Vòng chung kết U23 châu Á: Phát kiến vĩ đại của AFC

Thứ Sáu, 17/01/2020, 16:11
Vòng chung kết U23 châu Á đang ngày càng trở thành một giải đấu quan trọng đối với các thành viên của AFC.


Ngoài ý nghĩa là một sân chơi cho các cầu thủ trẻ tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế, giải U23 châu Á còn mang lại những lợi ích đáng kể về nhiều mặt cho các đội bóng tham dự. Tính cạnh tranh và sức hấp dẫn tăng lên đồng nghĩa với việc các liên đoàn thành viên AFC sẽ mạnh mẽ đầu tư nguồn lực cho giải đấu này trong tương lai.

Bóng đá trẻ là nền tảng

Đầu thập niên này, Ủy ban thi đấu AFC đứng trước nhiệm vụ nghiên cứu mô hình tổ chức một giải đấu trẻ tầm cỡ châu lục theo format định kỳ, với mục tiêu thay cho vòng loại Olympic. Những lãnh đạo AFC phải đối mặt với 2 bài toán chính: Thứ nhất, về chuyên môn: làm thế nào để giải đấu thật sự hấp dẫn; thứ 2, về kinh tế: thu hút các nhà tài trợ ra sao.

Các giải trẻ luôn gặp phải những vấn đề muôn thuở đó, dù chúng ta vẫn thừa nhận với nhau rằng xem các cầu thủ trẻ đá nhiều khi còn thích hơn các trận của đội tuyển quốc gia, vì họ đều khát khao thể hiện mình và ít có những toan tính nặng nề về chiến thuật. Sự máu lửa, phóng khoáng, ngây thơ và… bất ổn luôn là những yếu tố không thiếu ở các giải trẻ.

Song làm thế nào để kéo các cổ động viên đến sân, để các nhà tài trợ rót tiền vào các giải trẻ lại là một câu chuyện khác. Rõ ràng tên tuổi của một cầu thủ U23 khó có thể so sánh với độ hấp dẫn của một tuyển thủ quốc gia lừng danh, thứ lôi kéo sự chú ý của các cổ động viên và nhà tài trợ tốt nhất.

U23 châu Á 2016 – giải đấu đầu tiên quyết định tấm vé dự Olympic.

AFC dưới thời của Chủ tịch Zhao Jilong đã nghiên cứu rất kỹ các format để tối ưu được các vấn đề còn hạn chế. Tháng 7/2011, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban thi đấu AFC nhiệm kỳ 2011-2015 diễn ra tại Kuala Lumpur đã đưa ra ý tưởng tổ chức giải U22 châu Á vào năm 2013 và theo chu kỳ 2 năm/lần. Ý tưởng này nhanh chóng được lãnh đạo AFC phê duyệt và ấn định vòng loại giải đấu được tổ chức trong năm 2012.

Nhưng đến đầu năm 2012, thời gian tổ chức giải đấu đầu tiên được thay đổi. Do trùng với thời gian thi đấu Cúp Đông Á 2013, giải U22 châu Á được chuyển sang đầu năm 2014. Cụ thể, nó diễn ra từ ngày 11/1 – 26/1/2014 tại Oman. Thay đổi “miễn cưỡng” này đã giúp cho Chủ tịch AFC Salman bin Ibrahim Al Khalifa (người tiếp quản vị trí của cựu Chủ tịch Zhao Jilong) đưa ra thêm một ý tưởng mới, đó là biến vòng chung kết U22 châu Á trở thành vòng loại Olympic khu vực châu Á thay cho thể thức cũ trong các năm Thế vận hội được tổ chức.

Ý tưởng mới này được áp dụng ngay ở giải đấu thứ 2 năm 2016 được tổ chức tại Qatar. Vòng chung kết U22 châu Á được đổi tên thành vòng chung kết U23 châu Á và 3 đội xếp đầu của giải đấu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iraq trở thành 3 đội bóng đầu tiên có vé dự Olympic (Năm 2016 được tổ chức ở Rio de Janeiro, Brazil) thông qua giải đấu này. Trên thực tế đây là mô hình không mới với các liên đoàn bóng đá châu lục khác. Châu Âu chọn đại diện dự Olympic qua giải U21, còn Nam Mỹ thông qua giải vô địch trẻ các quốc gia (U20).

Đây là thay đổi mang tính bước ngoặt, bởi tấm vé dự Olympic đã đẩy tính cạnh tranh của giải đấu lên rất cao, đặc biệt trong các năm mà Olympic diễn ra. Giải đấu năm nay tại Thái Lan là một ví dụ khi 3 đội đứng đầu sẽ có tấm vé đến Olympic Tokyo 2020. “Phần thưởng” này làm các liên đoàn mạnh trong khu vực phải cử đi lực lượng đủ mạnh để cạnh tranh cho mục tiêu Thế vận hội. Dĩ nhiên, chất lượng của các trận đấu cũng vì thế được tăng lên.

Các liên đoàn thành viên cũng có một mốc thời gian cụ thể để hoạch định chiến lược cho bóng đá trẻ, tính toán điểm rơi phong độ và lựa chọn nhân sự phù hợp. Rõ ràng, những thay đổi về thể thức thi đấu đã giúp cho U23 châu Á trở thành một giải đấu có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều một giải trẻ bình thường.

Thu hút nguồn tiền khổng lồ

Bài toán về chất lượng đã được giải đáp, nhưng về mặt kinh tế, U23 châu Á vẫn cần một sự kiện đặc biệt để thu hút nguồn tài trợ lớn.

