Viết lịch sử giữa trận cuồng phong

Thứ Hai, 22/06/2015, 11:00
Luis Enrique vừa bước một bước thần thánh trong sự nghiệp HLV, khi đưa Barca lên ngôi vô địch Champions League, đồng thời trở thành CLB đầu tiên có 2 lần đoạt 3 danh hiệu lớn trong 1 mùa giải. Luis Enrique thực ra là một thân phận khốn khổ, bị đẩy chìm trong cơn cuồng phong. Nhưng cũng chính số phận đã đưa ông trở thành người viết sử trong cơn bão tố.

1.Đúng 1 năm trước, khi Gerardo Martino phải ra đi không kèn không trống, Luis Enrique được chào đón như một đứa con xa cách lâu ngày trở về nhà. Hi vọng và niềm tin là tất cả những gì Luis Enrique nhận được trong ngày ra mắt Barcelona trên cương vị HLV trưởng. Thế nhưng, sự nồng nhiệt đó trôi qua cũng rất mau.

Chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày trở lại, Luis Enrique bỗng nhiên trở thành tâm điểm của mọi sự chỉ trích. Vị trí mà ông ngồi lung lay dữ dội. Cơn cuồng phong ập vào Barca như một hệ quả tất yếu của một quá trình suy sụp, và ở đó Luis Enrique vừa là tội đồ lại vừa là nạn nhân tội nghiệp.

Đó là thời điểm tháng 1, Barca đứng thứ 2 tại La Liga, lọt vào vòng knock-out Champions League, nhưng chính Barca ấy của Luis Enrique không còn giữ được sự oai phong, sự ngạo nghễ của một đội bóng bất khả xâm phạm. Dù vẫn còn đấy dàn sao thượng thặng, ấy vậy mà Barca đang trên đường rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Ở đó Enrique như một kẻ phải hứng chịu tất cả những gánh nặng mà Barca phải gánh.

Luis Enrique và đồng đội cũ Pep Guardiola.

Trên trang web của hội CĐV chính thức của Barca lúc ấy xuất hiện một bài viết nằm ở vị trí "đinh", với cái tít đầy tuyệt vọng: "Chúng tôi không tin vào Luis Enrique". Nó xuất hiện ngay sau trận thua bẽ bàng của Barca trước Real Sociedad, CLB chỉ được đánh giá ở tầm trung bình yếu của La Liga. Đi kèm với bài báo là điều tra mức độ uy tín của Enrique, và kết quả thật tồi tệ: có tới 80% CĐV cho rằng Enrique nên ra đi.

Đó thực sự là cú đấm chí mạng vào sự nhiệt huyết của Enrique, và giáng cả vào tham vọng của Barca. Cũng đúng vào thời điểm Barca thất bại trước Real Sociedad, Tạp chí AS đưa ra trang nhất bài viết về Barca, với dòng tít: "Khủng hoảng toàn diện". Đó là những thông tin và bằng chứng về sự sụp đổ của Barca, bất chấp họ vẫn có thành tích không hề tệ.

Lí do đơn giản bởi thượng tầng Barca đã rơi vào ngõ cụt. Giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta bị sa thải, rồi trợ lí của ông là cựu đội trưởng Carles Puyol cũng ra đi chỉ sau vài tháng nắm quyền. Bên cạnh đó là hàng loạt rắc rối trong phòng thay đồ, khi ngôi sao sáng nhất L.Messi bất ngờ tuyên bố mập mờ về tương lai, thậm chí có thông tin anh đang nhắm tới Chelsea. Neymar thì bỏ tập, tân binh Suarez chỉ là cái bóng… Tất cả những điều đó tạo ra một thứ hổ lốn ở sân Nou Camp.

Không chỉ có vậy, chính Chủ tịch Josep Maria Bartomeu cũng trở thành trung tâm của sự chỉ trích. Ông là người "miễn cưỡng" ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất, sau scandal tài chính của cựu Chủ tịch Sandro Rosell trong thương vụ mua Neymar. Scandal đó trở thành một vụ án và Sandro Rosell phải từ chức vào tháng 1/2014, khiến Barca chao đảo.

Sau một cuộc bỏ phiếu bất thường, Bartomeu, một doanh nhân và là kỹ sư, bất ngờ trở thành Chủ tịch thứ 40 của Barca với số phiếu thấp nhất từ trước tới nay (63%). Trong 1 năm điều hành, Bartomeu bị coi là không làm được gì cho Barca, thậm chí đưa CLB đi vào sự hỗn loạn. Thậm chí, cách đây 2 tháng còn có thông tin, cả ông Bartomeu lẫn cựu chủ tịch Rosell đều sẽ đối diện án tù vì vụ chuyển nhượng Neymar.

