Vũ Tiến Thành, bí ẩn và thăng trầm

Thứ Năm, 23/07/2020, 18:56
Sau đúng 15 năm, Vũ Tiến Thành trở lại với bóng đá đỉnh cao và lập tức biến Sài Gòn FC thành ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch. Nhưng thực ra, ông Thành là một trong những cây đa cây đề của bóng đá Việt Nam. Trước đại án Ngân hàng Đông Á dàn xếp tỷ số, ông Thành là HLV có bằng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, từng đến Brazil tu nghiệp.


Từ những năm 1990, ông là trợ lý ngôn ngữ cho những đời HLV ngoại đầu tiên của Việt Nam. Là người có quan hệ rất tốt với nhiều lãnh đạo của các ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính, 15 năm qua ẩn dật, ông Thành đã làm gì?

1.Những ngày cuối tháng 12-2019, bóng đá Việt Nam chứng kiến một cuộc chuyển giao thú vị khi Sài Gòn FC chính thức được chuyển giao cho hai doanh nghiệp lớn và không còn liên quan gì đến bầu Hiển. Không chỉ thế, dư luận còn không khỏi bất ngờ khi những ông chủ mới của Sài Gòn FC đã quyết định trao ghế Chủ tịch CLB cho ông Vũ Tiến Thành, cái tên từng nổi danh một thời nhưng đã "ở ẩn" trong gần 15 năm qua.

Ông Vũ Tiến Thành khẳng định sẽ ngồi ghế HLV trưởng Sài Gòn FC đến hết mùa này.

Sự bất ngờ còn chưa dừng lại ở đó, HLV Hoàng Văn Phúc từ chức ít lâu sau đó và người thay ông Phúc ngồi "ghế nóng" lại chính là ông Thành. Không chỉ bóng đá Việt Nam mà thế giới cũng hiếm thấy trường hợp như thế này xảy ra. Thế nhưng những bất ngờ vẫn còn tiếp diễn.

V.League 2020 trải qua 10 vòng đấu, Sài Gòn FC đứng đầu bảng xếp hạng với thành tích bất bại (22 điểm, thắng 6, hòa 4, thủng lưới 3 bàn - ít nhất giải). Dưới bàn tay của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành, Sài Gòn FC trở thành một đội bóng thi đấu đầy chặt chẽ và hiệu quả.

Không có ngôi sao nổi bật nào trong đội hình, nhưng cả đương kim vô địch Hà Nội và á quân TP Hồ Chí Minh đều phải ôm hận trước đội bóng này. Dư luận bắt đầu quan tâm nhiều đến ông Thành. Có nơi còn so sánh ông với Mourinho vì xuất phát điểm khá giống nhau. Rút cuộc, ông Vũ Tiến Thành giỏi đến đâu?

Nói Vũ Tiến Thành và Mourinho có xuất phát điểm giống nhau là bởi trước khi xây dựng được cho mình sự nghiệp huấn luyện, cả hai đều bắt đầu từ vị trí trợ lý ngôn ngữ (phiên dịch) cho các HLV. Tốt nghiệp Đại học TDTT Trung ương II năm 1987 (23 tuổi), Vũ Tiến Thành bộc lộ khả năng huấn luyện ở Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP Hồ Chí Minh.

Sau đó nhờ chuyên môn tốt và ngoại ngữ giỏi, ông nhiều lần được cử đi học ở nước ngoài, khi là một trong ba người đầu tiên ở Việt Nam sang học HLV tại Brazil vào năm 1993, sau đó có được tấm bằng A HLV khi tu nghiệp lớp do FIFA mở tại Đức năm 1996. Việc có nhiều bằng cấp chuyên môn quốc tế và khả năng ngoại ngữ tốt giúp ông Thành được VFF mời ra làm trợ lý ngôn ngữ cho HLV trưởng ĐTQG khi Việt Nam bắt đầu thuê thầy ngoại từ năm 1995.

