Việc xét tặng cứng nhắc làm giảm giá trị của giải thưởng

Thứ Tư, 08/03/2017, 07:33
Ngày 1-3, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xem xét lại quy trình xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.


Thủ tướng nói: “Không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có tác phẩm Văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”.

"Chúng tôi lao động không vì giải thưởng"

Gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh đã gửi thư ngỏ lên Thủ tướng về việc cố thi sĩ trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến, người đã sáng tác những bài ca kể câu chuyện hai bờ chiến tuyến, về lòng kính yêu Bác Hồ và gia đình cố NSND Đinh Ngọc Liên, người chỉ huy dàn nhạc kèn của đoàn Quân nhạc Việt Nam từ thời chống Pháp, ông cũng là một trong những người xây dựng đoàn Quân nhạc Việt Nam thành chính quy, là tác giả của cụm kèn hiệu vẫn dùng trong quân đội, nghi lễ cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi duyệt binh đều viết đơn gửi lên Thủ tướng về việc hai nhạc sĩ bị dừng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở cấp xét duyệt cuối cùng.

Còn nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, tôi hỏi vì sao ông không lên tiếng. Ông cười buồn: “Chúng tôi lao động không vì mục đích được vinh danh, được giải thưởng này nọ”.

Ở tuổi 72, sau 6 năm tai biến, ông đã vịn nghệ thuật mà đứng dậy. Nếu không có nghệ thuật chắc ông đã đi về cõi khác rồi. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành tượng đài ở Việt Nam, tượng của ông có mặt từ Nam chí Bắc, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Cách đây 2 năm, ông đã có tượng đài về Hoàng Sa giành giải Nhất của triển lãm Mỹ thuật Quân đội. Một người vốn lặng lẽ, ít tham gia vào những chuyện thế sự như ông cũng phải thốt lên rằng: “Hội Mỹ thuật đề cử tôi vì những đóng góp của tôi trong suốt chiều dài lịch sử. Thực tế có người nhiều giải thưởng nhưng sự nghiệp của họ lại rất mỏng. Trong khi các họa sĩ Lê Lam, họa sĩ Nguyễn Bích có những đóng góp rất lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam, nhưng hồi đó chiến tranh, vẽ phục vụ kháng chiến. Ai quan tâm đến giải thưởng”.

Tạ Quang Bạo nhiều năm tham gia trong Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật nên “chả lẽ đi tranh giải của lớp trẻ”. “Tôi chỉ là người yêu nước, suốt đời lao động vì nghệ thuật, nhà nước thấy tôi xứng đáng thì trao tặng. Tôi rất quý giải thưởng nhưng phải có sự công tâm. Làm thế nào mà những người cống hiến cả cuộc đời cho đất nước phải được ghi nhận, lúc đó, giải thưởng mới có ý nghĩa”, ông nói.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, lý do Hội Mỹ thuật chọn nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bởi những đóng góp không thể phủ nhận của ông cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Ông là trường hợp duy nhất thuộc thế hệ họa sĩ thời chống Mỹ được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông có nhiều giải thưởng nhưng một số tác phẩm đã được chọn để trao Giải thưởng Nhà nước.

Lần này, Hội Mỹ thuật chọn hai tác phẩm điêu khắc của ông: “Chiến thắng sông Lô” và “Chiến thắng Quế Sơn” sáng tác sau hòa bình. Đây là những tác phẩm được đánh giá cao bởi giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ. Ông là tác giả điêu khắc có những tượng đài lớn, có tác động to lớn đến sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước. Nhưng trên thực tế, chưa có ai đi chấm giải cho tượng đài. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào giải thưởng sẽ dẫn đến những sai lệch.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cũng rất bất bình khi lần này Hội Mỹ thuật đề xuất 8 trường hợp mà có 6 người trượt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Họ đều thuộc thế hệ chống Mỹ, sáng tác trong bưng biền, trong ngục tù, làm sao có giải thưởng?

Ông nói rõ: “Giải thưởng cho phép chọn các tác phẩm từ năm 1945 đến nay, tức là có một thời kỳ dài trong kháng chiến, chúng ta lấy mục đích phục vụ công chúng, phục vụ kháng chiến, chứ không thi thố, chấm giải.

Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ, NSƯT Hồ Thanh Hương.

Ông Bửu Chỉ sáng tác trong ngục tù thì lấy đâu ra giải thưởng? Hay như ông Nguyễn Bích vẽ cuốn “Sát thát” rất nổi tiếng, mở đầu truyện tranh Việt Nam. Rồi những tượng đài, truyện tranh chưa bao giờ chấm giải thưởng. Hội Mỹ thuật đến năm 1993 mới có hệ thống giải thưởng đều đặn cơ mà”.

Còn NSND Trần Bảng, ông cũng chọn cách im lặng. Đạo diễn Trần Lực nói: “Bố tôi không muốn viết đơn vì đi xin giải thưởng là không hay rồi. Thực tế, bao năm tháng ông làm việc, ở trong các Hội đồng, ông đều né tránh việc nhận giải cho tác phẩm của mình mà quan tâm đến thế hệ trẻ”.

