Vì sao bóng đá Anh thiếu những huấn luyện viên giỏi?

Thứ Tư, 11/11/2015, 09:30
Con ngựa bất kham của bóng đá Anh, tiền vệ Joey Barton từng có một phát ngôn gây sốc: "Không phải ai cũng có đủ điều kiện để trở thành một cầu thủ xuất sắc, nhưng ai cũng có thể trở thành một HLV giỏi".
Tất nhiên, tuyên bố của Barton có thể khiến nhiều chiến lược gia bóng đá cảm thấy nóng mặt. Nhưng chẳng ai có thể phủ nhận một thực tế là có rất nhiều HLV vĩ đại nhưng chỉ sở hữu một sự nghiệp cầu thủ rất bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường. Có thể kể ra đây những cái tên lừng lẫy như Arrigo Sacchi, Jose Mourinho, Juergen Klopp hay Joachim Loew... Tất cả họ khi còn thi đấu đều là những cầu thủ vô danh. Thậm chí, cá biệt như Arrigo Sacchi còn chưa bao giờ thi đấu chuyên nghiệp và nghề nghiệp chính của ông trước khi bắt đầu sự nghiệp HLV là… bán giày.

Chi tiết này phần nào cho thấy đúng là nghề HLV không có rào cản hay ranh giới gì rõ ràng, cụ thể với những người mong muốn theo đuổi nó. Tuy nhiên, nếu như phát biểu của Barton là có lí thì điều kì lạ là tại sao bóng đá xứ sở sương mù lại không thể sản sinh ra những HLV xuất sắc?

Trong số 20 CLB đang chơi ở giải Ngoại hạng - giải đấu hàng đầu nước Anh hiện nay chỉ có đúng 5 người mang quốc tịch Anh. Điều đáng nói là những HLV bản địa này đều chỉ dẫn dắt các đội bóng được liệt vào hàng trung bình yếu như Bournemouth, Newcastle, Sunderland, Crystal Palace, Swansea City. Các HLV người Anh không có "cửa" để chen chân dẫn dắt các CLB hàng đầu.

Phát triển số lượng và chất lượng HLV là định hướng của LĐBĐ Anh.

Tương tự như thế, ở tầm ĐTQG trong 10 năm trở lại đây đội tuyển Anh cũng đã trải qua 2 đời HLV ngoại là Sven Goran Eriksson và Fabio Capello. Tam sư chính là ông lớn hiếm hoi của bóng đá thế giới phải sử dụng HLV ngoại để dẫn dắt ĐTQG.

Đây có thể coi là những bằng chứng khẳng định sự thiếu hụt những tên tuổi lớn trên băng ghế huấn luyện của bóng đá Anh. Hãy cùng đi tìm nguyên nhân lí giải cho nghịch lý này, nhất là khi nước Anh sở hữu một giải VĐQG được xếp vào hàng hấp dẫn và được chú ý nhất hành tinh.

Ở khía cạnh nào đó, chính sức nóng của giải Ngoại hạng cũng là một nguyên nhân khiến các HLV người Anh không có đất dụng võ. Tuy mang danh là giải đấu số 1 của bóng đá Anh, nhưng hầu hết các CLB lớn nhất của Premier League đều nằm trong tay các ông chủ nước ngoài. Manchester City thuộc về các ông chủ Arab, Manchester United, Liverpool là của người Mỹ, Chelsea là tài sản sở hữu của Abramovich... Ngay cả những CLB nhỏ cỡ như Leicester City cũng có ông chủ là người nước ngoài.

Những nhà tài phiệt nước ngoài này đổ tiền vào các đội bóng Anh đương nhiên là vì những mục tiêu của cá nhân họ. Việc phát triển bóng đá Anh hay trao cơ hội cho các HLV bản địa không phải là mối quan tâm của họ. Những ông chủ này hướng tới sự thành công, hiệu quả tức thì, vì vậy sẽ rất khó có chuyện họ mạo hiểm với một HLV bản địa mới chỉ thuộc dạng tiềm năng. Nó khác hẳn việc Juventus, Barcelona… - những CLB có bản sắc đặc trưng dám mạnh dạn trao cơ hội cho những HLV trẻ (vốn là cựu danh thủ của đội nhà) ngay cả khi họ chưa thành danh trên băng ghế huấn luyện như trường hợp của Conte, Pep Guardiola, Luis Enrique...

