Vì sao xuất hiện mối thù địch giữa Arsenal và Tottenham?

Thứ Hai, 07/11/2016, 09:46
Cuối tuần này, Arsenal và Tottenham sẽ gặp nhau trong trận derby Bắc London lần thứ 184. Mối thù giữa hai đội bóng khiến cho mỗi cuộc đối đầu giữa “Pháo thủ” và “Gà trống” đều nhận được sự chú ý lớn từ các cổ động viên (CĐV).


Tuy nhiên, nguyên nhân nào khiến hai đại diện của London trở nên “không đội trời chung” thì không phải ai cũng biết, bởi câu chuyện đã được bắt đầu từ gần... 100 năm trước.

Ghét nhau từ trứng nước

Tottenham được thành lập bởi một số thành viên của CLB cricket Spurs vào năm 1882. Tên ban đầu của họ là Hotspur Football Club. Trong khi đó Arsenal được thành lập tại Woolwich, Kent vào năm 1886, khi một vài nhân viên của công ty chuyên sản xuất vũ khí Royal Arsenal muốn có một đội bóng.

Các trận derby Bắc London luôn diễn ra cực kỳ máu lửa.

Mặc dù được thành lập sau nhưng Arsenal lại có cơ hội thi đấu bán chuyên trước. Royal Arsenal khi đó là một trong những đội bóng nghiệp dư tốt nhất London và vô địch nhiều giải đấu ở cấp độ của họ.

Nhờ thành tích đó, Royal Arsenal được liên đoàn bóng đá miền Nam mời vào giải bóng đá của họ.

Về phía Tottenham, họ đã có đơn xin gia nhập giải bóng đá miền Nam từ năm 1888, nhưng trong một cuộc trưng cầu với sự tham gia của 23 đội bóng, Hotspur FC bị bỏ rơi khi Royal Arsenal xúi giục các CLB khác không bỏ phiếu cho họ.

Mãi đến năm 1895, Hotspur FC mới được dự giải khi Royal Arsenal trước đó hai năm đã được lên chơi chuyên nghiệp ở giải hạng nhì nước Anh (họ là CLB miền Nam đầu tiên lên chơi chuyên nghiệp).

Hai đội gặp nhau rất sớm từ năm 1887, trong một trận đấu kéo dài có 15 phút bởi đèn trên sân không đủ chiếu sáng. Nhưng họ chỉ chính thức trở thành hàng xóm vào năm 1913 khi Arsenal quyết định chuyển từ vùng Kent lên Bắc London, vốn là địa bàn của Tottenham và Leyton Orient.

“Pháo thủ” chọn Highbury xây dựng đại bản doanh, chỉ cách White Hart Lane của “Gà trống” vỏn vẹn 4 dặm. Trận đấu giữa hai đội trở thành “derby Bắc London” từ đây.

Cần phải nói thêm về quyết định chuyển sân của Arsenal. Năm 1910, đội bóng đã suýt chút nữa phá sản vì không đủ kinh phí hoạt động. Sir Henry Norris, khi đó đang là Chủ tịch Fulham, quyết định ra tay cứu giúp họ.

Sau một nỗ lực hợp nhất Fulham và Arsenal không thành, ông quyết định đưa Arsenal lên phía Bắc London và chọn Highbury làm sân nhà mới của CLB bất chấp sự phản đối của cư dân Woolwick vốn là nơi khai sinh của “Pháo thủ” và cả những người dân ở quanh Highbury.

Sir Henry Norris, người tạo ra mối thù giữa Arsenal và Tottenham.

Trong trận derby Bắc London đúng nghĩa đầu tiên diễn ra vào ngày 22/8/1914, Arsenal dù khi đó đang chơi ở giải hạng hai nhưng đánh bại Tottenham chơi ở hạng nhất tới 5-1. Họ tiếp tục đối đầu với nhau trong suốt thời gian Thế chiến thứ Nhất, ở giải đấu nội bộ của các đội bóng thành London.

Bước ngoặt lịch sử

Mối thù giữa hai đội được chính thức xác lập vào năm 1919. Đó là thời điểm Liên đoàn bóng đá Anh muốn mở rộng giải hạng Nhất từ 20 lên 22 đội sau 5 năm gián đoạn vì chiến tranh. Điều đó đồng nghĩa với việc hai đội xếp cuối bảng hạng Nhất mùa 1914/15 sẽ được giữ lại và hai đội đứng đầu của hạng Nhì sẽ được thăng hạng.