Trải qua 9 năm (1995-2003), Vũ Tiến Thành đã đồng hành cùng 5 ông thầy ngoại, gồm Weigang, Murphy, Riedl, Dido, Calisto rồi lại đến Riedl trong vai trò trợ lý HLV. Chính nhờ những năm tháng trực tiếp làm việc cùng những HLV nước ngoài này đã giúp ông Thành học hỏi được nhiều kinh nghiệm cả về chuyên môn lẫn quản lý cầu thủ.

Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành đang giúp Sài Gòn FC thăng hoa.

Bản tính tích cực học hỏi, trau dồi cũng giúp ông trở thành một trong số ít HLV người Việt ở thập niên 90 có thể sử dụng máy vi tính trong việc huấn luyện (dùng phần mềm để tăng tính sinh động, trực quan cho các bài diễn thuyết). Ngoài ra, khả năng phân tích, bình luận và viết lách tốt cũng khiến ông được nhiều tờ báo thể thao mời làm cộng tác viên mỗi khi cùng tuyển Việt Nam đi tập huấn nước ngoài.

Ở trong nước, Vũ Tiến Thành từng là HLV trưởng đội Bưu điện (1999-2001) và các đội tuyển trẻ TP.Hồ Chí Minh thời gian sau đó. Đến tháng 6-2004, ông được mời về đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành CLB Ngân hàng Đông Á. Thế nhưng đại án mua chuộc trọng tài vào năm 2005 khiến đội bóng này giải thể, còn ông Thành nhận bản án 15 tháng tù treo. Ai cũng tưởng sự nghiệp bóng đá của Vũ Tiến Thành sẽ sụp đổ hoàn toàn sau cú vấp này, nhưng ông lại không nghĩ vậy.

2.Sau khi được phục hồi quyền công dân, ông Thành sang Mỹ để học lớp thạc sỹ chuyên ngành quản lý thể thao nhà nghề trong vòng 2 năm rưỡi và tốt nghiệp vào đầu năm 2010. Trong quãng thời gian đó, ông vẫn điều hành việc kinh doanh công ty nhựa của gia đình hoặc làm thuê cho Hiệp hội Kinh doanh sản phẩm nhựa Atlanta (Mỹ). Việc kinh doanh mang lại thành quả, nhưng Vũ Tiến Thành biết rằng đam mê với bóng đá của ông chưa bao giờ tắt.

Giữa năm 2009, ông cùng bạn bè thành lập Công ty cổ phần Thể thao Sài Gòn Gia Định, với thương vụ đầu tiên là đứng ra làm cầu nối để mời CLB Caxias (Brazil) tới dự Cúp bóng đá Truyền hình Bình Dương vào năm đó.

Đây cũng là giải đấu đưa ông Thành bước chân vào nghề môi giới cầu thủ cho các CLB ở V.League. Tuy nhiên nhận thấy sự phức tạp của nghề này, đặc biệt sau khi từng vướng vào tố tụng, Vũ Tiến Thành quyết định rút chân ra vì không muốn gặp thêm rắc rồi vì làm sai luật.

Quãng thời gian sau đó, ngoài dự án phát triển bóng đá trẻ, ông Thành gần như "quy ẩn giang hồ" và chủ yếu xuất hiện trên sóng truyền hình với tư cách chuyên gia bóng đá tham gia bình luận các trận đấu. Khả năng phân tích và góc nhìn chuyên môn sắc bén của một người lành nghề giúp Vũ Tiến Thành trở thành cái tên nhận được sự tin tưởng từ các đài truyền hình.

Ông Vũ Tiến Thành ngày còn làm trợ lý cho HLV Calisto.

