AFF Suzuki Cup 2014. Vì thế người hâm mộ chờ đợi và hy vọng ông sẽ tiếp tục làm được và tiếp tục kiên định nhìn về phía trước, thay vì thi thoảng bỗng quay lại, nhìn về V.League rồi đỏng đảnh trao cho nó... một cái “lườm”!

Qua từng trang báo: Cần sòng phẳng với ông Miura

Việc HLV Miura chăm chút nâng cao sức bền và tinh thần chiến đấu máu lửa cho học trò bắt nguồn từ suy nghĩ từ những ngày đầu ông gắn bó với bóng đá Việt Nam qua kênh V-League. Ông đã từng thẳng thắn chỉ rõ nhiều điểm yếu của cầu thủ, nổi bật là lười chạy nên thường đuối sức ở nửa cuối hiệp hai.

Cho nên mỗi lần đội tuyển hội quân, ông Miura luôn phải bắt tay làm lại từ đầu và làm thay cho công việc ở CLB là tăng cường thể lực lẫn khát vọng chiến đấu cho học trò. Cường độ vận động lớn với những cuộc sát hạch kỹ lưỡng của ông Miura buộc cầu thủ phải từ bỏ thói quen từ CLB và mỗi lần ra sân đều cháy hết mình khiến cho các ca chấn thương liên tục không mời mà tới.

HLV Miura lên tiếng xin lỗi học trò nhưng ai cũng thấy rõ không phải lỗi do ông, bởi hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam và thực tại ở các CLB buộc ông phải có những phương án thay đổi. Ông thầy người Nhật va vấp những khó khăn ban đầu với nhiều ca chấn thương ngoài ý muốn nhưng hiệu quả từ cách nhồi thể lực và nâng cao ý chí chiến đấu không ngại bất kỳ đối thủ nào thì đã được kiểm chứng qua các giải đấu của các đội tuyển Việt Nam. (Thiên Thanh - Thanh Niên Oline)

HLV Hải Phòng Trương Việt Hoàng: "Khó trách HLV Miura vì cầu thủ chấn thương"

"Cũng không thể trách HLV Miura vì có nhiều cầu thủ chấn thương trên đội tuyển, đặc biệt là tình hình chấn thương ở đội U23, khi tới thời điểm hiện tại có tới 9 cầu thủ nằm trong danh sách "thương binh".Tới đây, đội U23 sẽ đá SEA Games 28 với mật độ khoảng 2 ngày/trận, vì thế nếu không có những giáo án luyện tập nâng cao thì rất khó để các cầu thủ vốn quen thi đấu 1 tuần/ 1 trận có thể đủ sức cày ải ở SEA Games...

Cá nhân tôi không cảm thấy quá lo lắng về chuyện các cầu thủ của Hải Phòng có thể dính chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu trên đội tuyển bởi chuyện chấn thương trong thể thao, nhất là trong môn bóng đá là điều mọi cầu thủ, mọi đội bóng đều phải sẵn sàng đối mặt và chấp nhận rủi ro chấn thương." (Mạnh Đức - Báo Thể thao & Văn hoá)

Phan Đăng
.
.
.