Tuy nhiên, Sir Henry Norris không chấp nhận phương án này. Arsenal của ông  chỉ đứng thứ 6 ở giải hạng Nhì mùa 1914/15 và hoàn toàn không có cơ hội lên chơi hạng Nhất nếu như chiểu theo đúng luật.

Ông vận động các đội bóng xếp trên ở giải hạng Nhì mùa đó cùng làm đơn yêu cầu phải có một cuộc bỏ phiếu để chọn ra những đội bóng xứng đáng được chơi ở giải hạng Nhất, bởi quãng nghỉ 5 năm là quá dài để đánh giá năng lực của các đội bóng.

Cụ thể, 8 đội bóng phải tham dự cuộc bỏ phiếu gồm Chelsea và Tottenham, hai đội xếp cuối hạng Nhất và 6 đội bóng đứng đầu giải hạng Nhì mùa 1914/15, đó là: Barnsley, Wolves, Nottingham Forrest, Birmingham, Hull và Arsenal.

41 đội bóng thành viên giải hạng Nhất và hạng Nhì sẽ chọn ra những cái tên xứng đáng cuối cùng được chơi ở giải đấu cấp cao nhất ở nước Anh.

John McKenna, Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Anh đồng thời là Chủ tịch Liverpool khi đó, đồng ý với đề xuất này. Cho đến nay vẫn tồn tại nghi án McKenna khi đó đã nhận được một khoản tiền không nhỏ từ Sir Henry Norris. Họ trên thực tế cũng là những người bạn thân ngoài đời.

Adebayor, cầu thủ từng ghi bàn vào lưới cả Arsenal và Tottenham trong các trận derby.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu lại có một sự cố xảy ra. Chelsea, đội bóng xếp thứ 19 giải hạng Nhất, tố cáo họ là nạn nhân của một trận đấu có dấu hiệu dàn xếp tỷ số giữa Liverpool và Manchester United – đội xếp thứ 18 mùa 1914/15.

Để dẹp yên chuyện, John McKenna “xin lỗi” Chelsea bằng cách đưa ra quyết định cho họ tiếp tục trụ lại ở giải hạng Nhất.

Như vậy, cuộc bỏ phiếu chỉ còn 7 đội với một mình Tottenham phải đối diện với 6 CLB từ giải hạng Nhì. Kẻ chiến thắng thì chỉ có một và nhờ tài “vận động hành lang” của Sir Henry Norris, Arsenal thắng lớn.

Họ giành được 18 phiếu, trong khi Tottenham chỉ có 8 phiếu (Barnsley 5 phiếu, Wolves 4 phiếu, Nottingham Forrest 3 phiếu, Birmingham 2 phiếu và Hull 1 phiếu). Tottenham cay đắng xuống hạng, trong khi Arsenal có được vé để tham gia giải hạng Nhất. Các CĐV của “Gà trống” vì thế đương nhiên căm tức gã hàng xóm quái chiêu.

Họ tố cáo Sir Henry Norris đã “đi đêm” với John McKenna và nhiều đội bóng khác để mua phiếu. Tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra. Mãi nhiều năm sau, Sir Henry Norris mới phải nhận lệnh cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn vì chi tiêu tài chính ám muội.

Derby Bắc London cũng có lúc êm đềm

Đó là giai đoạn 1928-1933 và 1935-1950 khi Tottenham chủ yếu chơi ở giải hạng Hai, còn Arsenal đá ở giải hạng Nhất. Việc không thường xuyên gặp gỡ khiến cho mối thù hận có phần nhạt bớt. Tottenham thậm chí còn hào phóng cho Arsenal chơi chung sân White Hart Lane sau Thế chiến thứ 2 khi sân Highbury được trưng dụng để làm nơi trú ẩn cho dân thường tránh bom và sau đó hư hại nặng vì chiến tranh.

Sự thù hận của hai đội bóng chỉ quay lại sau năm 1950. Kể từ đó tới nay chỉ có đúng một mùa (1977/78) là Arsenal và Tottenham không ở cùng hạng đấu. Thường xuyên đối đầu với nhau, trong đó có rất nhiều trận đấu quan trọng, mối thù năm xưa giống như đống lửa bốc lên từ đám tro chưa cháy hết.