Việc tổ chức vào tháng 1 các năm chẵn mang đến một lợi thế không nhỏ cho vòng chung kết U23 châu Á. Đó là thời điểm các nhà tài trợ chưa kết thúc giải ngân năm cũ và bắt đầu kế hoạch giải ngân năm mới. Ngoài ra, đó cũng là thời điểm “nhạy cảm” để đưa ra những thay đổi về chiến lược kinh doanh. U23 châu Á là một giải đấu phù hợp về tầm quy mô để các nhà tài trợ đầu tư trong giai đoạn ấy.

Sức hút của U23 châu Á đôi khi phụ thuộc vào thành tích của một đội bóng dự giải. Thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018 là một ví dụ. Vòng chung kết U23 châu Á 2018 ghi nhận mức cao lịch sử về tỷ suất người xem truyền hình và sự tham gia của các phương tiện truyền thông xã hội tại Việt Nam khi thầy trò Park Hang-seo tiếp đón Uzbekistan trong trận chung kết vào ngày 27-1-2018. Trận đấu được phát sóng trực tiếp trên ba kênh lớn tại Việt Nam là HTV 9 của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cũng như VTV 2 và VTV 6 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo dữ liệu do CSM Media Research và KantarMedia Vietnam công bố, hơn 5,3 triệu người, gần một nửa số người có thể tiếp cận truyền hình tại Việt Nam là khoảng 11,4 triệu người, đã xem trận chung kết, biến vòng chung kết U23 trở thành một trong những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất ở Việt Nam những năm gần đây. Trận chung kết đạt được tỷ lệ rating lến đến 77%, hiệu suất đáng kinh ngạc tại Việt Nam, có nghĩa là ba trong số bốn người Việt xem truyền hình chiều hôm 27-1 đó đã xem trận đấu.

U23 Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng truyền thông chưa từng có tại Thường Châu 2018.

Ngoài truyền hình, hiệu ứng U23 châu Á cũng lan truyền mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội. Trang Facebook chính thức của AFC đã kiếm được gần 1,5 triệu lượt viewer tại Việt Nam; và tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên, trang đã có 165.079 người theo dõi từ Việt Nam, trở thành nhóm người hâm mộ lớn thứ hai trên kênh.

Xuyên suốt giải đấu tại Thường Châu, trang Facebook của AFC đã đạt được con số ấn tượng với hơn 11 triệu, khoảng gần 17 triệu lượt xem video tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là người hâm mộ Việt Nam đã dùng tới 150.000 giờ đã xem các video. Trên kênh YouTube của AFC, hiệu ứng cũng không kém, với hơn bốn triệu người hâm mộ Việt Nam có thời lượng xem gần 6,5 triệu phút.

Những thông số đó là quá đủ hấp dẫn cho bất cứ một nhà tài trợ nào muốn quảng cáo nhãn hàng của mình ở U23 châu Á. Tất nhiên những con số này chỉ để tham khảo bởi không phải giải đấu nào cũng có một câu chuyện thần kỳ như U23 Việt Nam và cũng không phải quốc gia nào cũng có đội ngũ cổ động viên hâm mộ cuồng nhiệt như Việt Nam. 

Giá quảng cáo tăng mạnh

Theo bảng báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình (TVAd), đơn giá quảng cáo cao nhất trong các trận đấu của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á 2020 là 500 triệu đồng cho khung thời gian 30 giây và thấp nhất là 250 triệu đồng cho 10 giây. Nếu chọn thời lượng quảng cáo 15 và 20 giây, nhãn hàng phải bỏ ra 300 và 375 triệu đồng. Chương trình bình luận các trận đấu của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2020 cũng có giá quảng cáo rất cao với mức 450 triệu đồng cho thời lượng 30 giây và 225 triệu cho 10 giây.

Mức giá 500 triệu đồng cao gấp 2,5 lần so với con số 200 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo cho các trận đấu ở vòng bảng SEA Games 30 của U22 Việt Nam. Với các trận đấu vòng bảng còn lại không có U23 Việt Nam tham dự, giá quảng cáo thấp hơn nhiều với mức cao nhất chỉ 30 triệu đồng cho thời gian 30 giây.

Rõ ràng hiệu ứng từ thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu cách đây 2 năm đã làm cho mức độ quan tâm của người hâm mộ tới giải đấu này tăng lên đáng kể. Và mức giá quảng cáo tăng tỷ lệ thuận với những mức độ quan tâm này. Đây cũng là chi tiết cho thấy vòng chung kết U23 châu Á đang đem lại những hiệu ứng kinh tế lớn cho quốc gia có đội bóng tham dự.

Mặt khác, các liên đoàn thành viên của AFC cũng cho thấy sự đầu tư đáng kể cho giải đấu năm nay. Sau chiến thắng 5-0 trước U23 Bahrain, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyos Pumpanmuang đã hứa thưởng cho U23 Thái Lan số tiền 10 triệu bath (tương đương gần 8 tỷ đồng). Người đứng đầu FAT cũng tuyên bố sẽ trao phần thưởng với số tiền 2 triệu bath (khoảng hơn 1,5 tỷ đồng) cho mỗi cầu thủ lập công trong trận đấu này là Suphanat Mueanta, Jaroensak Wonggorn và Supachok Sarachat. Giống như U23 Việt Nam cách đây 2 năm, U23 Thái Lan sẽ ngập trong cơn mưa tiền thưởng nếu như hoàn thành chỉ tiêu lọt vào trong nhóm các đội có tấm vé dự Olympic Tokyo 2020.

Đơn Ca
.
.
.