Rõ ràng, những đóng góp của ông Bảng cho chèo hiện đại là không thể bàn cãi. NSƯT Thanh Ngoan nói: “Thầy Trần Bảng là một trong những người gạo cội của làng chèo, đến bây giờ dù đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn trăn trở, đau đáu với nghiệp chèo. Những nghiên cứu của ông về chèo vẫn là tư liệu quý giá.

Ông là một đạo diễn tài ba, một nhà nghiên cứu uyên bác, ở lĩnh vực nghiên cứu, NSND Xuân Huyền đã nói rằng, không kém gì những nhà nghiên cứu thế giới. Chúng tôi luôn coi sự nghiệp đạo diễn sân khấu và nghiệp chèo của ông là số 1 Việt Nam”.

Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết nhỏ này là PGS Ninh Viết Giao cũng là một trong 7 người không được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Trước khi làm hồ sơ công nhận ví dặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi đã nói với mọi người rằng, di sản quan trọng nhất là con người, vì vậy việc đầu tiên, họ phải đến thăm cụ Ninh Viết Giao. Đó là người trong chiến tranh đã có công sưu tầm nghiên cứu ví dặm.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta có chủ trương sưu tầm văn nghệ dân gian. Cụ Ninh Viết Giao là một trong những người tự nhận trách nhiệm này. Ông là người Thanh Hóa nhưng trở thành người sưu tầm văn hóa Nghệ Tĩnh hàng đầu. Những năm 1960, những tuyển tập, bài nghiên cứu của cụ trở thành lá cờ đầu trong việc sưu tầm ví dặm.

Những công trình đồ sộ gần cuối đời ông được in lại thành một bộ lớn, “Kho tàng vè xứ Nghệ”, khẳng định một cách chắc chắn đây là một trung tâm vè của cả nước, gồm 9 tập, mỗi tập 300-400 trang. Tôi cho rằng những gì cụ để lại qua công sưu tầm tuyển chọn đó đã đánh giá công lao của cụ. Bởi nếu không, chúng ta sẽ mất đi vốn liếng của một vùng văn hóa đặc biệt như xứ Nghệ. Sự công phu, dành  cả cuộc đời để làm một công việc ý nghĩa như cụ rất xứng đáng được tôn vinh”.

NSND Trần Bảng.

Nếu cứ căn cứ vào giải thưởng, chúng ta sẽ thiếu những tác phẩm có giá trị lâu dài

Họa sĩ Trần Khánh Chương khẳng định như vậy. Được biết, cho đến thời điểm này, các Hội có tác giả trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt này đều đã có công văn gửi lên Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét lại. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta cứ xét giải thưởng một cách cứng nhắc dần dần sẽ làm mất đi giá trị của chính giải thưởng.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng: “Quy chế xét tặng hiện nay có hai vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, đòi hỏi 90% đồng thuận trong Hội đồng xét giải thưởng là rất khó đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, vốn mỗi người có một cách nhìn, đánh giá khác nhau. Nhiều người chỉ được 89,3 vẫn bị trượt là điều rất vô lý. Tôi đề nghị nên trở lại tỷ lệ như cũ, 75%.

Có được sự đồng thuận như vậy đã là khó rồi. Thứ hai, mục giải thưởng cũng cần có nhưng chỉ nên đưa vào để thêm điểm cho tiêu chí tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của đời sống, văn học, nghệ thuật.

Bởi trên thực tế, có những tác phẩm có giá trị nhưng không có giải thưởng như tác phẩm khổ quá to, không bày được trong các cuộc triển lãm, hay các tượng đài. Dứt khoát không thể đòi hỏi một tác phẩm có giải thưởng trong thời kỳ chúng ta không tổ chức trao giải.

Trước đây đã có tác phẩm không có giải thưởng như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng nhưng chúng tôi đưa vào Giải thưởng Hồ Chí Minh và chúng tôi đã chọn đúng, đó là một tác phẩm vĩ đại. Hãy tin vào hội đồng chuyên môn”.

PGS Ninh Viết Giao.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng lên tiếng về tiêu chuẩn giải thưởng: “Chúng ta trao giải chỉ dựa trên giải thưởng thì nhiều người rất thiệt thòi. Chẳng hạn, NSND Trần Bảng có nhiều cuốn sách hay về chèo. Nhưng ngày trước ông làm lãnh đạo lại rất giữ ý, không bao giờ dự giải nên giờ thành ra lại chưa được vinh danh. Việc xét tặng theo giải là một quy trình cứng nhắc, bảo thủ”.

Được biết, hiện nay, Vụ Thi đua Khen thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xem xét lại hồ sơ của các tác giả trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt này, đồng thời sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến sửa đổi quy trình xét giải thưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Việt Hà
.
.
.