Một cái nhìn khác về "virus FIFA":

Vũ khí bị lãng quên

Thứ Sáu, 10/02/2017, 09:55
Từ lâu, “virus FIFA” được xem như vấn nạn của làng túc cầu bởi cứ sau mỗi đợt tập trung tuyển, một lượng không nhỏ cầu thủ phải nghỉ thi đấu vì ảnh hưởng của chấn thương.

Cuộc chiến giữa các CLB và ĐTQG nổ ra, HLV ở những giải đấu hàng đầu châu Âu đổ lỗi cho quan chức cấp cao về lịch thi đấu bất hợp lý. Nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề. “Virus FIFA”, kỳ thực lại mang tới lợi ích cho tất cả những bên liên quan.

CAN 2017, giải vô địch các quốc gia châu Phi vừa mới kết thúc cách đây ít ngày là một cơn đau đầu dễ bắt gặp. Giải diễn ra vào tháng đầu tiên của năm, trùng với khoảng thời gian vô cùng khốc liệt của bóng đá thế giới, nhất là ở trận địa Premier League – nơi chặng tourmalet khốc liệt diễn ra ở mật độ 3 trận/10 ngày.

“Virus FIFA” là mặt trái của những đợt tập trung ĐTQG nhưng không phải lúc nào hiệu ứng của nó cũng là tiêu cực.

Tính ra, 13 CLB ở giải Ngoại hạng mùa này phải “nhả” 23 tuyển thủ về CAN 2017. Thiệt hại thì vô kể. Dễ dàng kể ra Crystal Palace rơi tự do vì mất Zaha, Liverpool trong 1 tuần bị loại khỏi Cúp liên đoàn và FA Cup vì thiếu Sane, Arsenal vỡ vụn trước Chelsea do vắng Elneny vào đúng thời điểm các tiền vệ trung tâm Xhaka, Cazorla và Ramsey đồng loạt nghỉ chấn thương.

Các HLV ở Anh đồng loạt lên tiếng. CAN hay bất kể giải đấu tính điểm nào thuộc hệ thống FIFA luôn là nỗi ám ảnh với giới huấn luyện cấp CLB. Vì họ được trả lương để yêu cầu học trò phục vụ đội bóng chủ quản chứ khoản thu nhập ấy không có “nghĩa vụ” chi trả cho các kỳ “nghỉ phép” ở ĐTQG.

Cá biệt có West Ham chi gấp 18 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vì mất hai tuyển thủ, trong hoàn cảnh ngôi sao Dimitri Payet đã quay về khoác áo Marseille.

Xét cho cùng, các CLB sợ tập trung đội tuyển bởi những ngày xa trại huấn luyện và các trận đấu mang tính chất màu cờ sắc áo thường dẫn tới chấn thương không mong muốn. Nhưng có thật là những lần lên tuyển ảnh hưởng xấu tới kết quả của các CLB? Hay nói cách, virus fifa có đáng sợ như người ta vẫn nghĩ không?

Từ Ancelotti tới Klopp

Tháng 3/2014, HLV Carlo Ancelotti tỏ ra bức xúc bởi trong đợt triệu tập ĐTQG phục vụ cho các trận giao hữu và vòng loại Euro 2016, Real mất tới 17 cầu thủ, thống kê cao nhất của một đội bóng ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Carletto cho rằng quá nhiều trận đấu cấp đội tuyển diễn ra trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tham vọng của các CLB, đặc biệt trong bối cảnh Real đang hụt hơi ở La Liga.

Theo Klopp - thiếu vắng Sadio Mane do tiền vệ này phải tham dự CAN 2017 khiến kết quả của Liverpool bị ảnh hưởng

Theo chiến lược gia người Italia, chỉ cần 2 cầu thủ thuộc biên chế Real trở về với chấn thương, toàn bộ kế hoạch của Los Blancos sẽ đổ bể.  Tất nhiên, đó là phản ứng thông thường của giới huấn luyện. Ám ảnh “virus FIFA” đã đi theo họ cả sự nghiệp.