Luis Enrique trong màu áo Barca.

2.Như vậy là gần như toàn bộ thượng tầng, những điểm mấu chốt của CLB đều bị "tấn công". Đương nhiên Luis Enrique nằm ở vị trí trung tâm của cơn bão ấy. Người ta phân tích rằng Barca của Enrique yếu ớt, không lấy lại được bản sắc như thời Pep Guardiola. Và quan trọng nhất, Enrique là người được chính Andoni Zubizarreta đưa về. Khi ông này bị sa thải, vị trí của Enrique theo đó lung lay.

Tới đây, một động thái "chuyền bóng" được thực hiện. Quả bóng trách nhiệm được đẩy sang Enrique. Hàng loạt lí do để "hoạch tội" Enrique được đưa ra. Hình ảnh "đứa con trở về nhà" biến mất, thay vào đó, Enrique không phải "người nhà", không mang trong mình dòng máu Catalunya, cũng chẳng thấm phong cách La Masia truyền thống, dẫn đến một Barca mất bản sắc. Những câu chuyện về ông được lật tẩy.

Enrique sinh ra tại Gijon, thi đấu cho Gijon, rồi nổi danh ở Real Madrid trước khi đến với Barca. Rồi người ta nói Enrique thuộc về Real chứ không phải Barca, và ông là HLV thất bại, từ khi làm đội Barca B đến khi dẫn dắt AS Roma, Celta Vigo. Và quan trọng nhất, Enrique đã từng chịu thất bại trong… 3 cuộc chạy đua vào chiếc ghế HLV trưởng Barca.

Lần đầu tiên là năm 2008, sau khi loại Mourinho khỏi danh sách, Enrique là ứng cử viên sáng giá cùng Pep Guardiola. Cuối cùng Pep được chọn bởi ông là người sống cùng hơi thở La Masia. Lúc đó, Enrique chấp nhận thay thế Pep làm HLV đội Barca B. Lần thứ 2 là khi Pep từ chức. Enrique lại được nhắc đến, nhưng rồi ông lại thua Tito Villanova, trợ thủ đắc lực của Pep. Enrique ngậm ngùi đến dẫn dắt AS Roma. Và lần thứ 3 là lúc Enrique thua tiếp Gerardo Martino, một HLV ở Argentina. Trùng hợp không hề ngẫu nhiên lần thứ 2 là sau thất bại này Enrique phải đến làm HLV của Celta Vigo. Mãi tới lần thứ 4 này, khi chiếc ghế HLV Barca liên tục bị thay đổi, trở nên nóng hơn bao giờ hết, Enrique mới được chọn.

Tất cả những câu chuyện ở trên đều xoay quanh và đưa về một đáp số chung đầy nghiệt ngã: Luis Enrique. Ông đang là người phải hứng chịu những sóng gió ở Barca. Tại đó, mỗi lần Barca thua trận sẽ là một lần chân ghế của Luis Enrique thêm phần lỏng lẻo.

Và giữa lúc sóng gió nổi lên, như thể sắp cuốn phăng Enrique khỏi Nou Camp, thì đó là lúc khí phách của Barca và của chính Enrique được thể hiện. Khi còn là cầu thủ, Enrique được coi là một gã đàn ông cá tính, thậm chí có một chút "điên khùng". Ví dụ như việc Enrique học nghề HLV và học được phong cách huấn luyện nhờ việc… thường xuyên cãi cọ với HLV van Gaal (khi ông này dẫn dắt Barca với Enrique trong đội hình).

Khi chia sẻ về chuyện này với tờ AS, người ta mới nhớ lại rằng, Enrique đã từng có thời gian xích mích nặng nề với van Gaal, và tương truyền có truyện rằng, Enrique từng chống lệnh cấm điện thoại của HLV này, mang điện thoại vào sân tập và gọi điện ngay trước mặt ông thầy với những câu nói như để HLV người Hà Lan nghe thấy. Đại ý câu nói của Enrique là, đang có một gã cổ hủ, lạc hậu đứng ở đây và biến tôi thành kẻ mông muội. Dĩ nhiên ngay sau đó, Enrique bị đuổi khỏi sân tập và nhận án phạt. Tuy nhiên, Enrique cũng nói rằng, tất cả những va chạm với van Gaal đều mang lại cho ông những bài học để hoàn thiện khả năng huấn luyện về sau này.