Và có lẽ đó cũng là quãng thời gian ông tạm nghỉ để chờ thời. Trên thực tế, khi quyết định nhận lời ban lãnh đạo Sài Gòn FC, vị trí ban đầu ông Thành được đề xuất là Giám đốc kỹ thuật. Tuy nhiên sau khi biết Vũ Tiến Thành là đã có bằng Pro của nhà quản lý cao nhất, đội bóng đã giao cho ông vị trí Chủ tịch Sài Gòn FC.

Dĩ nhiên vào thời điểm hiện tại, dư luận sẽ nhớ đến ông Thành nhiều hơn nhờ thành tích trên băng ghế huấn luyện. Sài Gòn FC đang thực sự làm được những điều quá đỗi ấn tượng, tạo ra một luồng gió mới giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho V.League. Nên nhớ ông Thành đang cùng lúc kiêm nhiệm hai vị trí quan trọng nhất của một đội bóng, với rất nhiều đầu việc phải làm, từ xây dựng chiến lược, chuẩn bị kế hoạch lâu dài cho CLB, đến việc phải tính toán chuyên môn, chuẩn bị các phương án chiến thuật, nhân sự cho từng trận đấu.

Sau chiến thắng trước Nam Định ở vòng 10, ông Vũ Tiến Thành cho biết sẽ tiếp tục ngồi ghế HLV đến cuối mùa. Đó cũng là điều ông hướng đến, bởi Sài Gòn FC trong định hướng của Vũ Tiến Thành từ ngày nhậm chức phải là một đội bóng chơi tấn công, cống hiến để phục vụ kéo khán giả TP Hồ Chí Minh trở lại ngày một đông hơn.

Mối quan hệ giữa ông Vũ Tiến Thành với các HLV ngoại

Trong nhiều đời HLV ngoại từng dẫn dắt tuyển Việt Nam, Alfred Riedl là người duy nhất từng được nhìn thấy xuất hiện ở tòa án. Đó là thời điểm ông Vũ Tiến Thành vướng vào vụ án CLB Ngân hàng Đông Á mua chuộc trọng tài vào năm 2005. Khi ông Thành bị đưa ra xét xử, HLV Riedl đã đến tận tòa động viên người trợ lý cũ của mình.

Trên thực tế, nếu không có sự cố nghiệt ngã này, Vũ Tiến Thành sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên có được bằng giảng viên bóng đá của AFC và FIFA. Ông trước đó đã dẫn đầu trong bốn lớp học giảng viên và chỉ cần hoàn thành luận văn tốt nghiệp là được cấp bằng vào cuối năm 2005.

Một thầy ngoại khác cũng có mối quan hệ thân tình với ông Vũ Tiến Thành đó là HLV Calisto. Thời điểm được Nhà nước Bồ Đào Nha trao tặng huân chương dành cho những người phát triển hình ảnh đất nước ra nước ngoài, HLV Calisto đã xin lùi ngày nhận vinh dự này. Lý do là bởi HLV giúp Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup muốn chờ người bạn, người trợ lý cũ Vũ Tiến Thành xin được visa đi Bồ Đào Nha để sang dự buổi lễ.

Tuy nhiên trong quá khứ ông Thành cũng có vài lần vướng vào một số nghi án dẫn đến điều tiếng không hay khi làm trợ lý ở các đội tuyển quốc gia. Có thể kể đến việc trước SEA Games 21, trong vụ việc HLV Dido thẳng tay loại bộ đôi cầu thủ SLNA là Văn Quyến và Ánh Cường khỏi U23 Việt Nam, trợ lý ngôn ngữ Vũ Tiến Thành bị nghi ngờ đã phiên dịch sai.

Sau đó khi HLV Calisto "ngã ngựa" trong cuộc đua cho chiếc ghế HLV trưởng U23 Việt Nam tại SEA Games 22, ông Thành chính là người phiên dịch khi VFF thương thảo với HLV người Bồ Đào Nha và cũng bị nghi ngờ dịch có vấn đề. Tuy nhiên tất cả cuối cùng chỉ dừng lại ở nghi án mà thôi.

Đơn Ca
.
.
.