Luka Modric đứt gân kheo khi trở về ĐT Croatia ngay trong chuỗi 22 trận thắng liên tiếp của Real, đánh dấu chu kỳ đi xuống của “Kền kền” trước khi Ancelotti buộc phải rời nhiệm sở.  Nhưng nó vẫn đáng bàn bởi các HLV như Ancelotti đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Chấn thương và thành tích.

Nói theo lý thuyết, cầu thủ chấn thương thì cầu thủ là người khổ nhất, rồi mới đến đội bóng. Người đầu bếp giỏi phải biết cách khai thác những nguyên liệu sẵn có trong tủ lạnh để chế biến thành món ăn thượng hạng.

Thế mới có chuyện, mùa 2012/13 ở Premier League, trong đợt triệu tập ĐTQG hồi tháng 3, Reading mất ít người nhất (6) nhưng cuối mùa vẫn chịu cảnh xuống hạng. Ngược lại, Fulham lập kỷ lục với 19 cầu thủ phải trở về làm nghĩa vụ quốc gia lại thoát hiểm thần kỳ và cán đích ở giữa BXH.

Chi tiết ấy chỉ ra: “Virus FIFA” có tràn qua cũng  không ảnh hưởng nhiều tới kết quả của các CLB bởi chỉ cần một HLV tài ba, mọi thứ sẽ được giải quyết ổn thoả. Vấn đề nằm ở Ancelotti, bởi cách đây 2 năm, Bayern (mất 12 người), Chelsea (mất 12 người) hay chính đối thủ đương thời Barca (mất 13 người) không hề bị ảnh hưởng bởi cơn bão “virus FIFA”.

Ở một diễn biến tương tự, Juergen Klopp đổ thừa cho CAN 2017 vì cướp đi Sadio Mane. Nhưng trong 2 tuần vắng tiền vệ phải người Senegal, Liverpool đã luôn chọn giải pháp “tự khóa chân”. Họ luôn để thủng lưới vào những phút cuối cùng (4 bàn) trong khi tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình lên tới 61,2%.

Đó đã là lạc quan lắm rồi bởi nếu giả như trung vệ Matip không từ chối lên tuyển (Cameroon) vì bất đồng với liên đoàn, Liverpool sẽ trôi về đâu? Thực ra, có Matip hay không có Matip thì chuyện cũng sẽ như vậy. Bởi ngay cả khi trung vệ tốt nhất của Liverpool mùa này ở lại, nụ cười đâu hề xuất hiện trên khuôn mặt Klopp?

"Mỏ vàng" của CLB

Chỉ trong một thập kỷ, lượng tiền ném vào TTCN ở châu Âu tăng hơn 10 lần. Có những phiên chợ mà khách hàng không thèm mặc cả những món đồ trị giá vài chục triệu bảng. Những ngờ vực nảy sinh: Tiền ở đâu mà nhiều thế?

Vẫn biết khai thác giá trị thương mại là hướng đi hiệu quả của làng túc cầu những năm gần đây nhưng nhiều người quên mất một chi tiết: Một phần không nhỏ số tiền phục vụ cho công tác chuyển nhượng đến từ gói đền bù FIFA hỗ trợ các CLB chịu ảnh hưởng của cơn bão chấn thương từ đợt tập trung tuyển.

Premier League là giải đấu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ CAN 2017.

Theo chế tài được Ủy ban sức khoẻ FIFA thông qua, một ca chấn thương kéo dài trên 28 ngày kể từ ngày trả về CLB chủ quan (tính riêng ở châu Âu) được hưởng trợ cấp 27,000 euro/ngày. Dưới 28 ngày, con số đó là 15,000 euro/tuần.

Tức là, chỉ cần 4 ngày ngồi ngoài dưỡng thương, một cá thể sẽ đem về tối thiểu 60,000 bảng – đủ để trả lương hàng tuần cho một cầu thủ hạng B ở Arsenal hoặc Liverpool. Hàng năm, số tiền tối đa các CLB thu về theo cách này là 8,7 triệu euro – ngang bằng thu nhập của Arsene Wenger.

Tại EURO 2016, FIFA phải bồi thường gần 80 triệu euro cho các CLB có cầu thủ dự ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Gộp cả số tiền rải rác kể từ khi vòng loại khởi tranh, con số đó lên tới 200 triệu euro. Tính riêng tại CAN 2017, FIFA đã phải đền bù cho các CLB số tiền là 38 triệu euro.