Đây chính là bệ phóng tạo ra một thế hệ HLV mới trẻ trung và đầy tài năng của làng túc cầu thế giới. Những điều này gần như không tồn tại ở môi trường bóng đá Anh, nơi nhiều đội bóng về mặt bản chất không hề thuộc về người Anh (ngoại trừ địa điểm đóng quân). Ngay cả ở các CLB do chính người Anh làm chủ thì cũng không có chỗ cho sự kiên nhẫn và phát triển một cách căn cơ. Đơn giản bởi vòng xoáy lợi nhuận của Premier League là quá lớn. Sự khác biệt giữa 1 suất chơi ở Premier League và giải hạng dưới có thể lên tới cả trăm triệu bảng Anh. Con số khổng lồ ấy khiến người ta buộc phải khắt khe với các HLV, không có chỗ để ưu ái cho các HLV bản địa.

Sự cạnh tranh quá khốc liệt với các HLV nước ngoài thành danh cũng như áp lực quá lớn từ việc thành công ngay tức thì chính là thứ giết chết giấc mơ của các chiến lược gia người Anh. Nhưng đây mới chỉ là nguyên nhân mang tính khách quan, ngoài ra bóng đá Anh còn tồn tại nhiều vấn đề nội tại khác.

Người Anh vốn là những con người bảo thủ. Họ từng tự hào là quê hương của môn bóng đá hiện đại, ban đầu người Anh còn không thèm tham dự World Cup vì họ cho rằng mình nghiễm nhiên là đội tuyển mạnh nhất thế giới. Chính vì vậy, phương pháp huấn luyện của bóng đá Anh nhìn chung lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới.

Các HLV bản địa vẫn đề cao lối chơi theo kiểu Anh truyền thống, thiên về thể lực, bóng dài, tạt cánh - đánh đầu. Sự bảo thủ về đường lối của bóng đá Anh thể hiện ở chỗ ngay cả trong kế hoạch mang tên "The Future Game" được LĐBĐ Anh đưa ra năm 2010 để hướng tới mục tiêu giành chức vô địch World Cup 2022 cũng từng bị các chuyên gia chỉ trích là vẫn đặt trọng tâm quá lớn vào việc tìm kiếm các cầu thủ có sức mạnh, to khỏe hơn là tìm ra người tài năng nhất. Trong khi đó, bóng đá hiện đại đang ngày càng đặt nặng yêu cầu về chiến thuật phức tạp, chú trọng tới kỹ thuật chơi bóng. Điều này khiến cho các HLV người Anh có xu hướng tụt hậu so với những đồng nghiệp trên thế giới.

Nói một cách khác bóng đá Anh với phương pháp và triết lí cổ điển của mình đang không theo kịp bước tiến của bóng đá thế giới. Điều này không chỉ đúng với các HLV người Anh, mà ngay cả các cầu thủ người Anh cũng vậy. Rất hiếm ngôi sao xứ sở sương mù tỏa sáng khi ra nước ngoài chơi bóng. Người Anh cần một cuộc cách mạng về tư duy để tạo ra những sự thay đổi có giá trị ở thì tương lai.

Thêm một điều ngăn cản các HLV Anh có thể thành công đấy là những hàng rào do chính văn hóa Anh tạo ra. Không ở nơi nào trên thế giới, các HLV chịu sự soi mói và áp lực từ truyền thông như ở xứ sở sương mù. Sven Goran Eriksson có lẽ là người thấm thía điều này hơn ai hết, khi rất nhiều scandal cá nhân của ông bị phơi bày trên các mặt báo lá cải của nước Anh. Thậm chí, tờ News of The World còn cho phóng viên nhập vai đóng giả để cài bẫy vị HLV người Thụy Điển.