Các CĐV hai đội còn ghét nhau đến mức lập ra những ngày riêng để ăn mừng chiến thắng trước đối thủ. CĐV Arsenal có ngày Toteringham Day, được tổ chức cuối mùa khi Tottenham không thể xếp trên Arsenal trong BXH. Trong khi đó, các CĐV Tottenham có ngày Thánh Hotspur được tổ chức ngày 14/4 hằng năm để kỷ niệm ngày “Gà trống” đánh bại “Pháo thủ” 3-1 ở bán kết Cúp FA năm 1991. Năm 2010, ngày Thánh Hotspur ghi nhận lượng CĐV Tottenham kỷ lục khi đúng ngày đó, đội bóng của họ thắng trận derby với tỷ số 2-1.

Tottenham chỉ mất một mùa để tự giành vé tham dự giải hạng Nhất. Trận derby Bắc London đầu tiên ở hạng đấu cao nhất nước Anh diễn ra vào ngày 15/1/1921 ở White Hart Lane, “Gà trống” có màn báo thù ngoạn mục khi đánh bại đối thủ 2-1.

Tuy nhiên, không khí trên các khán đài mới là điều đáng chú ý khi CĐV hai đội chỉ chực xông vào đánh nhau. Năm 1922, Arsenal và Tottenham đã bị cảnh cáo khi trận đấu của họ xảy ra xô xát lớn. Hai đội bóng chỉ thoát án phạt phải chơi trên sân không có khán giả trong gang tấc.

Sự thù địch bắt đầu từ ngày đó trở thành một thứ tự nhiên như hơi thở ở vùng Bắc London. CĐV của Arsenal thì không ưa Tottenham và ngược lại. Ngày thường, họ có thể là đồng nghiệp, bạn bè hay thậm chí anh em trong một gia đình, nhưng đến khi trận đấu derby diễn ra, hai bên chiến tuyến được phân định rõ ràng và những kẻ chiến thắng thường chế nhạo đối thủ tới vài năm sau.

Những cầu thủ chuyển nhượng từ Arsenal sang Tottenham hay ngược lại cũng phải làm quen với việc chịu đựng áp lực khủng khiếp trong trận derby. Họ bị gọi là Judas và thường xuyên phải nghe những tiếng huýt sáo, mạt sát từ CĐV đội bóng cũ. Sol Campbell trong chuyến trở lại White Hart Lane đầu tiên kể từ ngày chuyển tới Arsenal đã ví SVĐ của Tottenham là “địa ngục với những thứ khủng khiếp nhất”.

Một quá khứ đầy duyên nợ như vậy cũng tạo ra một thứ gia vị rất riêng khiến các trận derby Bắc London trở nên thu hút. Cuối tuần này, chúng ta sẽ được thưởng thức một bầu không khí đặc biệt như thế.

Một "Judas" nắm giữ kỷ lục

Cầu thủ đứng đầu danh sách ghi bàn trong các trận derby Bắc London trong kỷ nguyên Premier League đang là Adebayor, người khoác áo cả Arsenal (2006-2009) và Tottenham (2011-2015). Tiền đạo người Togo đã ghi tới 8 bàn trong các trận đấu giữa hai đội, với 6 bàn cho Arsenal và 2 bàn cho Tottenham.

Trước Adebayor, chỉ có duy nhất một cầu thủ từng lập công cho cả hai đội trong các trận derby Bắc London, đó là Jimmy Robertson (ông chơi cho Tottenham từ năm 1963-1968 và Arsenal từ 1968-1970).

Mối thù giữa hai CLB khiến cho rất ít cầu thủ chơi cho cả hai đội trong sự nghiệp. Tổng cộng trong lịch sử mới có 15 cầu thủ “dám” trở thành Judas, trong đó 7 người đá cho Arsenal trước khi khoác áo Tottenham và 8 người theo chiều ngược lại.

Cầu thủ gần đây nhất trực tiếp chuyển từ đội này sang đội kia là hậu vệ William Gallas năm 2010. Sau khi hết hạn hợp đồng với Arsenal, Gallas đã tới Tottenham theo lời mời của Harry Redknapp. Một chi tiết thú vị là hậu vệ người Pháp cũng trở thành người đầu tiên trong lịch sử ra sân chơi bóng cho 3 đội bóng kình địch ở London gồm Chelsea, Arsenal và Tottenham.

Đơn Ca
.
.
.