Hồi phục trí lực

“Virus FIFA” là khái niệm thiếu tính toàn diện. Một mặt, nó ám chỉ nguy cơ tiềm ẩn nghỉ thi đấu dài hạn. Mặt khác, nó lại chưa cho biết có hay không ý nguyện tham dự loạt trận quốc tế từ phía cá nhân từng cầu thủ bất chấp chấn thương? Câu trả lời là “Có”. Trên tờ AS, Gareth Bale thừa nhận mong mỏi được trở về phục vụ ĐT xứ Wales, nơi Bale là đầu tàu và có thể dễ dàng tìm lại cảm giác bóng, vốn bị đánh mất trong thời gian gần đây.

Modric, đồng đội của Bale ở Real chung quan điểm. Cách đây 2 năm, Modric dính chấn thương dây chằng và chỉ có vỏn vẹn 2 lần ra sân trong suốt 128 ngày. Khả năng chuyền dài hay kiểm soát khoảng không chưa được phục hồi và Modric cần thi đấu nhiều hơn. Do đó, những trận đấu cùng ĐTQG Croatia là vô cùng quan trọng.

Marcelo lại là trường hợp khác. Đánh mất vị trí ở ĐT Brazil sau trận bán kết World Cup 2014 thảm hoạ, hơn bao giờ hết, Marcelo hiểu rằng anh phải cố gắng rất nhiều để đòi lại vị trí.

Ở trận giao hữu giữa Pháp và Brazil sau đó 7 tháng, dù chỉ được ra sân ở những phút bù giờ cuối cùng nhưng hậu vệ này không giấu nổi sự vui mừng.  “Ơn Chúa, ông ấy (Dunga) vẫn tin tôi”, Marcelo trả lời tờ OGlobo.

Mohamed Elneny cũng vô cùng hồ hởi sau khi kết thúc chiến dịch CAN 2017 cùng ĐT Ai Cập. Dù chỉ về nhì nhưng ở giải đấu năm nay, Elneny là đầu tàu và là người ghi bàn mở tỷ số trong trận chung kết gặp Cameroon.

Chia sẻ trên tờ Telegraph, Elneny hy vọng màn trình diễn ở CAN 2017 sẽ giúp anh chiếm được cảm tình của giáo sư Wenger và chiếm suất đá chính trong đội hình của Arsenal.

Tầm quan trọng của"virus FIFA"

Dưới góc độ khoa học, báo cáo của Viện Nghiên cứu Haverford, Hoa Kỳ chỉ ra với những cầu thủ không ra sân từ 3 tháng trở lên, những trận giao hữu quốc tế có thể rút ngắn tới 7 tuần khả năng hồi phục nhanh chóng của họ. Lý do được đưa ra là ở giải VĐQG, trận nào cũng là trận chung kết và chẳng ai dám ưu tiên người mới trở lại. Trong khi đó, các trận giao hữu không đặt nặng kết quả nên người vừa khỏi chấn thương có cơ hội được ra sân.

Dữ liệu của tạp chí World Soccer cho biết, kể từ năm 2005, 1,8 tỷ euro được chuyển vào tài khoản các CLB ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu sau mỗi đợt triệu tập ĐTQG. Dự báo từ hệ thống phân tích SPI của đài ESPN cho biết, cứ qua từng thập kỷ ở thế kỷ 21, con số đó sẽ tăng thêm tối thiểu 1,5 lần, và tối đa là 3 lần nếu World Cup hay Euro được tổ chức trong điều kiện khí hậu khắc nghiêt.

Tóm lại, các CLB ở khía cạnh nào đó “được nhiều hơn mất” từ virus FIFA. Tuần tới, UEFA Champions League và Europa League sẽ trở lại. Có cả thảy 26 CLB chịu ảnh hưởng từ CAN 2017 và khi ấy, NHM sẽ biết được những ngôi sao của lục địa đen sẽ thể hiện ra sao sau những ngày quay về phục vụ sứ mệnh tổ quốc.

Đơn Ca
.
.
.