Hãy thử tưởng tượng nếu có một HLV người Anh nổi lên như là ngôi sao của giải đấu chắc chắn ông này sẽ bị bủa vây bởi áp lực khủng khiếp từ mọi phía, đặc biệt là từ hệ thống truyền thông thích những câu chuyện giật gân, đời tư. Những điều này có thể giết chết bất kì tài năng nào và có thể là thứ khiến cho nhiều người từ bỏ giấc mơ HLV chuyên nghiệp, còn nhiều cựu danh thủ quyết tâm lui về ở ẩn sau khi treo giày để hưởng một cuộc sống của người bình thường. Chính David Beckham từng thổ lộ anh thích sống ở Mỹ thay vì trở về quê hương là bởi không muốn gia đình và những đứa con của mình liên tục bị truyền thông làm phiền.

Ngay cả người đang dẫn dắt ĐT Anh Roy Hodgson cũng chưa bao giờ được xếp vào danh sách những HLV hàng đầu thế giới.

Dù vậy, đây cũng chưa phải là điều vô lý nhất xuất phát từ yếu tố văn hóa đối với các HLV người Anh. Tháng 4/2015 vừa rồi, đài BBC thực hiện một cuộc điều tra và đưa ra một số liệu giật mình. Đó là cơ hội cho các HLV người Anh vốn đã ít (như đã đề cập ở trên) thì cơ hội cho những HLV người Anh nhưng sở hữu làn da màu thì còn nhỏ hơn rất nhiều.

Theo thống kê của BBC trong số 230 CLB thuộc 7 hạng đấu thấp hơn giải Ngoại hạng thì chỉ có 14 HLV là người da màu (chỉ chiếm 6,09%). Thậm chí, hồi năm ngoái khi Hughton bị CLB Norwich sa thải thì trong 4 hạng đấu cao nhất của nước Anh không có bóng dáng của 1 HLV da màu nào, cho dù cộng đồng người da đen chiếm tới 14% dân số nước Anh.

Cựu tuyển thủ Anh John Barnes từng khẳng định rằng rất khó để 1 HLV da màu ở Anh có thể kiếm được việc làm mới sau khi đã bị 1 đội bóng sa thải. Có thể dễ dàng hình dung khả năng không ít người tiềm năng có thể trở thành 1 HLV xuất sắc ở Anh đã phải từ bỏ  cuộc chơi chỉ vì làn da của mình. Đấy rõ ràng là một sự lãng phí tiềm năng rất lớn.

Cho đến bây giờ người Anh vẫn có thể tự hào là đang sở hữu giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Nhưng có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, bóng đá Anh mới có thể vỗ ngực họ có trong tay những HLV giỏi nhất, thay vì những gương mặt nhờ nhờ như thì hiện tại.

Bóng đá Anh thiếu những HLV trẻ trung và tạo ra những cuộc cách mạng như Pep Guardiola.

Chính bản thân LĐBĐ Anh (FA) cũng nhận ra sự thiếu hụt HLV giỏi của nền bóng đá nước nhà. Vì vậy, trong bản kế hoạch phát triển chiến lược mang tên The Future Game được FA đưa ra năm 2010 (sau khi đội tuyển Anh thảm bại trước Đức ở World Cup 2010) đã đưa việc phát triển công tác huấn luyện trở thành 1 trong 2 tầm nhìn chủ yếu của kế hoạch này (bên cạnh việc phát triển năng lực của các cầu thủ). Theo đó mục tiêu của FA là vừa tăng cả số lượng lẫn chất lượng của các HLV người Anh. FA coi đó là một trong những động lực quan trọng để tạo ra sự phát triển bóng đá Anh hướng tới cái đích giành chức vô địch World Cup 2022. Dù vậy, sau 5 năm bản kế hoạch mang tên The Future Game được FA áp dụng, bóng đá Anh vẫn chưa thể trình làng một thế hệ HLV mới tài năng đúng như kì vọng. Có vẻ như các chiến lược gia xứ sở sương mù vẫn cần thêm thời gian cũng như sự ủng hộ để ngăn chặn cuộc xâm lăng của các HLV ngoại.

T.Đ.

Tất Đức
.
.
.