Cùng với tính tình nóng nảy, quyết liệt, Enrique còn là người thẳng thắn. Ông luôn khẳng định rằng, nuối tiếc lớn nhất sự nghiệp của ông là không có cơ hội chơi bóng ở Anh. Thậm chí Enrique không giấu giếm mình là người hâm mộ bóng đá Anh, đặc biệt là CLB Liverpool. Sự thẳng thắn đó còn đến từ cách phản ứng tình huống.

Trong trận đấu tại World Cup 1994, Tây Ban Nha gặp Italia, Enrique đã nhận trọn cái cùi chỏ cực mạnh của Tassotti, khiến anh gãy răng cửa, mất máu rất nhiều. Nhưng Enrique đã không trả đũa mà để sau trận đấu mới lên tiếng chỉ trích dữ dội đồng nghiệp người Italia. Tuy nhiên, điều lạ là dù đối thủ có khiến Enrique trở thành "chàng móm", phải tốn khá nhiều tiền làm lại răng cửa, nhưng trong một dịp gặp gỡ sau đó vài năm, Enrque và Tassotti vui vẻ đi ăn tối. Enrique đã chấp nhận lời xin lỗi của Tassotti và họ trở thành bạn thân.

Chức vô địch Champions League vừa qua làm thay đổi vị thế của Enrique.

3.Những tính cách đó tạo nên sự quyết liệt, cá tính và đặc biệt ở Enrique đã góp phần tạo nên tính cách cho Barca khi ông dẫn dắt CLB này. Đó là chặng đường Barca vươn mình thoát khỏi khủng hoảng hồi tháng 1, từ đó chinh phục từng danh hiệu và đỉnh cao là Champions League, hạ Juventus 3-1 trong trận cuối cùng.

Những tranh cãi trong nội bộ Barca tạo thành động lực, thậm chí là bài học để Enrique thay đổi đội bóng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Niềm tin với cầu thủ giúp ông biến Suarez từ một "gã điên" trở thành một "con mèo ngoan ngoãn", đóng góp vào thành công của Barca, làm hoàn thiện bộ ba Neymar-Messi-Suarez. Và cũng từ sự vị tha, Enrique "thuần hóa" Messi đang có dấu hiệu nổi loạn, muốn ra đi, trở lại với vai trò đầu tàu. Thậm chí, Enrique còn đưa Messi đến vai trò khác: một người chấp nhận hi sinh vì đội, vì mục đích chung. Đó là điều mà đến Pep Guardiola ngày xưa cũng không làm được.

Chức vô địch Champions League mà Enrique mang về cho Barca mới đây là một chiến tích đáng nể, một chiến tích không chỉ dành cho Barca, mà còn là bước ngoặt lớn cho sự nghiệp của Enrique, kẻ mà trước đây 6 tháng vẫn còn bị coi là HLV chuyên thất bại. Thất bại từ đội Barca B đến Celta Vigo và cả AS Roma.

Liều như Enrique

Hơn ai hết, Enrique hiểu, thông cảm và từng chia sẻ rất nhiều với Luis Figo, người nhận rất nhiều lời đe dọa tính mạng, sự kì thị, phỉ nhổ của CĐV Real Madrid, khi ông chuyển từ CLB này đến khoác áo Barca. Thế nhưng, chính Enrique lại hành động cực kì ngạo mạn. Khi chuyển sang thi đấu cho Barca từ Real Madrid, Luis Enrique đã ghi bàn vào lưới đội bóng cũ ngay trên sân Santiago Bernabeu. Sau đó, ông còn "hiên ngang" ăn mừng, thoát khỏi đồng đội để chạy vòng quanh khán đài, nơi CĐV Real Madrid đang đứng. Hình ảnh chụp màn ăn mừng đó của Enrique được lưu giữ ở phòng truyền thống của Barca.

Enrique chia sẻ: "Bàn thắng đáng nhớ nhất của tôi là bàn thứ hai giúp Barca thắng Real 3-2 ở mùa giải 1997-1998", Enrique khẳng định. "Các đồng đội chạy tới tôi, nhưng tôi thì ăn mừng, chạy lướt qua trước các khán đài. Các CĐV Real ném đủ thứ về phía tôi. Nhưng đó là khoảnh khắc sung sướng tột bậc".

Lê Giang
.
.
.